Chủ nhật, 19/05/2024

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ bảo vật Quốc gia đầu tiên của Ninh Bình

Thứ tư, 07/04/2021

VŨ THỊ THU 

PGĐ Bảo tàng tỉnh Ninh Bình 

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ (gọi theo chữ Hán là Thạch trụ Nhất Trụ tự (石柱壹柱寺) nằm ở phía bên trái trong khuôn viên chùa Nhất Trụ, thôn Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Cố đô Hoa Lư). Chùa Nhất Trụ được xây dựng dưới thời vua Lê Đại Hành.

Theo niên đại ghi trên hiện vật, cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng vào năm 995. Trên cột kinh qua dòng lạc khoản cho biết: “Đệ tử Thăng Bình hoàng đế… Bát nhã tiền việt hải chi ba huề hương [ ] Đại Thánh Minh Hoàng đế, Lê tổ thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai…” (Người theo đạo Phật là Thăng Bình hoàng đế… Thuyền bát nhã trước vượt sóng biển, mang về bản hương (kinh), [kể từ khi] Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê, tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non sông lên ngôi đến nay là 16 năm…(995).

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ               Ảnh: T.L

Từ thông tin này có thể biết cột kinh được dựng vào năm 995, sau khi Lê Đại Hành lên ngôi 16 năm. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết sau khi đánh thắng quân Tống, Lê Đại Hành được bầy tôi dâng tôn hiệu là “Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng đế”(1), rất có thể “Thăng Bình Hoàng đế” chính là sự viết tắt tôn hiệu của Lê Đại Hành hoàng đế.

Ngay dòng lạc khoản có chữ “Đại Thánh Minh Hoàng đế, Lê tổ”, cũng phải hiểu là ông vua tổ họ Lê có tôn hiệu Đại Thánh Minh. Năm 981, Lê Đại Hành có tôn hiệu là Thăng Bình và 16 năm sau, khi cuộc sống đang thịnh đạt (trong nước thì nhà vua xây dựng mới kinh đô Hoa Lư nguy nga, tráng lệ, khởi đầu chính sách khuyến nông - cày tịch điền, dẹp yên các cuộc phản loạn, đối với bên ngoài, thì phía nam Chiêm thành khiếp sợ, phía bắc vua Tống trọng nể) ông được bề tôi tôn vinh là Đại Thánh Minh. Như vậy, đây là tôn hiệu của Lê Đại Hành và chính vị vua nhà Lê này đã cho dựng cột kinh Phật chùa Nhất Trụ. 

Theo Lê Mạnh Thát “… Vào năm 995 Khuông Việt (Đại sư Ngô Chân Lưu) chắc đã cố vấn cho Lê Đại Hành khắc bài chú “Phật đỉnh tôn thắng Đà la ni“ lên tràng kinh bằng đá. Đây là cột trụ hình bát giác hiện còn dựng trước chùa Nhất Trụ tại Cố đô Hoa Lư”(2).

Theo “Ninh Bình tỉnh chí”, bản dịch Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1268 viết: “… đến đây được tận mắt nhìn mới biết, bấy giờ các cung điện được xây dựng rất hoa lệ nay đều trở thành làng xóm, ruộng vườn, chỉ còn lại một cây cột đá, vừa to lại vừa cao, trên đó khắc kinh kệ nhà Phật, chữ bị rêu phủ không đọc hết được.”

“Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê: Ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ về phía tây bắc huyện Gia Viễn, có nội thành và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các danh hiệu: cầu Đông, cầu Dền, cầu Muống, Tràng Tiền, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ… nền cũ vẫn còn… Như thế thì lúc bắt đầu xây dựng cũng rất hoa lệ, nay những nơi ấy đều là thôn xóm của dân, chỉ còn một cái cột đá, lớn 2 quầng, cao 1 trượng, bốn bên có ngấn chữ lờ mờ không nhận rõ được, có lẽ là di tích của chùa Nhất Trụ”(3).

Như vậy theo các chữ hiện còn trên hiện vật và các sách cổ có thể khẳng định cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được dựng năm 995 tại chùa Nhất Trụ.

 Cột kinh Phật nặng khoảng 4,5 tấn, tổng chiều cao của toàn cột kinh Phật là 416cm, gồm 6 bộ phận lắp gá vào nhau dựng thẳng đứng trên mặt đất gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen.

Tảng vuông mỗi cạnh 140cm, dày 30cm, lỗ mộng tròn chính giữa, đường kính 29cm, sâu 5,5cm. Bao quanh lỗ mộng là một vòng cánh sen đơn 22 cánh thon gọn, mũi nhọn với đường kính vòng là 107cm, chiều dài mỗi cánh sen xê dịch từ 15 đến 17cm, rộng ngang từ 10,5cm đến 13cm.

Đế tròn, trên to dưới nhỏ, đường kính dưới 66cm, phía trên 76cm, dày 32,5cm. Bên dưới đế có ngõng tròn đường kính 15,5cm, dài 3,5cm. Lỗ mộng trên có đường kính 34,5 cm, sâu 9cm.

Thân bát giác, đường kính 61 - 62cm (phía dưới) và 65cm (phía trên) các mặt rộng 25 - 30cm, dài 237cm. Trên các mặt khắc kinh, kệ, lạc khoản bằng chữ Hán. Hai đầu cột đều có ngõng tra vào đế và thớt, ngõng dưới có đường kính 16cm, dài 5cm, ngõng trên đường kính 18cm, dài 6cm.

Thớt bát giác, số đo qua tâm từ mặt này sang mặt đối diện là 69cm, dầy từ 10 - 13cm. Mặt dưới phẳng, mặt trên có lỗ mộng tròn đường kính 31cm, sâu 7cm.

Đấu bát giác, đường gờ miệng uốn lượn tạo thành 8 đỉnh nhọn. Chính giữa là mặt phẳng tròn để dựng chóp. Bên dưới thu nhỏ hơn đường kính của thớt, mặt trên phình to với đường kính tương tự thớt. Chiều cao của đấu đo ở đỉnh các cạnh là 26cm.

Đỉnh hoa sen, cao 75cm, phía chân có đường kính 42cm nhọn dần lên trên theo hình dáng búp sen. Theo giáo nghĩa, giáo lý nhà Phật hoa sen có vị trí đặc biệt, phát triển bao trùm lên nền văn hóa Phật giáo, là biểu tượng của sự thanh tịnh, trí tuệ, có đặc tính thăng hoa giải thoát, bất nhiễm và đặc tính bất hoại(4). Cho đến nay, người ta cho rằng, những cánh sen này xuất hiện sớm nhất trong nghệ thuật kiến trúc ở Việt Nam.

Như vậy, cột kinh chùa Nhất Trụ gồm sáu bộ phận lắp vào nhau bằng mộng tròn, hoàn toàn không có chất kết dính, nhưng vững chắc. Thực tế, thân cột kinh Phật chùa Nhất Trụ đã bị nghiêng về phía Bắc 7cm so với trục thẳng đứng, song nó vẫn đứng vững trước mưa gió từ bao đời nay. Trên tám mặt cột đều được khắc chữ Hán, ước khoảng 2.500 chữ nhưng đến nay chỉ có nửa trên là còn chữ, song cũng không đầy đủ, có chỗ bị mờ khó đọc. Trong số này, chỉ còn bốn mặt còn đọc được một số dòng, bốn mặt còn lại bị mờ hoàn toàn, tuy nhiên cũng có thể nhận thấy phần văn tự cột đá này gồm lạc khoản, kệ, kinh.

Số chữ hiện còn đọc được gồm 178 chữ như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

…稽首放光大佛頂   

如來萬行首楞嚴    

開無相門樹[] []

........................

不持齋者是持齋   

不持戒者是持戒     

八万四千金剛眾

..........

縱使罵詈不為過   

諸天皆聞沱語聲     

神通變化不思量

閒念佛頂陀罗尼

目得弗足聲聞少

我念能知遍法天

………

勝崩萨那揭罗虎斜都     都罗尸底南利   訶沙河 

婆利多   迦摩訶跋罗  陀罗 帝利阿波那 

揭罗婆夜     婆夜呵  弥婆夜阿迦罗   密利  杜婆夜陀

揭罗    部多揭罗 

………

弟子昇平皇帝. . .

 般若前越海之波攜香火大聖明皇帝黎祖自承天命大定山河十六年來

Phiên âm: Khê thủ phóng quang Đại Phật đỉnh/ Như lai Vạn Hạnh Thủ Lăng nghiêm/ Khai vô tướng môn thụ [ ]  [ ]  [ ]/…/ Bất trì trai giả thị trì trai/ Bất trì giới giả thị trì giới/ Bát vạn tứ thiên kim cương chúng/.../ túng sử ma lị bất vi quá/ Chư thiên giai văn đà ngữ thanh/ Thần thông biến hóa bất tư lượng/ Nhàn niệm Phật đỉnh Đà la ni[ ]/ Mục đắc Phật túc thanh văn diệu// Thắng băng tát na yết la hổ tà đô [ ] ung [ ] đô la thi để nam lợi [ ] ha sa ha  /…/ [ ] bà lợi la ta [ ] [ ] ca ma ha bạt la [ ] đà la để lợi tát ba na [ ] [ ] la…/ Yết la bà đa [ ] sắt [ ] bà dạ ha di bà dạ a ca la mật lợi đỗ bà dạ đà …/ Yết la [ ] bộ đa yết la…/ Đệ tử Thăng Bình hoàng đế…/ Bát nhã tiền việt hải chi ba huề hương [ ] Đại Thánh Minh Hoàng đế, Lê tổ tự  thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai…

Tạm dịch: . . . Cúi đầu toả hào quang ra từ đỉnh đầu của vị phật lớn/ Hàng vạn đức hạnh của Như Lai đều bền vững/ Mở cửa vô tướng…/ Không giữ việc trai mới là giữ trai/ Không giữ điều giới mới là giữ giới/ Tám vạn bốn nghìn vị Kim Cương/…/ [] khiến cho [] chửi rủa không nể vì quá đáng/ Tại các tầng trời cũng đều nghe tiếng Đà la ni/ Thần thông biến hoá không thể lường hết được/ Thong thả tụng niệm Đà la ni Phật đỉnh/ [] Phật nghe thấy [] [] tiếng tụng niệm của ta/ Thắng băng tát na yết la hổ tà đô [] ung [] đô la thi để nam lợi [] ha sa ha/ Bà lợi đa  già ma ha bạt la [] Đà la đế lợi a bà na [] [] la.../ Yết la bà dạ [] sắt [] bà dạ ha [] di bà dạ a già la mật lợi đỗ bà dạ đà.../ Yết la [] bộ đa yết la…/ Người theo đạo Phật là Thăng Bình hoàng đế…/ Thuyền bát nhã trước vượt sóng biển, mang về bản hương (kinh), [kể từ khi] Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê, tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non sông đến nay là 16 năm...(995).

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là hiện vật độc bản do vua Lê Đại Hành cho dựng trong khuôn viên chùa Nhất Trụ thuộc phạm vi Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X còn nguyên tại vị trí cũ cho tới ngày nay; Có cấu tạo độc đáo, họa tiết trang trí tinh tế, tinh hoa nghệ thuật chạm khắc chữ trên đá, nghệ thuật chế tác đá của cha ông ta, cho thấy sự phát triển về điêu khắc, kỹ thuật chạm khắc đá của dân tộc Việt.

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ có giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa, là tư liệu vật chất minh chứng cho sự thịnh trị của đạo Phật ở Việt Nam thế kỷ X, thế kỷ bắt đầu giành quyền tự chủ, độc lập. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: Các vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành đã mời các nhà sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận tham gia luận bàn việc chính trị, ngoại giao trong triều đình, tiếp các sứ giả nhà Tống, cử người sang Trung Quốc thỉnh kinh và lần đầu tiên đã đưa về nước 2 bộ Cửu Kinh, Đại Tạng Kinh. Trong triều đình, lần đầu tiên có ngạch quan riêng dành cho các vị tăng sĩ và người đầu tiên được phong chức là “… cho tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt Đại sư(5). Sang thời Lê, vua mời nhà sư Đỗ Thuận được nhà vua dùng tiếp sứ giả, Ngô Khuông Việt thì làm thơ tặng Lý Giác, được vua tham khảo ý kiến về chính sự.

 Cột kinh Phật độc bản, có giá trị độc đáo về loại hình, hình dáng kết cấu, kích thước, nội dung ngợi ca đức hạnh và tài năng của đức Phật, cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh, giác ngộ chúng sinh. Từ đó, cho chúng ta thấy đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt cách đây trên một nghìn năm. Đây là tư liệu quý báu không chỉ của Phật giáo mà của cả lịch sử dân tộc ta. Với những giá trị to lớn đó, tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận cột kinh chùa Nhất Trụ là bảo vật quốc gia. 

 

Chú thích: (1) Đại Việt sử kí toàn thư. Nxb KHXH. Hà Nội 1972. Tập 1 tr 159, 167; (2) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001,trang 425; (3) Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr305; (4) Không nhiễm và không bị hủy hoại; (5) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, 2009, trang 129.

 

V.T.T

(Nguồn: TC VNNB 249-3/2021)

Bài viết khác