Chủ nhật, 19/05/2024

Mùa xuân mới

Thứ bảy, 06/03/2021

Tản văn của NGUYỄN MINH NGỌC

Khởi đầu của mùa xuân, thường là sự gia tăng nhiệt độ và ánh sáng. Nền trời cao lên, rộng ra những chùm mây trắng muốt màu hoa huệ lững lờ trôi trên nền trời xanh, buổi trưa thường xuất hiện nắng nhưng ánh nắng cũng nhàn nhạt, có vẻ mong manh.

Trong tiết chớm xuân thường có nhiều sương mù, có ngày sương mù dày đặc, mặt trời lên cao vẫn bị sương mù che lấp trở thành vàng kè, cảnh vật chìm trong màn sương mờ ảo, cách nhau mươi bước chân không nhìn rõ mặt người. Rồi quá mù ra mưa, liên tiếp xuất hiện những ngày mưa phùn, một kiểu mưa đặc trưng của mùa xuân, nhiều người còn gọi là mưa xuân.

Ở những vùng nông thôn của miền Bắc nước ta, như quê tôi thì thường cảm nhận được bước chuyển từ mùa đông sang mùa xuân rõ nét hơn. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ rất rõ, trong tết còn có những ngày rét buốt như cắt da cắt thịt, vậy mà chỉ vừa mới qua tết âm lịch, đã thấy ấm áp hơn, mưa phùn bắt đầu rơi. Ngày mồng ba tết, hầu như nhà nào làm mâm cỗ hoá vàng “tiễn đưa các cụ”, mặc dù giò, bánh chưng còn thơm phức, nhưng mọi người đã chuẩn bị đến công việc gieo trồng cho vụ sau.

Ảnh minh họa: (Nguồn: Internet)                            

Gần như thành lệ, mồng năm tết, sáng ra tiếng kẻng của Hợp tác xã vang lên, từ các ngõ xóm người lớn, trẻ con cuốc, cày, gồng gánh trên vai tiến ra con đường giữa làng, những con trâu cũng được đi trong đoàn người. Bọn trẻ con chúng tôi, vai vác cuốc, đầu trần, chân đất, những giọt mưa xuân li ti trắng phơ trên mái tóc, trên vai áo, vẫn vô tư trò chuyện với một vẻ đầy háo hức. Đoàn người, trâu kéo dài trên con đường làng, với vẻ trịnh trọng và oai nghiêm tiến về dãy núi phía đông, rồi rẽ tới các nơi làm việc. Đó là ngày hội xuống đồng, ngày đi làm đầu tiên của năm mới quê tôi.

Những chân ruộng nước, Hợp tác xã cấy lúa chiêm, công việc của người lớn. Cày, bừa, vơ cỏ, đắp bờ, nhổ mạ, cấy lúa, diễn ra rất khẩn trương. Trên đồi, trong các rương rẫy của từng nhà, bọn trẻ chúng tôi dọn cỏ, cuốc đất đánh thành các luống gọn gàng để chuẩn bị gieo trồng. Xong việc dưới đồng, cả nhà cùng làm việc trên đồi, gieo hạt trồng ngô, đỗ, lạc, đặt dây trồng khoai lang, trồng sắn, v…v… Nhà nào cũng bận rộn hối hả với công việc, suốt cả ngày hầu như lúc nào cũng có người ở ngoài đồng, chiều về một đoàn người nối dài từ phía đồi núi về làng, trên vai người nào cũng có gánh cỏ, gánh củi hoặc cây ngô, cây sắn về làm thức đun. Những gánh cây cao nhút đầu người, vang lên tiếng trò chuyện vui vẻ.

Về chiều muộn, mưa xuân rơi mau, đi dưới trời mưa gương mặt người nào cũng ngời lên niềm hy vọng, một năm mới sẽ mưa thuận gió hoà, mùa màng cây cối tốt tươi…

Trong khi con người mải mê, hối hả với công việc trồng cấy, thì thiên nhiên mọi hoạt động sống cũng diễn ra mạnh mẽ. Hầu như cây cối đã được thấm đẫm sức xuân, những mầm non thanh mảnh vươn lên tua tủa, lớn lên từng ngày, từ các mách lá xuất hiện những chùm nụ hoa…

Chỉ trong khoảng một tuần, các cây cối đã phủ đầy lá lộc và chồi hoa, sắc biếc toả ra từ những mầm non, dưới ánh sáng xuân chúng xanh tươi mơn mởn, bao phủ lên khối lá cây cũ kỹ. Cây cối đã khoác xong cho mình chiếc áo mới. Chim, sáo cất giọng lảnh lót, líu lo hân hoan rộn rã trên các cành cây, tiếng gọi bạn tình giao hoan trong mùa sinh sản… sự sống diễn ra sôi sục và mãnh liệt. Lúa trên đồng đã bỏ lá, những cụm lúa mảnh mai xanh xanh lấp ló đầu bờ, hạt ngô, hạt đỗ đã bật mầm đội đất nhú lên bung ra những lá non xanh…

Mùa xuân hình như các hoạt động sống diễn ra nhanh hơn bước đi của thời gian. Trong khi thiên nhiên đã hoàn tất sự chuyển mình từ mùa xuân còn thưa lá, sang mùa xuân xanh tươi, mà mãi cho đến giờ trên tờ lịch vẫn chưa hết tháng giêng. Không hiểu vì sao, không phải mình tôi mà hầu như nhiều người đều có cảm giác rằng, bước đi của mùa xuân thật chậm. Không phải ngẫu nhiên, ngày xưa ông cha ta đã có câu: “Tháng giêng ăn nghiêng cót gạo” Có vẻ như những bước đi chậm rãi là muốn níu thêm một chút xuân, để tô điểm vẻ đẹp cho cuộc sống của con người!... Nhưng dù chậm chạp thế nào, thì ngày tháng vẫn cứ đi qua, nhiệt độ cao dần, trời chuyển nắng, qua tháng giêng, hết tháng hai là sang tháng ba. Ánh nắng tháng ba điểm thêm nét duyên cho cây cối; hoa nở tưng bừng trên các cành cây, và chính ánh nắng cũng kết thành những chùm hoa trên mặt đất: “Hoa nắng qua cành điểm nhặt thưa” (Thăm cảnh Chùa Hương - Xuân Diệu). 

Đêm đêm bắt đầu nghe thấy tiếng sấm vang rền trên không trung, rồi mưa rào đổ xuống. Lúa trên đồng chỉ chờ có vậy, là bật dậy lớn lên, xanh tươi mượt mà khác hẳn với hôm qua, dường như tiếng sấm đã làm nên được điều kỳ diệu đó. Kinh nghiệm từ xưa của ông cha ta đã xác nhận điều này: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ / Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”.

Và tiếng sấm cũng làm cho ếch nhái, và những động vật ngủ đông khác giật mình mà hồi sinh, chúng vươn vai tỉnh dậy qua một giấc ngủ đông dài, bắt đầu đi kiếm ăn và các hoạt động khác…

Tháng ba, có những ngày buổi sớm mai tiết trời còn lành lạnh, những giọt sương thuần khiết đọng trên đầu ngọn lá, ánh lên long lanh. Con chim họa mi ca nốt bài ca cuối xuân; tiếng líu lo rộn ràng của nhiều chim khác; tiếng lách chách gọi nhau kiếm ăn của những chú chim sâu bé nhỏ, có vẻ bọn sâu ăn lá đã tỉnh dậy để kịp ăn những chiếc lá non. Trong các chuồng trại tiếng gà trống gáy vang vang; tiếng vịt đàn, ngan, ngỗng gọi nhau ồn ã… Và đây đó, từng đàn ong rộn ràng bay lượn quanh những cánh hoa tìm mật, trên mình nó phủ đầy nhị hoa. Thoang thoảng trong gió những mùi thơm của hương hoa dịu ngọt… Vâng, đó là một buổi sáng mùa xuân thật đẹp, một buổi sáng ngân vang đem lại niềm vui và hạnh phúc!

Rồi mặt trời lên, mỗi lúc một cao hơn, chiếu xuống những tia nắng gay gắt, cho ta cảm giác nóng bức khó chịu. Có người khó tính cho rằng: “Nắng tháng ba chó già lè lưỡi”. Chiều về, bất chợt một cơn gió mạnh, những cánh hoa rơi lả tả, bay theo chiều gió nom như một trận mưa hoa… Nhiệt độ hạ xuống đột ngột, rét nàng Bân về, khăn quàng, áo ấm lại phải mang ra. Và những người khó tính lại cho rằng: “Rét tháng ba, bà già chết cóng”. 

Còn các thi nhân thì cho rằng, tháng ba như một cô gái kiều diễm nhưng khó tính. Vâng, đó là một tháng ba đẹp! Dù có những ngày nóng, lạnh thất thường thì chúng ta luôn được hưởng một tháng ba với một bầu trời đầy hoa và ngát hương, một thứ hương thơm đồng quê dịu dàng tinh khiết, mà không mùi thơm nào sánh kịp! Một tháng ba sôi động, vạn vật nảy nở sinh sôi, tích góp cho ta niềm vui và sự hy vọng một năm quả sai trái ngọt, mùa màng bội thu.

Một tháng ba với tiết thanh minh, có những ngày đất trời trong sáng và thanh bình đến không ngờ, mở cho ta tầm nhìn rành mạch nhất; hướng ta về với cội nguồn của những ngày xuân tảo mộ, một nét đẹp văn hoá tâm linh từ ngàn xưa: “Thanh minh sang tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Những ngày lễ này nhắc ta, nhớ ơn công lao của các bậc sinh thành, nhìn vào tấm gương trong sáng của cha ông mà giữ gìn nề nếp gia phong…

Tháng ba, tháng cuối cùng của mùa xuân đã đem đến cho chúng ta biết bao cảm xúc và hương vị của cuộc đời. Vì vậy, khi nó đi qua thường để lại cho chúng ta nhiều luyến tiếc, về một mùa xuân đã hết. Trong ca dao, ông cha ta đã mượn lời con ve con cuốc để nói nên nỗi luyến tiếc mùa xuân: “Cô nghe hết tiếng con ve/  Đến lời con cuốc gọi hè tiếc xuân!”

Đã có biết bao mùa xuân đi qua, trong những năm tháng chúng ta sống trên đời. Nhưng mỗi mùa xuân lại có những tiết tấu, âm điệu khác nhau, để không bao giờ có một mùa xuân nào giống y như mùa xuân trước. Bao giờ cũng là mùa xuân mới!

Vì vậy, mỗi mùa xuân về lòng ta thường xao xuyến, cảm thấy như đất trời trở nên linh thiêng. Trời phật, Thánh thần là nơi gửi gắn niềm hy vọng và ước mơ của con người từ bao đời nay, những ngày xuân, bao giờ đặt lễ lên bàn thờ, tôi cũng để ý thấy bà tôi nói một câu đầu tiên: “Đầu năm xuân mới!... Con cầu xin…”. Và mãi sau này khi tới các đền chùa, tôi cũng gặp nhiều người nói những câu tương tự như vậy.

 Mỗi mùa xuân mới về, lại một mơ ước mới, với nỗi lòng khấp khởi chờ đợi một điều gì mới mẻ, cho nên cuộc sống của con người bao giờ cũng có mục đích để ta hướng tới. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú và thi vị hơn!

N.M.N

(Nguồn: TC VNNB248-02/2021)

Bài viết khác