Chủ nhật, 19/05/2024

Thượng tướng Nguyễn Hữu An như tôi biết

Thứ năm, 16/12/2021

PHẠM ĐỨC HOÀN 

Thượng tướng Nguyễn Hữu An là một trong số rất ít các tướng lĩnh được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen tặng là “Vị tướng trận mạc”.
Với cuộc đời binh nghiệp của tôi, từ khi là chiến sĩ đến cán bộ cao cấp, tôi có ba lần may mắn được tiếp xúc gần ông. Tuy chỉ ba lần thôi nhưng những ấn tượng về ông, về một “vị Tư lệnh” đáng kính đọng mãi trong tôi.

Làm “thầy” dạy tiếng Anh cho Tư lệnh

Sau khi tốt nghiệp trường Ngoại ngữ Quân đội (khóa F), tôi được điều về Sư đoàn 308 làm phiên dịch. Tôi theo sư đoàn vào chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968). Suốt mấy tháng trời gian khổ, chúng tôi thu được khá nhiều tài liệu bằng tiếng Anh của địch và trực tiếp hỏi cung một tên Mỹ (phi công bị bộ đội ta bắt sau khi nhảy dù). Những tin tức thu được và cả tên Mỹ sau đó đều được giao về Mặt trận. Kết thúc chiến dịch, Sư đoàn hành quân ra Thanh Hóa một thời gian rồi về đóng quân và huấn luyện ở Hà Tây. Đầu năm 1969, chúng tôi được tin Sư đoàn có vị Tư lệnh mới, vừa ở chiến trường ra. Một buổi chiều khi chúng tôi vừa kết thúc khóa học tiếng Anh cho hạt nhân các đơn vị (tổ chức ở xã Phượng Cách, Quốc Oai) thì nhận được thông báo của Trưởng ban Địch vận Sư đoàn: “Tối nay cậu lên gặp Tư lệnh”. “Có việc gì vậy Trưởng ban?” Tôi hỏi lại mà không giấu được sự bối rối! Ông trả lời: “Không rõ nhưng tớ đoán liên quan đến tiếng Anh của cậu”. Tôi nghĩ mà bụng thì run: chưa bao giờ có một chàng Trung sĩ trẻ ranh đi gặp ông Đại tá Tư lệnh!. Nghe nói ông nghiêm khắc lắm nên tôi càng sợ.

Thập thò ở cổng nhà Tư lệnh một lúc khá lâu, tôi được anh công vụ dẫn vào nhà. Tôi đứng nghiêm chào ông. Trước mắt tôi là một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi tuổi, dong dỏng cao có khuôn mặt và đôi mắt rất sáng nhưng nghiêm nghị. Ông đứng dậy ra hiệu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh chiếc bàn con. Sau khi chuyển cho tôi cốc nước vối nóng – một thứ nước uống mà người quê vẫn hay dùng, ông cất tiếng hỏi, giọng rất ấm: “Cậu tên gì, quê ở đâu?” Tôi đã bớt đi sự hồi hộp. “Dạ tôi tên Hoàn, quê ở Ninh Bình”. Mặt ông như dãn ra: “Ninh Bình à! Tớ cũng quê Trường Yên, sát đền Vua Đinh - Vua Lê ấy!”. “Em ở Ninh Khánh, chỉ cách đó mấy cây thôi”. Tôi chuyển cách xưng hô. Ông trở nên vui hơn: Màn chào hỏi vậy là được rồi. Ta vào việc chính nhé. “Mình đang đánh Mỹ nên việc cho bộ đội học một số câu tiếng Anh để làm binh vận là rất cần thiết. Vừa rồi nghe sư đoàn mở lớp dạy tiếng Anh cho hạt nhân các đơn vị nhưng chúng tớ không thể thu xếp được thời gian theo được. Vậy các cậu có thể thu xếp dạy buổi tối cho mình và các anh trong Bộ Tư lệnh được không?”. Tôi đáp: “Thưa Tư lệnh, được ạ, nhưng phải kiên trì lắm”. Ông cười vui: “Chúng tớ sẽ thử! Trước mắt cậu bố trí một tuần dạy hai buổi nhé”. Ông nói thêm: “Lịch học có thể thay đổi theo công việc nhưng các cậu phải chủ động, không câu nệ và dạy y như thật nhé!”. Thế là tôi trở thành “thầy” dạy tiếng Anh cho các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn (gồm Tư lệnh Nguyễn Hữu An, Chính ủy Hoàng Phương, Phó Chính ủy Nguyễn Hùng Phong...). Các ông đều tỏ ra rất chăm chỉ và cố gắng. Điều đó đã động viên tôi rất nhiều. Tuy nhiên lớp học cũng chỉ duy trì được một thời gian thì phải ngừng do càng gần về cuối năm công việc chuẩn bị cho diễn tập và tác chiến mùa khô 1970-1971 đã cuốn hút các ông. Nhưng hơn hai chục năm sau, ông nói tôi một câu làm tôi thật sự vui: “Nhờ có mấy chữ “ây-bi-xi” của cậu thời ấy mà tớ học tiếp lên. Giờ cũng có thể trổ tài “xi xồ” với mấy tay Mỹ từng “đụng nhau” trong chiến tranh!”.

Gặp nhau ở nơi chiến hào Tích Tường - Như Lệ

Tư lệnh Nguyễn Hữu An ở Sư đoàn không lâu và không liên tục bởi ông được Bộ sử dụng gần như “con dao pha”. Đó là cách nói ví von của cánh lính chúng tôi nhưng thực tế có lẽ là như vậy. Sau khi chỉ huy Sư đoàn tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Ông được Bộ điều ngay sang Lào tham gia Bộ Tư lệnh chiến dịch Z, chỉ huy đánh bại cuộc tiến công của quân ngụy Lào - Thái có sự chi viện của Mỹ hòng lấn chiếm khu vực cánh đồng Chum (nửa cuối năm 1971). Ngay sau đó tiếp tục tổ chức chiến dịch phòng ngự, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (trong hai tháng 4 và 5 năm 1972). Khoảng cuối tháng 6 năm 1972, ông trở về Hà Nội chuẩn bị cho kì nghỉ dưỡng ở Cộng hòa dân chủ Đức thì ông lại nhận được lệnh của Bộ: vào ngay chiến trường Quảng Trị!

Lúc này với sự tăng cường tối đa về hỏa lực không quân và hải quân Mỹ quân đội ngụy đã huy động một lực lượng lớn tiến hành cuộc phản công chiến lược hòng chiếm lại Quảng Trị. Trong khi đó quân ta trên đà tiến công, hầu hết các đơn vị (trong đó có Sư đoàn 308) đang đứng chân ở nam sông Mỹ Chánh, chuẩn bị đánh Huế.

Trước khi lên đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho người gọi ông đến nhà riêng. Sau khi nói vắn tắt tình hình Quảng Trị, Đại tướng nói: “Cậu vào đó “nắm” 308, tìm hiểu xem nó mắc mớ gì, có khó khăn gì đẩy nó lên”. Tư lệnh Nguyễn Hữu An hiểu đây là một thử thách mới cũng là niềm tin mới mà Bộ và cá nhân Đại tướng trao gửi nơi ông. Và với tư cách là một người chỉ huy từng trải, ông linh cảm thấy những khó khăn chồng chất đang đón đợi.

Đêm ngày 20/7/1972, ông có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 308 lúc này đang đóng ở Động Ông Do. Mọi người ở cơ quan sư đoàn bộ đều vui mừng khi biết tin ông trở lại. Tôi lúc đó đã được đề bạt làm trợ lý địch vận và đang đi theo Sở chỉ huy nhẹ của sự đoàn đóng ở Tích Tường.

Sau khi xem xét, đánh giá tình tình (địch, ta, địa hình...) một cách toàn diện, ông trao đổi trong Bộ Tư lệnh về chủ trương “tiến công của Mặt trận và đề xuất ý tưởng “nên chăng ta phải đi vào phòng ngự?”. Nhưng ngặt một nỗi ở thời điểm này, từ trên xuống dưới đang bao trùm quan điểm “cách mạng là phải tiến công”. Ông cũng nắm được suy nghĩ của nhiều cán bộ chỉ huy: muốn dừng lại thì giữ được đất và đỡ thương vong nhưng sợ nói ra thì bị “quy chụp”, cho là “dao động, không có tư tưởng tiến công!” Ông gọi điện gặp Hoàng Đan, Tư lệnh Sư đoàn 304, đang đứng chân ở phía trước. Qua trao đổi ông mới rõ: Hoàng Đan cũng đồng quan điểm này nhưng chưa biết bày tỏ cùng ai. Sau một đêm suy nghĩ, ông quyết định báo cáo với Bộ tư lệnh Mặt trận đồng thời viết điện gửi nhờ Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng chuyển cho đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bức điện ông trình bày rõ: “Tình hình Quảng Trị lúc này không khác mấy với tình hình chiến dịch phòng ngự cánh đồng Chum mà ông vừa trải qua. Và ông đề nghị với Bộ quyết tâm dứt khoát chuyển vào phòng ngự. Nếu không lúc này muốn diệt một tiểu đội, một trung đội địch cũng khó”. Đây là một quyết định rất táo bạo nhưng đã được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Ông nhớ lại hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cũng có một đề xuất táo bạo: đào một đường hầm ngầm dưới lòng điểm cao A1 để đặt 1000kg thuốc nổ. Bộ đã đồng ý, sau đó A1 bị tiêu diệt, dẫn đến cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ vào chiều 7/5/1954.

Được cấp trên chấp thuận, ông lập tức triển khai thế trận. Tuy không nói đến từ “phòng ngự” nhưng đã chỉ đạo các đơn vị sáng tạo ra chiến thuật “cụm chặt liên hoàn” để vừa có thể phòng ngự chắc và tiến công khi có thể. Các trung đoàn của Sư đoàn 308 đã trụ vững kiên cường ở ngã ba Long Hưng, khu tam giác Đệ Ngũ, đồn Gia Long, Phước Môn. Tân Tẹo, Như Lệ, Tích Tường; phối hợp chặt với sự đoàn 320 giữ Thành Cổ Quảng Trị trong đó nơi quyết liệt nhất là Tích Tường, Như Lệ. Như vậy từ khi ông đến, tình hình Sư đoàn đã có chuyển biến rõ rệt. Từ một đơn vị gần như mất sức chiến đấu đã dần đứng dậy và trụ vững ở Tây Nam Thành Cổ.

Một đêm khoảng đầu tháng 9, Tư lệnh nguyễn Hữu An đến tận Sở chỉ huy nhẹ của chúng tôi ở Tích Tường. Đêm ấy có trăng và rất nhiều pháo sáng nữa. Tuy chỉ dừng chân chừng 15, 20 phút, nhưng tôi vẫn kịp chào ông và ông vẫn nhận ra tôi với câu chào bằng tiếng Anh: “Hello! How are you?”. Tôi chỉ kịp nắm chặt tay ông và trả lời bằng tiếng Việt: “Em khỏe. Chào Tư lệnh”. Sau khi trao đổi vắn tắt với Phó Tư lệnh Đào Đình Sung và Phó Chính ủy Nguyễn Hiền, ông chào mọi người và nói: Giờ tôi đi xuống kiểm tra chốt của anh em 36 (tức cụm chốt của trung đoàn 36). Đây là địa bàn có ý nghĩa chiến thuật quan trọng. Địch muốn chiếm vùng giải phóng phía Tây và Thành cổ Quảng Trị phải qua dải đất Tích Tường Như Lệ. Với thế trận “Chốt và cụm chốt liên hoàn” trên một địa hình hoàn toàn “thất thế”; địch chiếm ba phía, lại ở trên cao, phía sau là sông Thạch Hãn, ấy vậy mà từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 11, Trung đoàn 36 (với quân số chỉ đạt từ 30, 40%) không chỉ trụ vững mà còn tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chặn đứng nhiều cuộc hành quân lấn chiếm của chúng.

Thực tiễn đã chứng minh là ông đúng. Ông kể lại, sau ngày ký kết Hiệp định Pa-ri, ông về Hà Nội, ghé thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong câu chuyện giữ thành Quảng Trị, Đại tướng thân mật hỏi: Nếu tôi cho cậu chuyển sang phòng ngự, cậu có giữ được không? Ông trả lời: 100% thì không được chứ 90 đến 95% có thể đảm bảo giữ được. Tôi nghĩ: Đó là lời hứa danh dự của một vị chỉ huy tài giỏi!

Gặp lại thầy ở Học viện Quân sự cấp cao

Năm 1994, khi đang là Phó Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân đoàn 1, tôi được cử đi học một lớp bổ túc ở học viện. Tôi biết ông đã lên Thượng tướng và đang làm Giám đốc. Sau hai mấy năm, tôi chắc ông không còn nhớ đến chàng Trung sĩ “quèn” ngày nào, vả lại cũng ngại tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ” nên tôi cũng chẳng dám đến thăm ông. Tôi định bụng cứ để cho tự nhiên, có duyên sẽ gặp. Mà lần gặp này cũng thú vị chẳng kém hồi ở Tích Tường. Hôm ấy là buổi trưa, đến giờ cơm, bọn học viên chúng tôi vác bát đũa xuống nhà ăn. Tôi nhìn thấy ông đang đứng ở cuối dãy nhà, gần khu vực bếp chia; chắc ông đang đi kiểm tra. Sau đó, ông đi dọc các dãy bàn ăn vừa kiểm tra vừa hỏi han anh em đang dùng bữa. Tới bàn chúng tôi, tôi chủ động đứng lên với câu chào quen thuộc “Chào Tư lệnh”. Ông hơi sững người song vẫn nhận ra tôi. “Ô cậu!”. Rồi ông vui vẻ giới thiệu tôi với mọi người: “Đây là thầy dạy tiếng Anh cho tôi hồi ở Sư đoàn 308”. Tôi cũng vui vẻ đáp lại: “Em cũng đang cắp sách đi học thầy đây”. Trước khi rời đi ông vỗ vai thân mật dặn tôi: “Thi thoảng lên chỗ tớ chơi nhé!”. Tôi biết ông rất bận nên chỉ đến thăm ông được vài lần trong suốt cả khóa học. Nhưng tôi thường xuyên vẫn nhìn thấy ông trên giảng đường, vẫn nghe ông nói chuyện với học viên những vấn đề quan trọng. Một lần nghe ông thuyết giảng về chiến dịch tiến công và phòng ngự trong kháng chiến chống Mỹ, dường như ông vẫn đau đáu về những ngày gian khó ở Quảng Trị. Ông nói: “Giá như ngày ấy chúng ta sớm chuyển vào phòng ngự và có chiến dịch phòng ngự thì đã đỡ đi biết bao xương máu của anh em!”.

Đó vị Tư lệnh của tôi là thế đấy. Một con người hào hoa, phong nhã nhưng cũng rất lịch lãm. Mười chín tuổi vào bộ đội. Hai tám tuổi đã làm Trung đoàn Trưởng... Khi Tổ quốc cần ông đi ngay vào chiến trường, đến những nơi ác liệt nhất để tìm ra những cách đánh địch phù hợp, hiệu quả nhất. Dấu chân ông in khắp các chiến trường, từ Điện Biên Phủ, đến Tây Nguyên rồi Trị Thiên sang đất Triệu Voi, đất Chùa Tháp... Tháng 4/1995, ông chuẩn bị cho chuyến đi Trường Sa, sau đó quay về thành phố Hồ Chí Minh dự lễ kỉ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nơi mà 20 năm trước, Quân đoàn 2 do ông chỉ huy đã tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh đầu hàng thì ông đột ngột ra đi. Thượng tướng Nguyễn Hữu An - “một vị tướng trận mạc, một người con của đất Hoa Lư - Ninh Bình sẽ sống mãi với non sông đất nước./.

P. Đ. H

(Nguồn: TC VNNB 257-11/2021)

Bài viết khác