Chủ nhật, 19/05/2024

Về miền lau trắng

Thứ hai, 26/04/2021

Tản văn của HÀ KIM QUY 

Bạn đã đến Ninh Bình chưa? Ninh Bình là mảnh đất tôi đã từng sống một thời tuổi trẻ, cho đến bây giờ, tôi không còn ở đó nhưng mỗi năm, tôi lại đến đó đôi, ba lần. Mỗi lần đến những danh lam thắng cảnh độc đáo đều lưu lại một cảm xúc khác lạ, khó tả. Với tôi, Ninh Bình như một người con gái đẹp, nguyên sơ và thuần phác, mộc mạc mà hồn hậu làm đắm say lòng bao lữ khách, khiến người ta đến nơi đây rồi chẳng muốn quay về.

Núi Thúy, sông Vân là một địa điểm du lịch của Ninh Bình đầu tiên tôi đến, đó là một địa danh từ xa xưa in đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc, đồng thời cũng là biểu tượng du lịch của Ninh Bình. Núi Thúy (hay núi Non Nước, núi Dục Thúy) tọa lạc nơi ngã ba sông Vân và sông Đáy, cao trên một trăm mét. Đứng trên núi Thúy, ta ngắm nhìn dòng sông Đáy hiền hòa, những cụm lục bình tím êm ả trôi trong nắng vàng tươi, ngắm cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình song song nối liền với tỉnh Nam Định. Hai cây cầu với dòng sông như một nốt thăng trong một bản nhạc hào hùng của lịch sử về truyền thống của vùng đất Nam Định - Ninh Bình (Hà Nam Ninh xưa kia).

Ngọn núi Thúy cao, sừng sững cạnh dòng sông Đáy là nơi lưu giữ  nhiều sự kiện lịch sử của các thời đại và những bài thơ cổ của các danh nhân nổi tiếng đến vãn cảnh và vịnh thơ, khắc thơ trên núi đá như Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Thiệu Trị, Tự Đức, Tản Đà, Nguyễn Trãi... Núi Thúy cũng từng là vọng gác tiền tiêu bảo vệ Kinh thành Hoa Lư xưa, là di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi người anh hùng Lương Văn Tụy đã bí mật vượt qua rào vây của kẻ thù để cắm cờ búa liềm trên núi vào năm 1929.

Con đường bồ đề làm tôi ấn tượng, nó kéo dài từ thành phố Ninh Bình đến tận Tràng An, Bái Đính. Cây bồ đề biểu trưng cho sự giác ngộ, là loài cây thiêng liêng cao quý bậc nhất của Phật giáo và các tín đồ nhà Phật. Dưới bóng bồ đề, ta có thể cảm nhận được niềm hỉ lạc vô biên. Lá bồ đề giống hình trái tim, như tình thương của Đức Phật dành cho con người. Lá bồ đề có thể coi là tâm bồ đề, là bóng râm che mát, là ánh sáng trí tuệ soi sáng cho những ai khao khát tìm về cội nguồn an lạc. Đó cũng là tuệ giác được nuôi dưỡng bằng mầm non bồ đề trong từng sát na của tâm thức con người. Mỗi bước đi là mỗi bước bồ đề. Những cây bồ đề được trồng nối tiếp nhau hai bên đường, mỗi cây có một dáng vẻ khác nhau. Đẹp nhất là mùa tháng năm khi bồ đề thay lá. Có những cây lá xanh um, mướt mát màu ngọc bích bên cạnh những cây vừa trổ lá, búp nõn còn tươi non một màu như bạch ngọc phảng phất chút mong manh, sương khói của cõi thiền. Đi dưới hàng bồ đề trong buổi sớm mai, tôi nghe như thấy gió thoảng trong tâm hồn, thấy cuộc đời an yên đến lạ. Tôi mơ màng về một bức tranh bằng lá bồ đề như bồ đề họa tâm đẹp mà thanh tao mang lại sự bình yên, thanh thản.

Cứ thế, theo chân bồ đề tôi đến Tràng An.

Một vùng sông nước tuyệt đẹp hiện ra trước mắt tôi, chị Ngọc Bích - bạn tôi người Huế đang định cư ở Pháp đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không ngớt lời trầm trồ khen tặng cho những cảnh đẹp vùng sông nước, núi non Tràng An. Cuộc rong chơi trên chiếc thuyền con làm cho khách tham quan hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cứ tưởng ta đang đi vào trong một thung lũng bốn bề núi đá vây quanh với thiên nhiên hùng vỹ và chỉ có bấy nhiêu thôi. Nhưng không! Dưới lòng núi lại là một hang động có lối chèo thuyền đưa ta sang một thung lũng khác với cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, cứ như vậy, lúc âm âm trong lòng núi mát rượi, sờ tay vào những mỏm nhũ đá ta như được tiếp thêm sức mạnh của đất trời, rồi tranh thủ ghi lại cảnh sáng tối nơi cửa hang tuyệt đẹp làm kỷ niệm với những ngọn núi Tràng An. Đến với Tràng An ta như được trở về với những  gì nguyên sơ, an yên nhất trong tâm hồn mình mà quên đi những lo toan, tất bật, bộn bề của cuộc sống.

Hội làng                                    Ảnh: Thanh  Hải 

Khám phá Ninh Bình có lẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể đi và tìm hiểu được những danh lam thắng cảnh đẹp đến mê hồn. Ai đã từng đến với Tam Cốc - Bích Động vào ngày hội Mùa vàng được tổ chức hàng năm, đi thuyền qua hang động mát rượi rồi trèo qua mấy cái thang tre lên đỉnh núi mà ngắm cảnh Tam Cốc dưới nắng hè oi ả? Mồ hôi rơi thánh thót từng giọt mà vẫn thấy dịu mát trong tâm hồn vì cảnh ở đây quá đẹp. Một thung lũng  với cánh đồng lúa chín uốn lượn hai bên dòng sông là một kỳ quan, như một bức tranh sơn mài của tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Có những người say mê đến nỗi mỗi mùa vàng lại hăm hở xách máy ảnh lên và đi, lần nào cũng hả hê với những góc chụp, với những khoảnh khắc khác nhau được lưu lại như  kỷ niệm với nhân tình.

Bạn đã đến nơi đây vào mùa hoa lau? Nếu chưa được ngắm hoa lau nở trắng trời, trắng đất Ninh Bình thì thật tiếc! Hoa ven đường đi, hoa trắng sườn đồi, hoa bung triền núi, hoa ngập thung sâu. Một trời hoa lau trắng! Chỗ nào cũng như một bức tranh thủy mặc. Yêu quá cái màu trắng dung dị, pha chút ánh tím khi còn chúm chím, chưa bung. Đến khi hoa nở bung, chỉ thoáng nhìn thôi cũng gợi cho ta cảm giác nhẹ tênh như bồng bềnh, như phiêu diêu giữa núi non trùng điệp, làm cho du khách có cảm giác mơ hồ không biết đây là hoa hay là mây trời bảng lảng đậu xuống vùng non nước này? Ngắm hoa, ta như muốn bay lên giữa bồng bềnh lau trắng!

Hoa lau mang dáng vẻ khiêm nhường, mộc mạc mà vẫn phô nét đẹp hồn nhiên, khí phách, khi dịu dàng, khi kiêu hãnh làm say đắm lòng người. Mỗi năm, hoa chỉ nở một lần vào giữa hai mùa thu, đông vì thế, người ta còn gọi hoa lau là loài hoa báo mùa đông về. Đến đây, ta có cảm giác hoa lau chẳng phải vô tri mà nở mà là hoa nở đồng loạt, nở tưng bừng, nở như một mùa hội tri ân đến vị vua Đinh Bộ Lĩnh, Người đã mang hoa lau từ một cây cỏ núi bình thường, dung dị, hoang dại vào đánh trận giả thời niên thiếu trở nên một loại hoa mạnh mẽ, can trường, thành một loài hoa biểu tượng của non nước Ninh Bình.

Rời miền cỏ lau, ta đến với Vân Long. Được du thuyền trên đầm nước mênh mông trong vắt vào mùa nước cùng với những người bạn tri âm thì thật tuyệt vời. Duyên - một người bạn ở thị trấn Me đưa tôi đến đây vào một ngày đầy nắng và gió. Chúng tôi đứng trên đê mà tận hưởng hương đồng gió núi. Thật chầm chậm, thong thả, thuyền đưa chúng tôi đi ngắm dãy núi Mèo Cào cao sừng sững trên đầu mà thấy mình nhỏ bé vô cùng trước thiên nhiên hùng vỹ. Vân Long đưa ta trở về với thiên nhiên hoang sơ, thả hồn mình đi hoang cùng mây gió, chim muông, hoa cỏ, tâm hồn ta như được gột rửa sạch bụi trần, lòng bỗng trở nên an yên, thư thái.

Ninh Bình, mảnh đất có tiếng chuông nhà thờ Phát Diệm ngân nga nơi xứ đạo, nơi có những câu kinh Phật chùa Bái Đính gợi chốn an bình. Sẽ có một ngày ta lại đến với Thung Nham, đến với Cúc Phương rừng già nguyên sinh ngắm cây chò nghìn năm tuổi, ngắm đàn bướm sặc sỡ sắc màu rập rờn hoan ca bên thảm cỏ xanh tươi. Hang Múa, Tuyệt Tịnh cốc và động Thiên Hà... đang gọi ta.

Tôi lỡ hẹn với Yên Mô một lời hẹn ước. Cứ muốn một lần được về với núi Bảng, sông Trinh quê bạn. Nhưng bạn không kịp đợi tôi về đi dự hội làng mùa xuân năm ấy, để mỗi mùa xuân về lòng tôi lại khắc thêm nỗi nhớ miên man. Hãy là cánh én bay trên bầu trời Ninh Bình thênh thang mà ngắm cảnh tươi đẹp quê mình, bạn nhé. Tôi luôn nhớ về bạn, người bạn Ninh Bình ơi!

Không đếm được bao lần đến với mảnh đất này mà vẫn muốn đến nữa, đến nữa. Chẳng biết đất hay người có duyên nợ với ta chăng!

 

H.K.Q

(Nguồn: TC VNNB 250-4/2021)

Bài viết khác