Chủ nhật, 19/05/2024

Hương sắc Đồng Văn

Thứ sáu, 04/06/2021

Ghi chép của  ĐỖ VĂN CHUYẾN

Khao khát từ lâu lắm rồi, đến tuổi sáu mươi tôi mới được cùng đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình lên thăm Hà Giang. Chuyến đi khởi hành vào buổi sáng, khi mùa xuân còn đọng trên những cánh hoa đào. Hoa đào cao nguyên tươi rói, màu đỏ đậm đà ít nơi có được. Trên đường đi, trong tôi luôn ngân vang lời bài hát về Hà Giang mà tôi được biết từ khi cắp sách đến trường: “Rừng lại rừng bát ngát, núi, đồi núi trập trùng …”.

Lên nương                        Ảnh: Đồng Tiệp Khắc

Tuy nhiên, khi đến Đồng Văn tôi cảm thấy những cánh rừng “bát ngát” chỉ có trong xa xưa. Rừng già nơi đây hiện còn rất ít. Đúng ra Hà Giang chỉ hiện hữu cái trập trùng của núi đá. Đường lên Hà Giang bây giờ theo nhiều người đã đến thì rộng hơn, bằng phẳng và thuận lợi hơn trước, tuy nhiên cái vút cao, khúc khuỷu vẫn làm nhiều người rợn tóc gáy. Đến cao nguyên Đồng Văn chúng tôi mới cảm nhận hết được cái vẻ hùng vĩ, uy nghiêm của cao nguyên đá. Nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam. Vượt qua những chặng đường khúc khuỷu, những đoạn cua tay áo, sương mù còn bảng lảng, có nơi đặc quánh, cách nhau 20 mét đã khó nhận ra đường. Dù vậy, chúng tôi vẫn ngắm được những luống cải trổ hoa vàng rực trên những vạt nương rẫy xen giữa những dãy đá lộ đầu. Rải rác bản làng người Mông, với những căn nhà đơn sơ, được quây chắn bằng những hàng rào đá. Trước cửa là những cây đào hoa hồng, cây mơ hoa trắng điểm tô cho sắc xuân hoang sơ của núi rừng.

Cao nguyên đá Đồng Văn sừng sững, trập trùng trên độ cao khoảng 1.000m so với mặt biển. Huyện lỵ Đồng Văn cách thành phố Hà Giang 146km. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1°C, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24°C. Ở đây người dân có câu: “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” và “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”.

Trước khi đến huyện lỵ Đồng Văn, chúng tôi ghé thăm Nhà Vương thuộc xã Sà Phìn. Đầu thế kỷ XX, Vương Chính Đức được phong làm Bang Tá đã xây dựng khu nhà của mình thành một dinh cơ phú cường và độc đáo để ở và làm việc. Dinh được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. Quy mô của dinh không lớn nhưng đây là một công trình kiến trúc đẹp hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này. Vòng thành ngoài là một bức tường dày khoảng 40cm, cao khoảng 3m có tác dụng vừa làm dinh thự vừa làm pháo đài phòng thủ. Dinh thự mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ “vương” (chữ Hán cổ), tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa. Đây là một điển hình về sự giao thoa nghệ thuật kiến trúc của người Mông và người Hán ở khu vực biên giới Việt – Trung. Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương từng được ví như một hạt ngọc xanh giữa lòng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngôi nhà chính là nơi ở của “Vua” họ Vương, ở đó hiện vẫn còn bức hoành phi với bốn chữ “Biên chinh khả phong” được vua Nguyễn ban cho. Sau ngày đất nước giành chính quyền. Năm 1945, với tinh thần đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước, người con của dòng họ là Vương Chí Sình đã tin theo Đảng, theo Cách mạng, được tín nhiệm là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoá I và II.

Chúng tôi đến phố cổ Đồng Văn vào ngày thứ bảy. Phố cổ bao gồm khu chợ và những ngôi nhà của đồng bào thuộc hai thôn Quyết Tiến và Đồng Tâm ở ngoại vi. Dãy núi bao bọc thị trấn Đồng Văn được xếp loại di sản Cổ sinh đá vôi Trùng Thoi. Theo tài liệu của Ban quản lý Công viên đá cao nguyên Đồng Văn thì, đây là loại đá trầm tích sinh vật, thành phần chủ yếu là vỏ vôi của Trùng Thoi sau khi chết lắng đọng lại mà thành. Trùng Thoi xuất hiện trong các đại dương cổ vào khoảng 345 triệu năm trước. Do cấu trúc hạt mịn và cấu tạo dạng đốm (dấu vết của hóa thạch Trùng Thoi) nên đá vôi Trùng Thoi có thể dùng làm đá điêu khắc, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị nghệ thuật cao. Các tài liệu ghi chép lại cho biết “đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với ý đồ của chính quyền đô hộ xây dựng Đồng Văn trở thành một trung tâm giao thương trên vùng cao, Phố cổ được hình thành và xây dựng. Từ đó đến nay nơi đây vẫn giữ vai trò là một trung tâm buôn bán sầm uất trong khu vực cao nguyên đá Đồng Văn. Nhìn về tổng thể, khu Phố cổ Đồng Văn là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của cư dân vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Những ngôi nhà cổ chủ yếu là của đồng bào người Mông. Nhà có một cửa chính, hai cửa sổ. Các ngôi nhà cổ với kiến trúc kiểu nhà phòng thủ: trình tường, mái lợp ngói máng truyền thống của địa phương tạo cho toàn bộ khu phố cổ Đồng Văn có nét đẹp riêng. Đến nay, nhiều nhà cổ Đồng Văn tuy mới chỉ ngót khoảng trăm tuổi, song nét rêu phong và sự phong lưu một thời của những dãy nhà cổ còn lưu lại gợi cho ta cảm giác về một góc Phố cổ Đồng Văn xưa. Cũng như các vùng miền đa dân tộc khác, Phố cổ Đồng Văn là khu vực đa sắc màu văn hóa. Người Tày chiếm đa số trong cộng đồng dân cư và có đời sống văn hóa nổi trội so với các dân tộc có số ít dân hơn. Tuy nhiên, mỗi dân tộc nơi đây vẫn bảo lưu được những nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc trưng của dân tộc mình. Di tích kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn được xếp hạng quốc gia ngày 16/11/2009. Tuy nhiên, đến nay do nhịp điệu cuộc sống thị trường, sự giao lưu văn hóa, xen kẽ những ngôi nhà cổ có những căn nhà xây dựng kiểu dáng mới của cư dân miền xuôi làm cho cảnh quan đã bớt đi vẻ độc đáo của một khu phố cổ.

Ấn tượng đậm nhất của chúng tôi là phiên chợ chủ nhật, chợ huyện Đồng Văn. Người ta nói rằng Đồng Văn nổi tiếng về trái ngon quả ngọt: đào, mận, , táo, hồng...; về dược liệu: tam thất, thục địa, hồi, quế...; Đồng Văn còn nổi riếng về phong cảnh như núi non, hang động, những rừng hoa đủ sắc màu... Ngay chiều thứ bảy đã có một vài cặp vợ chồng người dân tộc ở bản xa đến nghỉ tại chợ để kịp họp chợ phiên ngày chủ nhật. Đình chợ gồm hai dãy nhà cổ tới trăm tuổi, lợp ngói máng, tường và ngói đã rêu phong màu cổ kính. Buổi sáng chủ nhật, khoảng 7 giờ 30 không khí chợ đã ồn ào, người bán người mua. Trong chợ, các mặt hàng công nghệ phẩm đều chung những nét của hầu hết các chợ trong cả nước. Nét độc đáo ở đây là đồng bào bán các mặt hàng đặc sản, tự sản, tự tiêu của cư dân vùng cao. Nào là rau xanh, rượu ngô, thuốc lào, thuốc Nam chữa bệnh, hòm dương đựng vật dụng trong nhà… Chợ được phân chia các khu khá hợp lý. Ngay tại cổng chợ bán các loại rau xanh gồm bắp cải, su hào, cải làn, cải canh, sà lách, gia vị, rau thơm các loại… Quan sát kỹ, hình như đồng bào ở đây ưa thích gia vị là củ nghệ. Các bà, các chị bán rau xanh cũng có mấy khóm nghệ. Nơi bán gia vị cũng có bột nghệ. Trong quán bún, phở cũng xuất hiện lọ bột nghệ trên bàn. Khi ăn bát bún chân giò, tôi thấy có hương vị của nghệ. Trong đình chợ, nơi bán thổ cẩm, nơi bán dụng cụ sản xuất như lưỡi cày, cuốc, dao. Có một khu các bà, các chị bán giá đỗ được đựng trong các bao tải xác rắn. Loại giá đỗ này không như ở dưới xuôi. Giá ngâm bằng đậu Hà Lan, không có mầm, mà chỉ có rễ mọc dài chừng 4-5cm. Lấy mầm giá nấu canh ăn rất mát ruột. Ngay chiều hôm trước chúng tôi đã được thưởng thức món canh này, ai cũng thích. Trong một góc sân chợ có khu dành riêng cho đồng bào bán quẩy tấu, có nơi gọi là chiếc gùi. Dụng cụ này rất cần cho đồng bào khi đi chợ, lúc lên nương… Một thanh niên bán quẩy tấu cho biết mỗi người một ngày đan được 2 cái, nếu bán được mỗi cái giá 150.000 đồng. Ra ngoài phía Đông, quầy hàng gạo các chị đứng thành dãy, mỗi người có khoảng 1-2 bao gạo nương đủ loại. Gương mặt người nào cũng tươi cười, không gợn chút ưu tư. Đặc biệt không có cảnh níu kéo, giành khách như ở các điểm du lịch và các chợ miền xuôi ta thường thấy. Hình như các chị đi chợ là để giao lưu, là để trút hết những âu lo sau những ngày lam lũ. Đến các đường phố chợ phía Tây thì không khí náo nhiệt hẳn bởi tiếng tiếng chó sủa, lợn kêu... Nơi đây mang đặc điểm riêng có của chợ huyện Đồng Văn. Những con lợn, con chó không bị trói, hoặc nhốt trong lồng, trong cũi mà buộc vào các sợi dây, chủ nhà cầm đầu dây kéo đi. Có một con bò được dắt đi bởi một cặp vợ chồng, anh chồng có gương mặt trẻ hơn người vợ. Khi tôi ngắm máy muốn chụp ảnh, hình như anh ta có chút e thẹn, nên lảng xa con bò. Đến gần 10 giờ trưa, các ngả vẫn từng cặp, từng tốp với trang phục đẹp đủ loại sắc màu kéo về chợ huyện.

Chừng 11 giờ trưa, công việc mua bán đã tạm ổn, trong túi người nào cũng rủng rỉnh tiền. Thế là thanh niên rủ nhau vào mua máy điện thoại di động, các gia đình vào quán ăn uống. Đình chợ mịt mù khói, ngạt ngào hương vị thức ăn đủ loại. Trong các quầy ăn uống, các gia đình dù mua phở, bún, cơm quán, nhiều gia đình vẫn mang theo mèn mén, hoặc gói xôi nếp nương thật to ăn đệm cho chắc dạ. Cũng không khí ồn ào, nhưng lúc này là cái ồn ào của tiếng cười, nói có vẻ ấm cúng, sôi động hơn. Xế chiều, chợ tan dần. Các cặp vợ chồng rủ nhau ra đại lý mua nồi, xoong, ấm điện, can nhựa, các loại vật dụng gia đình. Có cặp vợ chồng đèo nhau bằng xe máy ra quầy điện tử mua chiếc ti vi thật to. Trên gương mặt họ nở nụ cười mãn nguyện.

Buổi chiều chủ nhật, đoàn lên thăm điểm cực bắc của Việt Nam tại xã Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Đồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Đứng dưới chân cột cờ nhìn xuống quanh vùng, nương rẫy của đồng bào nở rộ sắc vàng của hoa cải, màu xanh của rau quả. Nhìn những khoanh ruộng bậc thang, những luống rau cải đơm hoa vàng, hoa trắng, ta nhận ra rằng, đồng bào vùng cao không chỉ là những “chiến sỹ” bảo vệ biên cương mà còn là những nghệ sỹ điểm tô gấm hoa nơi địa đầu Tổ quốc.

Rời Đồng Văn đến Mèo Vạc, đoàn đi qua đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng). Theo các tài liệu giới thiệu thì Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đực đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng VănMèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20km đã trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam hay “Kim Tự Tháp” của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo. Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Hai ngày trên đất Hà Giang, dù đường xá đã thông thương, phương tiện đã hiện đại mà nhiều người trong chúng tôi đã cảm thấy rất mệt. Sau khi vượt qua những chặng đường gập ghềnh, khúc khuỷu, nhìn những dốc đèo hiểm trở chúng tôi mới thấy hết được tầm vóc của dân tộc. Ông cha ta từ ngàn xưa, đời nối đời thu vén và dựng xây, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn lá cờ Tổ quốc thắm tươi tung bay trên nền trời xanh, chúng tôi tự hào, biết ơn các chiến sỹ đang cầm chắc tay súng bảo vệ biên giới, càng biết ơn đồng bào các dân tộc Đồng Văn, Hà Giang. Họ đã vượt qua biết bao khó khăn để mưu sinh, nhưng cao cả hơn là họ chính là tai mắt, là chiến sỹ không quân hàm, quân hiệu góp phần to lớn vào sự nghiệp giữ gìn những di sản của ông cha. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, nhân dân nơi đây đang từng ngày, từng giờ dựng xây cuộc sống mới, làm giàu đẹp cho Đồng Văn, nơi địa đầu xa xôi, tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn khách bốn phương.

                                        

   Đ.V.C

(Nguồn TC VNNB 251-5/2021)         

 

Bài viết khác