Chủ nhật, 19/05/2024

Mùa về Tam Cốc

Thứ sáu, 18/10/2019

Bút ký của BÌNH NGUYÊN 

Sau nhiều năm đi xa, mùa lúa này tôi lại về Tam Cốc. Vẫn Lụa, người chèo đò năm xưa ở Bến Đình Các. Em có khuôn mặt trăng rằm, mới ngần ấy năm thôi mà đã rám mầu mưa nắng. Thấy tôi, em ngỡ ngàng nhìn hồi lâu rồi gọi...

            Chiều ấy, tôi bồng bềnh trên chiếc thuyền nan theo sông Ngô Giang xuôi trong lòng đá. Con thuyền chậm chãi, lướt nhẹ qua từng bóng núi. Lúa hai bên sông đang vào mẩy. Những ngọn gió ngày hạ rười rượi trong hương lúa pha trộn mùi bùn, mùi cỏ úa thổi về mà như cảm được trong từng hơi thở có vị ngọt ngào pha lẫn đắng chát của đồng đất nơi đây.

            Tôi đang miên man trong suy nghĩ thì Lụa hỏi: Anh Nguyên, anh còn nợ em bài thơ Về Tam Cốc đấy. Trời ơi, những tưởng như em đã không còn nhớ. Từ lâu lắm rồi em đã chở không biết bao nhiêu chuyến đò, gặp và quen biết bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu câu chuyên, bao nhiêu lời hứa hẹn giằng, níu lấy em.

            Ngày ấy, cũng trên dòng sông này, con thuyền này tôi và em đã lội bùn, đẩy thuyền qua những gờ nước cạn. Sông Ngô Giang ngày ấy đâu đã được nạo vét như bây giờ. Ngày ấy, những bầy dê thả hoang nhuộm trắng, vàng mầu núi nhiều vô kể. Ngày ấy, tiếng chim trong veo cứ rào rào như mưa mỗi buổi sớm hay mỗi chiều về...

            Tôi nói với Lụa: Tôi đã viết bài thơ Về Tam Cốc, mấy lần định gửi, nhưng đọc thấy không hay nên thôi. Lụa dừng chèo trong chốc lát rồi nở nụ cười dấu trong vành nón lóng lánh pha lê hắt lên từ mặt nước sao mà hồn nhiên đến lạ, rồi bất giác em đọc: Anh đi xa bóng con đò/ Làm sao còn nhớ câu hò sông Giang.

            Trời ơi, bỗng trong tôi trào dâng một cảm giác vui buồn, bâng khuâng, người đi xa trở về còn mắc nợ. Hồi ấy, tôi đọc tặng em hai câu thơ: Em đi trên bóng con đò/ Tôi đi trên một câu hò sóng đôi. Vâng, thế là em trách hờn, trách dỗi không giữ lời với người chân bùn, tay lấm.

            Em bảo: Con đò như vật bất li thân gắn bó với con người quê em qua nắng mưa, bão gió, rồi mỗi đêm trăng lên lại đủng đỉnh về bến đậu, ngả bóng xuống lòng sông nằm nghe sóng vỗ.

Nốt nhạc đồng quê                                     Ảnh: NINH MẠNH THẮNG

            Tôi nghe Lụa kể về những điệu hò trên dòng Ngô Giang của những người chài lưới đã có từ lâu, những câu hát, điệu hò làm nên sắc thái rất riêng của vùng quê này thấm đẫm nhọc nhằn năm tháng. Chiếc nón cũ bỗng chòng chành theo con gió, Lụa lấy lại thăng bằng, chiếc thuyền lại lướt nhẹ trong tiếng nước khua rồi Lụa tiếp: Anh Nguyên, ai cũng phải đặt những bước chân đầu tiên trên cây cầu hát ru của mẹ nhỉ, cây cầu hát ru được dệt bằng giấc mơ của mẹ nhặt về từ đồng chua nước mặn đúng không anh? Tôi trầm ngâm, nghĩ ngợi. Người phụ nữ chèo đò mà có tâm hồn thi vị hóa cuộc sống thế này thì không bao giờ bị vẩn đục bởi những cám dỗ tầm thường. Tôi nói với Lụa: Đi trên câu hò là đi trên tầng, vỉa văn hóa bồi lắng, nén lại từ mồ hôi nước mắt mỗi vùng đất đúc rút qua mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi cuộc đời em ạ. Cái mà ông, bà ta hát ru nhau truyền lại cho cha mẹ, rồi cha mẹ ta tích góp dần làm hành trang nâng giấc cho ta. Khi ta lớn lên đi đâu cũng phải bắt đầu từ cái nền của cha ông tạo dựng, dẫu những bước đầu đời còn run rẩy, còn chập chững. Dẫu là cầu tre lắt lẻo, cầu trong mường tượng ca dao, nhưng từ cái đó nuôi ta lớn khôn mà thành đạo lý, thành phẩm chất quê hương...

            Sông Ngô Giang, thường được gọi là Ngô Đồng chảy qua khí thiêng của vùng đất ấm, vùng đất ẩn chứa nhiều huyền thoại, chứng tích của lịch sử. Ngày trước, ngoài chài lưới, sông còn là con đường của người trong vùng chèo thuyền nan ngược xuôi đốn củi, săn bắt thú rừng, nuôi, thả gia súc, trồng cấy ngoài bãi. Ngày ấy sông Ngô Giang thơ mộng lắm. Nhưng có lẽ thơ mộng nhất, đẹp nhất, quyến rũ nhất là sau ngày chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất (năm1258), vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con rồi lui về vùng núi Vũ Lâm, lập am Thái Vi tu hành, viết sách, thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước.

            Cách thủ đô Hà Nội về phía Nam hơn một giờ xe chạy, Tam Cốc nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2014 được Unesco vinh danh là di sản thể giới hỗn hợp về văn hóa và thiên nhiên. Cánh đồng Tam Cốc một trong những cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam, nhờ thế lại được tôn lên, tháng 5 này bừng trong nắng mới.

            Anh ạ, tỉnh mình sắp có triển lãm ảnh nghệ thuật "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" ở đây đấy? Ai bảo em thế? Tôi hỏi Lụa. Em nghe mấy nghệ sỹ nhiếp ảnh ngoài tỉnh bữa nọ vào nói qua lại với nhau, rồi Lụa say xưa trong đề tài nhiếp ảnh: Em chèo thuyền ở đây đã lâu, cứ vào mùa lúa, nhiều đoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh ra, Hà Nội xuống, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc, đồng bằng... về chụp ảnh đông vui lắm. Đi dọc con sông từ sáng sớm đến chiều tối nhìn lên hai dãy núi bắt gặp rất nhiều đoàn, mỗi đoàn từ vài người đến vài chục người ở các độ cao khác nhau, mà phần đông toàn những tay máy chuyên nghiệp.

            Tam Cốc là điểm đến, nơi dẫn dụ các nghệ sỹ Nhiếp ảnh mọi miền. Đẹp và hấp dẫn nhưng để có một tấm ảnh được gọi là tác phẩm cũng không đơn giản chút nào, nhưng tác phẩm ấy chứa đựng một cảm xúc, có đường nét, bố cục riêng, có cái nhìn mới mẻ, có những phát hiện độc đáo thì hiếm và quý giá vô cùng. Chính cái hiếm và quý giá này mà nhiều nghệ sỹ Nhiếp ảnh cả đời theo đuổi và bức ảnh đẹp nhất vẫn thuộc về phút giây bấm máy của ngày mai.

            Những năm trước, hồi ấy đã lâu lắm, cứ vào mùa lúa tôi thường về đây chụp ảnh. Chụp thích nhất là bắt gặp những ngày nắng dột trong mây, nắng dột dải xuống cánh đồng, trườn qua thảm lúa, bò lên lưng chừng núi, tạo nên những giải lụa đa mầu trải ra, cuộn lại duềnh lên phơi sáng rồi lại bò dần vào khoảng không ánh nắng làm cho bức ảnh phơi mầu đậm nhạt thật đẹp với đường nét rất riêng.

            Những bức ảnh chụp về Tam Cốc dễ có đến hàng vạn, sao thấy cứ ná ná như nhau thế anh? Lụa hỏi. Tôi nói với em rằng. Nhiếp ảnh cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác. Để có một bức ảnh đẹp cho người yêu nghệ thuật, nhất là các tay máy chuyên nghiệp thừa nhận đâu phải dễ, cái gì cũng có giá của nó. Chỉ đam mê chưa đủ, muốn vượt lên cần có tài năng, ngoài tài năng, cần phải có trách nhiệm trước cuộc sống, trước phút giây bấm máy, có khi còn phải trả bằng tính mạng nữa.

            Mặt trời thấp dần, những tia nắng rọi qua khe núi hắt xuống dòng sông thật quyến rũ. Cánh đồng Tam Cốc như bức thảm đổi mầu theo nắng trở nên huyền bí. Ai đã đến Tam Cốc dẫu chỉ một lần chắc cũng khó quên trong đời bởi được đi trên dòng sông luồn qua nhiều hang núi. Được nghe tiếng nước trong hõm núi vỗ long bong như tiếng vọng về của người xưa đã xa xôi lắm. Được nhìn, ngắm những mạch đá chín rạn theo thời gian chồng lên nhau tầng tầng xếp núi. Được chiêm ngưỡng những kiểu dáng, hình thù của đá mà thiên nhiên tạo dựng muôn màu...Tam Cốc vào mùa lúa chín, đứng trên những dãy núi cao nhìn xuống mới thấy được cái đẹp đến mê hồn của một vùng quê được đất trời ban tặng.

            Sau một buổi chiều tắm trong hương lúa, cái trăng liềm đã lên trên đầu rặng núi.. Trước khi chia tay Lụa, em không quên nhắc tôi gửi tặng bài thơ đã hứa rồi đọc câu thơ tôi biết đó là của thi sỹ Bùi Giáng sau cái vẫy nón chào: Có khi lỗi hẹn một giờ/ Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm.

   Tam Cốc, tháng 5/2018

 

Bài viết khác