Chủ nhật, 19/05/2024

Nhớ và ghi lại

Thứ năm, 02/05/2019

Tản văn của họa sĩ  LÊ ĐỨC BIẾT

Tháng 7-1966 

Học hết chương trình năm thứ 6 trung cấp 7 năm tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cuối khóa nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi thâm nhập thực tế để hoàn tất chương trình nằm trong giáo án và tạo điều kiện cho chúng tôi cọ xát với thực tế.

Hồi đó lớp chia làm 2 đoàn, đoàn đi Lạng Sơn do thầy họa sĩ Nguyễn Thụ phụ trách và đoàn đi cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) do thầy họa sĩ Huy Oánh hướng dẫn. Cái háo hức của tuổi trẻ thời đó luôn là động lực cho chúng tôi lên đường. Mặc dù biết rằng đi Thanh Hóa là vào tuyến lửa khu 4 là nơi đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ, lúc đó chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc, là túi bom của không lực Hoa Kỳ, mà cầu Hàm Rồng là nơi ác liệt nhất...

... Dưới cái nắng chang chang, bầu trời không một gợn mây, không một làn gió thổi, chúng tôi cặm cụi vẽ dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của thầy Huy Oánh. Chúng tôi kịp thời ghi chép, ký họa những hoạt động của các anh thanh niên xung phong lắp cầu phao Hàm Rồng II. Một kỷ niệm mà trong đời học sinh chúng tôi còn nhớ mãi. Hôm đó như thường lệ cả toán ra hiện trường để ghi chép, mải mê công việc, từ phía biển 3 tốp máy bay F105 biệt hiệu là thần sấm của không lực Hoa Kỳ, nhằm thẳng cầu Hàm Rồng và cắt bom, những gì diễn ra không thể nào nhớ hết được: Bụi, cát, đất và mảnh bom vây quanh chúng tôi... Chúng tôi nhảy đại xuống hầm cá nhân bên sườn đê, lấy cặp vẽ che lên đầu. Nhoáng nhoàng, không gian lại trở lại yên tĩnh, lúc đó mới hoàn hồn, điểm quân không thấy ai “sứt mẻ” gì, thầy giáo cho chúng tôi lui quân về nơi tập kết. Sau thời điểm đó chúng tôi còn bám trụ tại hiện trường để vẽ, ghi chép, ký họa những hoạt động của đơn vị thanh niên xung phong. Tình cảm của anh em thanh niên xung phong làm cầu Hàm Rồng, những bức ký họa chân dung, những hoạt động tại hiện trường, những đêm văn nghệ bên ánh lửa bập bùng... (lửa trại được thắp trong nhà, phòng máy bay phát hiện), còn in đậm trong tâm trí chúng tôi về một chuyến đi thực tập, thâm nhập cuộc sống sôi động của tuổi trẻ đơn vị thanh niên trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Qua đợt đi thực tế này, ngoài những bức ký họa nóng hổi tính thời sự và chúng tôi còn được trải nghiệm thực tế mà không mấy ai trong đời học sinh có được.

Mùa thu năm 1967

Tốt nghiệp ra trường cầm mảnh bằng chuyên môn, tôi về Ninh Bình công tác. Thời điểm đó Ninh Bình là một trong những túi bom của không lực Hoa Kỳ. Sự ác liệt tàn khốc của chiến tranh được biểu hiện trên dãy phố, cung đường, bến phà, nhà thờ, thôn xóm, trường học...

 

Ký họa chân dung lão nông dân quân Trần Văn Thời 1972

 

Quá nửa đêm, chiếc ô tô khách Hà Nội - Ninh Bình dừng bên ngã ba cầu Huyện, tôi phải xuống đó và đi bộ về nơi cơ quan sơ tán, cách đường quốc lộ khoảng 7km, đêm về khuya, không một bóng người, xung quanh núi non trùng điệp, một màu đen đặc quánh, tạo cảm giác ghê rợn. Đến cầu Lòn, qua ánh sáng lờ mờ của sao trời, một khung cảnh tàn phá ghê người của bom đạn, cầu bắc qua sông bị bom Mỹ gãy gục, một cầu phà nhỏ được bắc tạm, mọi giao thông bị gián đoạn, tôi lần mò và cũng qua được sông, tôi hỏi thăm nơi cơ quan sơ tán và tại đầu cầu tôi bị dân quân xã bắt giam và nhốt vào chuồng bò. Mặc dù tôi có trình bày, có đầy đủ giấy tờ song họ phớt lờ, bởi trông bộ dạng của tôi từ đầu đến chân “không giống ai” vì y phục toàn một màu đen và là nơi vừa bị bom Mỹ đánh phá. Đêm quá khuya ngoài người dân quân cầm súng đứng cạnh chuồng bò, lũ muỗi vây quanh tôi để “làm thịt” và bên trong chuồng bò là tôi là “tù binh” bị nghi là “thám báo” của địch. Tang tảng sáng tôi được giải về Ủy ban xã và tại đây Ty thông tin Ninh Bình đã cho người ra đón tôi về nơi cơ quan sơ tán, thật hú vía, một kỷ niệm nhớ đời...

                                                             L.Đ.B

Tháng Chạp (sơn dầu 1995)                                                                                                                                             LÊ ĐỨC BIẾT

 

Sau giờ trực chiến (sơn dầu 2002)                                                                                                                                                 LÊ ĐỨC BIẾT

Bài viết khác