Chủ nhật, 19/05/2024

Khoảnh khắc đời người

Thứ năm, 09/01/2020

Ghi chép của cựu chiến binh ĐỖ VĂN CHUYẾN

Vậy là đã 44 năm, chúng tôi rời xa cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng dân tộc. Sau cái năm 1975 lịch sử ấy, ai cũng muốn tìm cho mình một vị trí, một cuộc sống, một nghề để tồn tại. Nhưng mỗi khi đến dịp 30 tháng 4, trong lòng mỗi cựu chiến binh lại xốn xang những cảm xúc khó tả.

Năm 2019, tôi được mời dự Gặp mặt truyền thống của các cựu “Chiến sỹ áo trắng”, viện K50 thuộc Cục Hậu cần miền đông Nam bộ. Nguyện vọng duy nhất của tôi là được gặp lại ân nhân. Theo chân bác Thản, tôi hồi hộp bước vào tiền sảnh khách sạn, gặp Ban Tổ chức.

Đồng chí cán bộ trong Ban Liên lạc hỏi tôi: “Đồng chí ở Ban nào?”

- Tôi là lính Công trường 7, được các anh cứu sống. Nay nghe tin các anh gặp mặt tôi xin đến chung vui, xin cảm ơn các anh, các chị. Tôi trả lời.

- Vậy đồng chí điều trị ở Ban nào?

- Tôi không nhớ ban hay khoa nào. Chỉ nhớ có cô Bê làm y tá luôn túc trực theo dõi huyết áp, nhiệt độ và tiêm cho tôi trong suốt những ngày nguy kịch.

- Kia, ông Dũng, chồng của cô Bê đấy. Một người đứng cạnh, chỉ cho tôi.

- Tôi chạy đến hỏi thăm, nói qua về nguyện vọng của tôi trong cuộc tham dự.

Ông Dũng cười và nói: “Cô ấy đang ngồi chỗ bộ phận đón tiếp, ngoài tiền sảnh ấy.”

Tôi kéo ông Thản, người của bệnh viện đi cùng ra ngoài đó.

- Xin lỗi, chị là chị Bê phải không ạ?

- Đúng rồi - Bê trả lời. Vẫn cô Bê năm xưa, nụ cười hiền, nét mặt dễ mến, giọng nói dịu ngọt của cô gái miền đông Nam bộ. Chỉ có điều, cô Bê năm nay đã đeo kính, khuôn mặt đã ít nhiều nếp nhăn, tóc đã điểm bạc.

Tôi bắt tay chị, nói về kỷ niệm: Năm 1972 ở chiến trường, tôi bị thương trong một trận xuống Tân Phú Trung để giành dân, giữ đất.

Ký ức Quảng Trị 1972 - Tác giả: ĐINH ĐỨC HƯNG 

Ngày 26/10/1972, để tạo thế cho việc ký kết Hiệp định Paris, Tiểu đoàn 8 hành quân đi về tiền phương. Rời chốt Đức Vinh, từ rừng cao su Xa Cam, Bình Long, dọc lộ đất đỏ, vượt cầu số 5 chúng tôi đi qua ấp Minh Hoà, đi về Dầu Tiếng, xuống Thanh An vượt sông Sài Gòn sang bến Đình về An Phú đào hầm trú tạm dưới mấy cụm tầm vông. Khắp vùng đất thép Củ Chi, bạt ngàn cỏ Mỹ. Người Mỹ đã tận dụng triệt để phát minh khoa học vào chiến tranh. Trên mảnh đất Củ Chi, chúng giội bom cày xới, đốt hết cây, sau đó rải hạt cỏ xuống trước khi những cơn mưa theo mùa bắt đầu. Giống cỏ này đều gốc, chỉ cần người đi qua nó sẽ ngã rạp xuống. Từ máy bay dễ dàng phát hiện, dõi theo dấu vết mà oanh tạc. Để chống lại âm mưu đó, du kích Củ Chi trồng sắn, khoai lang, chuối, tầm vông quanh các hố bom. Các loại cây này nhanh nẩy mầm, có sức sống khoẻ, tái sinh nhanh, làm cột tựa để cỏ Mỹ không bị ngã. Các loại cây này lại là thực phẩm cho du kích và bộ đội duy trì sức chiến đấu. Đêm buông xuống, chúng tôi được lệnh đi lấy gạo.

Thế ra giữa vùng bom đạn huỷ diệt vẫn có kho gạo của cách mạng. Tôi nghĩ và tò mò.

Chúng tôi lặng lẽ đi theo người du kích địa phương. Khoảng một giờ sau, đến một khu trống trải, trước mắt là những luống khoai lang, tầm mắt được mở rộng. Chúng tôi còn đang phóng tầm mắt ra xa, đồng chí du kích đã chỉ: các anh ra lấy gạo đi. Vừa nói, tay người du kích vừa chỉ mấy luống khoai. Té ra dưới các luống khoai là các bao xác rắn. Gạo được đổ vào túi ni lông buộc kỹ, bên ngoài bọc bao xác rắn, đắp đất lên rồi trồng khoai lang. Nước không thể ngấm vào trong, địch không thể phát hiện. Đây là một sự sáng tạo của chiến tranh Nhân dân Việt Nam.

Mỗi người một bồng gạo đầy, chúng tôi vào thăm cứ của du kích Củ Chi. Dưới những lùm cây lúp xúp, du kích vẫn sinh hoạt, đủ cơm ăn, trà lá vui vẻ. Được các anh hướng dẫn, chúng tôi xuống phòng họp, chui xuống tầng tiếp theo là hầm trú ẩn. Nếu địch phát hiện thì chui tiếp xuống tầng 3, đi theo địa đạo thoát ra sông Sài Gòn. Khó tưởng tượng nổi sức mạnh và sự thông minh, dũng cảm của nhân dân và du kích Củ Chi trong cuộc đối đầu với giặc Mỹ.

Hôm sau chúng tôi hành quân xuống xã An Nhơn, vẫn trong huyện Củ Chi, nằm cạnh sông Sài Gòn. Nơi đây là vùng giáp ranh, cây rừng rậm rạp hơn. Cây cao su bị bom còn sót mọc thành chòm, đua nhau vươn lên giành ánh sáng. Nơi nào cũng có biển “Khu tử địa”. Nghe nói, chỉ tiêu cho mỗi cán bộ, chiến sỹ một năm phải gài vài trăm trái mìn để đánh giặc. Ai gài ở đâu thì vẽ sơ đồ và nhớ nằm lòng để dẫn đường khi bộ đội về. Vào khu này nếu không có du kích dẫn đường thì dễ ăn mìn là cái chắc. Có đồng chí du kích đã lợi dụng luôn quả pháo 155 ly địch bắn bị thối, lắp vào đó kíp mìn chống tăng. Khi xe giặc trườn lên, quả mìn nổ có thể hất tung xe giặc. Tại An Nhơn nuôi nấu cho mỗi người 3 nắm cơm, chờ trời tối lên đường.

Trong đêm chúng tôi đi theo con đường mòn ven sông Sài Gòn, không gian mờ ảo, mịt mùng sông nước. Bìm bịp khắc khoải gọi nhau, đêm tối mênh mang. Đại đội 7 và đồng chí Chính trị viên Trưởng Tiểu đoàn Nông Thanh Long đi phối thuộc với Tiểu đoàn 9 đánh Phú Hoà Đông. Tiểu đoàn 8 còn lại C6, C8 bộ binh và C10 trợ chiến. Đội hình vượt qua Phú Hoà Đông, dừng chân tại căn cứ ông Sáu Già, một ông già chừng 50-60 tuổi, mảnh dẻ, nhưng nhanh nhẹn. Đứng ở đây nhìn được mắt thường đến tận Đồng Dù, nghe máy bay lên xuống gào thét cả ngày. Chúng tôi tản về những hố cá nhân trú ẩn dưới khóm rừng lúp xúp. Ông Sáu Già luôn cầm chiếc ống nhòm to như chiếc mõm trâu nhìn vào Đồng Dù. Ông nói ngắn gọn: Đến đây, ai ở đâu ngồi đó. Một ngày ăn 3 vắt cơm, uống nước cầm chừng trong bi đông. Nếu có động, đợi người dẫn đường, đi tuần tự, không ai được đi ngang đi tắt sẽ bị vướng mìn. Xuống địa đạo, mọi người phải nắm tay nhau đi đúng đường. Nếu bị lạc dưới lòng đất thì sẽ rất khó tìm.

Một ngày ngồi dưới nắng ăn cơm nắm, nghe ngóng tình hình cũng qua đi. Màn đêm buông xuống, chúng tôi rồng rắn băng đồng, lội qua kênh, vượt lộ 8, xuống Tân Phú Trung.

Bộ đội cởi hết quần dài, chỉ mặc quần đùi lội nước cho tiện.

Lòng kênh chằng chịt cỏ môi, chúng cứa vào đùi rát như phải bỏng. Chân lội bùn nghe tiếng xèo xèo của bọt nước. Trên đồng, lúa và sen mọc xen kẽ, tốt bời bời. Mùi thum thủm của bùn xông lên. Đỉa bắt hơi người bám vào chân, vào cạp quần, vào bụng mà cắn. Cùng với đỉa, muỗi khắp nơi vo vo xúm vào tấn công bộ đội tứ phía. Mỗi người đi đều cầm một cành cây khoả, nhưng vẫn bị muỗi đốt vào tai, vào cổ, nổi cục, ngứa rất khó chịu.

Đến lộ 8, chúng tôi phải chờ địa phương bám đường, sau đó trải áo mưa lên mặt lộ để bộ đội vượt qua. Ai nấy phải ngậm tăm, nín thở vọt qua đường theo phương pháp nhảy cóc, đề phòng bất ngờ có trực thăng soi đèn tuần tra. Chúng tôi đột nhập vào ấp lúc khoảng 4-5 giờ sáng.

Việc đầu tiên, chúng tôi đào công sự, bố trí đội hình chiến đấu. Đại đội cử Tổ B41 đi diệt ác ôn, chỉ điểm. Có lẽ đã bị lộ, nên khi tổ diệt ác đến nơi chúng đã chuồn ra ngoài và chủ động tấn công lại. Anh Nhu xạ thủ chính B41 hi sinh ngay loạt đạn đầu. Thân Đức Khiêm và Hoàng Công Chất kịp thoát ra, chạy trở lại đơn vị. Khiêm bị thương ở má, máu chảy rơi vào tay tôi âm ấm.

Một ngày mới bắt đầu, ngày 27/10/1972, nhân dân chạy hết ra đồng tản cư. Gặp chúng tôi, bà con nói lại: “Chúng tôi tránh bom đạn, chứ nhân dân vẫn hướng về Cách mạng.”

Địch bắt đầu cho máy bay quần đảo, đổ quân vây khắp nơi. Tôi đi bộ quan sát, nắm tình hình biến động xung quanh. Địch tăng viện Sư đoàn 18, lực lượng bảo an, dân vệ cùng xe tăng, xe bọc thép từ Sài Gòn kéo lên bao vây Tân Phú Trung. Một lực lượng địch đột nhập vào mũi chốt của chúng tôi. Chúng dùng đại liên bắn xối xả, len lỏi theo các căn nhà để tiếp cận chúng tôi. Chúng tôi đang sẵn sàng chờ chúng đến. Bỗng có chiếc trực thăng HU1A bay chầm chậm trên đầu, tiếng cánh quạt kêu phành phạch. Nhìn lên tôi thấy rõ cả giặc lái. Tôi giương ngay khẩu AK nhằm buồng lái điểm xạ: “pằng pằng”. Chiếc trực thăng lảo đảo, ngoặt ngay ra phía cánh đồng. Tôi nghe đánh rầm và khói đen toả khắp một vùng, bay theo chiều gió. Cậu Bình, người Nghệ An reo to: “Máy bay cháy rồi!”

Ngày sau đó, C8 được lệnh cụm về gần C6 và Tiểu đoàn bộ cùng C10 để hỗ trợ cho nhau. Gạo mang theo đã cạn. Đạn đã sử dụng một ít. Lo nhất là máy vô tuyến K63 bị trục trặc, không liên lạc được với Trung đoàn.

Đêm tối đang gác, tôi nghe tiếng gà giãy đành đạch, kêu quác quác, tôi vận động đến quan sát, thì ra mấy chú lợn đói quá bắt gà ăn, nhai nghe rau ráu.

Tôi và Hải, người Thái Bình chung một hầm. Khoảng 3 giờ chiều trời đổ mưa, giặc lợi dụng đột nhập. Đầu tiên chúng bắn xối xả, sau đó từng tên một vọt qua hàng rào, băng vào khu vực chúng tôi đang chờ sẵn. Tôi rê súng theo một tên đang đeo ba lô to kềnh. Khi hắn vào vừa tầm bắn, tôi bóp cò, chỉ một phát, hắn nằm bất động. Một quả lựu đạn từ bên kia hàng rào ném tới gần cửa hầm chúng tôi, nổ chát chúa. Đất cát bắn vào hầm, bụi mù mịt. Tôi liền lấy một trái ném ra phía trước để ngăn cản sự đột nhập. Khi khói lựu đạn tan, tôi nhìn không thấy tên nào xuất hiện nữa. Và C10 đã bắn chi viện 4-5 quả cối 82 vào khu vực có địch.

Ngày 30/10/1972, Mỹ đã bội ước, không ký Hiệp định Pa-ri, đơn vị được lệnh rút quân. Đêm tối mịt. Đội hình chúng tôi theo hàng dọc hành quân. Dẫn đường là một du kích địa phương. Anh Đệ, Đại đội Phó, Toán liên lạc và tôi được phân công bám sát người du kích. Trời bỗng đổ mưa rào, cơn mưa cuối mùa xối xả. Mặc, đoàn quân vẫn đi. Khi đơn vị qua khu nghĩa địa, ra cánh đồng lạc. Tôi nhìn trời hít một hơi dài không khí vào lồng ngực, mắt luôn căng ra quan sát. Bỗng trời có chớp, dưới ánh chớp sáng lòa, tôi nhận thấy phía trước có mấy đống lù lù, óng ánh nước sơn. Tôi nghi ngờ xe tăng, dừng bước. Rồi ghe đánh cộc, xoẹt. Pháo hiệu bắn. Tôi hiểu điều gì đã xảy ra. Đội hình Tiểu đoàn bị dẫn vào trận địa phục kích của xe tăng địch rồi. Trong khi pháo hiệu chưa kịp sáng, tôi chạy nhanh quay trở ra. Chạy được chừng 30 mét, nghe tiếng nổ bục trên trời, tôi nằm xuống rãnh lạc đầy nước. Quay nhìn lại, tôi thấy anh Đệ và Toán nằm xuống gần vị trí những chiếc xe tăng ngầm dưới công sự. Vừa tung bạt, lính xe tăng ném lựu đạn ra xung quanh. Lựu đạn nổ chát chúa. Tôi biết anh Đệ và Toán đang nằm trong khu vực lựu đạn nổ. Đội hình Tiểu đoàn hơn trăm người lộn xộn, lố nhố quanh khu nghĩa địa có nhiều ngôi mộ xây.

Địch đã phát hiện ra bộ đội hành quân dưới trời mưa. Áo mưa quàng kín mít, không thể tao ngộ chiến. Không một tiếng súng phía ta bắn tới. Máy bay hai thân to tới thả đèn dù, bắn 20 ly hỗ trợ cho xe tăng. Ngay lúc đó, tôi nghĩ phải di chuyển thoát xa đội hình Tiểu đoàn. Vậy là đã rõ, nghĩa địa là cái bẫy của địch.

Dưới rãnh luống lạc đầy nước, mồm ngậm lại, tôi trườn, đẩy người bằng 10 đầu ngón chân. Người thẳng căng như cây chuối. Ra xa khoảng 200 mét, tôi sốt ruột quàng súng lên lưng để nhoài cho nhanh. Thật không may, khi tôi vừa đưa súng lên cao quá đầu, thì xíu, viên đạn đại liên bắn trúng ốp che tay trên khẩu AK, xuyên vào bàn tay tôi đau nhói. Dưới ánh sáng của đèn dù, tôi nhìn thấy bàn tay vẫn còn, nhưng cứng ngắc. Tôi biết mình đã bị thương xuyên bàn tay. Tôi không dám nhô cao người nữa, vì đạn vẫn bắn rát rạt, ngắt tung ngọn những cây lạc. Trườn thêm khoảng 100 mét nữa, đến gần bờ ruộng lúa, nghe đạn bắn đã cao và thưa, tôi nhổm người chạy thật nhanh. Bỗng khự, toàn thân tôi vướng vào hàng rào dây kẽm gai đơn, chắn trâu bò, bảo vệ hoa màu. Không ngần ngại, tôi cởi phăng quần dài, vắt lên hàng rào, bật người qua. Phía dưới là xuống ruộng lúa. Tôi đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Điều đầu tiên tôi xác định hướng đi về hậu cứ. Tôi nhìn thấy núi Bà Đen, Tây Ninh, có ánh đèn nhấp nháy. Cứ theo hướng đó mà đi sẽ về hậu cứ, tôi nghĩ. Đi được một đoạn, có tiếng người nói chuyện. Tôi khom thấp người quan sát và lắng nghe. Tiếng nói mỗi lúc một gần. Tôi bám bờ ruộng kiểu thạch sùng bám tường, nhìn đoàn người đi qua. May quá, có người cầm thủ pháo dù - chắc chắn là du kích địa phương. Tôi nhổm người nói ám hiệu: Quyết thắng 3. Mấy người đáp lại: Quyết thắng 2. Thế là đã rõ, tôi chạy lại: “Các anh là địa phương phải không?”

- Đúng, vậy đơn vị đi thế nào? - Mấy người hỏi lại.

- Đơn vị tôi có người dẫn đường, nhưng khi đi qua khu nghĩa địa, trên cánh đồng lạc thì lọt vào đội hình xe tăng địch phục kích. Tôi là người đầu tiên thoát được ra đây. Các anh băng giúp bàn tay, tôi bị thương.

Xong xuôi, tôi đi cùng địa phương ra đón anh em xem có được người nào nữa. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi đón thêm được 10 người nữa, trong đó có đồng chí Cao Sơn, Tham mưu Phó Trung đoàn và đồng chí liên lạc. Các đồng chí địa phương đưa chúng tôi ra ẩn giữa bưng biền vùng giáp ranh giữa Sài Gòn và Long An. Phải nói đây là căn cứ đầy bất ngờ, dưới là bưng, nước sâu cỡ 1-2 mét. Cây mọc ở đây chủ yếu là tràm, dứa dại và các loại cây chịu nước. Địa phương dùng cây tầm vông buộc giữa cây nọ tới cây kia thành sạp. Bên trên, các ngọn cây cũng được buộc chặt vào nhau như giàn mướp, phòng khi máy bay quấy đảo trên đầu. Thực phẩm, lương thực và đạn dược được đựng trong những chiếc hòm đạn Mỹ có gioăng cao su chống nước, thả chìm dưới các gốc cây. Khi nào cần dùng thì túm dây kéo lên.

Cả ngày ở bưng dưới tán cây dứa dại, cây tràm, địa phương nấu cơm bằng bếp dầu, đãi mỗi người 1 chén (bát) cơm ăn với canh khổ qua (mướp đắng). Còn lại phải ăn bánh tráng khô cuộn với rau muống sống rửa tạm nước dưới bưng. Khi hành quân qua khu ruộng đậu đũa, chúng tôi đói ăn đậu đũa sống vẫn thấy ngon. Chạy dưới bùn, chúng tôi mất hết dép cao su, nhân dân cấp cho mỗi người 1 đôi dép xốp quai chéo, còn gọi là dép Thái Lan.

Đêm hôm sau chúng tôi được địa phương dẫn về hậu cứ. Chúng tôi vẫn đi theo hướng vượt lộ 8, băng đồng, lội sông qua cứ ông Sáu Già, về Phú Hoà Đông, nơi đó Tiểu đoàn bộ có anh Long, Chính trị viên Phó Tiểu đoàn và Đại đội 7. Vượt sông bị đỉa, xung quanh là muỗi kêu như diều sáo, chúng hè nhau cắn máu chảy không kém gì máu từ vết thương. Chiếc quần đùi tôi mặc khô cứng như mo cau vì máu. Nhìn những con muỗi cắn quanh vết thương, tôi không đập được tay vào vì đau, dùng mồm thổi chúng cũng không bay. Thế là tôi nhẹ nhàng dùng một ngón tay miết và diệt từng con, đến khi bàn tay, cánh tay tôi dày những đốm máu đỏ như có hoa do máu. Về ngang cứ ông Sáu Già, bom B52 băm tan nát một vùng. Chúng tôi phải mất thời gian khá lâu mới tìm được đường tới Phú Hoà Đông. Tôi vào hầm anh Long trú nhờ, hỏi đường sang thăm anh Thuý. Anh Thuý lấy ra một chiếc võng đơn tìm dây luồn cho tôi. Loay hoay mãi không thấy dây. Linh tính mách bảo người lính chiến, tôi về và nói khi nào có dây anh luồn, đem đến cho tôi. Từ hầm anh Thuý về được chừng 15 phút thì pháo 155 và 105 của địch bắt đầu bắn rát. Pháo vừa ngừng, anh Thuý hốt hoảng chạy sang: “Chuyến ơi, pháo bắn tan chiếc võng kia rồi, may tao chạy kịp vào hầm trú ẩn.” Anh Long nói: “Khỏi lo, chút nữa hậu cần Tiểu đoàn sẽ cấp cho một chiếc võng khác.”

Nghỉ một ngày tại Phú Hoà Đông, những thương binh được đưa về tuyến sau theo đường thuỷ dọc sông Sài Gòn. Chúng tôi lên xuồng từ một bến gần Phú Hoà Đông, khoảng 8 giờ tối xuồng xuất bến. Không may, lúc này thuỷ triều đang xuống. Xuồng chạy ngược dòng, tốc độ hơi bị chậm. Nhất là khi đi qua chốt Rạch Bắp, Bến Cát, đại liên của địch thấy động bắn ra hàng chuỗi đạn đỏ lừ. Xuồng không dám nổ máy, phải chèo bằng tay ngược nước càng nặng. Xuồng đi chậm như rùa bò. Mọi người trên xuồng cúi rạp xuống, nìn thở, hồi hộp mong chóng thoát khỏi đoạn sông này. Vượt qua đồn Rạch Bắp, người lái xuồng cho nổ máy, chạy một mạch về bến Thanh An. Đoàn bộ đội vận tải xe đạp đưa hàng xuống đã chờ sẵn ở đó chở chúng tôi về. Chúng tôi lên xe đi về trậm điều trị tiền phương gần Dầu Tiếng. Ngồi trên xe đạp, tôi phát hiện thêm một sáng kiến nữa của bộ đội Việt Nam trong vận tải xe đạp. Đó là việc làm chiếc đèn dầu cho xe đi đêm. Bình dầu là một hộp kim loại đựng ga kín nắp, có một lỗ ở giữa, dùng chiếc van xe đạp vặn vào để tra bấc. Bóng đèn là một hộp sữa bò nằm ngang xoáy chặt vào chiếc van có bấc. Bên trên hộp sữa bò đục mấy lỗ thông hơi. Phía sau hộp kín mít. Thế là gắn lên đầu chiếc xe đạp. Xe cứ chạy, đèn vẫn sáng soi đường cho bộ đội lái xe đi. Đoàn vận tải trông như con rồng lửa trườn trong đêm, đưa thương binh về hậu phương an toàn.

Về trạm Quân y tiền phương các thầy thuốc phẫu thuật bàn tay tôi. Trong đêm tối, trạm đã có máy phát điện, đảm bảo ánh sáng, đội phẫu thuật mổ tay cho tôi. Đau lắm, tôi gắng chịu, nhưng khi thông vết thương, mảnh vải cọ vào đầu xương ngón tay bị đứt, tay tôi thấy buốt nhói, trán vã mồ hôi. Một lúc sau anh y sỹ ném đầu đạn đại liên Mĩ ra bàn: “Đây anh cầm lấy về làm kỷ niệm.” Nhìn đầu đạn méo mó, tôi biết nó đã xuyên qua ốp che tay trên khẩu AK. Nếu không, mấy ngón trên bàn tay tôi đã không còn tồn tại. Rửa và băng vết thương cho tôi là những cuộn băng đã qua sử dụng vài lần, màu loang lổ. Thuốc sát trùng là mật ong rừng. Hàng ngày tôi thấy các chị hộ lý lấy dây chăng ngang suối, vắt những cuộn băng lên cho nước chảy hết máu mủ rồi giặt, tẩy, hấp và dùng cho các lần sau. Cách mạng nghèo phải thế, biết làm thế nào được. Điều trị tại trạm được mấy ngày, có tin địch sẽ đổ bộ càn lên khu căn cứ, thế là chúng tôi được lệnh ai khoẻ tự đi được thì di chuyển về tuyến sau. Đội điều trị nắm cho mỗi người một vắt cơm. Chúng tôi tự tổ chức nhau đi. Đến bờ sông Sài Gòn, máy bay đánh tan tác, mấy luỹ tre xơ xác. Thuyền công binh giấu cách xa bến. Không có người chở thuyền đưa bộ đội qua sông. Thế là đoàn thương binh quyết định tự vượt sông. Tôi thấy mình có khả năng bơi được, cũng không ngần ngại cởi quần áo dài, bơi sông. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ biên giới Việt Miên mùa này nước lớn vì có mưa đầu nguồn. Nước sông chảy xiết. Lúc đầu tôi bơi một tay, còn một tay giơ lên tránh nước. Nhưng đến gần bờ bên kia, tôi phát hiện ra một cụm tre bị chìm nghỉm dưới dòng sông. Theo dòng nước chảy, lũy tre lúc nhô lên, lúc ngụp xuống. Nếu không tránh xa, tôi bị cuốn vào luỹ tre, nước chảy xiết khó bề thoát chết. Không chần chừ, tôi buông hai tay xải nước thật mạnh, vòng qua luỹ tre vào bờ. Người mệt phờ, nhưng mừng vì thoát hiểm trong gang tấc. Lên bờ, mọi người khẩn trương mặc quần áo, đi mau khỏi vị trí trọng điểm này. Dưới trời nắng mùa khô, tay tôi bắt đầu dậy mùi. Một số người ngửi thấy yêu cầu: “Tay mày thối, nên đi sau.” Tôi biết vậy, không tự ái.

Về trạm xá của sư đoàn được hai ngày, cổ tôi cứng ngắc, người lên cơn sốt. Báo cáo y sinh, tôi được giới thiệu chuyển về viện K50. Trạm tiếp đón khám và ghi: bị Tetanos (bị Uốn ván). Tôi được chuyển vào lán điểm, cách ly. Mấy ngày đầu cứ 20 -30 phút cô Bê y tá lại đo huyết áp, nhiệt độ. Lúc này người tôi sốt tới 40-41 độ, chân tay rã rời. Ngoài mặt trận, địch đang càn, thuốc tốt dành cho phía trước nên kháng sinh rất hiếm. Tuy nhiên, đây là viện anh hùng, bác sỹ, y sỹ, hộ lý rất tận tình, trình độ chuyên môn vững. Tôi được điều trị tích cực, kịp thời.

Điều trị ở K50 khoảng một tháng thì tôi khoẻ, được chuyển sang nằm cùng đồng đội. Đã thành nếp cứ mỗi tháng một lần bệnh viên phát gạo, mỡ và hành cho từng lán để thương bệnh binh tự làm bánh cuốn liên hoan. Lán tôi có bốn người, tôi tuy tay còn đau vẫn nhận phần tráng bánh cùng anh em tổ chức bữa ăn. Sau bữa sáng, chúng tôi lên anh nuôi nhận gạo, mỡ, hành. Rồi phân công người ngâm gạo, anh thì xay bột, anh đi lấy củi… Trong không khí chuẩn bị, ai nấy mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng vẫn vui. Mấy cái bánh đầu tiên, vì mới tập làm, còn vụng nên bánh dày, vụn. Dần dần nghiên cứu tỷ lệ nước, lửa vừa phải, tay đã khéo nên bánh mỏng và dẻo, ngon. Tất nhiên không thể so với các nhà tráng bánh chuyên nghiệp được. Bánh tráng xong, đến pha mắm, thái hành, phi mỡ làm nhân. Bánh xếp lên mâm (vung xoong quân dụng) trông cũng ra trò lắm. Để tăng tình đoàn kết, Chiến cất lời mời vọng sang lán bên: “Báo cáo các bác bên ấy, hôm nay lán tôi đến phiên tráng bánh liên hoan. Bánh đã xong, cỗ đã bày, xin mời các bác láng tỏi bên ấy sang cùng chung vui với anh em cho thêm phần thân thiết.” Vậy là lán bên đi lấy cơm bưng sang cùng ăn chung. Bữa ăn có bánh, có cơm lính vui vẻ cười váng cả góc rừng.

Vết thương đã lành, sức khỏe hồi phục, tôi được ra viện, về đơn vị chiến đấu. Cùng đi có Hân, người Thái Bình và Chiến, người Hà Bắc. Ba chúng tôi lĩnh tiêu chuẩn một tháng gạo, tiền ăn đường đi về Cà Chay nghỉ, chờ mấy anh hậu cần đi chợ Biên giới để theo về đơn vị.

Từ đó, trên mọi nẻo đường chiến đấu hay công tác tôi luôn nhớ hình ảnh người y tá nhỏ bé, có gương mặt dịu hiền, tận tụy trong đêm giá rét ở rừng Sông Chiêu. Một cô Bê dịu dàng, trách nhiệm đã trả lại cho tôi cuộc sống. Câu nói như cầu khẩn khi tôi nổi cáu, không muốn thức dậy giữa đêm khuya: “Anh ơi, anh thông cảm, y sinh đã giao anh cho em rồi. Anh dậy cho em cặp nhiệt, em tiêm”. Câu nói đơn giản mà tràn đầy tình người, tình đồng chí.

Cảm ơn Cách mạng đã giáo dục nên những người chiến sỹ Quân y tràn đầy tình thương yêu đồng đội và tinh thần trách nhiệm. Cảm ơn người con gái miền Đông. Chúc em và gia đình hạnh phúc.

                                                             

Đ.V.C

(Nguồn: VNNB232/12-2019)

Bài viết khác