Chủ nhật, 19/05/2024

Sáng mãi chữ tâm

Thứ ba, 06/04/2021

Tùy bút của DIỆU THOA 

(Viết về kỉ niệm với thầy cô và mái trường)

Với mỗi người, quãng thời gian đẹp nhất có lẽ là những năm tháng tuổi trò đầy hồn nhiên và mơ mộng. Bởi đó là quãng thời gian mà kí ức lưu lại những địa danh, những tuổi tên, những ảnh hình sâu sắc nhất theo cảm nhận của từng người. Khi trong họ, niềm kính yêu, nể phục đủ lớn để dẫu thời gian có bao lâu, bụi phấn có vô tình dày lên cũng chẳng thể khuất lấp, nhòa mờ tấm gương - thần tượng mà họ nhất mực hướng về. Với tôi, đó là những kỉ niệm về cô giáo Đỗ Thị Bảy, cô giáo chủ nhiệm và là giáo viên dạy văn của tôi ở bậc Phổ thông trung học.

Tôi quên sao được cái sớm mai se lạnh của mùa thu ven biển ngày nào. Hôm đó, tôi mang theo nguyên vẹn cảm giác chông chênh khi chia tay bè bạn học chung thời tấm bé để đến với ngôi trường mới, thầy cô với và rất nhiều bạn mới. Vừa chạm cổng trường thì trống điểm giờ vào lớp. Tôi hớt hải chạy thẳng vào dãy phòng học dành cho Khối 10 và xin cô giáo mới vào lớp. Vừa kịp định thần, nhìn quanh thì chao ơi, tôi nhận ra mình vào nhầm lớp. Hai má tôi nóng ran, bối rối, ngượng nghịu khi nghe cô bạn ngồi bên cạnh hỏi: “Cậu xin chuyển sang lớp này à?”. Tôi lí nhí: “Không, chắc tớ vào nhầm lớp rồi!”. Phải nhấp nhổm mấy lần và dùng hết vốn liếng can đảm, tôi mới dám đứng lên xin cô giáo Liên chủ nhiệm lớp 10B để về lớp của mình. Cắm đầu cắm cổ, tôi chạy trốn chuỗi cười giòn tan đầy tinh nghịch của các bạn trong lớp 10B ấy.

Minh họa: Nguồn Internet

Thập thò, ngập ngừng mãi, tôi vẫn chẳng dám xin cô giáo vào lớp. Thoáng thấy tôi, cô bước ra cửa lớp ân cần hỏi: “Em học lớp 10A phải không?” Khi nghe tôi kể lại sự tình, cô mỉm cười hiền dịu: “Không sao đâu, em vào lớp đi nhé!” Đến tận giờ, tôi vẫn nhớ như in nụ cười hiền dịu của cô giáo chủ nhiệm tôi lúc ấy. Tôi nghe lòng ấm áp hơn, bớt ngượng ngùng hơn vì chuyện vào nhầm lớp sau những lời chia sẻ rất thân thiện của cô. Lúc này, tôi mới dám ngước mắt nhìn lên. Phải công nhận cô giáo tôi đẹp thật! Vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm toát lên trên gương mặt trái xoan với đôi mắt biết nói đã thu phục tôi ngay từ buổi đầu tiên ấy. Mặc dù là nữ và khá nhỏ so với các bạn trong lớp nhưng tôi được các bạn suy tôn làm lớp trưởng. Chưa hết mặc cảm và tự ngượng với chính mình vì chuyện xảy ra lúc trước nên tôi quyết định chối từ. Lời động viên của cô như tiếp thêm năng lượng cho tôi, khiến tôi vững vàng lên rất nhiều. Thậm chí, giờ đôi lúc nhớ lại, tôi còn xấu hổ vì đã định thoái thác nhiệm vụ và sự tín nhiệm của các bạn: “Em hãy mạnh dạn lên, Diệu Thoa nhé! Bên em luôn có cô và các bạn, em à!”. Những ngày được gần gũi bên cô, học cô, tôi thấy bình yên đến lạ! Mà không chỉ riêng tôi, tất cả các bạn trong lớp đều mong đến giờ văn để được nghe cô giảng bài. Mỗi tác phẩm, mỗi hình ảnh, nhân vật trong tác phẩm đều trở nên sống động, đầy hồn vía với cách giảng bài, cách phân tích và bình giảng đầy truyền cảm của cô.

Nhớ có lần, cô dạy chúng tôi tìm hiểu về ca dao, tục ngữ Việt Nam. Chỉ là câu thơ giản dị được truyền miệng dân gian: “Con mèo, con chó có lông/ Cây tre có đốt, nồi đồng có tai…” mà sao, với giọng đọc, cách dẫn dụ, phân tích, liên hệ của cô, nó bỗng trở nên gần gũi, thân thương và đáng yêu đến nỗi thỉnh thoảng, khi nghĩ đến cô, tôi lại ê a đọc để như thấy có cô ở bên.

Dạy học là cả một nghệ thuật. Mỗi thầy cô có một phương pháp truyền đạt và nghệ thuật sư phạm khác nhau, mang đến hiệu quả của tiết học và hứng thú cho học sinh ở mức độ khác nhau. Ở cô, nghệ thuật ấy rất đỗi tự nhiên và giản dị vô cùng. Có lẽ, đó là thứ tạo nên sức cuốn hút và hấp dẫn thần bí cho tất cả các giờ dạy của cô đối với chúng tôi, cho dù nội dung bài học đó, kiến thức đó có khô khan, thô sần đến mấy. Từ khi được học cô, tôi bỗng yêu môn văn hơn và ước mơ trở thành cô giáo bỗng hình thành và lớn lên trong tôi từ lúc nào không biết!

Không chỉ là phương pháp giảng dạy, ở cô phương pháp chủ nhiệm cũng thật tài tình. Lớp 10A của tôi là lớp có nhiều học sinh trội hơn trong khối, song cũng có nhiều bạn nam rất cá tính và hơn trà lứa chúng tôi tới ba, bốn tuổi. Tôi đã từng khóc khi được phân công nhiệm vụ kèm cặp các bạn hồi đầu năm học. Vậy mà, cô đã ân cần bảo ban, chỉ dạy các bạn ấy với tấm lòng bao dung, độ lượng,… khiến các bạn nam ngỗ ngược ấy bỗng điềm tĩnh hơn và trở nên dễ bảo hơn nhiều. Nhớ lắm những lần cô bị ốm, cô vẫn trùm khăn đến lớp dạy chúng tôi. Sau lúc giảng bài, cô phải lấy tay chẹn ngực để xua đi những trận ho rũ rượi. Giọng nói trong và dịu dàng hằng ngày bị khàn đặc do viêm thanh quản. Vậy mà, cô vẫn cố gắng. Chúng tôi chẳng ai bảo ai đều im phăng phắc nghe như nuốt lấy từng lời của cô. Dường như, chúng tôi đều có chung suy nghĩ cùng cố gắng để cô đỡ phải nói to hơn, cô đỡ mệt hơn và như để cô cảm nhận được một điều rằng: Chúng tôi yêu cô và biết ơn cô biết chừng nào!

Thời đó, tất cả các giáo viên của các cấp học đều sống trong cảnh vất vả, thiếu thốn. Gia đình cô, hai vợ chồng là giáo viên cùng trường với ba đứa con nhỏ ở trong một ngôi nhà mái bổi, nền đất tuềnh toàng. Ngoài giờ lên lớp, cô chăm sóc ba đứa con thơ, trồng rau, nuôi lợn và cấy thêm mấy sào ruộng. Lam lũ, thiếu thốn chất chồng, vậy mà tình yêu người, yêu nghề trong cô dường như chưa bao giờ vơi cạn. Có những bạn học sinh nam trong lớp lười học, bao lần định bỏ học giữa chừng khiến cô trăn trở lắm. Lần đó, bạn nam lớn nhất lớp tôi bỏ học đi làm thuê cho một thuyền chở cát mấy ngày. Cô đạp xe đôn đáo đi tìm rồi đến tận nhà động viên, nhờ cha mẹ gọi về và cử chúng tôi tạo nhóm học tập để kèm cặp bạn ấy. Cuối cùng, bạn nam ấy đã tiến bộ và thậm chí đến cuối cấp học bạn còn học giỏi và rất gương mẫu. Giờ bạn ấy đã rất thành đạt và có một gia đình hạnh phúc. Mỗi lần chúng tôi họp lớp, bạn ấy lái xe đưa vợ con về dự. Chúng tôi lại gọi bạn với biệt danh “Thuyền trưởng” - cái tên ra đời sau lần bạn ấy bỏ học theo thuyền cát cô giáo chủ nhiệm phải đi tìm, dỗ dành mãi mới về ấy.

Cô là linh hồn của lớp 12A chúng tôi. Bởi mỗi lời nói, mỗi việc làm của cô luôn mang lại cho chúng tôi sự tin yêu, khâm phục. Cô xin nhà trường cho chúng tôi mượn một mảnh vườn nhỏ để tăng gia gây quỹ lớp. Cô tâm sự: “Các em nên tranh thủ lao động ngoài giờ học vừa khỏe khoắn, vừa sõi việc, về nhà còn đỡ đần cha mẹ. Ngoài ra, có quỹ lớp rồi thì đỡ phải xin tiền bố mẹ cho các hoạt động của lớp. Bố mẹ còn vất vả, còn nhiều thứ phải lo lắm nên đỡ được bố mẹ đồng nào quý đồng ấy, các em ạ!”. Vâng lời cô, chúng tôi trồng rau su hào, cải bắp và mùa nào thức nấy. Cô tận tay hướng dẫn chúng tôi trồng rồi chăm bón cho đến khi thu hoạch. Những bao rau được chúng tôi hăm hở lai đi bán là mồ hôi, công sức của cô trò nhưng lớn hơn là tình yêu thương đến tường tận của cô - người mẹ thứ hai của chúng tôi. Quỹ lớp của chúng tôi được dành cho những dịp kỉ niệm Ngày Thành lập Đoàn 26/3 và thăm hỏi, động viên các bạn ốm đau hoặc có hoàn cảnh đặc biệt trong lớp,… Những điều cô dạy, những việc cô làm cho chúng tôi luôn khiến tôi thầm hỏi: sao cô có thể yêu nghề và dành cho chúng tôi nhiều yêu thương đến vậy?

Đã bao năm trôi qua, mỗi lần họp lớp, chúng tôi đều nhắc lại kỉ niệm của những năm tháng bên cô. Ai ai cũng lặng đi vì xúc động khi nhớ lại một sự kiện buồn của lớp. Ấy là vào những ngày cuối cùng của năm cuối cấp học, chỉ còn cách kì thi tốt nghiệp ta trường hai mươi ba ngày. Một sớm thứ hai đầu tuần, chúng tôi đến lớp thì hay tin bạn Phạm Sơn Kha - một bạn nam trong lớp mất đột ngột đêm qua. Sáng sớm, gia đình mới kịp nhờ người báo tin với cô. Cô đã bật khóc khi báo tin đó cho chúng tôi. Cả lớp cùng khóc theo cô như vừa mất đi một người thân của mình vậy. Cô đã dẫn chúng tôi đến chia buồn với gia đình bạn ấy và đưa tiễn bạn ấy ra nghĩa trang nơi cánh đồng trắng nước. Cô xắn quần lội bì bõm, bùn ngập ống chân, nước qua đầu gối để cùng đắp đất lên mộ đứa học trò thân yêu xấu số. Những dòng nước mắt đau xót đầm đìa trên gương mặt đôn hậu, nhân ái của cô khiến tôi thầm nghĩ: cô đúng như một người mẹ đang xót xa, thương tiếc đứa con đứt ruột của mình vậy. Những buổi chiều sau đó, cô lại cùng từng nhóm trong lớp thay phiên nhau lên động viên mẹ bạn và gia đình vì bố bạn cũng đã mất từ khi bạn còn nhỏ. Mỗi lần cô trò chúng tôi lên thăm gia đình, trước khi ra về, cô đều rủ chúng tôi ra thăm bạn ấy và lội xuống ruộng lầy thắp hương lên mộ bạn ấy. Mỗi lần như thế là một lần cô nghẹn ngào trong nước mắt.

Cho đến những ngày thi tốt nghiệp bận rộn, vất vả, cô luôn động viên chúng tôi, an ủi chúng tôi, rồi cô lại sụt sùi khi lớp học vắng đi một chỗ ngồi, danh sách lớp vắng đi một dòng tên quen thuộc. Phải có tình yêu thương học trò sâu sắc lắm, cô mới vui, buồn theo từng cảnh ngộ của học sinh như thế. Cô dạy chúng tôi tri thức, cách ứng xử, đạo làm người không chỉ qua những bài giảng mà qua chính những việc cô làm ở cuộc sống hằng thường đơn giản mà thấm thía biết nhường nào!

Chúng tôi mừng cho cô, cho gia đình cô. Giờ đây, các con trai, gái, dâu, rể của thầy cô đều thành đạt. Các cháu nội ngoại của cô đều thông mimh, giỏi giang. Con trai cô là doanh nhân trẻ có tên tuổi tại Hà Nội. Các con gái cô đều là giáo viên giỏi, dạy cấp Trung học phổ thông và Đại học. Các em đã thừa hưởng ở thầy cô những tố chất về trí tuệ và đặc biệt là ở cô một trái tim nhân ái vô bờ. Hai con gái sau của cô được đặt tên là Bình và Minh để mãi nhớ về mảnh đất Bình Minh nơi cô và gia đình gắn bó và cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục nơi đây.

 Mỗi lần đứng trên bục giảng, mỗi khi gặp tình huống sư phạm hay gặp trắc trở trong cuộc sống, hình ảnh cô giáo mẫu mực, tận tâm, tận lực với nghề và nhân hậu với người ấy lại hiện lên như một điểm sáng để tôi dõi theo tìm động lực cho mình. Chính cuộc đời nhà giáo mẫu mực của cô đã trở thành kim chỉ nam cho bao thế hệ học trò nối dõi, trong đó có tôi.

Sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi thầm muốn thay mặt tất cả các bạn lớp mình gửi đến cô giáo chủ nhiệm kính yêu năm xưa những tình cảm chân thành nhất cùng lòng biết ơn vô hạn đối với cô và các thầy cô giáo cũ của chúng tôi. Song thiết nghĩ, giờ đây, mọi câu từ sẽ đều trở thành bất lực và sáo sến nếu chúng tôi không làm được gì, không dám hi sinh chút gì, chia sẻ những gì với những oan trái, mất mát, thương đau, nghiệt ngã,… ngay xung quanh chúng tôi, bên cạnh chúng tôi khi cuộc đời đang lên tiếng mỗi ngày. Điều đó sẽ khiến chúng tôi vô cùng day dứt và tội lỗi, thậm chí là hổ thẹn với cô, với các thầy cô giáo của mình năm xưa.

Chỉ biết rằng, dù con tạo xoay vần cuộc sống với những tính toan, bươn chải tít mù đến mấy cũng không nhòa mờ được những kỉ niệm yêu thương và sâu sắc của những tháng ngày chúng tôi được bên cô. Chúng tôi sẽ luôn hướng lòng mình về với ngôi trường Trung học phổ thông Bình Minh yêu dấu, trở về với hai cánh cổng trường thanh sạch vô tư. Nơi mà ở đó, chúng tôi đã được các thầy cô trao cho bài học làm người. Chắc tôi khó có thể làm được nhiều và yêu thương học sinh nhiều như những gì cô giáo tôi và các thầy cô giáo khi xưa đã dành cho chúng tôi. Nhưng tôi luôn thầm hứa sẽ trao trọn bài học năm xưa cho các em học sinh của tôi và luôn cùng các em soi vào khoảng trời pha lê nơi có những thầy cô tôi, có cô giáo Bảy kính yêu cùng tiếng trống trường gọi về những kỉ niệm năm xưa mãi bập bùng trong tâm tưởng.

                                                                                                                                                                                                                        D.T

(Nguồn: TC VNNB 249-3/2021)

Bài viết khác