Chủ nhật, 19/05/2024

Viễn du bút cảm

Thứ tư, 05/06/2019

MẠC KHẢI TUÂN      

Nửa cuối tháng tư, xuất hành với đủ gương mặt các “quân binh chủng” trong ngôi nhà Văn nghệ Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Chuyến viễn du này, không chỉ là dịp khơi gợi cảm hứng sáng tạo về ký ức Đại thắng mùa xuân 1975: “Chặt Buôn Mê Thuật rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế Thừa Thiên. Đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/ Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang/ Lũ ngụy cuống cuồng rũ rượi một màu tang/ Cờ trắng” (Toàn thắng về ta - Tố Hữu);

hơn thế, để lắng sâu hơn, để bứt phá hơn sức cảm, sức nghĩ của mỗi văn nghệ sĩ trong chuyên ngành mình trước không khí đổi mới và hội nhập của đất nước sau 44 năm thống nhất. Đặc biệt là việc đến với thềm đất Ba zan vừa trầm hùng, ẩn mật, vừa tươi non, hào phóng hằng ân cần dung dưỡng mấy chục dân tộc anh em đang thách thức thời gian; vượt lên dai mưa quái nắng làm nên vẻ đẹp đại ngàn Tây Nguyên. Cuối mùa khô, cái nắng nóng miền Trung… phải qua nếm trải mới thấm đủ vị oi nồng, bức bách của nó. Rất may Mây trắng đã chả nao núng thì người nào mà chả dư đầy vượng khí, hân hoan chẳng khác chi trấy hội (!)

Đường rải bê tông Asphalt như thảm trải, mời gọi bước chân muôn ngả. Các công trình từ các dự án lớn nhỏ như cỏ mùa xuân hai bên quốc lộ IA và đường Hồ Chí Minh. Rõ thời hội nhập… Xe vun vút băng qua các tỉnh thành. Người người xôm đủ chuyện. Một cuộc sống mở ra nhiều cơ duyên chất chứa đầy ẩn mật từng ngày từng giờ diễn ra khắp chốn trên dải đất hình chữ S.


Đoàn văn nghệ sỹ Ninh Bình chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Mẹ Suốt anh hùng
Ảnh của NINH MẠNH THẮNG

Gặp Huế

Thành Huế đang được trùng tu. Nghe đâu, nhiều hộ dân trong thành nội đã được di dời ra khu tái định cư để trả lại phần nào cảnh quan xưa cũ của một thời dâu bể cung đình…

Nghỉ lại một đêm gần thành thánh thất Cao Đài Họ Đạo Vĩnh Lợi trên đường HùngVương. Đã 11 năm, từ dạo Hội văn nghệ Sơn La mời dự trại sáng tác về đề tài Nhà máy thủy điện Sơn La, nay mới lại có dịp cùng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Duy Tư chung một chuyến chơi xa. Cả hai chung một cuốc xích lô dạo qua cầu Phú Xuân ghé thăm Phu Văn Lâu, chợ Đông Ba, làng nghề truyền thống phía kinh thành Huế…

Kìa, sông Hương trời đêm như úp ngược những ánh đèn lấp lánh. Những con đò đầy ắp da diết mơ màng giọng Huế, đưa lãng khách chơi sông cùng gió nhẹ sóng mềm, tắm trăng rằm tháng ba Kỷ Hợi.

Giữa kỳ Hội Sách Việt Nam và thế giới (21 - 24/4/2019). Bên đường vào Đại Nội có một quán sách cũ (chưa kịp nhập tâm địa chỉ). Một nhà sách khiêm nhường nơi thành cổ. Một lượng sách cổ kim đến ngỡ ngàng. Có nhẽ cũng nhờ nhân duyên với sách đó chăng? Một người phụ nữ luống tuổi dịu dàng rất Huế ân cần giới thiệu, chỉ dẫn. Đây rồi: Hương Giang cố sự -  Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm và biên soạn; Hoa trên đá - Chế lan Viên, thơ; Tuyển tập Nguyễn Bính - Vũ Quốc Ái, Quang Huy, Đỗ Đình Thọ, Kim Ngọc Diệu sưu tầm tuyển chọn (lời giới thiệu Tô Hoài, lời bạt Chu Văn) đã thuộc về “Tuân Sách”.

Đọc tâm sự của nhà văn Tô Hoài và Chu Văn về thơ và đời Nguyễn Bính lòng thắc thỏm: Cớ chi các thế hệ văn sĩ lớp trước sống với nhau sâu nặng nghĩa tình đến thế? Mới biết, người xưa coi văn chương là nghiệp chướng của hội đoạn trường thì quá tận ngôn rồi. “Con ơi đừng lấy chồng thi sĩ nghèo lắm ơi con bạc lắm con” đã chẳng là số phần Nguyễn Bính đó sao! Lại nữa, Huế cổ kính và thơ mộng nhường kia mà thiếu vắng một nhà nghiên cứu cốt huyết Nguyễn Đắc Xuân thì lấy đâu “Hương Giang cố sự” kể cho khách giang hồ nghe lại vui buồn chuyện cũ - 45 giai thoại dân gian và những chuyện lịch sử về thời nhà Nguyễn lập đô ở Phú Xuân, thời Quang Trung thống nhất đất nước và Gia Long trả thù nhà Tây Sơn khốc liệt thế nào? Đất Phú Xuân ám ảnh suốt mấy thế kỷ thăng trầm, bi thương và khí phách. Cảm kích bao nhiêu với tấm lòng yêu nước thương dân của Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Văn Miến, Phan Bội Châu, Trần Cao Vân, Thái phiên… Lòng càng bồi hồi nhớ thu Bồn: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”... “Nhịp cầu cong và con đường thẳng/ Một đời anh đi mãi chẳng về đâu”. Chong đêm bên cõi văn chương Huế. Chập chờn mộng mỵ - Những gương mặt kính nhi viễn chi: Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Bích Khê, Tế Hanh, Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ, Trịnh Công Sơn, Phùng Quán, Thanh Hải, Võ Thị Xuân Hà…

Một ngày mới lại mở ra. Đã bao người lớp trước cùng Tản Đà, Thúc Tề, Nam Trân, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Văn Cao, Nguyễn Bính, Bùi Giáng, … giờ đến cả Mây trắng, đều chung một nỗi với hồn thơ phiêu lãng Thu Bồn:“Tạm biệt Huế” -“Xin chào Huế một lần anh đến/ Để ngàn lần anh nhớ hư vô”.

Đà Nẵng - Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn

Đà Nẵng giờ đây - Một thành phố trẻ căng tràn nhựa sống! Nhưng ngoảnh lại xa xưa, Đà Nẵng thuộc xứ Quảng, nơi các cư dân cổ của Văn hóa Sa Huỳnh đã định cư từ hàng nghìn năm trước. Trải bao “thương hải tang điền”, giờ Đà Nẵng là trung điểm của các di sản thế giới: Cố đô HuếPhố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Được biết, năm 2018, Tạp chí du lịch danh tiếng Live and Invest Overseas (LIO) xếp Đà Nẵng trong danh sách 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài. Theo Kathleen Peddcord, nhà sáng lập LIO, Đà Nẵng là sự kết hợp hoàn hảo giữa “dư vị quá khứ” và tinh thần đổi mới hiện đại. “Kết quả là một nền kinh tế đang rực cháy, dẫn dắt bởi các nhà quản lý có tư tưởng tiến bộ, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, với tinh thần kinh doanh chưa từng có trong khu vực”.

Chỉ nghe chưa đến, sao đủ hiểu về sức bật từ những mộng mơ và hành động nơi Nguyễn Bá Thanh… Lịch sử còn thanh lọc chán. Dù thế, những gì Đà Nẵng hôm nay khai mở và định hình mãi là lời mời gọi những con người, những cuộc đời tiếp nối dâng hiến cho cái thực và cái đẹp!

Đây! Phố cổ Hội An - Chung nền văn hóa Sa Huỳnh với Đà Nẵng. Nhưng, từ giữa thế kỷ XVI, khi Đà  Nẵng mới chỉ là vị trí tiền cảng giữ vai trò trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền thì Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam. Nơi đây, từng có nhiều người Hoa, người Nhật đến định cư; kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi Hội An nhanh chóng trở thành một thương cảng phồn thịnh. Đến giữa thế kỷ XIX, do sự bồi cạn, sông chuyển dòng, chính sự phong kiến suy tàn; hơn thế, thương cảng Đà Nẵng hiện đại do người Pháp lập nên đã lấn át vẻ hoàng kim suốt mấy thế kỷ của Hội An.

Tìm đến Hội An là một cách để tìm về quá vãng, mà ngẫm ngợi về  nhân quả, vô thường… Điểm nhấn đặc biệt của Hội An là “Chùa - Cầu”. Đó là ngôi nhà mang dáng dấp ngôi chùa làm trên chiếc cầu bắc qua một lạch nhỏ chảy ra dòng sông Hoài với bãi dừa nước ngằn ngặt xanh mê mải. Gọi là chùa nhưng ở đây đâu có thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - Vị thần bảo hộ xứ sở, ban phước hạnh cho con người. Nó hiện diện với dáng vẻ nhi nhiên, u trầm giữa tấp nập dòng người đủ các quốc tịch lại qua thăm thú.  Nghe nói, cầu này được các thương nhân người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là cầu Nhật Bản. Di tích kiến trúc còn lại sau bốn thế kỷ này nói lên thật nhiều điều về mối tương giao thâm hậu Việt Nam - Nhật Bản. Chợt nghĩ: Hậu duệ các thương nhân Nhật Bản làm nên Chùa Cầu kia đến giờ còn ai đó biết về một di sản mà cha ông họ để lại ở Việt Nam nay đã trở thành thông điệp vô giá về Văn hóa, Trí tuệ và  Hữu nghị?!

Từ đường bờ sông, ngay lối dẽ phải lên Chùa Cầu có một ngôi nhà hai tầng (186, Trần Phú) có từ thời Pháp thuộc làm Cơ sở mỹ nghệ Trầm Hương. Hai em gái Hồng Chuyên và Thu Thủy xinh tươi, dịu dàng và hiếu khách đã giúp khách lãng du - Mây trắng Ngàn lau – thấu cảm ngọn nguồn sự hình thành Trầm hương từ cây “dó bầu” xứ Quảng, cùng cơ man sản phẩm mỹ nghệ được chế xuất từ nó. Được em gái thiên vị sức lên cổ tay mấy giọt Trầm - Nước hoa 100% tinh dầu Trầm hương. Ôi! Một mùi hương dịu ấm, mơ màng quyến rũ làm sao! Những vòng tay gắn hình Phật Bà, những thân hình cây dó bầu đã được bàn tay nghệ nhân tạc thành những dáng vươn huyền hóa giữa trời, những mảnh Trầm hương hảo hạng trong bao gói công phu bắt mắt đang chờ du khách làm quà.

Thú vị nữa, phố cổ Hội An còn là nơi để thực khách thưởng thức những món ăn truyền thống nổi tiếng xứ Quảng: Cao Lầu, Mì Quảng, Bánh xèo chiên giòn, bánh “Hoa hồng trắng”. Nghe nhà thơ Trần Lâm Bình có tiếng là người được đi nhiều biết lắm, bảo rằng: Chỉ cần thưởng thức mỗi loại một ít thì dù người ăn khỏe đến mấy cũng chưa chắc đã nếm hết các loại bánh đặc sản ở vùng này!

Thánh địa Mỹ Sơn! “Thời gian chảy đá mòn sông núi lở/ Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau” – Hai câu thơ trong "Điêu tàn" của nhà thơ họ Chế viết năm 1937 chợt vẳng lên khi Mây trắng ghé vào một trong các tháp của quần thể thánh địa (đang được Chính phủ Ấn Độ trợ giúp) trùng tu.

Nơi đây, từ thế kỷ thứ IV, dưới vương triều Bhadravaman thung lũng Mỹ Sơn (nay thuộc xã Duy Phú - Duy Xuyên - Quảng Nam) được chọn làm thánh đô của vương quốc Chămpa. Đây là nơi các đền thờ được dựng lên để hành lễ, thờ tự; xác nhận với thần linh về sự trị vì của các đời vua Chăm; để tưởng nhớ những chiến thắng và những cuộc chinh phục vĩ đại. Đồng thời cũng là nơi các vị vua sau khi chết, linh hồn họ được quy tụ với các bậc thánh thần của đạo Hindu, đặc biệt là thần Siva (đấng toàn năng), được coi là người sáng lập ra vương quốc Chămpa.

Nhờ sự giao lưu, tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ trong đó có tín ngưỡng tôn giáo. Hindu giáo dần khẳng định vai trò đối với vương quốc Chămpa, chi phối mọi mặt đời sống chính trị - xã hội. Mỹ Sơn trở thành trung tâm tôn giáo cực thịnh và quan trọng nhất của các vương triều Chămpa cổ.

Thánh địa Mỹ Sơn giờ đây đã chỉ còn là một quần thể di tích, minh chứng cho sức phá hoại của thời gian và sự tàn nhẫn của các cuộc chiến tranh suốt hàng nghìn năm qua. Nhưng, sự “điêu tàn” kia chí ít cũng giúp cho con người suy ngẫm nghiêm túc hơn về sự biến đổi không ngưng nghỉ của thiên nhiên và xã hội. Mặt khác, nó ánh lên lòng thành kính tâm linh, khả năng sáng tạo, sức lao động cũng như óc thẩm mỹ cao cường của các thế hệ tiền bối. Cũng từ đó mà liên tưởng đến một loài dã tràng khổng lồ - đó là loài người – trước đại dương sự sống! Và rồi, cho dù gần một thế kỷ nay Chế lan Viên đã phải thốt lên: “Vẻ rực rỡ đã tàn bao năm trước/ Bao năm sau còn dội tiếng kêu thương”, rồi “Ta đã khóc, ta vẫn còn phải khóc/ Cả thời xưa cho đến cả thời nay”, thì mỗi dân tộc, mỗi con người vẫn phải không ngừng nghỉ để tiến về phía trước với một khát vọng trường tồn tiệm cận Chân - Thiện - Mỹ!

Tây Nguyên

“Trời Tây Nguyên xanh!/  Hồ trong nước xanh!/  Trường Sơn xa xanh!/  Ngút ngàn cây xanh!”…Giai điệu Tình ca Tây Nguyên của nhạc sĩ Hoàng Vân với những ca từ lóng lánh như những hạt vàng cứ  dặt dìu, vương vấn suốt cuộc vi hành  cùng Mây trắng khắp vùng cao nguyên Kom Tum, Gia lai, Đắk Lắk.

Đất và Người Tây Nguyên khác nào một tảng băng chìm. Dường như ta mới chỉ được biết đến ở phần nổi ít ỏi của nó. Đến với Tây Nguyên, gặp một trời mây cao lộng nắng gió đại ngàn và những điệp trùng rừng cao su, cà phê không ai không ngỡ ngàng về vị thế địa văn hóa, tiềm năng của nó.

Nhờ nhân duyên sâu bền của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đức Phương với các bạn đồng nghiệp ở Kon Tum và Gia Lai - Minh Đức và Huy Tịnh vừa như một hướng dẫn viên thông thái, vừa là một đạo diễn “tinh quái” cho việc khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn từ đất và người đại ngàn. Thừa dịp, các nghệ sĩ nhà nghề Đăng Hào, Bùi Duy Tư, Đức Phương, Mạnh Thắng… và gần như trăm phần trăm các thành viên trong đoàn đều đăng danh kế nghiệp nhiếp ảnh gia như nữ sĩ Phạm Thị Duyên, Bùi Hồng, Minh Tuyền, Đức Hậu, Trọng Sơn, Lê Ba, Lâm Bình, … thỏa thuê bấm máy. Nắng như rang tóc cuối mùa khô mà các ống kính lớn nhỏ đến nhòe đẫm mồ hôi, sau mỗi trận nín thở bấm máy. Ai ai cũng muốn bắt chộp kỳ cho được những khoảnh khắc tinh tế nhất trong ánh mắt con người Tây Nguyên dưới mái nhà rông, bên bếp lửa nhà sàn hay trên đường lên nương, địu con lên rẫy; hoặc giữ lại một cảnh sắc xuất thần ẩn chứa bao điều kỳ bí, thâm trầm, hào phóng, tươi non khôn tả của đại ngàn.

Trong những thời khắc ấy, các nhà nghiên cứu sưu tầm Nguyễn Văn Trò, Bùi Minh; các nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, nhà thơ: Mai Công Thắng, Phúc Khôi, Lý Thanh Kha, Trần Lâm Bình, Tạ Hùng… như thả hồn vào những trầm tích đâu đây. Hoặc để tìm một nét nhạc đầu tiên cho một ca khúc? Hay một đường viền khả ái cho một bức tranh đang thai nghén? Hoặc nhập tâm một dáng đi, một giọng nói đặc trưng Tây Nguyên cho một nhân vật mai này trên sàn diễn? Hay đang tơ tưởng về một tứ thơ đượm chất sử thi!

Tây Nguyên! Tây Nguyên! Từ bao xưa vốn là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số còn mang đậm phương thức hậu nguyên thủy.

Miền đất này từng sẵn mang trong nó những trầm tích văn hóa đẫm chất sử thi và huyền thoại như: núi Ngọc Linh, Núi Hàm Rồng (cao 1.092m mà đỉnh là miệng của một núi lửa đã tắt); rừng nguyên sinh Chư Môn Ray, vườn quốc gia Yok Đôn; sông Đắk Bla, Sêrepok; bến đò "Mộng" trên sông Pa; hồ Lắk, Biển Hồ  (hồ Tơ Nưng); Thác Xung Khoeng (Chư Prông), thác Phú Cường  (Chư Sê); thác Dray Sáp hay còn gọi là thác Khói vì nơi đây quanh năm khói nước mơ màng; rồi suối nước nóng Đắk Tô, suối Đá Trắng, suối Mơ…

Và nếu Kon Tum là ngôi nhà chung của hơn 20 dân tộc sinh sống, nhiều nhất là Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai, B' Râu, Rơ Mân... Phần lớn các dân tộc thiểu số sống bằng nghề làm nương rẫy và săn bắn; thì Gia Lai lại mang đậm nền văn hóa cổ xưa của các dân tộc thiểu số Gia Rai và Ba Na, thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ; Rồi Buôn Đôn – Đắk Lắk nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Về văn hóa, không thể không nhắc tới: Ba Na - nhóm sắc tộc đầu tiên, sau người Kinh có chữ viết phiên âm dựa theo bộ ký tự Latin do các giáo sĩ Pháp soạn năm 1861. Đến năm 1923 hình thành chữ viết Ê Đê; bộ sử thi Đam San được sưu tập và biết đến đầu tiên ở vùng Tây Nguyên (đã được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris); bộ nhạc cụ thời tiền sử - đàn đá mang tên Ndút Liêng Krak phát hiện tại Đắc Lắc. Hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Con người - Paris và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Hơn thế, Tây Nguyên có đến 2 triệu hécta đất bazan màu mỡ, tức chiếm đến 60% đất bazan cả nước, rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phêca caohồ tiêudâu tằm

Nếu trước 30/ 4/ 1975, chúng ta chỉ biết đến Tây Nguyên với những địa danh ít ỏi như: đường mòn Hồ Chí Minh, nhà tù Kon Tum, ngục Đắk GLei, chiến trường Đắk Tô - Tân Cảnh, cứ điểm Biến Hố, thị xã Plêiku, vùng Ban Mê Thuột… thì sau gần nửa một thế kỷ đất nước thống nhất, Tây Nguyên trở thành miền đất mở. Nhiều địa danh kinh tế văn hóa được cả thế giới biết đến với sự hấp dẫn kỳ lạ của Cà phê Trung Nguyên. Sức người sức của trên địa bàn được khơi dậy và thu hút nhiều nguồn lực cả nước… mau chóng làm nên vẻ mặt mới của Tây Nguyên phong quang, giàu tính thời đại.

Đồng thời, với những tâm hồn nhạy cảm, đa đoan khó ai khỏi động lòng trắc ẩn về sự phân cách ngày càng xa về đời sống kinh tế giữa đồng bào dân tộc bản địa với không nhỏ số lao động mới nhập cư trên miền đất này. Cảm động và trân trọng làm sao bởi những gương mặt thuần phác, nhân hậu của các già làng; nét chịu thương chịu khó của những người mẹ, người vợ, trai bản và đặc biệt từ ánh mắt “Biển Hồ đầy” của trẻ thơ nơi đây; nao lòng làm sao trước sự xáo trộn quá nhanh chóng không quá lạc quan về văn hóa xã hội đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc!

Biết rằng, từ 1975 đến nay, Nhà nước đã rất nhiều quan tâm và đầu tư không ít cho hệ thống giáo dục, đường giao thông, tái cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý hành chính, cải tạo môi trường kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống toàn diện cho Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến nay Tây Nguyên vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động lành nghề; cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; sự giao thoa mang nhiều khác biệt về nếp sống, phong tục, trình độ phát triển sản xuất của nhiều sắc dân trong một vùng đất không phải là vô tận. Mức sống của người dân tộc còn ở mức thấp. Tài nguyên rừng và diện tích đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Tình hình tranh chấp, lấn chiếm rừng và khiếu nại liên quan đến đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp ...

Biết rằng tốc độ tăng trưởng ở Tây Nguyên chưa thực sự bền vững, vẫn còn thấp so với tiềm năng lợi thế của vùng thì hơn một lần mỗi người có lương tri và bổn phận tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

* * *

Sau một vòng “du khảo” ngót nửa tuần trăng cuối mùa khô. Mùa mưa Tây Nguyên đã mở màn. Mỗi hứng khởi - suy tư về đất nước - con người, về miền đất bazan đa dân tộc hẳn chưa hết bồi hồi trong ý tưởng sáng tạo của mỗi thành viên tham dự hành trình.

Như một ám ảnh hay chiêm nghiệm mơ hồ đâu đó… Như thắc thỏm về một món nợ vô hình, như một căn cớ tiền kiếp, qua Biển Hồ - Pleiku, Mây trắng giáng một tứ thơ. Nên chăng gửi lại cao nguyên, thì thầm bên sương khói và chia sẻ cùng văn nghiệp?

Biển Hồ! Biển Hồ chiều anh đến

Gió ngàn thông vi vút ngang đầu

Hàng ghế đá lặng vào trầm tích

Những bóng người trên sóng tìm nhau!

                                                          M.K.T    

Bài viết khác