Chủ nhật, 19/05/2024

Khúc nhạc thu

Thứ hai, 04/10/2021

Tản văn của NGUYỄN MINH NGỌC

Cuối cùng thì những ngày hè trời nắng như đổ lửa, không khí oi bức, ngột ngạt khó chịu cũng trôi qua. Khoảng mấy ngày diễn ra bước đi cuối cùng trong sự vận động để vượt qua mùa hạ, nền trời cao dần lên, ban ngày thi thoảng xuất hiện những làn gió mát, nhiệt độ hạ thấp xuống một chút, đêm đêm đôi lúc nghe tiếng sấm xa, rồi những cơn mưa rào nho nhỏ. 

Nhờ có nhiệt độ hạ dần và những cơn mưa rào về đêm, đã làm cho không khí dịu dàng trở lại, cây cối xanh tươi hơn, một số cây đã xuất hiện chồi non… Bề mặt những chiếc lá đã dịu mát không còn bị nóng bỏng như trong ngày hè, nhìn những tán lá cây đu đưa dìu dặt trong làn gió nhẹ, ta cảm giác như chúng đang chia sẻ với nhau niềm vui về sự mát mẻ, dễ chịu của khí trời.

Đêm nay mưa nhiều hơn, lượng mưa không lớn nhưng kéo dài đến tận sáng mới tạnh, buổi ban mai có vẻ ảm đạm. Bước ra sân tôi thấy nước từ những lá cây, đang nhỏ xuống từng giọt, từng giọt như những giọt nước mắt của trời; và đây đó tiếng chim cất lên ngân vang trên các cành cây. Khởi đầu một giọng kim mềm mại, thiết tha của con chim hoạ mi; phụ hoạ theo là tiếng hót dịu dàng trong trẻo của con chích choè than, tiếng chim chào mào, và với nhiều tiếng chim khác… làm thành một bản hoà ca rộn rã, sống động trong các lùm cây. Cứ khi tiếng ca ở lùm cây bên này dừng, thì lùm cây bên kia tiếng ca lại vang lên, như thể chúng đang hát đối đáp với nhau điều gì. Ở một lùm cây khác, tiếng lích chích gọi nhau của đàn sẻ nâu, đàn chim di, chim sâu vv… và cả tiếng chí choé cãi nhau của một loài chim nào đó cũng vang lên không kém phần sinh động. Thi thoảng tiếng con chiền chiện cất lên khá rõ ràng, rành mạch từng tiếng: “Chiền… Chiện…” làm tăng thêm nốt trầm, luyến điệu cho mỗi bản hoà ca. 

Tôi đang ngước nhìn lên, để xác định tiếng chim trên các lùm cây, thì bất chợt gặp đôi chim chuyền cành, chao liệng thân thiết bên nhau, đó là một con chào mào và một con rẻ quạt. Tôi không ngờ đôi chim không cùng họ này, lại làm thành một vũ điệu trên không tuyệt đẹp như vậy:

Đầu tiên chúng cùng nhau sà xuống cành này, rồi lại cùng nhau bay lên cành khác... Đuôi con chim rẻ quạt, luôn xoè ra cụp vào như cái quạt giấy, trông giống như nó đang múa điệu múa quạt, làm nên một vẻ yểu điệu và duyên dáng lạ thường, cứ như thế nó vừa múa vừa nhào lộn rất nhanh; theo sát nó là chiếc mũ đen và túm lông đỏ của con chào mào… Cứ như vậy, chúng tình tứ như một chàng trai đuổi theo cô bạn gái, trong niềm vui đôi lứa của họ ... lát sau cả hai cùng buông cành cây, bay qua lượn lại quấn quýt bên nhau rất điệu đà, nom như hai diễn viên múa điêu luyện... 

Bạn hãy hình dung lúc này đây, ở một lùm cây đôi chim đang múa, chung quanh chúng ở các lùm cây khác, dàn đồng ca vẫn cất lên đều đều, khi thì dịu dàng, khi thì cao vút lên trong sáng, ngọt ngào… vang vang dưới bầu trời trong xanh, cho ta linh cảm thấy một sự xao xuyến hoan hỉ, thanh bình của cuộc sống!...   

Tôi đứng ngây người, tôi hiểu ra những giọt nước đang rơi ra từ lá cây kia, không phải là giọt nước mắt buồn của trời, mà đó là niềm vui, niềm vui ánh lên rạng ngời trên từng chiếc lá, hoà cùng với khúc nhạc ngân vang dạo đầu của đàn chim, để chào đón thu sang. Tôi gọi đó là: Khúc nhạc thu. Khúc nhạc thu, làm nên một buổi sáng mùa thu dịu dàng hạnh phúc! 

Những buổi sáng như hôm nay của tôi, kéo dài được ít thời gian nữa. Có những sớm mai, không ra khỏi giường, tôi nằm chú ý nghe lần lượt từng cung đoạn của khúc nhạc mùa thu. Tôi hiểu ra, mối quan hệ giữa tiếng chim ca với thời tiết thu sang, tôi thầm nghĩ: “để có được những buổi sáng, như buỗi sáng hôm nay, thì bao ngày nóng nực mà ta đã phải nếm trải trong mùa hạ là điều cần thiết, để tạo nên những khoảnh khắc ngân vang tuyệt diệu này.”

Rồi đến một ngày, heo may về bất chợt, mưa lại tí tách rơi đều đều ngoài mái hiên. Thời gian dường như đã đủ cho mỗi cây khoe những chiếc lá vàng của mình. Những chiếc lá vừa chuyển từ xanh sang vàng, long lanh như những tấm vàng ròng treo trên cành, như muốn trang điểm thêm vẻ đẹp cho cây vào thu!... Còn bây giờ là bắt đầu một sự chia tay của những chiếc lá vàng. Sự chia ly nào cũng có nỗi buồn. Riêng với chiếc lá thu rơi, đó là một sự chia ly mãi mãi. Bởi với chúng nếu đã đứt lìa cành, rời khỏi xứ sở thân thương thì coi như là vĩnh biệt.

Góp thêm vào nỗi buồn chia ly của lá, tiếng chim thưa dần, cao cao trên nền trời, rải rác từng đàn chim dăng hàng sải cánh bay về phương nam, nơi có nắng vàng ấm áp và nhiều thức ăn đang đợi chúng. Thi thoảng ta có thể bắt gặp những âm thanh vang lên từ trên tầng không của một đàn ngỗng trời, vịt trời, đàn sếu hay đàn le le nào đó…Vâng, đó cũng là một khúc nhạc thu, nhưng khúc nhạc thu này, văng vẳng lại nơi ta một nỗi buồn buồn xa xôi diệu vợi!... Tiếng kêu của chúng như một lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại nếu còn có thể, như một sự luyến tiếc những tháng ngày vui vẻ đã qua… có lẽ vì vậy, mà mùa thu thường gợi lên cảnh se buồn!...

 Tuy nhiên mỗi khi nhìn lên trời, gặp một đàn chim dăng hàng sải cánh bên nhau, mềm mại, nhịp nhàng bay trên lưng chừng trời, giữa khoảng không bao la, không bờ không bến. Ta không khỏi khâm phục trước một nghị lực phi thường của những con chim nhỏ nhoi kia, trong cuộc bay đổi mùa của chúng!... Liệu cuộc ra đi này, có con nào không còn ngày trở lại?! Nhưng, từ ngàn năm nay những cuộc di cư kỳ vĩ ấy vẫn không hề thay đổi. 

Mùa thu đến, cảnh thu diễn ra và biến đổi từng ngày: những khúc nhạc thu vang lên rộn rã trên cành; lá vàng rơi; hương hoa sữa bay về; hay từng đàn chim bay đổi mùa làm xao xuyến cả bầu trời; và vv...! Thường gợn lên trong ta những thổn thức mong manh, đưa ta về với những kỷ niệm xưa, khiến lòng ta không khỏi bâng khuâng, hoài niệm về một thời quá vãng, mà nghe như những ấm nồng và cả những khổ đau vẫn còn da diết đâu đây!...

Dường như hương thu cứ nhè nhẹ chạm vào lòng ta, thấm dần vào tâm tư ta, gợi lại cho ta biết bao tình cảm, cảm xúc khác nhau với những cảnh thu sang… Nhắc nhở ta, gắn kết tình cảm của ta với cội nguồn, với quê hương nơi có anh em dòng tộc họ hàng, có ông bà cha mẹ, bà con lối xóm, dù họ còn hay mất vẫn rất thân thương!... Thực tế trong đời sống, từ thời xưa vào tháng bảy âm lịch, ông cha ta đã có ngày lễ vu lan, ngày xưa gọi là lễ sá tội vong nhân, giúp chúng ta tỏ lòng nhớ thương và hiếu kính với các bậc sinh thành, tổ tiên cha mẹ chúng ta. Dù họ nghèo khó, chỉ là những con người áo nâu chân đất, lam lũ bốn mùa chắt chiu từng hạt muối miếng cơm, nhưng lại có tấm lòng trong sáng và thơm thảo. Cuộc sống của cha ông ta là bài học quý, cho chúng ta hiểu ra thế nào là: “Đói cho sạch, rách cho thơm!” Tôi trộm nghĩ, lẽ nào những tình cảm trân quý, cao đẹp này lại không gắn liền với tình yêu Tổ quốc của chúng ta?!

Ví như chỉ nhìn những chiếc lá vàng tươi còn treo trên cành, cũng giúp ta cảm xúc về vẻ đẹp ngời lên trước khi giã từ sự sống của chiếc lá; như ngọn đèn vụt sáng lên trước khi tắt; và ông cha chúng ta thường có câu: “Trâu chết để da, con người ta chết để tiếng”!... 

                                                                                                                                                                                                           N.M.N

(Nguồn: TC VNNB 255-9/2021)

Bài viết khác