Thứ sáu, 26/04/2024

Tấm bản đồ Điện Biên Phủ và người chỉ huy trận đánh

Thứ năm, 07/05/2020

PHẠM ĐỨC HOÀN

Sau hơn 50 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đầy gian khổ và hy sinh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điên Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Góp phần vào chiến công vĩ đại ấy có sự hy sinh quả cảm, quên mình của những người lính quân báo - trinh sát. Trong số những người con ưu tú ấy, có tấm gương của đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn trinh sát 426 - Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu.

Sinh ra từ một vùng quê nghèo khó, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, lớn lên trong cảnh đất nước lầm than, 18 tuổi anh trốn nhà vào bộ đội. Trong gần 10 năm quân ngũ (1945-1954), Nguyễn Ngọc Bảo liên tục tham gia các chiến dịch, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, anh cùng đồng đội lập nên một chiến công đặc biệt xuất sắc: đoạt được tấm bản đồ về Điện Biên Phủ từ tay địch. Tiếp sau đó trong một trận đánh ác liệt nhằm xác định vị trí hầm ngầm trên đồi A1, anh đã hy sinh anh dũng trước ngày chiến dịch toàn thắng.  

Nhân ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), xin kể về chiến công đặc biệt này của Nguyễn Ngọc Bảo.

Đồng chí NGUYỄN NGỌC BẢO      Ảnh: Tư liệu

Chúng ta đều biết, sau nhiều ngày suy nghĩ cân nhắc, tính toán, Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ đứng đầu là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Với phương châm mới này, bộ đội ta phải tiến hành lại gần như từ đầu một loạt công tác chuẩn bị, trong đó có việc làm đường kéo pháo và bố trí xây dựng các trận địa hỏa lực. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong một lòng chảo, chung quanh là núi cao trên dưới 1.000 mét. Những ngọn núi lớn khống chế được sân bay Mường Thanh đều ở cách xa từ 10 đến 12 kilômét. Như vậy, với các loại pháo mà quân đội ta đang có, các trận địa phải được xây dựng ở sườn bên trong lòng chảo vì nếu đặt pháo ở sườn núi bên ngoài thì mục tiêu ở ngoài tầm bắn. Yêu cầu đặt ra là phải bố trí và xây dựng các trận địa pháo sao cho vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối, vừa phải chi viện được kịp thời chính xác cho bộ binh tiến công. Muốn làm được như vậy, các đơn vị tham gia chiến dịch đều rất cần một tấm bản đồ chi tiết và mới nhất về Điện Biên Phủ. Ta biết chắc tấm bản đồ như thế chỉ quân Pháp mới có. Vì thế, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho các đơn vị quân báo, trinh sát ở mặt trận được phải tìm mọi cách đoạt bản đồ từ tay địch càng nhanh càng tốt. Trong khoảng gần hai tháng trước đó, một số trận đánh đã được các đơn vị tổ chức nhưng hoặc là không thu được gì hoặc là chỉ thu được các sơ đồ.

Là người chỉ huy một đơn vị trinh sát - quân báo của Bộ, nhận được lệnh của Mặt trận, Nguyễn Ngọc Bảo rất trăn trở suy nghĩ. Qua theo dõi, anh phát hiện ra rằng, những ngày gần đây bọn địch thường tổ chức đưa quân ra ngoài căn cứ nhằm lùng sục, phát hiện lực lượng và ngăn chặn đánh phá sự chuẩn bị của ta. Anh cũng nhận thấy trong các toán quân địch, thường có những tên sỹ quan mang theo bản đồ tác nghiệp. Anh bàn với Ban Chỉ huy tiểu đoàn để anh tổ chức một trận đánh vào đối tượng này để đoạt tài liệu. Trận địa phục kích được anh chọn là chân cao điểm 628, nơi có địa hình lý tưởng để lập trận địa phục kích và cũng là nơi bọn địch thường “nống” ra; Lực lượng sử dụng cho trận đánh là đại đội 42, một đại đội gồm nhiều chiến sỹ rất gan dạ, dũng cảm và được huấn luyện kỹ. Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, đêm 1 tháng 2 năm 1954, đại đội được lệnh xuất kích; Toàn đại đội bố trí xong trận địa thì trời cũng vừa sáng. Từ đó đến tận đầu giờ chiều, bọn địch không hề có động tĩnh gì. Nguyễn Ngọc Bảo lệnh cho các phân đội động viên anh em kiên trì chờ đợi. Mãi đến hơn ba giờ, bọn địch mới xuất hiện. Khoảng một đại đội lính Thái do một tên sỹ quan Pháp chỉ huy đi thẳng vào trận địa của đại đội 42 song chúng không hề phát hiện được quân ta bố trí. Đúng như phương án đã vạch ra, khi trung đội địch đi cuối đội hình trong đó có tên trung úy Pháp cầm tấm bản đồ lọt vào trận địa, Nguyễn Ngọc Bảo ra lệnh nổ súng. Như những chiếc lò-xo bị nén chặt, từ các vị trí ngụy trang, bộ đội nhất loạt bật dậy xả đạn vào đội hình địch. Tên trung úy cùng 16 tên lính khác bị hạ gục ngay tại chỗ. Bọn địch phía trước nghe tiếng súng nổ quay lại ứng cứu, song bị lực lượng ta kiên quyết chặn đánh; Một trận đánh giáp lá cà ác liệt diễn ra. Chớp thời cơ, Nguyễn Ngọc Bảo cùng trinh sát viên Nguyễn Văn Phần nhanh chóng xông tới viên trung úy đoạt lấy tấm bản đồ.

Trận đánh diễn ra nhanh gọn và thu được kết quả ngoài mong đợi. Ta đã đoạt được tấm bản đồ vừa được quân Pháp hoàn thành từ các ảnh chụp từ máy bay, có tỉ lệ khá chi tiết (1/25.000) và mới được phân phát cho các đơn vị đồn trú tại Điện Biên Phủ. Ngay lập tức, tấm bản đồ được chuyển về phía sau nhân thành nhiều bản để kịp gửi cho các đơn vị tham gia chiến dịch.

Sự kiện quan trọng này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”: “Đầu tháng 2 năm 1954, tôi nhận được báo cáo: đại đội 42 thuộc tiểu đoàn 426 của Bộ đã lấy được một tấm bản đồ của địch chụp bằng máy bay”. Đại tướng đã quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho đại đội 42 và các đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Văn Phần. Trận đánh và kết cục không thể ngờ đối với quân Pháp cũng được Bécna Phôn viết trong cuốn “Điện Biên Phủ, một góc địa ngục” như sau: “Ngày 1 tháng 2 năm 1954, hồi 15 giờ 30, tiểu đoàn Thái số 2 đang tiến về cao điểm 628 nhằm mục đích phát hiện trận địa pháo của địch thì bị một loạt đạn dữ dội quét vào cuối đội hình. Trung úy Negơrơ (Nègre) cùng với 16 lính gục ngã ngay tại trận địa. Sau đó một trận đánh giáp lá cà diễn ra. Nhờ sự can thiệp thật nhanh của một đơn vị dù mà tiểu đoàn này tránh khỏi bị tiêu diệt. Những thiệt hại về sinh mạng là một đòn nặng nhưng cộng vào đó còn một đòn khác mang điềm dữ hơn nhiều. Trong người viên trung úy Negơrơ có một tấm bản đồ 1/25.000 mới in về thung lũng Điện Biên Phủ mà quân đội vừa kịp dựng lại từ những bức ảnh do máy bay chụp được. Có tấm bản đồ này, Việt Minh sẽ có điều kiện hiệu chỉnh đường bắn pháo binh của họ với độ chính xác cao nhất(1). Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên, nguyên Tư lệnh Pháo binh và là một trong những cán bộ chỉ huy pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nói thêm về giá trị của tấm bản đồ, đại ý: Thay đổi cách đánh tác động rất lớn đến pháo binh trước hết là việc vạch tuyến làm đường (để kéo pháo vào) và xác định chính xác vị trí đặt trận địa bắn cho pháo. Rất may là đúng vào thời điểm này, các đơn vị có được tấm bản đồ mới nhất về Điện Biên Phủ. Do vậy bộ đội pháo binh nói chung, các đơn vị nói riêng đã có cơ sở để vận dụng rất sáng tạo nguyên tắc: bố trí trận địa pháo phân tán nhưng hỏa lực phải tập trung. Và kết quả là trong chiến dịch, pháo binh ta không những không bị tiêu diệt mà còn khiến quân địch phải khiếp sợ. Quá bất ngờ và bất lực trước hỏa lực pháo binh ta, tên quan năm chỉ huy pháo binh Pi- rốt (Piroth) phải tự sát (2).

Ghi nhận những công lao thành tích của anh, ngày 30 tháng 8 năm 1995, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Nguyễn Ngọc Bảo danh hiệu cao quí “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”./.

                                                                                             

1. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. NXB QĐND. H.2001, trg 147,148; 2. Nguyễn Trung Kiên: Mấy vấn đề sử dụng pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạp chí LSQS số 148 (4/2004)

 

P.Đ.H

(Nguồn: TCVNNB số 238/5-2020)

Bài viết khác