Chủ nhật, 19/05/2024

Kỷ niệm nhỏ về ông Tô Xuân Toàn

Thứ tư, 30/03/2022

BÌNH NGUYÊN 

Năm 1996, tôi về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy, khi ấy ông Tô Xuân Toàn đương vị Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Tôi được bố trí nhiệm vụ ở phòng Nghiên cứu Tổng hợp. Công việc tôi đảm nhiệm thường báo cáo, xin ý kiến Trưởng phòng, Phó Văn phòng, Chánh Văn phòng. Thỉnh thoảng cũng có việc được phân công sang báo cáo và xin ý kiến đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Tôi chưa có lần nào được phân công sang báo cáo, xin ý kiến về một công việc nào đó với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhưng cũng có vài kỷ niệm nhỏ ghi nhớ về ông.

Tôi nhớ một hôm anh Đỗ Khả, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy có bảo tôi mời lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo sang làm việc với Thường trực Tỉnh ủy vào sau buổi giao ban. Tôi điện cho anh Nguyễn Cảnh Lạc, Trưởng phòng Tổng hợp Sở Giáo dục và Đào tạo truyền đạt nội dung. Qua anh Lạc, được biết lãnh đạo sở đi vắng cả, ở nhà công việc của sở tạm giao cho anh Vân, Trưởng phòng Tổ chức phụ trách. Tôi trao đổi với anh Lạc, mời anh Vân sang làm việc. 

Khi buổi giao ban vừa kết thúc, tôi dẫn anh Vân vào làm việc với Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Bí thư  hỏi lãnh đạo sở đi đâu hết rồi, anh Vân báo cáo về sự vắng mặt của lãnh đạo sở. Lúc này tôi để ý, ông Toàn gấp quyển sổ trên bàn nói với các đồng chí trong phòng họp, hôm nay ta nghỉ, hôm khác làm việc với Giáo dục. Tôi chột dạ, thế là mình không hoàn thành nhiệm vụ rồi, mình có khuyết điểm, chắc tới sẽ họp kiểm điểm đây. Tôi là anh lính mới, mọi việc còn bỡ ngỡ, có thiếu sót, khuyết điểm thì nhận, rút kinh nghiệm, mà có phải chuyển công việc khác cũng chẳng sao. Khi ra tới cửa ông Toàn vỗ nhẹ vào vai tôi, nhìn tôi, cái nhìn thật gần gũi rồi ông nói: lần sau chú nhớ phải đúng thành phần đấy! Giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp làm cho tôi thấy ấm lòng. Sau buổi ấy không có cuộc họp kiểm điểm, không ai nhắc nhở, nhưng tôi tự kiểm điểm, tự nhắc nhở mình để không nên có những sai sót đáng tiếc trong công việc. 

Một lần tôi đang ngồi trong phòng, cuối giờ làm việc buổi chiều ông Toàn vào bảo: chú đi đánh cầu với anh! Tôi trả lời là cháu đang phải làm báo cáo, cháu không đi được. Ông Toàn khép cửa đi ra. Chiều hôm sau xuống sân cầu lông mới biết hôm trước ông gọi tôi đi “triển chiêu”, khi mấy người hàng ngày hay cặp đôi đánh bóng với ông đi vắng. Gặp tôi ở sân cầu lông ông vẫn vui vẻ như mọi ngày. Ông bảo: hôm qua chú không đi với anh, có khách tỉnh bạn về làm việc, cuối buổi giao lưu cầu lông, anh cặp đôi với một chú ở Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, khách chơi hay lắm, nhưng tỷ số hòa, thế là đẹp. Tôi chột dạ, có biết sự việc như thế đâu, cứ nghĩ ông Toàn rủ mình xuống sân cơ quan chơi bóng. Một anh cán bộ ở văn phòng cấp ủy chẳng hàm đố gì mà dám từ chối lời mời của một Bí thư Tỉnh ủy đi giao lưu với khách đến tỉnh nhà thì không được rồi, xét đến cùng thì đây cũng là một nhiệm vụ trong ứng xử giao tiếp. Thật may việc từ chối của tôi ông coi đó là chuyện bình thường không tỏ ra có ý bực dọc gì. Những buổi chiều ông xuống sân cầu lông lại hòa vào với chúng tôi, khi thì đánh đơn, lúc thì đánh đôi trên cái nền sân trong cơ quan mà bốn xung quanh được căng bằng những tấm lưới che chắn gió. Ông cao dỏng, nhưng nhanh nhẹn, từng bước chân di chuyển nhịp nhàng trên sân bóng thật vững chãi.

                  Đồng chí Tô Xuân Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình phát triển kinh tế đồi rừng (năm 1997)                                                                                                                                               Ảnh của THANH BÌNH

Một lần, anh Ngô Đức Lợi thư ký Bí thư Tỉnh ủy đi vắng, lãnh đạo Văn phòng phân công tôi đi công tác với Bí thư Tỉnh ủy. Đây là lần đầu tiên tôi được cử đi phục vụ công tác cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Lên xe suốt cuộc hành trình tôi ngồi im không nói năng gì, ông Toàn cũng im lặng suốt chặng đường, có lẽ ông đang tập trung suy tư cho công việc. Hôm ấy làm việc ở huyện Kim Sơn, trên đường về ông Toàn rẽ thăm nhà ở xã Khánh Vân. Xe để ngoài đường, tôi theo ông men con ngõ nhỏ về nhà. Ngôi nhà đơn sơ, nhỏ nhắn, mái ngói đã rêu phong. Trong nhà lúc ấy không thấy ai, hình như người nhà đã đi làm ngoài đồng áng. Vào nhà ông kéo chiếc ghế bảo chú ngồi đi, rồi lấy bộ ấm chén trên bàn đi rửa, thấy thế tôi với tay bảo để cháu rửa, ông ngăn lại nhìn tôi: về đây chú là khách, việc đấy là việc của anh. Rửa xong ấm chén, xếp đặt ngay ngắn trên bàn rồi ông xuống bếp cầm chiếc ấm nhôm đun nước đã cũ ra bể nước trước nhà lấy nước mang vào bếp đun. Tôi theo vào: bác để cháu đun cho; ông Toàn nhìn tôi tươi cười: việc này chú không bằng anh, rồi một tay ông cầm que cời, một tay xoay xoay những chiếc lá ngô khô đun nước. Ngọn lửa bập bùng hắt sáng ra, tôi nhìn khuôn mặt ông thật nồng ấm. Nước sôi ông pha chè mời tôi uống nước. Khi ra về ông còn xếp đặt một số thúng mủng rổ rá ngoài sân cho ngăn nắp, tới cổng là vườn ngô đang độ xanh tốt, ông mở chiếc phên tre đi dọc những luống ngô vuốt từng chiếc lá sau cơn mưa nằm bết đất, ông nhổ những cây cỏ còn chen lẫn cây ngô, dựng lại những chiếc phên quanh vườn cho ngăn ngắn rồi mới đi. 

Sau ngày ông về nghỉ, tôi không được thường xuyên gặp ông ở sân cầu lông cơ quan nữa, rồi tôi chuyển công tác, rất hiếm khi được gặp ông, nhưng mỗi khi hồi tưởng lại mấy kỷ niệm nho nhỏ về ông tôi lại thấy ông hiện lên trong tôi sao mà gần gũi thế. Nhiều người bảo ông nghiêm khắc, khó tính, nhưng tôi chỉ thấy ông nghiêm khắc và khó tính trong công việc thôi, còn ngoài đời ông bình dị, tình nghĩa, độ lượng, bao dung lắm. Có lẽ nếp nhà, nếp đất ở vùng đất quê hương đã hòa tan trong ông, những lam lũ, đói khổ của tuổi thơ đã làm giầu nghị lực ông, tạo dựng nên tính cách ông, rồi tính cách ấy theo thời gian, theo từng cương vị công tác mà hình thành phong cách của một cán bộ dốc lòng, dồn nén tâm trí, thực hiện hoài bão, khát vọng và ý nguyện của người dân Ninh Bình gửi gắm. 

Ngày ông mất, về quê thắp cho ông nén nhang, nhìn bốn xung quanh những gì của ngày xưa giờ đã đổi thay đến ngỡ ngàng. Những gì của ngày xưa tôi gặp chỉ còn trong kỷ niệm, nhưng tôi vẫn thấy hình bóng ông đâu đó từ con ngõ nhỏ dưới bóng tre làng trong nắng ấm bước đi, từng bước một ra con đường mới, tôi vẫn nghe thấy tiếng ông thì thầm theo dòng chảy bồi lắng lên những lấp lánh phù sa cho đồng ruộng, tôi vẫn thấy ông trong mầu xanh bát ngát của những cánh đồng ngô, trong những tiếng rì rào reo vui của từng ruộng lúa. Ông còn đấy, một người mực thước, đằm vào thực tiễn mà sâu sắc, suy tư, trăn trở tìm cách phát quang những khó khăn gian khổ ở chặng đầu tái lập tỉnh; ông còn đấy, trái tim ông vẫn đập nhịp với trái tim Ninh Bình trong mỗi bước đi lên… 

Bài viết ở một góc nhỏ này như nén tâm nhang tôi thắp cho ông nhân kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Ninh Bình (1992 – 2022) mà ông là người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của ba mươi năm ấy.

Tháng 3/2022 

(Nguồn: TC VNNB 262+263 -3/2022)

 

Bài viết khác