Chủ nhật, 19/05/2024

Màu xanh áo lính lại xanh đồng bãi

Thứ tư, 24/07/2019

Bút ký của ĐINH NGỌC LÂM 
Xích Thổ, một địa danh nằm ở phía cực Bắc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, thuộc địa hình bán sơn địa. Trước đây, cụm liên danh “Sơn - Lâm - Tường - Thủy - Thổ”, là năm xã Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường, Gia Thủy và Xích Thổ thuộc huyện Gia Viễn. Năm 1977 hai huyện Gia Viễn và Nho Quan hợp nhất với nhau thành huyện Hoàng Long, đến năm 1981, lại được tách ra trở về tên cũ. Cụm năm xã này được giữ lại nhập với huyện Nho Quan. Đây là một trong những ốc đảo chịu xả lũ, phân lũ, chậm lũ triền miên một thời kỳ khá dài trong lịch sử lũ lụt Ninh Bình. 

Trên chặng đường 30 km từ trung tâm thành phố Ninh Bình theo quốc lộ 12A đi thị trấn Nho Quan, đến ngã ba Chạ, rẽ phải theo tỉnh lộ 479 khoảng gần 10 km nữa tôi đã tới địa phận xã Xích Thổ vào buổi sáng giữa hạ. Không khí náo nức thu hoạch vụ chiêm xuân gợi nhớ cảnh tượng năm xưa ở nơi đây. Vào độ này lũ thượng nguồn về sớm, bà con nông dân nửa xã phía Đông tỉnh lộ 479 ngày đêm nháo nhác thuyền bè đi gặt lúa. Gọi là gặt, thực chất là ngụp lặn vớt từng khóm lúa, thả lên lòng thuyền, có bông đã lên mùi thóc mộng. Bà con đã từng quen với cảnh “Sống ngâm da, chết ngâm xương”, quanh năm nghèo đói, gạo cõng sắn khoai… Nhờ Đảng và Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến công tác trị thủy mà bây giờ vùng quê này đang vượng lên với một sức sống mới, sắc diện tươi tắn, thanh bình.

Dừng bước trước tấm biển trang trọng tại cổng trụ sở của Ủy ban nhân dân xã, tôi được một cán bộ trẻ niềm nở chào đón. Qua phần thủ tục xã giao, tôi đề nghị được gặp anh Nguyễn Trọng Toan - Giám đốc Hợp tác xã. Trước mặt tôi là người đàn ông tầm thước, cân đối, khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt cương nghị nhưng có nét ưu tư, toát lên một dung mạo hiền từ, nhân hậu. Điều làm tôi hơi ngạc nhiên là bộ trang phục… Có lẽ anh nhận thấy điều đó nên cười xòa: “Tôi vừa từ ruộng gặt về thẳng đây, hôm nay thứ bảy tranh thủ gặt đỡ cho nhà tôi anh ạ.”. Câu chuyện bắt đầu từ năng suất mùa vụ. Nghe tôi hỏi, anh thành thật: “Thưa anh, trước đây không kể thất bát, khi được mùa cũng chỉ đạt năng suất 45 tạ trên một ha một vụ, bây giờ đã đạt được thường xuyên từ 65 đến 67 tạ/ha/vụ”. “Bà con ta còn nhà ai phải ăn cơm độn nữa không anh?”. Sau nụ cười hiền lành ý nhị, anh rủ rỉ: “Có đấy anh ạ, nhưng mà thích thì họ độn đậu, độn lạc chứ có còn nhà ai độn khoai, độn sắn nữa đâu anh!”. Tôi hiểu và cùng cười, sau đấy mới nhận thấy mình lỡ lời. Vì rằng tôi quên mất, hợp tác xã bây giờ đã là mô hình mới, mô hình cổ phần hóa, xã viên tự nguyện đóng cổ phần mà còn phải ăn độn khoai sắn nữa chắc chẳng ai vào. “Yếu tố quyết định mức sống bây giờ là thu nhập. Năm 2001, bình quân thu nhập của xã viên chúng tôi xấp xỉ 15 triệu đồng trên một người một năm thì bây giờ đã đạt mức từ 25 đến 27 triệu đồng/người/năm. Tương đương với lương một công chức nhà nước mới vào nghề…”. Tưởng anh sẽ hồ hởi với thành quả ấy, thế mà trên nét mặt của người “Thủ lĩnh” vẫn giữ nguyên vẻ ưu tư…

Tôi đắm vào câu chuyện, gần như quên đi cái đích mà mình đang cần đến, đó là việc viết về tấm gương của một thương binh điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh nhà. Khi tôi thổ lộ với anh về điều đó, anh cười, nụ cười hiền lành, có phần bối rối. Anh mở tủ đưa cho tôi một bản thành tích đề nghị tỉnh khen thưởng năm 2016, tóm tắt chỉ hơn một trang giấy. Nhìn ánh mắt anh, tôi giật mình nhận ra rằng, anh như ngầm nói với tôi: “Nhà văn viết về tôi làm gì cơ chứ. Một thương binh hạng xoàng, 22% thương tật, được nhà nước quan tâm cho giám định sức khỏe xác định mất sức 61%... Tôi còn hạnh phúc chán so với những thương binh nặng, mà so làm sao được với những đồng đội đã hy sinh…!”. Tôi hiểu tâm trạng của anh, nhìn anh bằng ánh mắt sẻ chia hàm chứa sự khích lệ: “Xin anh cứ kể quá trình từ khi được xuất ngũ về địa phương tham gia công tác đến nay, những bước chuyển biến của gia đình, của hợp tác xã… ý nguyện của bản thân anh và bà con xã viên hiện nay… Tôi chỉ làm nhiệm vụ ghi chép lại thôi mà”. Anh cười hiền lành, rồi câu chuyện giữa hai chúng tôi bắt nhịp với nhau dần cởi mở hơn. Có lẽ bởi tôi cũng đã từng là lính, từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, cùng đã trải qua những hoàn cảnh cam go đến khốc liệt của chiến tranh nên chúng tôi dễ đồng cảm với nhau. Thế rồi, từng chi tiết lần lượt được trải ra từ trong hồi ức nhẹ nhàng, bình dị như những lời tâm sự:

Xích Thổ là vùng đất bán sơn địa, trước kia cơ sở vật chất rất nghèo nàn, so với bây giờ thì kể như chưa có gì. Đất rộng, người thưa, tổng diện tích trên 21 km vuông, đến hiện nay cũng chỉ mới trên 2.200 hộ dân với hơn 8.300 nhân khẩu. Vậy mà đất canh tác hai vụ bình quân chỉ có 1 sào 7 thước cho một đầu người. Thổ canh, thổ cư thì rộng, chủ yếu là đồi, xen canh xen cư manh mún, có những vàn đồi phải tạo thành ruộng bậc thang để canh tác. Đi lại khó khăn, thói quen và phương tiện sản xuất hết sức lạc hậu… Thời chống Mỹ, anh chiến đấu và bị thương ở mặt trận miền Tây Nam Bộ, năm 1984 được ra quân, mang quân hàm thượng úy trở về địa phương. Ngay từ những ngày đầu anh bắt tay vào làm kinh tế gia đình, rồi tham gia công tác, đảm nhận cương vị Thôn đội trưởng… rồi Bí thư chi bộ. Thời điểm mà mô hình hợp tác xã nông nghiệp đang hết sức trì trệ, năng xuất lao động thấp, cơ sở vật chất lạc hậu và xuống cấp trầm trọng, đời sống của xã viên nghèo đói, hầu hết là nhà tranh vách đất, cơm độn sắn khoai cũng chẳng đủ no. Vật lộn suốt ngày với đồng ruộng, vườn đồi mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Sau mỗi mùa lũ lụt, cảnh tượng quê nghèo lại càng thêm tiêu điều, xơ xác. Từ lâu đời cảnh tượng ấy như đặc trưng ở vùng này. Con em xã Xích Thổ vốn ham học, chăm làm nhưng có chí thú mấy cũng chỉ một số đủ điều kiện học hành đến nơi đến chốn thoát ly đồng ruộng rồi phương trưởng nơi thị thành, còn lại thì vẫn phải bám lấy đất quê mà làm ăn sinh sống nối tiếp đời này qua đời khác… Vào thời điểm ấy, là một thương binh nhưng còn đầy trí lực, với bản lĩnh và phẩm chất một sĩ quan quân đội đã kinh qua chiến đấu, Nguyễn Trọng Toan quyết không chịu khoanh tay trước sự hà khắc của thiên nhiên, với suy nghĩ: “Không cam chịu, phải tìm cách bứt phá vượt lên hoàn cảnh ngay trên mảnh đất này.”. Anh đã nghiên cứu tìm tòi rồi vận động gia đình phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp. Trên diện tích một sào thổ cư, một mẫu rưỡi thổ canh (đất vườn đồi) đã được quy hoạch tạo thành vườn cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, mít, vải cho thu nhập 40 triệu đồng/năm; chuồng trại chăn nuôi gà, xuất chuồng từ 200 đến 300 con/năm, 14 đàn ong cho thu hoạch trên 1 tạ mật/năm, nuôi bò thịt xuất bán 1con/năm… cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập của gia đình anh hiện tại trên 80 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm gây dựng, gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành gia đình khá giả. Từ nhà tranh vách đất, giờ đây anh đã xây được ba gian nhà mái bằng một tầng và dãy nhà ngang kiên cố đủ tiện nghi sinh hoạt, ngăn nắp và vệ sinh sạch sẽ. Hiện nay các con anh đều đã trưởng thành: hai vợ chồng con trai trưởng cùng đang công tác tại công an tỉnh nhà, con trai thứ là bác sĩ tại viện mắt Trung ương, vợ là giảng viên trường Cao đẳng Tài Chính, con gái lập gia đình riêng tại xã, chồng cô làm thầu xây dựng, kinh tế gia đình luôn ổn định. Bà xã anh là hậu thuẫn vững chắc cho anh, ngoài nội trợ, chị còn là người ghé vai cùng anh chăm nom công việc phát triển kinh tế gia đình thêm chu đáo và hiệu quả. Gia đình anh được địa phương suy tôn là gia đình mẫu mực.

Năm 2001, người thương binh luôn tận tụy với công việc ấy được Đại hội Đảng bộ bầu vào Cấp ủy, bà con xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã Nông Nghiệp toàn xã. Vào thời điểm mô hình Hợp tác xã có nguy cơ chỉ còn là hình thức, kết quả của khoán 100, khoán 10 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân, đã làm cho nông dân được ăn no, song đấy mới chỉ là bước đi thí điểm, chưa thực sự vững chắc lâu dài. Nhận thức được như vậy, với vai trò Chủ nhiệm, Nguyễn Trọng Toan đã ngày đêm trăn trở: “Làm thế nào để hợp tác xã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho bà con xã viên”? Rà lại quy trình vận hành sau một thời gian giao ruộng khoán cho bà con xã viên. Mặt tích cực đã rõ, song cũng bộc lộ nhiều nhược điểm trong các khâu dịch vụ và trong quản lý điều hành của Ban quản trị. Bắt đầu từ công tác hạch toán kinh tế, anh đi từ hạch toán đối với hộ gia đình, rồi hạch toán chi tiết đến từng khâu dịch vụ của hợp tác xã. Cốt lõi của sản xuất kinh doanh là hiệu quả, khâu dịch vụ nào không hiệu quả khâu đó sẽ không tồn tại, điều đó đồng nghĩa với tự phá vỡ mô hình. Anh trăn trở ngày đêm: “Nếu không tìm ra hướng đi mới, hợp tác xã sẽ giậm chân tại chỗ, rồi bà con xã viên lại lâm vào cảnh tái đói nghèo.”. Nghĩ thế, tân chủ nhiệm quyết định bắt tay vào đột phá, đẩy mạnh 6 khâu then chốt: thủy lợi tưới tiêu; bảo vệ đồng điền; bảo vệ thực vật; thú y - phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kinh doanh phân bón, giống lúa và giống ngô; bao tiêu sản phẩm. Được Cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm, bà con xã viên đồng thuận, thu hút được các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc, tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Kết quả ban đầu rất khả quan, đáng khích lệ, hiệu quả mang lại cho bà con xã viên và hợp tác xã tăng lên đáng kể, đời sống vật chất tinh thần của từng hộ được nâng cao. Hợp tác xã bước vào hoạt động quy củ, khoa học, xã viên gắn kết chặt chẽ với Ban chủ nhiệm… Ánh mắt đăm chiêu, giọng anh trầm lắng: “Nhìn bà con phấn khởi mà trong lòng mình đầy ắp những lo toan…”. Tôi gật đầu đồng tình rồi tiếp tục chăm chú lắng nghe…

Sau khi Luật Hợp tác xã 2003 ban hành, Nghị định 64 của Chính phủ, Quyết định 313 của Ủy ban nhân dân tỉnh ra đời. Hai năm sau, Hợp tác xã Xích Thổ được cổ phần hóa, Đại hội toàn thể xã viên bầu Hội đồng quản trị, Nguyễn Trọng Toan được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã. Bước đầu còn bỡ ngỡ, song lại một lần nữa anh khẳng định vai trò “Thủ lĩnh” trước một tập thể. Một trong những thành công đáng kể của anh là tạo ra sản phẩm mới cho xã viên và kết nối với thị trường tiêu thụ. Liên kết với Công ty Giống cây trồng Nam Định và Ninh Bình tiếp thu công nghệ sản xuất lúa giống, tạo giá trị thu nhập cao hơn từ 500.000đ đến 650.000đ/sào so với cấy lúa thương phẩm trên diện tích 30 ha. Trồng ngô ngắn ngày (vụ xuân 75 đến 80 ngày, vụ đông 90 ngày), ký kết hợp đồng cung cấp lâu dài cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để chế biến thành đồ hộp ngô ngọt xuất khẩu, thu nhập tăng thêm 400.000đ/sào, rút ngắn thời gian sử dụng đất từ 20 đến 40 ngày so với trồng ngô truyền thống trên diện tích hơn 30 ha đất canh tác. Rút ngắn nhiều công đoạn nặng nhọc cho xã viên, tận thu thân cây ngô tươi làm thức ăn gia súc… Đây quả là bước bứt phá, chuyển đổi ngoạn mục trên vùng đất quanh năm khó nhọc từ lâu đời. Đáng nói là trên tổng diện tích 506 ha đất ruộng canh tác hai vụ không có diện tích hoang hóa, hàng ngàn ha đất rừng được phủ xanh. Anh đã cùng bà con xã viên năng động tìm được hướng đi mới, tạo ra nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ mới phù hợp; tạo thêm được một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao tăng thu nhập đáng kể cho bà con xã viên… Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2001 là 18% thì nay đã rút xuống chỉ còn 10,6% theo tiêu chí mới.

Khoảng cách giữa hai đầu những dấu mốc thời gian thường gợi sự so sánh, thực chất là gợi cho người ta những liên tưởng về sự đổi thay đến ngỡ ngàng, từ đó mà khẳng định những được mất trong cuộc đời, có lúc rưng rưng tự hỏi từ đâu mang lại cho ta một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy…? Tuy nhiên ta cũng còn những trăn trở lo âu về những gì khập khiễng trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Xích Thổ xưa và nay, hai cảnh tượng đối lập đã tạo nên trong ta một trường liên tưởng như vậy.

Tôi hình dung một vùng đất bao năm đằng đẵng vật vã, gồng mình phòng chống thiên tai, chịu đựng đói nghèo, nay đã có một cuộc sống no đủ, toát lên một sức vóc, diện mạo mới. Thành công ấy được tích góp từ mồ hôi nước mắt của từng người dân Xích Thổ chịu thương chịu khó. Sự đóng góp đáng kể của những người con quê hương được giao phó gánh vác từng trọng trách, trong đó nổi bật tấm gương thương binh tiêu biểu Nguyễn Trọng Toan. Anh vừa bước sang tuổi 64 với 16 năm giữ vai trò “Thủ lĩnh” hợp tác xã nông nghiệp toàn xã, đã bền bỉ lăn lộn cùng Hội đồng quản trị, cùng tập thể Ban giám đốc luôn sát cánh với bà con xã viên vượt qua bao nhiêu điệp khúc thăng trầm để có được thành quả hôm nay. Hàng năm anh được các cấp huyện, xã tặng giấy khen, năm 2016 được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, được suy tôn là tấm gương Thương binh tiêu biểu. Nói về điều này, nét mặt anh đầy vẻ suy tư: “Mình được khen thưởng, suy tôn, nhưng là công sức của bà con cả đấy. Trách nhiệm của chúng tôi còn nặng nề lắm, có bao giờ dám thỏa mãn đâu anh!”. Tôi hỏi về tâm tư nguyện vọng của anh và bà con xã viên hiện nay là gì. Đôi mắt đăm chiêu nhìn vào khoảng không xa xăm, anh nói với thái độ khiêm nhường: “Giao thông nông thôn đã được cải thiện một bước đáng kể, nhưng giao thông đồng ruộng vẫn còn là bờ vùng, bờ thửa bằng đất mà bà con quen gọi là con trạch. Chúng tôi muốn được các cấp quan tâm để đôi chân bà con nông dân ra đồng đỡ khó nhọc hơn… Chỉ bấy nhiêu thôi nhà văn ạ!”.

Tôi chủ động dừng câu chuyện vì sực nhớ ngày thứ bảy anh đang tranh thủ gặt giúp lúa cho gia đình. Nhìn anh mà lòng tôi tràn đầy cảm mến. Hình ảnh một thương binh mang trọng trách “Thủ lĩnh” nông dân thời hội nhập mà sao bình dị đến nhường này.

Câu chuyện đã khép lại nhưng trong tôi cảm nhận được nét thuần phác của tấm gương Nguyễn Trọng Toan như một tán cây cổ thụ bền bỉ chịu đựng gió sương, mưa nắng giữa đồng quê miền “sơn cước” mà bốn mùa đơm hoa kết trái, ngan ngát sắc hương, nồng nàn, phả dọc tháng năm…

   Đ.N.L

Bài viết khác