Chủ nhật, 19/05/2024

Diện mạo Kinh đô Hoa Lư qua việc tìm hiểu các hiện vật khảo cổ

Thứ ba, 27/04/2021

NGUYỄN XUÂN KHANG 

Nghiên cứu về các Kinh đô cổ (Cố đô) của Việt Nam, Kinh đô Hoa Lư có những đặc trưng đặc biệt. Đây vừa là Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta, vừa là Kinh đô mang tính chất một “quân thành” độc đáo, bề thế và mang tính chiến lược.

Năm 968, bằng tài năng thao lược, Đinh Bộ Lĩnh người làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (Nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã dẹp tan loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước. Ông lên ngôi Hoàng đế, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, hai năm sau lấy niên hiệu đầu tiên là Thái Bình. Vua định đô tại vùng đất Hoa Lư và xây dựng Kinh đô của nhà nước phong kiến tự chủ đầu tiên của nước ta - Kinh đô Hoa Lư.

Năm 980, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, xưng là Lê Đại Hành Hoàng đế. Liên tiếp hai năm 981 và 982, ông tổ chức hai cuộc chiến: Kháng Tống ở biên giới phía bắc và bình Chiêm ở biên giới phía nam với những kết quả chói ngời sử sách. Vua cũng định đô tại Hoa Lư và xây dựng Kinh đô Hoa Lư nguy nga, tráng lệ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc”.

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lập triều đại mới - triều Lý. Nhận thấy Kinh đô Hoa Lư không phù hợp với thời bình, ông chuyển đô tới thành Đại La, xây dựng Kinh đô mang tên Thăng Long.

Như vậy, Kinh đô Hoa Lư tồn tại trong khoảng thời gian không dài (từ 968 - 1010). Tuy nhiên, với ba triều đại phong kiến tập quyền kế tiếp nhau, Kinh đô Hoa Lư (sau là Cố đô Hoa Lư) để lại những di sản văn hoá vô cùng độc đáo. Đó là những bộ sưu tập hiện vật là những vật liệu tham gia xây dựng các cung điện, trang trí tại các kiến trúc tôn giáo mang đậm nét phong cách thời Đinh - Tiền Lê.

1. Cột kinh Phật: Chế tác từ đá xanh, cao khoảng 140cm, gồm có sáu bộ phận gồm: bệ, thớt đệm, thân cột, núm đệm, đài sen và búp sen. Các bộ phận này gá lắp vào nhau theo hệ thống ngõng. Quan sát tổng thể, cột kinh Phật giống như một cành sen đang chúm chím nụ. Thân cột hình bát giác (sáu cạnh), trên thân khắc kinh Phật đỉnh tôn thắng Đà-la-ni. Văn tự Hán khắc trên cột theo lối chữ chân, tuy nhiên do thời gian và sự hủy hoại của môi trường tự nhiên nên nhiều cột nét chữ đã rất mờ. Văn tự khắc trên cột kinh cho biết người cho chế tác cột kinh (100 toà bảo tháp) là Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn - Con trai trưởng của vua Đinh, với ý tưởng cầu siêu cho em là Đinh Hạng Lang và “Trước chúc cho Đại Thắng Minh Hoàng đế, mãi mãi trấn giữ trời Nam, sau nữa chúc cho Khuông Liễn mãi giữ vững được lộc vị”. Văn tự cũng cho biết các cột kinh được chế tác từ năm 973 - 979. Hệ thống cột kinh Phật được phát hiện tại khu vực ven bến sông Hoàng Long (Xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình).

2. Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ:

Cột kinh đang được lưu giữ và bảo quản tại chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Thuộc Khu di tích LSVH Cố đô Hoa Lư). Cột kinh được chế tác từ đá xanh có kích thước lớn, cao 4.16m, gồm sáu bộ phần gá lắp với nhau thông qua hệ thống ngõng, gồm: đế hình vuông, đế tròn, thân bát giác, đài sen và hồ lô. Tất cả các bộ phận gắn với nhau không sử dụng chất kết dính nhưng rất vững chắc, trải qua nhiều thế kỷ vẫn đứng vững. Tảng đế vuông dày 30cm, kích thước mỗi chiều 140cm, có lỗ mộng tròn ở giữa. Đế tròn có đường kính 76cm, dưới đáy có ngõng lắp khít vào lỗ mộng ở tảng đế vuông. Thân cột hình bát giác, hai đầu đều có ngõng cắm vào đề và thớt. Thớt hình bát giác, số đo qua tâm hai mặt đối diện là 69cm. Đài sen cao 26cm, gồm có tám cánh sen vươn lên ôm trọn chóp hình hồ lô. Hồ lô thóp bụng, miệng tù, cao 80cm, đường kính 30cm. Trên thân cột hình bát giác khắc đầy chữ Hán. Tuy nhiên do thời gian và sự tác động của thiên nhiên phần nhiều chữ đã bị mờ. Toàn bộ văn tự là bài kinh Đà-la-ni và kinh Thủ Lăng Nghiêm, ca ngợi sự bền vững của Đức Phật, sự to lớn bao trùm của Đức Phật tổ Như Lai. Dòng lạc khoản khắc trên cột kinh cho biết cột được tạo dựng năm 995.

3. Mặt linh thú: Phát hiện tại xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện vật được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao. Mặt trước khắc họa phần mắt to, tròn, rõ nét, hai mắt có viền. Sát hai mắt là hai tai tròn, thẳng, dạng tai thú, vểnh ra hai phía. Sau hai tai có hai chiếc sừng nhỏ. Mũi dài, thẳng, lỗ mũi to, hai khoé mũi có hai chiếc râu vắt sang hai bên má. Miệng rộng, có 16 chiếc răng chia đều cho hai hàm, giữa miệng có lưỡi. Hai bên má mỗi bên có ba chiếc sừng, chĩa đều sang hai hướng. Mặt sau hình lòng máng, để nhẵn. Căn cứ vào kiểu dáng cho biết đây là đồ trang trí trong kiến trúc cổ.

4. Sưu tập gạch, ngói: Phát hiện tại xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.

* Gạch: “Đại Việt quốc quân thành chuyên”: Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình hộp chữ nhật, kích thước: 27 x 19 x 3,5cm (dài x rộng x cao). Một mặt trang trí dòng chữ Hán: “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (大越國軍城塼 - Gạch xây dựng quân thành của nước Đại Việt).

* Gạch: Hoa Sen: Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình hộp vuông, kích thước: 34 x 34 x 7,5cm (dài x rộng x cao). Một mặt trang trí bông hoa sen nở khoe các cánh hoa và đài hoa, bốn góc trang trí bướm, xung quanh rìa trang trí hoa văn hình học.

* Gạch: Chim Phượng: Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình hộp vuông, kích thước: 33 x 33 x 7,2cm (dài x rộng x cao). Một mặt trang trí hình đôi chim phượng đang múa trong vòng tròn, bốn góc trang trí bốn bông hoa cách điệu, xung quanh rìa trang trí hoa văn hình học.

* Ngói: Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, hình lòng máng. Có hai loại một loại là ngói âm (khi lợp lên mái thì đặt ngửa) và một loại là ngói dương (khi lợp lên mái thì úp sấp). Riêng loại ngói dương dùng để lợp hàng hiên nhà thì đầu có thêm phủ diềm, mặt phủ diềm trang trí bông hoa chanh.

5. Tượng vịt: Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, kích thước: 32 x 18cm (dài x cao). Tượng được chế tác đầy đủ các bộ phận như: đầu, mình, cánh, thân và đuôi. Đặc biệt, tượng mô tả vịt ở hai tư thế: đầu tiến về phía trước và ngoảnh lại phía sau. Đây là con giống trang trí trong kiến trúc nhưng đồng thời cũng là vật liệu tham gia xây dựng kiến trúc, bởi phần bụng tượng có chốt gắn với lỗ mộng của viên ngói úp (Loại ngói dùng lợp nóc các kiến trúc cổ). Khi lợp viên ngói lên nóc kiến trúc cũng đồng thời là trang trí tượng vịt trên nóc kiến trúc và theo dạng thức con đi trước ngoảnh đầu về phía sau, con đi sau đầu hướng thẳng về phía trước tạo thành một cặp. Như vậy, khi lợp những viên ngói úp sẽ tạo thành một đàn tượng vịt bơi lội trên nóc kiến trúc.

Những hiện vật trên phát hiện ở khu di tích Cố đô Hoa Lư (Xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) và quê hương của vua Đinh (Xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Đây là những minh chứng hùng hồn chứng minh quy mô bề thế, hoành tráng và lộng lẫy của Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X. Đây cũng là những minh chứng để nghiên cứu về tình hình kinh tế, văn hoá - xã hội của nước ta thời Đinh - Tiền Lê. Các hiện vật cũng góp tiếng nói trong việc nghiên cứu nền Phật giáo - Tôn giáo được coi là quốc giáo, ở thế kỷ X.

N.X.K

(Nguồn: TC VNNB 250-4/2021)

 

 

Bài viết khác