Chủ nhật, 19/05/2024

Quan hệ cha mẹ và con cái trong tục ngữ người Việt xưa và vấn đề của hôm nay

Thứ tư, 12/08/2020

ĐỖ THỊ BẢY

Tục ngữ là một thể loại của văn học dân gian. Nó là những câu nói, có vần, điệu hình ảnh, khái quát kinh nghiệm đời sống của người lao động.

Đề tài phản ánh của tục ngữ rộng lớn. Hầu như tất cả mọi lĩnh vực của đời sống con người (tinh thần, vật chất, đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội, sự sống, cái chết, việc hôn nhân, cưới hỏi, nuôi dạy con cái, quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bè bạn...) đều là đối tượng phản ánh, nhận xét của tục ngữ. Quan hệ cha mẹ và con cái là một trong số những đối tượng phản ánh của tục ngữ.

1. Quan hệ cha mẹ và con cái trong tục ngữ của người Việt xưa

Sự nghiệp của gia đình là do ông bà, cha mẹ tạo lập, cháu con tiếp nối, duy trì, phát triển. Trong gia đình, quan hệ ông bà, cha mẹ và cháu con là quan hệ huyết thống, thiêng liêng: "Con người có cố, có ông như cây có cội như sông có nguồn". Ông bà để lại cho cháu con những giá trị văn hoá, cổ truyền. Trong sự nghiệp của con cháu bao giờ cũng có bàn tay, tâm lực của ông bà, cha mẹ vun vén, tạo dựng.

Gia đình Việt Nam gắn với giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Gia đình là tế bào quan trọng của xã hội. Mọi nết ăn, ý ở và hành vi ứng xử của con người trong một gia đình đều xuất phát từ cái gốc văn hoá của người Việt. Quan hệ giữa những người trong một gia đình là quan hệ thuận - nghịch, luôn chịu sự chi phối của quan hệ thân tộc, làng xã và quốc gia. Về cơ bản, sự ánh phản này biểu hiện cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm và cách sống của người dân Việt trong phạm vi hẹp là gia đình.

Ảnh minh họa: Internet

Trong gia đình, từ ông bà, cha mẹ đến con cái, cháu chắt đều phải vun đắp cho tổ ấm gia đình mình thật sự hạnh phúc. Ở đó, phải có sự kính già, yêu trẻ, trên nói dưới nghe theo quan hệ thứ bậc, mọi người hoà thuận; có gương mẫu và hiếu thảo, có nhịn nhường và kiên nhẫn, có thuỷ chung và vị tha.... Công việc gia đình thường do ông bà quyết định. Khi ông bà già yếu, quyền đó trao nhường cho cha mẹ; cha mẹ và cháu con cùng tạo dựng cơ nghiệp gia đình.

Quan hệ cha mẹ và con cái được phản ánh khá sâu sắc trong tục ngữ. Cha mẹ sinh con đã khó, khó hơn là dạy con nên người. Cho nên "Dạy con từ thuở còn thơ", bởi "Bé không vin, cả gãy cành". Trong gia đình người Việt, vai trò của người cha rất quan trọng. "Con không cha con trễ, cây không rễ cây hư" ví như "Con không cha như nhà không nóc". Sinh thành ra con, cha mẹ luôn hướng về và hi vọng "Con hơn cha là nhà có phúc". Người cha cho con lòng can đảm, tạo cho con những thử thách để con tự khẳng định mình, tìm tòi và sáng tạo. Là trụ cột gia đình, cha thường lấy cái uy làm chỗ dựa, lấy cái mạnh làm động lực, đầu tầu, là tấm gương của ý chí và sức mạnh. Cho nên "Một roi cha bằng ba roi mẹ", "Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm (liếc) một cái". Tục ngữ cũng chỉ ra, con cái có được sự dạy dỗ của cả cha và mẹ thì tốt hơn: "Mẹ dạy con thì khéo, cha dạy con thì khôn".

Nói về cha, tục ngữ chủ yếu là nói về "công cha". Nhưng với mẹ, người bình dân ta lại thường nói đến "nghĩa - tình", yếu tố bổ sung cho người cha lý trí, sức mạnh, sợi dây gắn kết tỉnh cảm vợ chồng, cha con. Tục ngữ nói nhiều đến vai trò người mẹ là ở sự hy sinh lớn lao "Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn", âm thầm và lặng lẽ.

Thời xưa sự khó khăn, thiếu thốn đủ bề đã làm người mẹ hao mòn. Người mẹ là người chắn vén, chu đáo, gọn gàng, coi sóc trong ngoài. "Có mẹ già bằng ba rào giậu", "Một mẹ già bằng ba đứa ở". Với con cái, sau chín tháng, mười ngày mang nặng đẻ đau, "Con biết nói, mẹ hói đầu"; "Con lên ba, mẹ sa xương sườn", "Con biết ngồi, mẹ rời tay". Tục ngữ so sánh "Con thì mẹ, cá thì nước", "Con có mẹ như măng ấp bẹ" để khẳng định con cái không thể thiếu mẹ.

Con cái có cha mẹ là có tình yêu thương, sự chăm sóc, dạy bảo. Tục ngữ đã rút ra kết luận: "Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đàn không dây".

Nhược điểm của mẹ già cũng được tục ngữ ghi lại. Người mẹ lao động thời xưa thường vất vả, sinh nở không được kiêng khem. Vì vậy, khi về già, mẹ phải chịu khổ sở "Cha già có cái nan, cái lạt, mẹ già đái nát đầu hè", con cái có thấu hiểu, cảm thông, thương xót.

Gia đình có chức năng quan trọng là tái sản xuất con người để bảo toàn nòi giống. Người bình dân so sánh: "Con cha, gà giống". Cha mẹ luôn luôn là tấm gương để con cái học tập. Ảnh hưởng của cha mẹ với con cái rất lớn. Tấm gương cha mẹ là để con cái soi vào "Cha làm sao, con bào hao làm vậy", "Cha (mẹ) nào, con nấy", kế thừa "Cha giàu con có, cha khó con không". Đó là cũng là nhân - quả  "Cha làm sao, con bào hao làm vậy", "Cha (mẹ) nào, con nấy". Theo quan niệm của nhân dân, con cái gặp may mắn, công thành danh toại hay gặp rủi ro, hư đốn là tuỳ thuộc người mẹ, bởi "Phúc đức tại mẫu", "Con nhờ đức mẹ".

Lối sống, cách ứng xử của người Việt biểu hiện văn hoá. Người dân Việt, chữ hiếu nặng hai vai nhưng bao giờ cũng nghiêng về chữ mẹ. Điều đó, họ không phải băn khoăn, cân nhắc, suy nghĩ. Mặc dù "Phụ tử tình thâm" nhưng "Cha sinh không bằng mẹ dưỡng". Cha mẹ chăm sóc, vun trồng cho con, cha mẹ phải tu nhân, tích đức để "phúc" cho con. Cha mẹ không làm được điều đó thì "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Nguyện vọng của cha mẹ là muốn con thành đạt, lớn khôn: "Cha muốn con hay, thầy mong trò khá".

Gia đình người Việt luôn vươn tới sự bình yên, hạnh phúc. Để có điều đó, mọi thành viên trong gia đình phải có nhân cách. Nhân cách của con cái là điều cha mẹ luôn luôn phải quan tâm, lo lắng vun trồng. Cha mẹ sung sướng hay khổ sở, vui vẻ hay lo âu là ở đường ăn, nết ở của con cái. Lúc bé, "con lên ba cả nhà học nói", khi lớn lên "Con cái khôn ngoan vẻ vang cha mẹ". Cuộc sống cũng không thiếu cảnh: "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày", "Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày". Thực tế cuộc sống cho thấy: "Một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi được một mẹ".

Tục ngữ đặt ra vấn đề trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái bởi con cái có thế nào cũng ở cha mẹ phần lớn trách nhiệm.

Trong cuộc sống, người mẹ chính là một "cô giáo" tận tuỵ có tri thức nuôi dạy con nên người. "Cô giáo" ấy đi suốt cuộc đời con. Tục ngữ rút ra một chân lý tuyệt vời, sâu sắc, quý giá: "Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về", "Bé không vin, cả gãy cành". Con cái phải có sự đồng thuận và tương hỗ dạy dỗ của cả cha và mẹ: "Mẹ dạy con thì khéo, cha dạy con thì khôn". Tục ngữ đặt ra vấn đề trách nhiệm của cha mẹ với con cái: "Con hư là bởi cha dong, vợ hư là bởi thằng chồng cả nghe", "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Khẳng định công lao của cha mẹ, tục ngữ phản ánh chân thực những quan hệ chưa thật tốt của con cái với cha mẹ để khuyên răn, phê phán.

Quan hệ cha mẹ và con cái là quan hệ hai chiều. Con cái được cha mẹ sinh thành, dưỡng dục, dạy cho nói cười, truyền cho ngọn lửa thắp sáng, "dòng sữa mẹ nhân từ, dòng máu cha dũng cảm" dựng xây nhân cách làm người. Quy luật của cuộc sống là "Trẻ cậy cha, già cậy con". Cha mẹ phải lãnh trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con cái. Và, ngược lại, mỗi người con cũng phải thấy trách nhiệm lớn lao của bản thân trong tu thân và lập nghiệp, trước là để "vinh thân, tề gia", xứng "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh" sáng danh với đời, cha mẹ nào cũng mong "Con khôn nở mặt mẹ cha".

Còn gì hạnh phúc, tự hào hơn khi con cháu phát triển hơn cha ông mình. Đó là phúc lớn của gia đình. Phúc ấy là việc tốt lành, việc may. Xưa, người ta thường ước ba cái nhiều (tam đa: nhiều con là phúc; làm quan, nhiều bổng lộc là lộc; sống lâu, nhiều tuổi thọ là thọ). "Con hơn cha là nhà có phúc" là một tư tưởng lớn, hợp với quy luật của sự tiến hoá. Cha mẹ sẽ thấy hạnh phúc khi con cái phát huy được đức chí, bồi đắp được lối sống nghĩa tình của mình. Câu tục ngữ vừa là sự chúc tụng vừa là mong ước của thế hệ trước, khát vọng của thế hệ sau.

Tục ngữ là sự đúc kết từ tích lũy kinh nghiệm nhất là kinh nghiệm sống về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nó chỉ ra hệ quả: "Con cháu dại thì hại ông cha". Từ thực tế đời sống, tục ngữ đúc kết kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", lối sống: "Chị ngã em nâng"; đến lựa chọn cách thức, phương pháp giáo dục: "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"... Ai cũng thấy đúng, thấy hay nhưng để hiểu hết, hiểu đúng nó không phải người nào (cha mẹ và con cái), nhà nào cũng hiểu được và làm được. Không thiếu cảnh "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong giáo dục ở gia đình và ngoài xã hội.

Tuy nhiên những câu tục ngữ này, đặt trong những ngữ cảnh khác, có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Tục ngữ cũng chỉ ra mặt hạn chế của mối quan hệ của cha mẹ - con cái. Cha mẹ hoặc con cái vì tự phụ, tự đề cao mình "Nhất mẹ nhì con", "Mẹ hát con khen, ai chen vô lọt"; không tự biết mình, biết người: "Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn đẹp, còn giòn hơn ta", hoặc, vì quá yêu quý nhau… mà quên điều cần làm là "Học ăn, học nói, học gói, học mở" mới nên người, mà lấy hàng ngàn lí do khác nhau để biện minh cho hệ lụy: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".

Bên cạnh những người con hiếu thảo, biết ơn, thấm thía công đức cao đầy của cha mẹ mà phấn đấu tu thân, lập nghiệp lại có những người con chỉ nghĩ đến mình. Tục ngữ chê trách những người con thiếu trách nhiệm, thiếu tình thương, chưa làm tròn nghĩa vụ, bổn phận và trả nghĩa cho cha mẹ. Tục ngữ phàn nàn về con cái không nối được chí cha, không hiểu được tình mẹ, phụ công "thày" dạy "Cha làm thầy, con đốt sách". Đó là điều hổ danh, sự thất vọng của những bậc cha mẹ.           

Sự phản ánh quan hệ tương tác giữa cha mẹ và con cái là sự phản ánh biểu hiện ở nhiều góc độ, nhiều chiều. Điều đó nói lên chiều sâu trong lối sống, lối nghĩ của người dân Việt. Dạy con nên người là nghĩa vụ, là trách nhiệm lớn lao của những bậc làm cha, làm mẹ. Công việc ấy cũng cần thiết, cấp bách như việc đánh giặc để bảo vệ cuộc sống gia đình, quê hương, đất nước: "Mài mực dạy con, mài son đánh giặc". Bài học chí tình, chí nghĩa cũng chính là bài học yêu nước, bài học giáo huấn sâu sắc, tuyệt vời, rất mực Việt Nam.

2. Vấn đề của hôm nay và mai sau

Người Việt ta luôn coi trọng con người. Vì vậy, những bài học về mối quan hệ cha mẹ và con cái trong gia đình người Việt mang tính giáo huấn, tính triết lý sâu sắc phản ánh trong tục ngữ truyền từ đời này qua đời khác. Đó cũng là những khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ xây dựng gia đình giàu có và hạnh phúc.

Vậy thì, tại sao ngày nay, dù còn hạn chế, giáo dục của người Việt ta đã rất phát triển nhưng mỗi khi con ta chưa ngoan, cháu ta hư hỗn, đời sống xã hội chưa thật tốt, người ta thường đổ thừa cho nhà trường và xã hội? Cảnh "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày", "Một mẹ nuôi được mười con, mười con không được một mẹ"… của một thời, đây đó vẫn còn diễn ra?

Chừng như mỗi chúng ta, cả ở phần ông bà, cha và mẹ cả ở phía con và cháu cần phải tự hỏi: Ông bà, cha và mẹ đã thực sự là tấm gương cho con cháu? Con cháu đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông và gia đình, thực tâm tu thân lập thân và lập nghiệp để sau đủ tâm thế "tề gia"? Mỗi gia đình đã xứng đáng với danh xưng "Gia đình văn hóa" mà phố phường nơi đô thị và làng quê tôn xưng?

Đất nước muốn phồn vinh, hùng mạnh thì mỗi gia đình phải giàu mạnh, người người phải như là "Bàng Mông, Hậu Nghệ", làm giàu cho nhà, làm mạnh cho nước; gia đình được hạnh phúc, đất nước được độc lập tự chủ và hùng mạnh. Đó là vấn đề của mọi người và mọi nhà hôm nay và mai sau.

 

Đ.T.B

(Nguồn: TC VNNB 240-7/2020)

Bài viết khác