Chủ nhật, 19/05/2024

Nhớ quê mùa tép nổi

Thứ tư, 20/11/2019

NGUYỄN QUANG HẢI 

Làng tôi thuộc vùng “bán sơn địa”, lại có cánh đồng chiêm trũng rộng lớn, ở về đông bắc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Làng có tên gọi theo tiếng Việt cổ rất lạ: Làng Vẽo.

Chẳng có ai bây giờ, nhất là lớp người hậu sinh như chúng tôi có thể suy ra cái nghĩa của tên làng. Thì cũng mặc nhiên thôi, quanh vùng có những thôn làng mang tên gọi cổ xưa rất độc đáo như: Làng Chàng, làng Sải, làng Ráy, làng Mèn, làng Láo…

Làng Vẽo và làng Sưa trải bao quanh đồi Vẽo cao và rộng, độc đáo. Dân làng tôi còn truyền câu ca dao: “Đồi Vẽo ai đắp mà cao/ Ngã ba sông Gián ai đào mà sâu”. (Ngã ba sông Gián tức ngã ba sông Gián Khầu, nơi hợp lưu của sông Hoàng Long với sông Đáy, một địa danh nổi tiếng trong lịch sử, nay là nơi giáp ranh giữa huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Phụ nữ đồng chiêm 

Đồi Vẽo ẩn chứa những truyền kỳ. Trông từ phía nam xa xa, quả đồi có hình dáng tựa như một con cá chép. Tương truyền, dưới sâu lòng đồi có một cá chép thần to lớn. Mỗi khi trái gió trở trời, cá chép thần cựa mình, quẫy đuôi, nên nước trong cái giếng cổ ở chân đồi về phía đông nam đang trong veo lại chuyền thành màu “nước rau lang luộc”. Hiện tượng kỳ lạ này là thực tế mà chính bản thân tôi cùng người làng đã tận mắt thấy bao lần.  Về phía nam là đồi Can, đồi Rùa; xa hơn nữa là đồi Quỳnh, đồi Khoai…  Truyền rằng: Thuở xa xưa có ông Khổng Lồ mà dân gian gọi là Đức Thánh Nguyễn đã  ra công  gánh đất bằng quang sọt đắp nên những đồi này để làm nơi cư ngụ cho nhân dân vùng đất chiêm trũng . Ngay bên kia sông Lạng liền kề là núi Con Mèo (thuộc xã Gia Phong, huyện Gia Viễn). Người xưa gọi núi này là núi Con Mèo vì dáng núi trông từ xa giống y như một chú mèo nằm, ngoảnh mặt về phía nam đón gió nồm. Núi này gắn với truyền thuyết, sự tích kể về ông Khổng Lồ - Đức Thánh Nguyễn khi đi đơm đó nơi này vì giận dữ mà đã hóa kiếp cho chú mèo hóa đá.

Cánh đồng chiêm trũng quê tôi cũng có tên là đồng Vẽo, rộng cả trăm mẫu. Từ thuở ông bà, trên cánh đồng này mỗi năm chỉ cấy hái được vụ lúa chiêm. Lúa chiêm xưa gặp úng lụt thất thường, năm được năm thua. Mỗi dịp vào tiết “tiểu mãn” chừng tháng ba, tháng tư, khi lúa chiêm đã trổ đòng hay đang vào căng hạt mà trời không thương thì mưa ngập đồng sâu, nửa năm công lênh mất trắng.

Ấy nhưng, cánh đồng chiêm trũng ấy trong mỗi mùa nước nổi (lụt) từ sau vụ lúa chiêm thì trở nên một cõi riêng khó tả. Dưới nước đồng sâu trong mát là các loài: Rong sét, rong quăn, rau tép, rau vạng (cải đồng), tóc tiên, đuôi chó… đua chen mọc. Trong đó là cá, tép, tôm, cua, ốc nảy nở sinh sôi. Đây quả là một vùng đất và nước hội tụ được nguồn sinh khí tốt lành mà thiên nhiên ban tặng.

Đến tháng chín, thàng mười âm lịch, nước đồng bắt đầu rút, gọi là mùa “giã rạo”, tép đồng chiêm quê tôi nhiều lắm. Tép sinh sống nhiều nhất ở những cánh ruộng rong sét. Đó là thứ rong mọc ở đồng chiêm trũng nước ngọt, thân cọng nhỏ, cứng, ráp, mọc tỏa ra khắp cả vùng, là môi sinh trú ngụ , sinh sôi. Vào cữ này, dân làng tôi phần đông sinh nhai nhờ trời đất với việc kiếm tép đồng để tự túc cái ăn, cải thiện phần nào.

Kiếm tép đồng thì xưa nay vẫn có những cách thức như: Riu, đơm đó, cất vó… Riêng về riu tép, làng tôi nhà nào cũng sắm một bộ riu. Tuy vậy, việc riu tép phần đông do đàn bà, con gái đảm đang. Quê tôi có câu: “Gái đảm đun riu…”. Có lẽ, việc riu tép không chỉ cần có sức khỏe, mà còn rất cần ở sự khéo léo của nữ giới. Riu tép đồng vào ban đêm sẽ kiếm được nhiều tép hơn hẳn so với riu tép ban ngày, vì ban đêm tép nổi.

Cũng vì thế mà người làng tôi có một cách thức kiếm tép đồng rất độc đáo mà tôi chưa thấy có ở nơi nào, đó là cách thức “tát quẩn” vào ban đêm. Đây là cách thức tát nước cho cạn để đơm lấy tép. “Tát quẩn” có nghĩa nôm na là: Tát nước đi sang bên kia bờ để lấy chỗ đơm tép đồng trôi quẩn vào.

Khi từng đàn vịt trời đông đúc kể hàng nghìn con từ phương trời xa bay về, đua nhau bơi lặn kiếm tép cá trên cánh đồng, thì làng tôi vào mùa tát quẩn. Người ta lựa một góc bờ ruộng, xắn đất đắp thành một khuông kín rộng chừng dăm, bảy mét vuông, tạo ra một cửa để đơm đó, gọi là “trổ”. Thường thì góc bờ ruộng được chọn để đắp “trổ” hướng về phía gió nam thổi tới. Những “trổ cái” là những trổ ở sát với bờ sông, xưa gọi là quai lợi hà. Theo kinh nghiệm, tép chỉ nổi nhiều vào những đêm gió nồm nam.

Đãi tép 

Vào những buổi tối đẹp trời, hây hẩy gió nồm nam, người quê tôi đem bắc gàu sòng, tát cho cạn khuông nước, rồi đặt đó để đơm tép. Cạnh miệng đó có một ngọn đèn thắp bằng dầu hỏa sao cho thật sáng. Tép đồng  quê khi ấy theo sinh khí trời đất mới chen nhau nổi lên, lững lờ xuôi theo làn gió nồm nam, đến trổ, chúng ngoi về nơi có ánh sáng đèn là trôi vào đó.

Thường ở chỗ được nhiều tép thì người dân làng lao động không quản mệt nhọc cho tới khi gà gáy canh hai. Lương thực mang theo là những củ sắn, củ khoai, củ từ.

Tép đồng quê tôi qua bàn tay các mẹ, các chị chế biến trở thành những món ăn rất ngon lành như: món canh tép nấu dưa cải chua; món tép rang với khế chua, lá gừng; món tép khô rim dành cho những ngày đông giá rét. Đặc biệt, món mắm tép đồng chiêm Gia Viễn, Nho Quan quê tôi không chỉ là món ăn quen thuộc từ bao đời ở địa phương, mà nay đã trở thành một món ẩm thực hấp dẫn du khách xa gần.

Xa quê, cứ vào mỗi dịp tháng chín, tháng mười, lại nhớ quê mùa tép nổi.

N.Q.H

 

Bài viết khác