Chủ nhật, 19/05/2024

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, vị Tư lệnh từ rừng ra biển

Thứ sáu, 27/08/2021

PHÙNG VĂN KHAI 
Ấn tượng đầu tiên của cánh nhà văn chúng tôi về Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là sự trầm tĩnh và giản dị nhưng cũng rất chân thành cởi mở với người đối thoại.

Với lối tư duy trầm hậu, đĩnh đạc của người lính nay đã là vị tướng đứng đầu lực lượng cảnh sát biển quan trọng của quốc gia, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn khái quát mạch lạc và khúc triết, nhưng cũng rất xúc động về từng quãng thời gian cuộc đời mình. Đời người chiến sĩ mấy khi được an nhàn, thư thả mà luôn phải đối diện với những khó khăn, thử thách, thậm chí không ít hiểm nguy. Nhưng cũng chính từ những gian nan ấy, các anh đã trưởng thành, bởi vậy người chiến sĩ càng biết trân quý mọi giá trị trong cuộc sống.

Những tháng ngày gian khó ở Tây Nguyên.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn sinh năm 1964, anh nhập ngũ tháng 9 năm 1982 vào Bộ đội Biên phòng. Chàng trai 18 tuổi quê Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình vào học Trường Sĩ quan Biên phòng khóa 19, ra trường năm 1985 rồi khoác ba lô lên đường vào thẳng Tây Nguyên. Chàng sĩ quan trẻ mang quân hàm thiếu úy vào Đại đội 9 đóng quân tại Bản Đôn - Đắc Lắc. Giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước cả nước thiếu đói thì Bộ đội Biên phòng Đắc Lắc cũng không ngoại lệ.

Đất nước ta vừa thống nhất được vài năm, người lính còn chưa kịp gây dựng cuộc sống riêng cho mình, thì hai đầu đất nước lại rộ lên tiếng súng. Kẻ thù nham hiểm chưa bao giờ muốn đất nước thân yêu của chúng ta được yên hàn. Những người lính trận lại cầm súng ra hai đầu biên giới. Ở Tây Nguyên, thời điểm đời sống nhân dân các dân tộc khó khăn, thiếu thốn trăm bề, tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bị Phun-rô đe dọa. Đại đội 9 đứng chân ở Bản Đôn là Đại đội cơ động của biên phòng tỉnh Đắc Lắc làm nhiệm vụ truy quét Phun rô. Bà con các dân tộc Tây Nguyên trải qua chiến tranh chống Pháp rồi đánh Mỹ, hòa bình nhưng vẫn chưa có được cuộc sống yên bình là những trăn trở lớn của người lính biên phòng. Nhiều nơi ở Tây Nguyên, quân Phun rô gây chia rẽ, bạo loạn, phục kích bắn giết cán bộ, nhân dân rất dã man. Đặc biệt là tên thiếu tá Y Khin cầm đầu bọn Phun-rô hoạt động ở vùng Đắc Min. Mỗi khi có thời cơ, tên Y Khin táo bạo chỉ huy bọn người khát máu phục kích nơi chân dốc bìa rừng để bắn và cướp xe của cán bộ, chiến sĩ. Đội trưởng Nguyễn Văn Sơn báo cáo và thực hiện chuyên án đặc biệt chỉ huy 4 lực lượng gồm du kích, công an, biên phòng và bộ đội địa phương quyết tâm trừ khử bằng được toán Phun-rô do Y Khin cầm đầu. Sau nhiều ngày dầm mưa gió, luồn rừng mật phục rất vất vả, đấu trí căng thẳng, được sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, Nguyễn Văn Sơn cùng đồng đội đã phá án thành công, bắt sống và tiêu diệt toán Phun-rô khét tiếng ở Đắc Min khiến tên thiếu tá Y Khin phải đền tội ác.

Những năm tháng ở Tây Nguyên đã cho Nguyễn Văn Sơn không chỉ nhiều bài học kinh nghiệm, kỹ năng đánh án mà đặc biệt là sự trưởng thành từ chính đời sống cần lao của nhân dân.

Năm 1991, một việc trọng đại, một bước ngoặt cuộc đời đã diễn ra với đại úy Nguyễn Văn Sơn, anh cưới vợ là cô cán bộ thương nghiệp thuộc Công ty thương nghiệp huyện Đắc Min. Cuộc đời kể cũng lắm điều kỳ lạ và cái chuyện lấy vợ của bộ đội ta, nhất là bộ đội biên phòng có nhiều chuyện chẳng khác gì huyền thoại.

Dạo đó, Tây Nguyên còn hoang vắng lắm. Nguyễn Văn Sơn đang cùng đồng đội bám nắm địa bàn biên giới Đắc Min xa xôi chẳng mấy khi được gặp người. Muốn gặp người, muốn nhìn thấy cái nón trắng của cô gái bắc, cán bộ chiến sĩ trên chốt trạm ai cũng xung phong đi xa vài cây số vượt núi băng rừng mua nhu yếu phẩm. Nhiều khi anh em còn cố tình mua thiếu thứ nọ thứ kia để có cớ xuống thị trấn vùng biên gặp gỡ, trò chuyện với các cô gái trong chợ. Cửa hàng thương nghiệp huyện cũng chỉ lèo tèo mấy mặt hàng thiết yếu. Trong một lần như vậy, đại úy Nguyễn Văn Sơn đi địa bàn 4 tháng trời ở biên giới, đã gặp cô gái trẻ quê gốc Thái Thụy, Thái Bình vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tây Nguyên. Cô lên bán hàng ở xã Thuận An theo chương trình của Công ty thương nghiệp Đắc Min. Khi ấy, đại úy Sơn vừa thoát khỏi cơn sốt rét rừng, ngườichỉ còn 46 kg, gầy gò, xanh yếu, so với những đối tượng theo đuổi cô gái 19 tuổi Nguyễn Thị Hạnh đang tươi tắn như bông hoa rừng hẳn không ít chuyện lạ, ly kỳ.

Nhiều lần đi địa bàn vượt suối băng rừng Tây Nguyên, chàng sĩ quan biên phòng thấy không ít “của trời” trong rừng xanh núi thẳm. Đó là những cây bồ kết cổ thụ cao to lúc lắc từng chùm quả đen nhánh giữa trời xanh. Mọi khi chẳng hơi đâu để ý làm gì vì gai bồ kết tầng tầng lớp lớp bao phủ khắp thân cây muốn trèo lên hái chẳng phải dễ dàng. Nhưng đối với một sĩ quan biên phòng dày dặn kinh nghiệm chống Phun-rô thì việc này quá nhỏ. Chàng đại úy lựa các cây vầu, chặt làm thang bắc lên cây bồ kết tua tủa gai,cẩn thận lựa những chùm quả, lấy giấy báo gói thành món quà rất khéo. Và nàng đã vô cùng xúc động nhận món quà núi rừng dân dã nhưng thật ý nghĩa, ẩn chứa biết bao tình cảm chân thành mộc mạc của người lính. Mái tóc dài đen nhức của cô cán bộ thương nghiệp 19 tuổi càng thêm nhóng nhánh. Hương bồ kết tỏa thơm càng khiến nàng trân trọng nâng niu tình cảm mà người ta trao gửi cho mình. Cuối cùng, đầu năm 1991 đám cưới nhà binh diễn ra như một điều tự nhiên. Các đồng đội trẻ tuổi, nhất là các chiến sĩ không khỏi trầm trồ thán phục tài của thủ trưởng Sơn.

Từ rừng đến... biển.

Câu chuyện riêng tư đang hồi thi vị bỗng thấy Trung tướng Nguyễn Văn Sơn khẽ trầm xuống. Chúng tôi cùng nhìn về phía tấm bản đồ thể hiện các vùng biển Việt Nam với những ô đánh dấu xanh đỏ. Ừ thì đời người chiến binh, cấp trên điều động đi đâu thì đi. Ở đâu cũng là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, luôn sẵn sàng hi sinh ngay cả tính mạng mình. Lính binh nhất binh nhì cũng thế mà các vị tướng cũng luôn như thế. Chúng tôi tuy không nói ra nhưng khi nhìn vào tấm bản đồ, nhất là vùng biển, vùng đất miền Trung ruột thịt đang oằn mình chống chọi với nhiều cơn bão liên tiếp ập tới ai nấy đều se sắt. Đã có hàng chục đồng bào, chiến sĩ hi sinh. Đã có một vị tướng trực tiếp vượt lũ chỉ huy đoàn công tác cứu hộ cứu nạn hi sinh. Nước mắt hòa nước mưa từ trời cao đổ xuống. Những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố là nỗi đau khôn xiết ngay trong thời bình hôm nay. Nhiệm vụ của các anh, nhiệm vụ của anh ở cương vị đứng đầu ngành cảnh sát biển là vinh quang, song cũng rất nặng nề. Trời của ta, biển của ta dài rộng nhưng sóng gió trùng khơi thiên tai địch họa luôn rập rình ập xuống đầu nhân dân, nhất là với bà con sống bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản. Công cuộc mưu sinh nào cũng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, nhiều khi là cả máu của mình. Mới thấy rằng, ngay trong thời bình, người chiến sĩ chúng ta, trong đó có người chiến sĩ cảnh sát biển còn có rất nhiều việc phải làm.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tư lệnh Nguyễn Văn Sơn cũng đã gần hai mươi năm gắn bó với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Từ rừng ra biển với biết bao bỡ ngỡ, khó khăn mọi mặt dồn về, nhưng như bao người chiến sĩ khác, anh cùng đồng đội đã từng bước vượt qua, tự khẳng định mình trong đội hình lớn Cảnh sát biển Việt Nam. Đảm nhiệm từ cương vị Phó phòng Trinh sát (2003), Trưởng phòng Trinh sát (2005), tiếp đó làm Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp. Năm 2008, Cục Cảnh sát biển về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2013, Cục Cảnh sát biển được tổ chức thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Đây là bước phát triển vượt bậc của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Năm 2013, Đại tá Nguyễn Văn Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Pháp luật. Năm 2018, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn được bổ nhiệm làm Tư lệnh và hiện nay ông mang quân hàm trung tướng gánh vác trọng trách Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc và toàn diện. Kết quả đó khẳng định, sự ra đời của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là một chủ trương chiến lược đúng đắn, phù hợp, kịp thời của Đảng, Nhà nước ta nhằm xây dựng lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật và các hoạt động khác trên biển. Dù ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân; chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, an toàn trên biển đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Lực lượng Cảnh sát biển đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật là việc phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, trực tiếp điều tra, khám phá hàng ngàn chuyên án, vụ án ma túy, buôn lậu, tàng trữ vũ khí, xâm nhập trái phép; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ hàng trăm tàu cá của ngư dân, tàu hàng của các hãng vận tải trong và ngoài nước gặp nạn trên biển; triển khai rất hiệu quả các chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”, “Bốn tốt, bốn không, bốn chống” rất hiệu quả.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nói say sưa. Việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên biển đang đặt ra rất nhiều công việc trên vai người chiến sĩ. Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, toàn lực lượng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trong tình hình mới; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm, tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất, xử lý  các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển trọng điểm; chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, lực lượng tập trung lãnh đạo, nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng Cảnh sát biển hiện đại; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, triển khai Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, chủ động triển khai các biện pháp công tác, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Từ rừng ra biển, mỗi bước đi mỗi bước trưởng thành. Sự trưởng thành vững vàng từ niềm tin và trí tuệ, từ sự kết đoàn rộng lớn, từ sự năng động và sáng tạo của con người Việt Nam trong thời đại mới. Chặng đường phía trước chắc chắn sẽ không ít cam go, nhưng người chiến sĩ chúng ta luôn có đủ ý chí và niềm tin, bản lĩnh kiên cường và lẽ phải để gánh vác trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Quê hương và nguồn cội.

Thấm thoắt đã gần 40 năm gắn bó với bộ quân phục, đã đi khắp rộng dài đất nước, đã vượt qua nhiều gian nan thử thách mà mỗi khi trở về làng, vùng đất chiêm trũng Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình, trung tướng Nguyễn Văn Sơn không khỏi bồi hồi xúc động, bâng khuâng.

Năm 1985, khi Nguyễn Văn Sơn nhận nhiệm vụ vào Tây Nguyên cũng là lúc mẹ mất. Một mất mát vô cùng lớn lao ập xuống gia đình, xuống đôi vai người chiến sĩ 21 tuổi Nguyễn Văn Sơn. Càng thương mẹ, anh càng tự nhủ phải công tác thật tốt, phải lập chiến công để người mẹ dưới lòng đất mỉm cười. Cả đời mẹ lam lũ, cơ cực nuôi các con ăn học nay con cái trưởng thành mẹ đã không còn nữa. Nguyễn Văn Sơn từ bé đã là người con hiếu thảo, chăm chỉ nhất nhà. Những công việc đồng áng vùng chiêm trũng vô cùng vất vả. Sơn biết cày bừa, gặt hái, trồng mầu. Hình ảnh cậu bé Sơn mười ba mười bốn tuổi đi cấy cùng mẹ trên cánh đồng cạn đồng sâu mùa đông rét buốt, mùa nắng cháy lưng đến bây giờ vẫn nhiều người nhắc đến.

Vùng đất Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình là nơi gắn bó với Trung tướng Nguyễn Văn Sơn suốt thời thơ ấu. Là con út trong gia đình đông tới 6 anh chị em, ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Sơn đã có ý thức học hành. Vừa chăm chỉ giúp mẹ cha việc đồng áng, cấy cày, mùa nào thức nấy trong công cuộc mưu sinh của gia đình nông dân vùng chiêm trũng Sơn vừa chăm chỉ đèn sách để sau này có nền tảng kiến thức bay cao, bay xa. Những khi không phải làm mùa vụ, cậu bé Sơn cùng đám bạn chăn trâu đi đánh dậm kiếm cua cá, tép tôm. Nguyễn Văn Sơn cũng là tay sát cá và rất khéo léo ở công việc mà nơi vùng chiêm trũng từ cậu bé bảy tuổi tới ông già bảy mươi đều quen thuộc. Chính từ những việc làm chắt chiu tấm bé ấy, đã góp phần rèn giũa vị tướng ngay từ lúc ấu thơ. Tất cả thành quả dù lớn nhỏ đều phải bắt đầu từ đôi bàn tay, trí óc, sức lao động của chính mình. Chính điều này đã cho Nguyễn Văn Sơn khi trở thành vị tướng càng thêm trân trọng thành quả, mỗi sản phẩm dù nhỏ nhất của người lao động, của đồng chí đồng đội, những cộng sự bên mình.

Gia đình Trung tướng Nguyễn Văn Sơn có tổ tông nguồn cội ăn sâu bám rễ hàng chục đời nơi vùng đất Gia Viễn, Ninh Bình. Tổ tông từng là những người lừng danh trong lịch sử như tướng quân Nguyễn Bặc người khai quốc triều Đinh, quốc sư Nguyễn Minh Không trụ cột triều Lý. Sau này, trải các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đất và người nơi đây đều đóng góp những danh thần, danh tướng, danh nhân có công với nước, làm tấm gương soi sáng muôn đời con cháu mai sau. Trong thời đại Hồ Chí Minh, lớp lớp các thế hệ cha trước con sau lên đường đánh giặc cứu nước, nhiều người đã trở thành anh hùng, liệt sĩ, góp phần  tô thêm sắc thắm của lá cờ đỏ sao vàng ngày thống nhất non sông.

Trong đội hình các chiến sĩ ngày đầu theo Cách mạng, người cha Nguyễn Văn Sơn là cụ Nguyễn Văn Toàn sinh năm 1928 đã sớm có mặt trong Đội tự vệ thành Hoàng Diệu những năm 1945, 1946. Chính không khí sục sôi cách mạng đã cuốn hút và tôi rèn chàng thanh niên Nguyễn Văn Toàn khi đó mới mười tám đôi mươi. Sau này, hồi nhớ quãng thời gian tươi đẹp ấy, người cha vẫn căn dặn các con phải biết phấn đấu hi sinh vì Tổ quốc, luôn lấy tấm gương vì nước vì dân của Cụ Hồ để răn dạy các con. Ngay bản thân người cha Nguyễn Văn Toàn cũng là một tấm gương về lao động. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông vừa tham gia một số công việc ở địa phương vừa làm thợ cả đội thợ mộc của làng đi khắp vùng giúp bà con nhân dân dựng nhà cửa, đóng đồ đạc rất được các gia đình quý trọng vì tinh thần hào hiệp. Chính tình thương yêu, sự hi sinh, đức lam làm vô hạn của mẹ cha đã cho sáu anh chị em trong gia đình Nguyễn Văn Sơn có được nền tảng để trưởng thành.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn đã lên chức ông ngoại từ mấy năm nay. Mái đầu xanh nhưng nhức ngày nào giờ đã chen nhiều sợi bạc. Vẫn là một Nguyễn Văn Sơn giản dị, chân thành, chất phác với bạn bè, đồng đội, anh em. Đã là một ông ngoại hiền từ, cùng bà ngoại luôn hóm hỉnh tươi cười bên các cháu. Đã là một vị tướng đĩnh đạc, cốt cách khoan thai trước áp lực công việc, trọng trách lớn lao. Và đặc biệt, đã thấy thấp thoáng ẩn sâu trong con người vị tướng một phẩm cách của người hiền, luôn biết tiến thoái nhịp nhàng, luôn nhận ra giới hạn vừa đủ mọi việc ở đời và còn biết nhịn nhường, san sẻ với tất thảy những người xung quanh trong cuộc sống.

P.V.K

(Nguồn: TC VNNB 254-8/2021)

Bài viết khác