Chủ nhật, 19/05/2024

Người hai lần truy điệu sống

Thứ ba, 27/07/2021

Ký sự của: MAI HƯƠNG

Trong câu chuyện ngân ngấn nước mắt của chị Lê Thi Lan, Trưởng ban Nữ Thanh niên xung phong Trường Sơn tỉnh Ninh Bình kể về Đội N25 anh hùng, đơn vị cờ đầu thanh niên xung phong miền Bắc thời kỳ chống Mỹ trên tuyến đường lửa Trường Sơn huyền thoại, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghe chị nhắc đến một nữ thanh niên xung phong dũng cảm, kiên trung đã sống và chiến đấu ở trọng điểm ATP trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất.

Chị là người hùng làm nên khí phách hào hùng cho một đơn vị anh hùng. Mỗi khi có dịp ôn lại những ngày tháng máu lửa ấy, đồng đội vẫn ngưỡng mộ, tự hào gọi chị với cái tên trìu mến: người hùng. Người nữ thanh niên xung phong đó là chị Vũ Thị Lộc.

Ký ức hào hùng

Dù thời gian vật chất chuyển đổi, thời gian tinh thần cũng chuyển đổi, nơi căn nhà ngói đơn sơ, bé nhỏ của gia đình chị Lộc ở xã Yên Hưng, huyện Yên Mô không có sự đổi thay. Trong ký ức của mình, chị vẫn còn nhớ rõ không khí hào hùng của phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mạnh mẽ như lũ tràn thác đổ. Bất cứ thanh niên nào ngày ấy cũng chỉ khao khát được tham gia “Ba sẵn sàng: sẵn sàng làm bất cứ việc gì Tổ quốc giao, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc yêu cầu và sẵn sàng lên đường đi chiến đấu” Ngày 15 tháng 7 năm 1965, vừa tròn 17 tuổi chị Lộc cùng biết bao thanh niên của huyện Yên Mô xung phong đi mở đường 20 Quyết Thắng. Suốt chặng đường hành quân, cả ngày lẫn đêm mải miết trèo đèo lội suối mỗi người vẫn phải mang 30 kg quân trang. Trường Sơn hiểm trở, hoang vu, nhiều thú dữ, rắn, vắt, bò cạp, muỗi... máy bay địch lúc nào cũng áp đảo trên đầu. Người chết bom đạn địch nhiều nhưng cái đáng sợ hơn là thương vong vì sốt rét, phù phổi, tả lỵtrụy tim mạch, suy kiệt thể lực vì đói, vì đường sá gian truân cũng không ít. Những người vượt qua được thì sức khỏe suy giảm, da dẻ xanh tái vì thiếu máu.

Ban đầu chị được phân vào C2, thuộc đội 33 TNXP, Binh đoàn 559 vào đường Chín, cửa ngõ phía Bắc của đường Trường Sơn sau đó chuyển sang C4, đội N25 về C6, Cơ giới 18 của Ban xây dựng 67 tại các điểm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Biên giới Việt Lào rồi phục viên. 8 năm đi thanh niên xung phong mở đường, vác gạo lên xe, phá bom ở ATP, trực chiến  B52 với anh em nam ở K68, ứng cứu ở ngã ba Lùm Bùm, kỷ niệm chị không thể nào quên được lại là quãng thời gian chị làm A phó ở C4, Đội N25 TNXP anh hùng. Chị cười hiền bảo: “Tôi xung phong vào đoàn quân này là đoàn quân phải điều động. Hễ chỗ nào khó khăn là điều đến, làm xong là về, chỗ khác khó khăn là lại điều đi”. Chị bồi hồi kể lại:

Đơn vị N25 TNXP được tham gia vào chiến dịch chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi. Chúng tôi đã cùng với bộ đội công binh mở đường và bảo vệ, giữ thông suốt đường 20 Quyết Thắng trong mọi tình huống. Con đường mà đế quốc Mỹ cho là con đường huyết mạch vận tải và chi viện của hậu phương lớn ra tiền tuyến. Giai đoạn 1965 – 1973, chúng ra sức ngăn chặn, cắt đứt tuyến chi viện, biến Trường Sơn thành một chiến trường ác liệt. Khẩu hiệu của Binh Đoàn 559 khi đó "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”. Năm 1966-1967 các sở chỉ huy được chuyển ra gần đường, các lực lượng phòng không, công binh, thanh niên xung phong đóng sát đường để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn cho lực lượng vận tải chủ công. Đơn vị chúng tôi ngày ấy chịu trách nhiệm đảm bảo thông xe từ Nậm Cờ Roong qua đỉnh km59 vào suối Aky qua km68, km72 rồi đến sông Talê; đèo Phulanhích. C4 đảm nhận cung đường dài 7 cây số gồm 3 trọng điểm liên hoàn: Cua chữ A, ngầm Talê và Đèo Phulanhich nằm ở Tây Nam Quảng Bình và đông nam tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào (gọi tắt là ATP). Đèo Phutanhich ngấp khúc nguy hiểm, dưới vực sâu, trên dốc đứng, ngầm Talê, suối Aki là đoạn đường rải đá đi qua lòng sông suối, hai bờ dốc lên xuống bị bom đánh lở loét, xe lên xuống gây lầy lội nên xe thường bị sa lầy ùn tắc ở đây... Đây là đoạn ngắn nhất của đường 20, được gọi “Cổ họng Bắc –Nam”. Do đó, đây cũng chính là trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất trên tuyến đường 20 Quyết Thắng trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Từ 1966- 1971, ATP bị coi là một “túi bom”, “tọa độ lửa”, “cửa tử”. Tất cả bộ đội khi vượt Trường Sơn đều sợ đi qua trọng điểm này, bởi Mỹ đánh phá suốt 24 giờ trong ngày và suốt trong một thời gian dài. Chúng đã huy động tất cả các phương tiện từ vũ khí thông thường đến vũ khí có ứng dụng kĩ thuật quân sự hiện đại như máy bay B.52, máy bay AC.130, máy bay F.111, máy bay trinh sát điện tử EC-121 chỉ điểm, các “cây nhiệt đới” thu phát địa chấn, rải chất độc hóa học, làm mưa nhân tạo, ném bom toạ độ các loại nổ chậm, bom phá, bom bi, bom từ trường, bom phạt, bom chùm, bom laser, mìn lá, mìn vướng, … Nhằm kéo dài ách tắc giặc thả bom không theo quy luật nào, cứ 3 đến 5 phút một lần vừa đủ để công binh, TNXP không kịp sửa chữa, san lấp đường. Ban ngày, máy bay L19, OV10 tập trung đánh phá 24/24 giờ. Ban đêm, máy bay C47, Con Ma 130 có trang bị khí tài điện tử hiện đại săn đuổi đoàn xe cơ giới. … xác xe vận tải bị bắn cháy có đêm tổn thất hàng chục chiếc ở trọng điểm này.

Đơn vị chúng tôi phải ở hầm nhiều năm liền từ 1968-1971, tiếp cận nhanh nhất bằng mọi hình thức để thông xe với khẩu hiệu “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Đường chờ xe chứ xe không chờ đường”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “lấy mặt đường làm trận địa, lấy việc thông đường làm vũ khí tiến công”, “máu có thể đổ, đường không thể tắc”, kiên quyết “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Các lính lái xe thời đó thường gọi chúng tôi là những cọc tiêu sống trên “cửa tử” không bao giờ có đêm. TNXP chúng tôi, ban ngày vừa  làm nhiệm vụ san lấp hố bom, bảo đảm thông đường, ban đêm vừa phải đứng làm cọc tiêu. Để xe không trật khỏi đường, cứ mỗi đoạn ngắn lại phải có một người đứng phất cờ, hô “trái”, hét “phải” điều khiển xe xuống ngầm, vượt đèo. Bom nổ, người này ngã xuống, lập tức người kia ra đứng làm cọc tiêu thay thế. Chúng tôi hầu như không dám rời vị trí. Khi bom ngớt, biết mình còn sống là mấy chị em lại lao ra đường, tay cuốc, tay xẻng cuốc đất, đánh đá, phá bom mở đường. Ngoài chiếc mũ tai bèo che nắng, mỗi người chúng tôi đều có một mảnh ni lông để che mưa và để bọc xác nếu chẳng may mình hy sinh. Liên tục các chiến dịch này đến hết chiến dịch khác, nối tiếp nhau năm nay qua năm khác đơn vị chung tôi giành giật từng giờ từng phút với bom đạn địch. Những năm tháng ấy đơn vị đã có biết bao đồng chí đồng đội nằm lại nơi đây vĩnh viễn, không bao giờ trở về, có tới 80-90% anh chị em trong đơn vị đã để lại một phần xương máu của mình trên đoạn đường này. Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 1970, đầu năm 1971, đã có 1.488 phi vụ cường kích với 204 chiếc B52 đánh bom. Bình quân mỗi ngày ATP chịu 45 lần máy bay đánh phá. Có 500 bộ đội và TNXP ngã xuống trong trận phong tỏa ATP . Ngày tháng oanh liệt đó, Đơn vị chúng tôi đã được bác Võ Nguyên Giáp gọi với cái tên “Đơn vị Thép” được tặng danh hiệu: Đơn vị Anh Hùng, đơn vị cờ đầu thanh niên xung phong toàn miền Bắc.

Vợ chồng chị Lộc trong căn nhà mới               Ảnh: P.V

Anh hùng thời máu lửa.

 

Kể về đơn vị chị Lộc không ngần ngại, nhưng nói về mình chị lại ngại ngùng, Tôi hiểu được phần nào. Bảo vệ thông suốt tuyến đường 20 Quyết Thắng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn của lực lượng TNXP. Những năm tháng chiến đấu giữ đường ấy, các chị không có súng, chỉ có cuốc xẻng  mà dám đối chọi, thách thức mưa bom bão đạn xối xả ngày đêm của kẻ thù. Truy điệu sống- phá bom- hy sinh là chuyện bình thường của các chiến sĩ TNXP N25, hy sinh vì thông đường cứu xe là niềm vinh dự của mỗi người.

Chị Lê thị Mỵ, trung đội trưởng đội N25 cùng chị Đinh Thị Hường đã hai lần làm lễ truy điệu sống cho chị Lộc hiện nay vẫn còn nhớ mãi. Vào một đêm tối trời năm 1968. Tiểu đội có tất cả 12 người, 3 người bị ốm, còn lại 9 người được cử đi làm nhiệm vụ phá bom cảm tử thông đường cho đoàn xe trở đạn dược vào trong chiến trường. Đơn vị cử chị Lộc, tôi, chị Hiền, chị Mùi cùng ôm bộc phá lên xe.  Với cương vị là tiểu đội phó thanh niên xung phong, chị Lộc xin đi tiên phong ôm bộc phá qua bãi bom nổ chậm. Chị đến chiếc xe đi đầu thuyết phục người lính lái xe còn trẻ măng cùng chị đi qua bãi bom nổ chậm. Anh do dự bảo “Đi đến nó nổ chết” chị cương quyết “Nó nổ thì anh với tôi cùng chết” Tôi là thanh niên xung phong, anh là lái xe, anh biết lối lái, tôi không biết lối lái. Mà bây giờ quả bom nằm bên đường, một bên là vực một bên là đồi. Mé đồi như thế này, tôi đã cắm tiêu rồi, anh cứ việc đi. Anh có đi thì đoàn xe sau mới đi được, mà anh không đi thì người khác phải lên lái xe thay anh để đi. Không đi thì cũng phải đi”. Giọng chị nói như mệnh lệnh, người lính trẻ cảm phục “liều chết vậy”. Đơn vị làm lễ truy điệu sống cho chị Lộc cùng với chiến sĩ lái xe cảm tử, chị tuyên thệ trước toàn thể đơn vị “thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Làm lễ truy điệu xong, chị thanh thản ôm quả bộc phá 10 kg lên cabin cùng người lính lái xe tiến về bãi bom nổ chậm. Khi xe đi qua bãi bom nổ chậm an toàn, chị xuống xe, quay lại bên quả bom nổ chậm, làm hoa tiêu dọi đèn pin hướng dẫn cho đoàn xe vượt ngầm Talê an toàn. Chị đã nhận được sự công kênh của đồng đội. Sau đó chị cùng tôi và chị Hiền cố hết sức lăn quả bom xuống vực, 2 ngày sau thì bom nổ.

Chị Đinh Thị Hường, khi đó là Chính trị viên Đại đội 4, Đội N25 Thanh niên xung phong hồi tưởng: Thời gian ở chiến trường, Chị Lộc cùng đồng đội phá nhiều đợt bom cảm tử. Chị Lộc dũng cảm tìm đến bom nổ chậm, cho dù cái chết kề mang tai song với tinh thần “sống đỏ ngực, chết kiên cường bất khuất”, chị đã vững vàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hồi ấy, hễ có tiếng xe vào là có bom rơi. Mỗi lần bom nổ, chỉ một đoạn đường 2-3 chục mét thôi mà nào là cây, đá, đất vùi lấp mặt đường.Thậm chí mưa bom xẻ cả một mảng đồi sụt xuống, tạo thành sình lầy hàng ki lô mét, chị em TNXP phải chôn người trong sình lầy để thông đường, phó mặc quyền sinh tử cho máy bay B52 đang lượn dườn dượt, thả bom xuống đầu. Hôm đó, sau trận càn, bom địch đã làm đất đá sụt lở và khoét nhiều hố sâu tới 4-5 mét. Cả tiểu đội ra phá bom nổ chậm chỉ có chị Lộc là người đánh mìn độc nhất, bởi vì ngày nào cũng phải mang mìn đi phá bom, trực B52, ứng cứu đường. Đường tắc phải nhanh chóng đánh cây, đánh đất, đánh đá cho xe qua. Chị ôm bộc phá đi cùng đồng đội. Một quả bom nổ chậm to bằng cái thùng phi nằm chình ình bên đường, áp chân đồi, còn bên kia vực sâu. Chỉ nghe đồng đội bảo có chị Nguyễn thị Vân Liệu có sáng kiến dùng mìn phá bom nổ chậm. Chưa một lần được hướng dẫn nhưng chị Lộc đã gắng tập trung mày mò trong thực tiễn, vận dụng cho bằng được. Chị bảo với đồng đội “Chúng mày chuẩn bị tinh thần gói mìn cho tao, tao lại xem hướng của nó, để định hướng đánh. Đánh làm sao cho nó khỏi khoét xuống đường sâu, đỡ tốn cống sức san lấp của đồng đội” . Anh Nhu, người Khánh Thượng, Yên Mô là Đại đội trưởng bây giờ đã hy sinh bảo: Để đơn vị làm lễ truy điệu sống cho cô Lộc. Chị khẩn trương lấy mìn, kíp nổ và dây dẫn lại bên quả bom. Lựa theo chiều quả bom nằm, dùng xẻng nhựa cứng moi đất để làm sao bộc phá nổ kích cho quả bom nổ tung lên trên không trung thì nó sẽ xuống vực luôn. Khoét áng chừng vừa vặn chỗ đặt mìn. 10kg mìn ấy, chị chia làm 2 gói, cắt dây cháy chậm. Một dây cắt 50cm, 1 dây cắt 30cm. Chị Lộc mạo hiểm tra kíp vào bộc phá đặt giáp vào quả bom tùy theo vật cản trên, dưới, phải, trái. Xong xuôi, chị bắn pháo hiệu cho mọi người ẩn nấp vào chỗ an toàn. Chị bình tĩnh tra hai kíp đốt dây cháy chậm, rồi châm dây 50cm trước, châm dây 30cm sau, chị chạy thật nhanh vào hầm trú ẩn. Vừa vào đến nơi thì nghe hai tiếng nổ, chị Lộc và mọi người ùa lại thì quả bom đã biến mất. Chị mừng quá vội bắn pháo hiệu thông đường. Đoàn xe tiếp tục ra mặt trận.

Còn đánh mìn thì ban đầu đánh 5 quả, 10, quả, 20 quả một lúc. Chị bảo với đồng đội “Chúng mày cứ mang choòng ra mà choong đi, còn tao mang mìn ấn vào. Tao nổ cho chúng mày không phải nổ đâu”. Ban đầu chị nối dây cháy chậm theo mức an toàn 50cm, nhưng rồi dây ít, bom nhiều, tình thế cấp bách, chị cắt ngắn dần dây, 40 cm, 30cm rồi 20cm và 15cm, chị châm ngòi cho bom nổ 20p, 10p rồi đến quả cuối cùng 5 phút, chị chỉ kịp chạy vào đến trong hầm là mìn cũng vừa nổ hết. Tất cả mọi việc đều được rút ngắn đến mức tôi đa, tiết kiệm tối đa, an toàn phải tuyệt đối. Từ đó các kíp trực đều áp dụng phương pháp này. Đây là một thành công rất lớn đối với đơn vị, kinh nghiệm của chị còn được áp dụng rộng rãi trên khắp trọng điểm ATP.

Chị Nguyễn Thị Hữu, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Mô phấn khởi kể: Đêm nào ATP ngớt tiếng mưa bom, bão đạn là đêm đó chị em thanh niên xung phong C4 chúng tôi được ngủ, riêng chị Lộc vẫn xung phong trực đêm cùng với anh em trên đỉnh Km68 từ 8h tối cho đến sáng, vì cả đơn vị chỉ có mình chị có đủ sức khỏe, đủ lý trí đại diện cho phái nữ tham gia cùng nam giới ở Trung đội trực chiến B52. Trận địa B52 làm một quả nui một ở km68 giáp Cua chữ A, trong lòng núi là một hang sâu và rỗng, đơn vị chọn hang đó làm hầm trực chiến B52, mỗi ngày máy bay B52 trút xuống núi một này 2-3 lần bom tấn. Có những hôm B52 oanh tạc, đánh trên đỉnh núi, đồng đội tránh bom cùng un nhau lao vào hang sâu dưới lòng núi. Nhiều đồng đội không chịu được sức ép dồn dập của bom đạn nổ, chảy hết cả máu mồm, máu mũi. Chị nghĩ, cứ như thế này đồng đội không chết vì bom đạn chém vào thân thể thì cũng chết vì sức ép của bom nổ, chết ngạt vì khói bom, rồi sẽ không còn ai ứng cứu đường nữa. Chị nảy ra một sáng kiến, bảo với cả đội “Mai mỗi đứa phải chuẩn bị một ít bông bỏ vào túi áo quân phục. Khi có B52 đánh thì vừa chạy vừa đút nút lỗ tai lại, chạy vào trong hang thì lấy chăn chiên trùm lên đầu, nằm sấp xuống, chống tay lên, như vậy đỡ bị ngạt thở vì hít khói bom và đỡ bị tiếng bom dộng”. Và từ đấy đỡ được chảy máu mồm máu mũi, đỡ được thương vong cho đồng đội, sáng kiến này, đã được áp dụng trong nhiều đơn vị.

Tháng 10 năm 1968, chị Lộc còn nhớ lắm, chỉ có điều không thể nhớ được ngày thôi. Đại đội trưởng bảo, tối nay có đoàn xe quân sự cấp cao đi qua trọng điểm này để thị sát chiến trường. Đêm ấy, trăng không sáng lắm vì cây cối lờ mờ. Xe chạy đến đỉnh đèo, có 3 người xuống ở chiếc xe giữa. Người đó thâm thấp, bận bộ quân phục đến bắt tay chị Lộc hỏi: các cháu người ở đâu? Chị hốt hoảng, lưỡi như muốn líu lại, sợ người cán bộ lấn cấn với các chị. Chị biết rất rõ B52 đánh tọa độ là đánh theo giờ cứ 1 loạt 3 phút 1 lần. Nghe tiếng máy bay thì bom đã nổ rồi. Khi nó đánh cứ đánh liên miên, không chỉ đánh đường không mà đánh cả 2 bên đường 3 km là chúng dải chất độc hóa học làm sao cho cây chết hết đi để lộ đường cho chúng dễ đánh trúng. Chị vội bảo “Ơ các bác ơi, đi đi B52 đã đến giờ dải thảm rồi đấy”. Lời nói của chị sắc lẹm như mệnh lệnh cứu xe luôn thường trực trong chị hơn cả nỗi nhớ nhà. Ngày ấy gặp được người hỏi thăm mình thì quý lắm, biết đâu lại là người Ninh Bình vừa từ quê ra, mình sẽ biết được thông tin về gia đình, quê hương. Đoàn xe con đi qua chưa đầy 20 phút sau, B52 đã nã bom vào trọng điểm. Chị Lộc không biết là ai. Không ai nói. Chỉ sau này khi bác Võ Nguyên Giáp thông tin với anh Thụy tìm người nữ thanh niên xung phong Ninh Bình năm xưa chị mới rõ ràng. Nhưng chuyến đi chưa được thực hiện thì anh Thụy bị mất vì tai nạn giao thông ở thị xã Tam điệp

5 năm công tác tại trọng điểm ATP, 5 năm liền chị Lộc là chiến sĩ thi đua, 3 bằng khen của Tổng cục Hậu cần, Binh đoàn 559…và các danh hiệu khác như dũng sĩ diệt Mỹ. Tháng 10 năm 1969 chị Lộc được Đoàn 559 chọn xây dựng cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang, đội N25, cử đi báo cáo thành tích sáng kiến kinh nghiệm để phong tặng danh hiệu anh hùng cùng với chị Đinh Thị Thu Hiệp ở Bộ Giao thông Vận tải. Trên đường hai chị em ra Hà Nội làm báo cáo, chị may mắn gặp được anh Vân lái xe con đưa lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình ra Hà Nội công tác, anh cho hai chị em đi nhờ, rồi anh chị cũng nên duyên vợ chồng. Chị Lộc và chị Hiệp đang làm báo cáo được một nửa thời gian thì đội N25 điện ra cho chị Lộc. Vì điều kiện chiến tranh ác liệt, đồng đội phá bom cảm tử của đơn vị do mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm đã hy sinh nhiều quá, theo yêu cầu gấp của cấp trên, chị phải về gấp Cua Chữ A tiếp tục công việc cũ phá bom thông đường thay cho những chiến sĩ phá bom cảm tử đã bị hy sinh, thành ra đến nay thành tích của chị vẫn chưa được Nhà nước khen thưởng.

Hết chiến tranh chị Lộc về quê làm nông nghiệp, chị làm đội trưởng sản xuất 8 năm liền. Nay chị tuổi cao sức yếu, đi viện liên miên, chị sống bình dị trong sự yêu thương, đùm bọc của làng xóm, gia đình, chồng con với 8 sào ruộng khoán 23% thương tật và bản báo cáo thành tích đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở trọng điểm ngầm Talê oanh liệt ngày ấy còn dang dở.

Những kỷ niềm mà càng về cuối đời luôn day dứt trong chị, chị không thể quên những chiến sĩ còn rất trẻ nhận xe hàng chuyến đầu tiên, vượt đèo Phulanhich bị bom phạt, tay vẫn ôm vô lăng, đầu đã bị treo lên ngọn cây, túi áo ngực vẫn còn kẹo và thuốc lá thơm. Chị không thể nhớ hết được mình đã cùng đồng đội chôn cất liệt sĩ bao nhiêu lần; có lần vào mùa khô không có nước, xong việc, tay chân, quần áo còn dính máu đồng đội vẫn cầm lương khô ăn tạm rồi lại tiếp tục đi phá bom. Nhiều đêm chị giật mình tỉnh giấc, bởi trận mưa bom ở ngầm Aki trong quá khứ, vẫn nguyên vẹn một cái hầm bị bom đánh sập chết 25 người có lái xe, dân công hỏa tuyến, công binh, thanh niên xung phong. Mãi 7 ngày mới bốc được hết xác đồng đội nhưng tất cả đều nát bét cả vào nhau.

Sự thật khốc liệt là thế, chiến tranh là như thế. Thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh, lớn lên trong hòa bình khó có thể hiểu hết được.

Không thể bị lãng quên

Rời xã Yên Hưng trong một ngày mưa bão tôi thấy mình được sống trong cảnh đất nước thanh bình, non sông gấm vóc thu về một mối thiêng liêng biết nhường nào. Nhưng vẫn còn canh cánh một nỗi niềm. Vì sao chị Lộc vẫn chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng, mặc dù đã hơn 40 năm chiến tranh lùi xa vào dĩ vãng, Đảng và Nhà nước đã ban hành và luôn luôn bổ sung các chính sách ưu đãi Người có công để báo đáp xứng đáng những hy sinh, mất mát và vinh danh chiến công hiển hách vì nền độc lập dân tộc.

Khi được hỏi, chị buồn rầu bảo: Ngày đó bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, hết nhiệm vụ thì phục viên về quê chứ có nghĩ ngợi gì đâu. Nhà tôi nghèo, 2 vợ chồng bị ảnh hưởng chiến tranh, sức yếu, mắt mờ, làm lụng quanh năm không đủ ăn. Năm 1983, tôi mải đi mò cua bắt cáy ở dưới sông, để hai đứa con trai nhỏ ở nhà, chúng nấu cơm không may lửa bốc lên mái rạ, tường vách, cháy rụi tất cả. Giấy tờ, bằng khen, huy hiệu cũng nằm ráo cả trong đống tro. Chỉ có mỗi lý lịch Đảng ghi lại những thành tích còn được lưu giữ trên xã. Khi được biết có công văn của Trung ương Hội Cựu TNXP năm 2008 về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, với sự động viên, giúp đỡ tận tình của đồng đội cũ, cùng các giấy xác nhận của những nhân chứng sống như chị Hiệp, chị Hường, chị Thân, chị Mỵ…., năm 2012 tôi đã mạnh dạn làm đơn đề nghị tới các cơ quan chức năng xem xét tùy theo mức độ khen thưởng mà Nhà nước mới ban hành để tôi đỡ bị thiệt thòi. Nếu được, đây là hạnh phúc lớn nhất cuối đời tôi. Và tôi cũng hiểu, nguyện vọng của chị Lộc rồi sẽ ra sao, nếu một ngày kia những nhân chứng sống tuổi bảy mươi này sẽ ra đi mãi mãi? Khi gặp lại chị Lê Thị Lan, nguyên phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Ninh Bình, trưởng ban nữ thanh niên xung phong Trường Sơn tỉnh Ninh Bình, chị bảo: Các giấy tờ ở đơn vị TNXP ngày ấy không được lưu giữ bảo đảm như các đơn vị quân đội. Các đội TNXP người chuyển đến nhiều, người chuyển đi nhiều, người hy sinh cũng nhiều, người còn sống thì phục viên về quê, chuyển ngành, đi học, không mấy ai còn chú tâm đến nữa. Thành ra các giấy tờ thường bị thất lạc rất nhiều. Chúng tôi rất mong chị Lộc được công nhận anh hùng vì đơn vị anh hùng mà không có anh hùng thì thiệt thòi quá. Còn nếu không được thì ít nhất cũng phải tuyên truyền để mọi người biết đến một tấm gương dũng cảm, một con người kiên trung như thế không thể bị lãng quên.

M.H

(Nguồn: TC VNNB 119-7/2013)

Bài viết khác