Chủ nhật, 19/05/2024

Phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Trường Yên

Thứ tư, 02/06/2021

Ghi chép của LÊ DOÃN ĐÀM

“Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” là chính sách lớn của Đảng và Nhà Nước ta, mang lại đời sống ấm no, tốt đẹp và diện mạo mới cho các miền quê, đất nước. Các vùng nông thôn có đời sống kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, có môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Với chủ trương, phương trâm “Nhà Nước và nhân dân cùng làm, nhà nước hỗ trợ, nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng và dân thụ hưởng”!

Phố Cầu Đông    Ảnh minh họa: nguồn Internet

Trường Yên là một xã thuộc “Miền núi”. Ngày 17/01/2021 cán bộ và nhân dân thôn Đông, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình phấn khởi, long trọng tổ chức lễ “Công bố thôn Đông đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020”. Thôn Đông ở về phía Đông xã Trường Yên, phía đông giáp thôn Đông Thành, phía bắc giáp thôn Tân Hoa, Tây giáp thôn Tam Kỳ, phía nam giáp với cánh đồng Vườn Thiên và sông Sào Khê. Thôn Đông hiện nay là một thôn có địa bàn đặc thù rất phức hợp, được ghép bởi hai khu dân cư Tả ngạn và Hữu ngạn sông Sào Khê, cùng với một trục đường quốc lộ 38B chạy xuyên qua, có một điểm “Tâm linh” đặc biệt, đó là Ngôi Phủ Kình Thiên, tôn thờ Thái Tử Lê Long Thâu, người được sắc phong là: “Kình Thiên Đại Vương (năm 989) cũng là người con trưởng của vua Lê Đại Hành, được phong là Thái Tử. Thôn Đông có cảnh quan mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, hội tụ những nét đặc trưng của hồn quê thuần Việt: “Cây Đa - Bến nước”, “Giếng nước - Sân Đình”. Xưa, cây Đa, bến Lạc, giếng nước thôn Đông, còn là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng nhân dân làng Yên Thượng, làng Yên Thành, ăn chung nước giếng, tắm chung bến Lạc, đậu thuyền chung bến Lạc, cùng nghỉ mát nơi gốc Đa bến Lạc, bởi vậy mới có tên là “bến Lạc” nghĩa là “bến Vui”, sau người ta thường gọi thuận miệng lái thành “bến Lác”. Thôn Đông có nhiều hộ dân thường trú với nhiều ngành nghề mưu sinh khác nhau, nếu ngược dòng thời gian về cội nguồn, thôn Đông xưa chỉ là một xóm nhỏ nghèo, thuần nông ở xứ đồng “Vườn Thiên” nên có tên là xóm Vườn Thiên hay gọi nôm na là “Xóm Trại”, sau là xóm Đông Lân, phía cuối thôn Tam Kỳ Tam, làng Yên Thượng, xã Trường Yên Thượng (xưa làng Yên Thượng có ba thôn: Tam Kỳ Nhất, Tam Kỳ Nhị và Tam Kỳ Tam, nghĩa là: hình ba lá cờ, lá cờ thứ nhât, lá cờ thứ hai và lá cờ thứ ba). Đông Lân có nghĩa là: Xóm ở bìa làng, về phía Đông, phần đuôi của lá cờ thứ ba (theo tài liệu Hương Ước làng Yên Thượng năm 1922). Giai đoạn những năm 1945 - 1955 của thế kỷ tước, đời sống nhân dân thôn Đông cực kỳ nghèo khổ, nhưng người dân xóm Đông Lân có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, yêu quê hương đất nước, yêu lao động, cần mẫn siêng năng, hăng say tăng gia sản xuất. Nhân dân xóm Đông Lân đã đóng góp nhiều con em và người thân đi bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong hy sinh xương máu, để bảo vệ Tổ quốc, trong ba cuộc kháng chiến: chống Pháp, chống Mỹ và chống quân Trung Quốc bành trướng xâm lược. Khi vào mùa thời vụ của “nhà nông” thì người dân xóm Đông Lân cùng nhau ra đồng tích cực, cần cù cày cuốc, gieo trồng, bón chăm, gặt hái. Lúc nông nhàn thì lên rừng đào bới, hái lượm, thu hoạch sản vật rau, cây, củ, quả của thiên nhiên, khi “nước mựng, nước ròng” thì lại cùng nhau xuống sông đánh bắt thủy sản cá, tôm, cua, ốc… với tinh thần tập thể đoàn kết rất cao. Những ngày người dân xóm “Đông Lân” xuống sông, thực sự đông vui như ngày hội, đã làm nên một “danh hiệu” do nhân dân trong xã mến yêu phong tặng: “Đoàn Xiếc Xóm Đông”(*) “độc nhất vô nhị” mà không nơi khác nào có được! Và những câu nói vui: “Muốn ăn cơm ngon, thì gả con cho người “xóm Trại”. Muốn ăn cua rốc, ốc nhồi/ Đem con mà gả cho người “xóm Đông”. Dù ở nơi chiến trường, hỏa tuyến, hay ra đồng, lên rừng, xuống sông người dân xóm “Đông Lân” đều nêu cao tinh thần yêu nước, cống hiến, hy sinh quên mình, hăng say, nhiệt tình lao động, đạt được những thành quả tích cực. Có những người khi phấn khởi đã tự động viên nhau bằng câu nói vui: “phú quý cậy sơn lâm, ấm no nhờ sông nước”! Qua bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử, xóm “Đông Lân” xưa, và nay đã thành thôn “Đông” lớn mạnh hơn, với diện mạo tươi đẹp hơn, đời sống đa dạng hơn và phong phú hơn, nhưng Nhân dân thôn Đông, vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng sẻ chia, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, cùng chung niềm vui chung của quê hương đất nước! Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo: Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Trường Yên, Chi bộ thôn Đông đã ra Nghị quyết chuyên đề về “xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Đông”. Các Ban, ngành, đoàn thể quần chúng cùng vào cuộc, tổ chức các cuộc họp khu dân cư, tuyên truyền phổ biến, triển khai Nghị quyết chuyên đề “xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Đông”. Phong trào đã thu hút và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Nhân dân thôn Đông đã nêu cao ý thức, với tinh thần làm chủ, người người hưởng ứng, nhà nhà hưởng ứng phong trào. Nhà ít, nhà nhiều đều tự giác, hồ hởi phấn khởi góp của, góp công, đóng góp nhân tài vật lực, ủng hộ tiền mặt, tự mang đến tận nhà các cán bộ thôn, để “xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Đông”. Đến nay, thôn Đông đã có đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần phong phú hơn, diện mạo tươi đẹp hơn, môi trường trong lành hơn, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, trật tự an ninh được bảo đảm, tình làng nghĩa xóm càng thêm đoàn kết, thương yêu, gắn bó thiết tha hơn, đã góp phần làm phong phú hơn, tươi đẹp hơn cho quê hương Trường Yên - Cố đô lịch sử nghìn năm “văn hiến”. Với bản sắc tốt đẹp của đất và người Cố đô, như câu “phong dao” từ ngàn đời xưa truyền lại: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”(tức Trường Yên).

Thực là: “Đất, trời, sông núi còn đây/ Mà xem cảnh sắc đổi thay đã nhiều/ Cuộc đời tươi đẹp bao nhiêu/ Thì nhân dân ơn Đảng/ Ơn Nhà nước/ Tri ân các Anh hùng Liệt sĩ bấy nhiêu nghĩa tình”.

 

Chú thích: (*)“Đoàn Xiếc xóm Đông”: cái Xiếc loại dụng cụ bắt thủy sản cá, tôm…

 

L.D.Đ

(Nguồn: TC VNNB 251-5/2021)

 

 

Bài viết khác