Chủ nhật, 19/05/2024

Tết bây giờ

Thứ bảy, 08/02/2020

PHẠM ĐỨC HOÀN 

Dân ta vốn hoài cổ. Di sản “cổ” đồng nghĩa với thời gian, với hiếm và quý. Tết là một di sản như vậy. Tôi chưa biết đích xác Tết Nguyên Đán có ở Việt Nam từ khi nào nhưng tục gói bánh chưng, bánh dày có từ đời các Vua Hùng. Vậy là cổ lắm rồi, nhưng Tết bây giờ còn có như Tết xưa nữa không?

Mẹ tôi là nhà giáo, về hưu được gần chục năm rồi. Mặc dù vậy, mẹ tôi vẫn giữ cái nếp: Tết, tự làm những thứ gì có thể làm được. Năm nay cũng vậy. Sáng 27 Tết, mẹ tôi cùng hai đứa cháu ngoại khệ nệ bê thúng lá dong và chậu nước ra trước hè, cẩn thận xếp từng xấp lá ra chiếc mâm đồng to để rửa. Cô Hạnh, hàng xóm sang chơi. Thấy bà cháu lọ mọ lau rửa kì cọ từng cái lá, cô bảo: “Rét mướt thế này bà vọ nước thế làm gì cho khổ? Bánh chưng á? Ra chợ mà mua. Cái gì cũng có bà ạ!”. Thấy mẹ tôi “ừ” có vẻ hưởng ứng, cô nói tiếp: “Hôm rồi hai vợ chồng cháu đánh xe ra siêu thị Big C. Ra đấy mới thấy là trên giời, dưới biển! Từ quần áo đến đồ ăn, thức uống, bánh chưng, giò chả, thịt bò, thịt lợn… sạp nào cũng đầy ự hàng hóa. Em đi một vòng là “xong” cái Tết!”. Nghe cô nói, mẹ tôi vẫn thong thả dùng chiếc khăn mềm chà nhẹ vào từng mặt chiếc lá rồi lần lượt nhúng vào hai chậu nước trong đặt sẵn. Một lát, bà mới dừng tay, thủng thẳng đáp lại: “Vẫn biết từ hồi “đổi mới”, kinh tế dân mình khá lên nhiều nên cái Tết cũng đổi theo. Bây giờ sắm Tết “nhoằng” một cái là xong. Dưng mà tôi vẫn thích cái không khí sắm sửa, chuẩn bị của Tết xưa”. Rồi như thể chẳng biết có ai hưởng ứng, bà tiếp: “Tết xưa khổ một chút nhưng mà vui!”. Con Hà nghe bà nói vậy, ngây thơ hỏi lại: “Bà nói cháu chả hiểu. Sao khổ mà lại vui?”. Bà nheo mắt nhìn đứa cháu chửi yêu: “Cha thằng bố mày. Chúng mày thì hiểu làm sao được. Đến bố mẹ mày nhiều cái còn chưa hiểu được nữa là!”. Đôi mắt răn reo của bà lại hướng cái nhìn vào khoảng không xa xăm như nhớ lại một điều gì. Rồi bà nói như chỉ cho mình nghe: “Chẳng bù cho đời ông bà, suốt năm lo cho cái Tết. Lo Tết cả năm!”.

Ảnh minh họa:  (Nguồn: Internet)

Tôi từ nãy dọn dẹp trong nhà song vẫn nghe bà cháu nói chuyện, phần nào đồng cảm với những tâm sự của bà. Tôi thầm so sánh: ngày trước, ba trăm sáu mươi lăm ngày mới có ba ngày Tết. Ít nên quí và thực sự mong chờ. Vậy nên mỗi khi nói đến điều gì tốt đẹp, thiêng liêng và phải có thời gian mới đạt được, người ta thường bảo: “Đợi đến Tết nhá” thậm chí “Ba mươi chưa phải là Tết!”. Bây giờ, “phú quí sính lễ nghĩa”. Ngoài Tết Nguyên đán, còn có những Tết khác như Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu, Tết Dương lịch… song chúng không còn giữ được cái thanh tịnh, tao nhã trước đây mà đã bị “vật chất hóa”! Lại nữa, một năm có bao nhiêu đám cưới, hội nghị, tổng kết… hầu như cái nào cũng có cỗ bàn linh đình như…Tết. Anh bạn tôi đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân một thị xã, đã có lần nói đùa nhưng tôi nghĩ có đến tám chín phần là thật: “Vào mùa cưới hỏi hoặc dịp tổng kết, tuần nào bọn tôi  cũng có vài ba ngày “phải uống”, phát sợ luôn!”. Nhiều nên bão hòa, thậm chí là ngán, sợ. Phải vậy chăng nên nhiều người dân, đặc biệt là trong nhóm công chức, viên chức thường có câu nói vui “cửa miệng” về cách ăn uống lãng phí hiện nay là Tết cả năm!

Mẹ tôi vừa vẩy vẩy nắm lá dong cho ráo nước vừa hỏi cô Hạnh: “Tôi nghe nói, bánh chưng ở chợ họ luộc bằng “pin đèn” cho chóng dừ, giò chả, nem chua thì bỏ nhiều hàn the để ăn cho dai, cho giòn… phải không cô?”. “Cháu cũng nghe người ta nói vậy, từ gà lợn đến rau củ, thứ gì cũng nuôi bằng thức ăn tăng trọng hoặc phun thuốc kích thích; hôm nọ cháu lại nghe trên tivi nói họ còn bơm cả nước vào thịt bò, thịt lợn cho nặng cân để bán… sợ lắm, xong chả biết mua cái gì, ăn cái gì”. Mẹ tôi cười buồn: “Lúc nãy cô bảo tôi: Tết cứ ra chợ mà mua; giờ cô lại bảo: sợ lắm. Vậy là làm sao?” Rồi chẳng đợi cô trả lời, bà nói: Ngày xưa mỗi khi nhớ về cái Tết người ta lại đọc hai câu này: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đặc trưng của Tết xưa là sáu thứ đó, ba thứ để ăn và ba thứ để chơi. Bây giờ, ba thứ chơi: pháo cấm thì đúng rồi, tai nạn cháy nổ nhiều, có đứa nghịch pháo mù cả mắt đấy, còn cây nêu và câu đối, đang dần sống lại nhưng nhiều nơi cũng không giữ được nữa. Về ba thứ ăn, tôi thấy vẫn giữ được nhưng có lẽ ông bà mình “ăn sạch” hơn! Này nhé. Để có một con lợn thịt, thông thường phải nuôi từ sáu đến tám tháng, thậm chí cả năm. Lợn nuôi chủ yếu bằng cám với bèo, cây chuối, khá hơn thì thêm ít dãi khoai hoặc ngô đẹn, thóc dẹp. Vì nuôi lâu và không có chất tăng trọng nên thịt lợn chắc và thơm. Gần tết, vài ba nhà “đụng” một con. Hôm đụng lợn là một ngày vui. Cả xóm vang tiếng lợn kêu eng éc. Trưa hôm đó, các nhà được ăn “tươi”, đặc biệt cánh đàn ông có món tiết canh, lòng lợn với cút rượu nhâm nhi. Lợn vừa mổ ra, thịt còn nóng hôi hổi đem về giã giò (nạc), bó giò (mỡ) hoặc nấu đông; giò hay đông đều dẻo mịn, thơm ngon lắm. Còn bánh chưng, ngày xưa có được nồi bánh chưng cũng thật công phu và vất vả. Thời trước, mỗi nhà thường dành vài ba thước đất để cấy lúa nếp, phần lớn cấy giống nếp cái hoa vàng. Khi gặt các cụ chọn rất kỹ: từng lọn, từng tay, thậm chí đến từng bông để không “lẫn tẻ”. Thóc phơi thật nỏ mới cho vào chum và đậy chặt bằng lá chuối khô. Độ ngoài 20 Tết mới mang ra xay giã, dần sàng. Gạo làm xong, bốc một dúm lên lòng bàn tay, tãi ra cả mười hạt sóng đều cả mười, tăm tắp, trắng ngần, thơm nức. Các cháu thử hình dung bức tranh lúc gói bánh: Chiếu hoa trải ra giữa nhà, chậu gạo nếp trắng ngần đặt bên cạnh chiếc rá có những nắm đậu vàng ươm và các chồng lá dong xanh mướt. Không khí mới thật tuyệt: mọi người ngồi xung quanh vừa gói bánh vừa nói chuyện rất vui vẻ và ấm cúng. Lại nói đến chuyện củi để nấu bánh chưng. Đây cũng là thứ phải chuẩn bị trước hàng mấy tháng. Củi thường là các gộc (phần gốc rễ) của các loại cây trong vườn như tre, nhãn, xoan nhưng tốt nhất là gộc tre, loại này cháy rất dai và đượm. Vào khoảng tháng 9, tháng 10, người ta thường đốn tre (lúc này trời hanh khô, tre không tích nước, ít bị mối mọt). Sau khi đốn, các gốc già cỗi được đánh đi. Đánh gốc tre rất vất vả, thường phải thuê thợ chuyên đánh gốc vì họ vừa có sức khỏe, kinh nghiệm vừa có công cụ chuyên dùng như búa, rìu, choòng, thuổng… Gộc sau khi phơi thật khô xếp vào thùng trấu, có khi còn được chất lên cả gác bếp. Củi tốt, lửa đượm, bánh chưng sẽ rền, để lâu không bị “lại gạo”, nhưng vui hơn là cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh vừa sưởi vừa đợi bánh chín. Háo hức nhất là bọn trẻ mong đến lúc được ăn bánh “rùa”.Nghe mẹ tôi nói, cô Hạnh ồ lên xuýt xoa: “Ngày xưa các cụ chuẩn bị Tết thật công phu bà nhỉ! Thế mới có ý nghĩa chứ. Cháu thấy Tết bây giờ cứ nhạt nhạt làm sao ấy!”. 

Mẹ tôi bỗng trở lại vẻ thâm trầm của một bà giáo già: “Thực ra đây mới chỉ là một phần của sự chuẩn bị Tết thôi. Nguyên đán là một cái tết chứa đựng nhiều nét truyền thống văn hóa đặc sắc của ông cha ta. Đặc sắc đến nỗi từ “Tết” trong tiếng Việt không thể dịch được sang tiếng Tây, mỗi khi nói người ta để nguyên như vậy. Phong tục tập quán của Tết là những gì đã gắn bó sâu sắc với đời sống, với tâm hồn của người dân nước Việt. Tôi rất sợ cái “nhạt nhạt” như cô nói. Hình như Tết bây giờ đã bị lẫn vào cái gì đó và mất dần đi tính đặc trưng, đặc sắc vốn có? Bao giờ cho đến Tết ngày xưa, cô nhỉ?”

P.Đ.H

Bài viết khác