Chủ nhật, 19/05/2024

Nhớ Phan Dư - Người say mê lao động sáng tạo

Thứ tư, 29/09/2021

THANH THẢN

Phan Dư, sinh năm 1950, quê xã Gia Hòa, Gia Viễn, Ninh Bình, cư trú tại phường Nam Bình, TP Ninh Bình. Ông là một họa sỹ được đào tạo và trưởng thành trong quân đội. Khi ra quân được về công tác tại Phòng Văn hóa Thể thao thị xã Ninh Bình (nay là TPNB), cùng nhà văn, nhà giáo Phạm Bình - Giám đốc, phụ trách Nhà Văn hóa - Thể thao thị xã. Ông là Phó giám đốc.

Họa sĩ PHAN DƯ 

Đến mãi đầu những năm 80 của thế kỷ trước tôi mới quen biết ông khi cùng tham gia cộng tác viên Đài truyền thanh thị xã Ninh Bình, do nhà thơ Nguyễn Quang Hảo làm trưởng đài. Sau đó Nhà Văn hóa Thể thao thị xã tổ chức Câu lạc bộ thơ, thì thường xuyên anh em hoạt động văn hóa, văn nghệ với nhau. Câu lạc bộ thơ thị xã hầu hết các tác giả quen biết trên địa bàn thị xã đều tham gia… mà hoạt động khá sôi nổi, thường xuyên giao lưu trao đổi, phối hợp với đài truyền thanh làm các chương trình thơ, nhất là chương trình thơ mừng Đảng, mừng xuân chào đón năm mới, cũng như chào mừng các sự kiện lớn của đất nước quê hương. Câu lạc bộ cùng Đài truyền thanh cũng có được những buổi đón tiếp các nhà văn, nhà thơ trung ương về thăm Ninh Bình và giao lưu, như nhà thơ Võ Văn Trực, nhà văn Ngô Ngọc Bội (Hội Nhà văn), nhà thơ Lê Đình Cánh, Trương Hữu Lợi (Đài Tiếng nói Việt Nam)…

Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, Hội VHNT Ninh Bình được chia tách từ Hội VHNT Hà Nam Ninh với 40 hội viên của 7 bộ môn nghệ thuật, trong đó có Phan Dư…

 Cuối năm 1992, tôi từ Phòng Giáo dục Hoa Lư được tỉnh quyết định về Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình. Nhà thơ Đào Vĩnh (Công ty 9) được Ban Chấp hành lâm thời chỉ định là Phó Chủ tịch, mỗi tuần 2 buổi về làm việc ở Văn phòng Hội. Sau đó tiếp tục có Phan Dư được tỉnh quyết định về Hội. Từ đó có tôi và Phan Dư làm việc thường xuyên theo chế độ hành chính ở Hội, giải quyết mọi việc thường nhật và tạp chí. Phan Dư chuyên phần mỹ thuật của tạp chí. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình khi đó mỗi quý ra một số.

 Đại hội I Hội VHNT Ninh Bình (1994 – 1999) nhà Nghiên cứu lịch sử, văn hóa Trương Đình Tưởng được bầu Phó Chủ tịch thường trực. Ngày 1/7/1996, ông Trương Đình Tưởng chuyển công tác sang làm Giám đốc Công ty Phát hành sách Ninh Bình. Ông Thanh Thản được Ban Chấp hành bầu làm Phó Chủ tịch. Văn phòng Hội có ông Phạm Văn Phương về làm kế toán, bà Lê Thị Nguyệt làm văn phòng…

Phan Dư là một người rất say mê, cần mẫn với mỹ thuật. Ông vẽ không biết chán. Lúc nào rỗi rãi là lại vẽ. Không ký họa, phác thảo thì lại dựng tranh. Ông là người luôn có ý thức truyền nghề và mong muốn con cháu nối được nghề nghiệp của mình. Chính vì thế ông có 3 con (1 gái, 2 trai) đều đi theo nghề của cha. Nay cô con gái lớn, họa sỹ Phan Diễn và cậu con trai thứ 2, họa sỹ Phan Nguyễn đều đã là giáo viên dạy mỹ thuật trường THCS. Cậu con trai út Phan Biên cũng học kiến trúc đã sống được bằng chuyên môn của mình. Gia đình Phan Dư có 3 bố con đều là hội viên Hội VHNT Ninh Bình. Họa sỹ Phan Nguyễn còn mở được lớp dạy họa riêng.

Phan Dư say sưa vẽ. Không ngày nào ông không cầm đến cây cọ. Ông đã có một gia tài mỹ thuật khá phong phú. Mấy gian nhà ông luôn bày kín tranh, tượng của cha con, cứ như một Galery, một phòng triễn lãm tranh… Ông đã có 5 lần triển lãm cá nhân trong tỉnh, 2 lần triển lãm nhóm và một số lần tham gia triển lãm đồ họa, hội họa toàn quốc, quốc tế và tham gia đầy đủ các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSH hằng năm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ông cũng đã đoạt được nhiều giải thưởng về mỹ thuật của Trung ương và địa phương. Các tác phẩm của ông đạt giải thưởng tiêu biểu như: “Mùa xuân vĩnh viễn” giải Nhất triển lãm tranh cổ động toàn quốc năm 2005; “Gốc có vững, cây mới bền” giải Ba triển lãm tranh cổ động toàn quốc năm 2007; hai lần đoạt giải thưởng Hội MTVN (2006, 2008); 5 lần đoạt giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu của tỉnh… Ông cũng có một số tranh được các nhà sưu tập nước ngoài mua như CHLB Đức, Pháp, Ba Lan, Nhật, Bỉ… Các con ông cũng có tranh tham gia các cuộc triển lãm của trung ương, địa phương, đoạt các loại giải thưởng và tích cực tham gia CLB họa sỹ trẻ, triển lãm “Ánh mắt trẻ”…

Ông được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Viêt Nam năm 1998. Tại Đại hội Hội VHNT tỉnh Ninh Bình khóa II, nhiệm kỳ 1999-2004, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội và tái cử vào UV BCH Hội khóa III, nhiệm kỳ 2004-2009. Năm 2001, ông được đề bạt làm Chánh Văn phòng Hội VHNT Ninh Bình đến khi nghỉ hưu (2010).

Phan Dư là một người thực sự say mê lao động sáng tạo. Lúc nào có thời gian là ông lại cặm cụi với cây cọ, cây bút chì… Không ký họa, thì phác thảo, dựng tranh và sửa sang nâng cao tác phẩm. Ông rất thích phong cảnh làng mạc, đồng quê, đặc biệt là hình bóng cây tre, lũy tre làng. Nét nổi ở ông là tranh phong cảnh. Nhiều cảnh vật thiên nhiên của quê hương đất nước đã đi vào tranh của ông. Nào một bến thuyền sông Vân, một mái đền vua Đinh, một cảnh quan Bích Động, một xóm làng Gia Hòa, rồi một vùng non nước sinh thái Vân Long quê ông… Ông còn vẽ về chân dung những người thân quen. Không phải là vẽ truyền thần mà mỗi bức chân dung về cha, mẹ, vợ, con, các cháu nội ngoại… khi sơn mài, khi chì than, bột mầu, thuốc nước, bút sắt… của ông đều thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có hồn, sống động… Ông cũng còn tích cực tham gia các cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền của Trung ương và địa phương và cũng được những giải thưởng xứng đáng ghi nhận.

Nhiêm vụ ở Hội, công việc ở văn phòng ông đều lo trọn vẹn, như các kỳ tổ chức cho hội viên đi trại sáng tác, đưa đón các đoàn khách Hội bạn về thăm Ninh Bình, đón tiếp hội viên về Hội hàng ngày cũng như nhiều sự vụ hành chính thường nhật khác… Hội ngày đầu được tỉnh cho chiếc xe vonga cũ kỹ từ Hội Cựu chiến binh (Qua Sở VHTT), lần nào đi Hà Nội cũng bị phạt. Sau phải trả lại Sở VHTT, nên Hội có việc đi đâu đều phải dùng đến chiếc Hoda 82 cũ kỹ của ông như một xe công. Cũng thật khá ấn tượng là các dịp đến gia đình hội viên có việc hiếu hỉ. Dù ở đâu xa trong tỉnh cũng đều chu đáo. Ông cầm lái, tôi ngồi sau ôm hoa, mưa gió xa xôi cũng không từ nan. Có hôm mưa rào, gió lớn hai anh em vừa vuốt mặt nước mưa vừa ôm ghì vòng hoa, nắm chắc tay lái bon bon vượt đường trường. Vậy mà ông vẫn vui đọc “Số tôi nào có ra gì/ Vợ thì vợ cũ, ti vi đời đầu…”. Tôi cũng đế luôn, “Mình thì Vợ quê công nợ trả dần/ Đọc thơ hễ thấy có vần thì khen” cho vui, cho bớt nỗi nhọc nhằn, gian nan mưa gió… Có lần vào viếng đám hiếu mà áo quần hai người đều đẫm ướt… Những năm ấy chúng tôi đã đến thăm gần hết gia đình hội viên, đặc biệt quan tâm các hội viên lão thành. Rồi cũng nhiều lần ông đèo tôi xuống các trường học nói chuyện thơ với học sinh hoặc tuyên truyền giao bán tạp chí, hoặc những việc khác... Bằng ấy năm, với chiếc xe máy riêng đi nhiều công việc chung mà chẳng bao giờ ông được thanh toán chút tiền xăng xe hay bồi dưỡng gì. Mãi đến năm 2004, Hội mới được tỉnh cấp cho một chiếc ô tô con 4 chỗ, mới hết cái cảnh gian nan ấy… Thật là những kỷ niệm khó phai mờ.

Người xưa nói “Thi trung hữu họa”, thơ và họa như có mối thiên duyên. Với Phan Dư thì trong họa lại có thơ.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, xưa nay không ít người toàn tài văn, thơ, nhạc, họa đủ cả. Phan Dư cũng còn là một người yêu thơ, say thơ. Thơ ông nhẹ nhàng theo sở thích. Cứ có hứng, có nỗi niềm là ông có thơ. Với ông đúng là thơ để dãi bày, ký thác và chia sẻ… Bài nào cũng ngắn gọn, không cầu kỳ câu chữ hay các thủ pháp, thi pháp gì khác. Tuy vậy cũng có bài có những phát hiện tinh tế, cũng có bài có ý tứ sâu xa, kín đáo mà thường chỉ những người gần gũi, thân quen mới biết được ý tứ thơ ông.

Ông cũng là một người khá sôi nổi, luôn muốn được chia sẻ. Mỗi khi hoàn thành một bức tranh, ông lại muốn mời bạn đến nhà uống chén trà, nâng ly rượu chia vui; hoặc xong bài thơ là ông lại đọc cho bạn nghe, có khi đánh máy tặng luôn. Khi được tán tụng đôi lời thì ông hết sức vui “được lời như cởi tấm lòng” ngay. Cũng như tranh, thơ ông khá đậm đà sắc mầu đồng quê … Từ năm 2000 - 2019 ông đã trình làng được ba tập thơ. Tập “Khúc giao mùa” - Nxb Thanh Niên (2000); Tập “Cỏ hát” - Nxb Hội Nhà văn (2005) và “Gió qua mùa nhớ” - Nxb Văn học (2019). Nhiều bài cũng đã chiếm được cảm tình của bạn đọc… Thơ ông cũng đã có một số bài được in trong các tuyển tập thơ lớn của Nxb Trung ương và địa phương; tiêu biểu như: Tuyển tập thơ Nghìn năm thương nhớ” (Thiên tuế tình hoài) - Nxb Hội Nhà văn (2004), dày 2.008 trang (1 bài); “Trông về Việt Bắc - Nxb Thông tin truyền thông, dày 1.800 trang (1 bài); “Chân dung các nhà thơ không chuyên Việt Nam” - Nxb Dân Trí, tập I, dày 2.017 trang (5 bài); “Thơ núi Non Nước đương đại”, Nxb Hội Nhà văn 2021 (2 bài), v.v…

Với một tác giả không chuyên thơ mà có được như vậy thật cũng đáng mừng, đáng ghi nhận.

Nhưng sự nghiệp mỹ thuật và thơ của ông còn đang phát triển, ông còn đang có những ước mơ, dự định mới… Vậy mà tất cả đành xếp lại chỉ vì một căn bệnh hiểm nghèo. Nhớ về ông lại thấy lòng rưng rưng với những vần thơ ông mới viết, như một lời cảm thán: “Nhòa trong sương khói một chiều/ Bóng ta lẫn với bao nhiêu bóng người/ Xòe tay vớt vạt mây trôi/ Không không, có có kiếp người như mây/ Ngẩng lên ta ngỡ ta đầy/ Nhìn về thăm thẳm bóng ngày lặng trôi/ Chảy đi, cứ chảy sông ơi/ Còn đầy bóng núi, sao vơi bóng người!”…

 

Ninh Bình, 9/2021

(Nguồn: TC VNNB 255-9/2021)

Bài viết khác