Chủ nhật, 19/05/2024

Tản mạn những ngày chống dịch Covid - 19

Thứ hai, 27/04/2020

ĐINH NGỌC LÂM 

Tết năm nay thật chóng vánh. Vừa bước sang năm mới đã bắt gặp những cơn mưa rào, chiều mùng một tết một trận mưa đá lớn như một điềm báo lạ… Hình như Thượng đế đang muốn thử lòng người.

Cùng lúc  Covid-19 xuất hiện như một cơn gió độc, trẻ em vừa cắp sách đến trường đã lại phải tiếp tục nghỉ học. Cảm hứng du xuân bị chững lại. Thông tin dịch bệnh bất ngờ gây xáo trộn nếp sống sinh hoạt thường ngày, biến mọi dự tính trở thành nỗi lo. Nhìn những nét mặt tươi rói hàng ngày thoắt đã biến thành vẻ mặt nhớn nhác, hốt hoảng, sự phản vệ của con người lắm lúc đơn giản đến buồn cười. Họ chen nhau từ sáng đến chiều trong các siêu thị, thi nhau nhặt mì tôm, mắm muối, nhặt cho đến thượng vàng hạ cám… Nhặt nhiều đến mức cháy hàng, có vẻ ai cũng có sự tính toán để có thể sống cho được dài ngày. Con người cần phải tìm cách để sống nhưng rồi phải sống như thế nào thì trong khoảnh khắc ấy hình như họ lại lãng quên. Sống giữa một chế độ xã hội của chúng ta như thế này mà ai đó còn hoài nghi, còn tin theo sự kích động, xuyên tạc thì hẳn người ấy sẽ có mặt trong siêu thị vào lúc này… Phiếm vậy, chả biết có đúng không? Lại còn có chuyện tệ hơn thế, những vật dụng dùng để phòng chống dịch, tuy đơn giản nhưng khi Y tế khuyến cáo là rất thiết yếu, đó là khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… bỗng chốc trở thành khan hiếm, mấy nhà thuốc lớn lợi dụng găm hàng rồi lên giá gấp nhiều lần… Ở Hà Nội có kẻ còn ích kỷ, găm hàng, rồi nghênh ngang hô hào đồng nghiệp không bán khẩu trang cho dân chúng, trương biển báo “Không bán khẩu trang!”. Dư luận phản ứng kịch liệt, coi đây là những sản phẩm lỗi thời của nạn “Chống lưng”, “Bảo kê”, quen lối sống bằng mọi giá để có tiền, có bao giờ biết nghĩ cho người khác đâu. Rồi liên tiếp những hình ảnh phản cảm tương tự đã bộc lộ…

Tranh cổ động "Không tụ tập đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm" 

Tác giả: LÊ THUẬN LONG (Quảng Bình)

Trong khi Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị chiến lược và kịch bản để đối phó với nạn dịch. Ca nhiễm đầu tiên là người đàn ông Trung Quốc nhiễm Covid-19 từ Vũ Hán sang Việt Nam và lây sang con trai khi hai bố con gặp nhau ở Nha Trang. Với sự chủ động kiểm soát dịch, phát hiện, cách ly và tiến hành điều trị kịp thời, sau này hai bố con đã được bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống. Chính phủ đang ngày đêm tìm cách lo cho dân cho nước, dịch Covid-19 chính xác đã vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch ở mức độ cao rồi mà đời sống có thấy thiếu thốn gì đâu, tình hình chính trị xã hội vẫn giữ vững ổn định. Những hành động, những việc làm từ tâm đã đồng loạt xuất hiện, khẩu trang phát miễn phí đầy đường, nhiều cơ sở sản xuất, trung tâm nghiên cứu dừng việc khác để chuyển sang may khẩu trang, sản xuất dung dịch rửa tay, nước xúc miệng rồi cung cấp đến mọi miền Tổ quốc; lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho đời sống dân sinh được đảm bảo thường xuyên, có thiếu gì đâu. Cho đến khi ca nhiễm virus Covid-19 thứ 17 rồi 21, 24… cộng đồng mạng bảo “Toang rồi!”. Kịch bản tiếp theo được Chính phủ đưa ra, tất cả vẫn trong tầm kiểm soát. Nhiều băn khoăn, sao lại cứ đưa người từ vùng dịch trở về, sao lại cứ để người nước ngoài vào Việt Nam...? Khốn nỗi, chúng ta sống cũng phải có hàng xóm láng giềng, huống hồ là một quốc gia đang hội nhập để phát triển. Con em mình xa Tổ quốc, gặp hoạn nạn muốn trở về Tổ quốc thì Chính phủ sao nỡ làm ngơ. Hình ảnh đội quân áo trắng cùng chuyến bay cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ sang tâm dịch Vũ Hán đón công dân nước Việt bị mắc kẹt trở về với đất mẹ mới lộng lẫy làm sao. Rồi tiếp tục là những chuyến bay khác bay sang các nước phương tây, sang Mỹ đón công dân Việt Nam trở về. Những người con trở về được cách ly, chăm sóc ân cần như tình mẹ dành cho những đứa con. Đang xúc động nghẹn ngào thì trên mạng xã hội lại đưa tin và hình ảnh mấy đứa con cháu vừa về đến sân bay và nơi cách ly đã loạn ngôn chống đối, xúc phạm những người đang vì chúng mà ngày đêm vất vả hy sinh, cả cộng đồng mạng lục tìm trong kho “từ điển dân gian” ra một mớ ngôn từ để trút lên đầu mấy đứa con cháu gọi là “mất dạy” ấy cho hả giận. Dù vậy, chúng vẫn được chăm sóc, vỗ về, điều trị, mong cho sớm an lành để trở về với gia đình, với cộng đồng và mong chúng sớm trở thành người tốt. Những đứa con khờ dại bỏ trốn cách ly đã làm phiền lòng Chính phủ, phụ công biết bao nhiêu người đã bất chấp nguy nan vì chúng, gây bất ổn cho những địa bàn dân cư nơi chúng đến, vô hình dung tự mang mầm bệnh về gieo rắc cho gia đình, làng xóm, quê hương… Thật đáng thương cho những tâm hồn lầm lạc, u mê…

Tình hình cả thế giới đã bước vào giai đoạn “Đại dịch”, Châu Âu đã trở thành nạn nhân nặng nề của Covid-19, con số mắc dịch và tử vong của cường quốc Hoa Kỳ đã ngấp nghé đứng đầu thế giới. Ngày 01/4 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành chỉ thị số 16, toàn xã hội thực hiện cách ly, “Tỉnh cách ly với tỉnh, huyện cách ly với huyện, xã cách ly với xã, xóm cách ly với xóm, nhà này cách ly với nhà kia…”. Mọi hoạt động được Bộ Y tế hướng dẫn tỉ mỉ từ rửa tay, xịt cồn, sử dụng khẩu trang, cho đến cự ly tiếp xúc… Cứ vào Facebook là cười, những cái đầu thông minh, sáng tạo và hài hước đáng yêu. Thôi thì đủ thể loại thơ ca hò vè, âm nhạc, hội họa, chuyện phiếm… miễn là đưa thông tin chống dịch trở thành những ngôn ngữ dễ nhớ in nhanh vào đầu mọi người là vui, là ổn, là yên tâm. Vào mạng là cười, cười đấy mà có những lúc cười rơi nước mắt. Hóa ra con Covid lại làm dậy sóng mạng đến cỡ này, nó làm cho thế giới nội tâm con người ngộ ra những điều mà xưa nay vẫn chỉ lặng lẽ trú ngụ trong góc khuất lòng đời. Có những con người mặc định chỉ biết đến bản thân mình, nhìn thế giới một màu nhòa nhạt, cái gì cũng không vừa lòng, chỉ một chiều phán xét, chê bôi… bỗng giật mình, giờ soi lại mình mới biết là bản thân còn nhiều khuyết tật. Hóa ra, cái gì cũng có ít nhất hai mặt, bởi vậy ở đời cần phải biết nhìn đa chiều. Có câu chuyện một ông nọ suốt ngày chỉ mở mạng đọc tin ngoài luồng rồi thỉnh thoảng “tus” bóng gió một câu chửi đổng, “comment” vài từ vu vơ cho thỏa chí, nhân dịp này bạn bè bảo nhau: “Test thử xem lão ấy nói gì”. “Test” xong, thấy ông này “comment” dè dặt, rồi im bặt. Họ rỉ tai nhau: hay là “Tiên sinh” ấy đã được con Covid giác ngộ rồi chăng? Một vài tin tức, hình ảnh chế cũ rích của “Việt tân” việt toét gì đấy tung lên, lập tức bị cộng đồng mạng “comment” bắn hạ. Chung quy lại, mấy cái mồm phản động bây giờ chắc đã thấy ngượng… Trong khi trên khắp đất nước chúng ta đang đoàn kết chặt chẽ chung tay chống dịch. Đảng, Nhà nước đang hết lòng vì dân, Thủ tướng Chính phủ hạ quyết tâm cùng toàn dân “Đoàn kết chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc”, “Đại nỗ lực”, “Chấp nhận thiệt thòi về kinh tế” để bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân, dù với giá nào cũng “Không để ai bị bỏ lại phía sau”… Chính phủ đang ngày đêm lo cho dân từng bữa ăn, giấc ngủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã toàn tâm, toàn trí, biết bao đêm ông không ngủ, hình ảnh vị “Tư lệnh” tận tụy, quên mình vì dân đã in sâu trong tâm trí biết bao người…

Dân tộc Việt Nam là vậy. Khi thiên hạ thái bình thì người dân thảo hiền như lúa khoai trên đồng ruộng, tình yêu thương dạt dào như sông như biển, tâm hồn dịu dàng trong sáng như làn điệu dân ca... Khi có giặc ngoại xâm thì già trẻ gái trai đều xung trận, phụ nữ chiến đấu với tinh thần “Còn cái lai quần cũng đánh”… Trong đại dịch này toàn dân lại đoàn kết một lòng, chung tay chống dịch. Bộ đội đã quên mình, ngày đêm tuần tra gìn giữ biên cương, nằm sương gió ngoài rừng nhường lại doanh trại làm nơi ăn chốn ở cho đồng bào thuộc diện phải cách ly; cán bộ chiến sĩ lực lượng CAND ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ bình yên giấc ngủ cho nhân dân, bảo vệ an toàn cho những điểm cách ly và các chốt chống dịch; đội ngũ y bác sĩ ngày đêm quên mình cứu chữa bệnh nhân, điều trị chăm sóc các trường hợp nhiễm dịch, theo dõi sát sao những trường hợp nghi lây nhiễm, thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho hàng trăm nghìn người tại các điểm cách ly… Các cấp, các ngành chỉ đạo sát sao, theo dõi địa bàn nắm chắc tình hình, thực hiện chỉ đạo của chính phủ để kiềm chế và từng bước dập dịch…

Những tấm gương người tốt việc tốt xuất hiện thật sự như một rừng hoa, từ các em bé hồn nhiên cầm những đồng tiền ăn sáng dành dụm cất trong lợn nhựa đi mua khẩu trang mang phát cho người nghèo; cụ già 101 tuổi còn ngồi may khẩu trang gửi đi làm từ thiện; những suất cơm, túi quà dành cho người nghèo, tổ chức những điểm phát lương thực, thực phẩm tự giác miễn phí dành cho những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa; những cụ già ở viện dưỡng lão góp nhau những đồng tiền dành dụm bao năm gửi làm từ thiện, tuy ít ỏi nhưng trước nghĩa cử ấy thì còn biết nói gì hơn. Gần đây Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng các nhà hảo tâm đã tổ chức các cây ATM cấp gạo tự giác miễn phí ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, một việc làm hết sức nhân văn, thật cảm động.

Tuy điều kiện kinh tế của đất nước ta còn rất khó khăn nhưng Chính phủ đã hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân, ngày 9/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết số 42/NQ-CP về việc ban hành các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó là mức hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng, phải kể đến 2 nhóm đối tượng đặc biệt khó khăn đó là: những người lao động đang bị thất nghiệp và các hộ nghèo… Thử hỏi ai quan tâm đến đời sống nhân dân được như Đảng, Nhà nước ta. Nói như các cụ ta xưa, một câu “Ơn Đảng, ơn Chính phủ”, hai câu “Ơn Đảng, ơn Chính phủ”… Mọi người hãy cùng nói “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” có được không? Bây giờ mà dùng câu cửa miệng ấy thì bảo là “quê”, nhưng thực sự đó mới là đạo lý! Những doanh nhân thành đạt, liên doanh nước ngoài tại Việt Nam, những người Việt Nam nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước họ đều nói lời cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ và cảm ơn nhân dân ta đấy thôi. Số tiền đóng góp từ thiện của họ lên tới hàng ngàn tỷ đồng đã nói lên tấm lòng biết ơn của họ là thật sự chân thành. Phải nói rằng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, toàn dân ta vẫn đoàn kết một lòng. Chấp hành chỉ thị 16 của Chính phủ, tự giác ở nhà cũng là chung tay, một tin nhắn điện thoại thôi cũng là làm từ thiện, từ tin nhắn ủng hộ (1 tin nhắn là 20.000đ) mà đến thời điểm này số tiền đã gửi về Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam đã là 300 tỷ đồng… 

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam là vậy, truyền thống bốn ngàn năm là vậy. Những bệnh nhân người nước ngoài đã mắc Covid-19 sang Việt Nam được phát hiện, chữa trị khỏi trở về nước mang theo hình ảnh một Việt Nam vĩ đại, họ biết đất nước này nhỏ bé nhưng họ được tận mắt nhìn thấy tinh thần Việt Nam, tấm lòng Việt Nam, tâm hồn Việt Nam thực sự là vĩ đại.

Điểm lại tình hình, tính đến 15/4/2020 chúng ta đã trải qua 83 ngày đêm đối mặt với đại dịch Covid-19. Đến nay chúng ta có 267 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 171 người đã được chữa khỏi, chưa có trường hợp nào tử vong. Trong khi cả thế giới có 1.997.620 người mắc, 126.596 người tử vong, trong đó Hoa Kỳ: 613.886 người mắc, 26.047 người tử vong; Tây Ban Nha: 174.064 người mắc, 18.255 người tử vong; Italy: 162.488 người mắc, 21.067 người tử vong; Pháp: 143.303 người mắc, 15.729 người tử vong… Nhìn vào những con số chúng ta đủ thấy được vai trò lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn là niềm tin lớn lao đối với toàn dân tộc.

Đại dịch rồi sẽ qua đi nhưng còn lại với chúng ta là những nếp sống mới, cách nhìn mới, những giá trị văn hóa lớn lao trên trường quốc tế… Tuy nhiên, bên cạnh những lớn lao đó cũng còn những điều phiền lòng, những biểu hiện chưa tốt thuộc về dân trí, thói quen cộng đồng ở một nước đang phát triển như chúng ta; những việc đáng quan tâm đang được Đảng ta tiếp tục chấn chỉnh, lò chống tham nhũng đã đỏ lửa, điều dân mong đợi sẽ tới. Hiện tại cả nước đang tập trung cao độ để chống dịch, mọi người dân cần phải tiếp tục chấp hành tốt chỉ thị của Chính phủ, kiên trì hơn nữa, bởi trên thế giới dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhưng dù thế nào, có diễn biến đến đâu chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng: Việt Nam Chiến Thắng!

15/4/2020

Đ.N.L

(Nguồn: TCVNNB số 237/4-2020)

Bài viết khác