Chủ nhật, 19/05/2024

Phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn và ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ hai, 27/11/2023

PGS.TS NGUYỄN THỊ SONG HÀ
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Đã từ lâu du lịch được coi là một ngành kinh tế - xã hội có tính phổ quát toàn cầu, nó được mệnh danh là ngành “công nghiệp không khói”, “là con gà đẻ trứng vàng”, hay ngành “xuất khẩu tại chỗ” đem lại của cải, vật chất và nhiều lợi ích cho quốc gia. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh, bền vững, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, chỉ đạo và tạo nhiều cơ chế để du lịch phát triển và trên thực tế ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và ngày càng có tác động tích cực hơn đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Ninh Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nơi có nhiều giá trị về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đậm dấu ấn lịch sử phát triển của dân tộc... nên từ lâu tỉnh Ninh Bình đã xác định rõ mục tiêu, có nhiều hành động thiết thực để phát triển du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ mới. Khi mà du lịch ngày càng gắn liền với đời sống của con người, trở thành một nhu cầu cơ bản không thể thiếu, cùng với đó là cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và sự cạnh tranh trong hoạt động du lịch đang diễn ra mạnh mẽ thì làm thế nào để Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, nhất là phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa của địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch thành một ngành kinh tế không khói”, mũi nhọn, phát triển bền vững, tuần hoàn và tăng trưởng xanh theo xu thế phát triển của thế giới để Ninh Bình trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và bản sắc riêng, thu hút khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế... là một vấn đề cần trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp thích hợp.

Tràng An vào thu                                                               Ảnh của XUÂN LÂM

Vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Trong ngành Du lịch, di sản văn hóa là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng bậc nhất, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Du lịch có liên quan nhiều nhất đến các di sản văn hóa quá khứ, những thành tựu văn hóa được con người tạo ra đã tồn tại qua thời gian, lưu giữ những phẩm chất và đặc điểm văn hóa của dân tộc. Tài nguyên du lịch văn hóa không chỉ gồm những thực thể văn hóa được tạo ra, đã tồn tại trong quá khứ mà còn là những thực thể văn hóa đã và đang tồn tại trong thực tại. Tất cả những thực thể văn hóa hiện đại đều xuất phát từ các di sản văn hóa trong quá khứ. Vì thế nói đến vai trò của di sản văn hóa trong sự phát triển của du lịch không có nghĩa là chỉ nói tới những giá trị văn hóa đã qua mà còn nói tới giá trị văn hóa hiện đang tồn tại trong cuộc sống hôm nay. Luật Di sản Việt Nam công bố năm 2021 khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Các di sản văn hóa mang tính quốc tế hay quốc gia thường được hình hành trong quá trình hình thành, phát triển mang tính chất quốc gia, vùng, miền, tộc người xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nó là sự cộng cư, cộng lợi, cộng mệnh và cộng cảm, là những giá trị văn hóa mang tính chất cơ bản, là cơ sở để các cấp chính quyền địa phương, các nhà hoạt động, kinh doanh du lịch thiết kế, khai thác trong hoạt động du lịch, làm giàu các sản phẩm du lịch. Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa, di sản văn hóa trong hoạt động du lịch, các nhà khoa học đã nhận thấy giữa chúng có mối quan hệ khá chặt chẽ, biện chứng, tác động qua lại với nhau. Vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch được thể hiện qua một số mặt sau (1): Di sản văn hóa góp phần quan trọng quyết định thị trường du lịch; (2) Di sản văn hóa quyết định các dịch vụ du lịch phù hợp; (3) Di sản văn hóa góp phần quyết định các sản phẩm du lịch đặc thù và sự lựa chọn của du khách; (4) Di sản văn hóa góp phần quyết định thương hiệu, hình ảnh của điểm đến; (5) Di sản văn hóa góp phần quyết định các tuyến du lịch; (6) Di sản văn hóa góp phần quyết định quy hoạch phát triển du lịch; (7) Di sản văn hóa góp phần quyết định đến sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và khai thác, phát triển điểm tuyến du lịch của các công ty lữ hành... Tuy nhiên, tầm quan trọng của di sản văn hóa thể hiện rõ nhất trong việc tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch bởi nó là một trong hai yếu tố cấu thành tạo nên sản phẩm du lịch, đó là tài nguyên du lịch và dịch vụ du lịch. Khai thác các di sản văn hóa trong phát triển du lịch đem lại cơ hội, điều kiện trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như cho chính các di sản văn hóa, bao gồm (1) Tạo công ăn việc làm, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp cho địa phương, cho người dân và cho các vùng, miền; (2) Nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế cho cộng đồng dân cư; (3) Nâng cao trình độ văn hóa, đa dạng văn hóa cho cộng đồng địa phương; (4) Kích thích cộng đồng phát triển, nâng cao dân trí, là cơ hội để cộng đồng được đào tạo, hiểu biết về kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ tổ chức, quản lí, phát triển du lịch, khả năng giao tiếp ngoại ngữ, trình độ tin học... (5) Là cơ sở để bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa, đồng thời nâng cao ý thức cho cộng đồng địa phương về thái độ trân quý, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong đời sống xã hội; (6) Là cơ hội cho sự giao lưu, hợp tác và hiểu biết về văn hóa giữa các vùng, miền, tộc người, quốc gia... Điều đó cho thấy sự đa dạng về văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa được coi là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển du lịch và du lịch phát huy giá trị của di sản. Hiện nay, du lịch được coi là một ngành kinh tế mà sản phẩm của nó chủ yếu phục vụ nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm, khám phá sự khác biệt, sự mới lạ của thiên nhiên, của văn hóa... nên các sản phẩm du lịch được tạo ra từ văn hóa có vai trò hết sức quan trọng. Trong hệ thống các di sản văn hóa ở mức độ di sản quốc tế hay quốc gia, ngành Du lịch quan tâm đến việc khai thác, phát triển các di sản trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch, cụ thể là các công trình kiến trúc, mĩ thuật, các di sản văn hóa, các cảnh quan văn hóa, ẩm thực, trang phục dân tộc, phương tiện lao động, sản xuất, công cụ sinh hoạt... (văn hóa phi vật thể - là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch); Các sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu truyền khác: tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức về y học cổ truyền, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống và tri thức dân gian... Việc khai thác một cách hợp lí, hiệu quả, tạo ra được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính khác biệt từ các giá trị văn hóa, di sản văn hóa sẽ là điều kiện để tạo dựng được giá trị cốt lõi, thương hiệu về du lịch cho quốc gia, cho địa phương và các điểm đến nhằm phát triển du lịch một cách bền vững. Vì thế không phải ngẫu nhiên năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3767/QĐBVHTTDL phê duyệt “Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, theo đó thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận.

Phát huy các di sản văn hóa để phát triển du lịch ở  Ninh Bình

Tiềm năng phát triển du lịch

Tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là một “Việt Nam thu nhỏ”, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, hữu tình với đầy đủ sắc thái địa hình từ núi cao, đồng bằng đến ven biển. Diện tích Ninh Bình chiếm đến 3/4 là đồi núi, các địa hình đá vôi đa dạng có lịch sử hình thành từ hàng triệu năm, tạo nên những hang động, thung lũng, hồ đầm cùng với hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử - văn hóa... gắn liền với lịch sử phát triển của các vương triều Đinh, Tiền Lê và Lý, đồng thời cũng là địa phương còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc có giá trị về thẩm mĩ, văn hóa, lịch sử, mang đậm dấu ấn về thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, không gian văn hóa, giá trị lịch sử, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong Tổng thể hệ thống lãnh thổ du lịch Việt Nam, Ninh Bình được xác định nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, có các tuyến du lịch quốc gia chạy qua (tuyến đường bộ theo Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 10... và tuyến đường sắt Bắc - Nam), thành phố Ninh Bình còn được xác định là trung tâm của tiểu vùng du lịch Nam đồng bằng sông Hồng. Với tiềm năng tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng..., trong đó nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử gắn với kinh thành xưa của Cố đô Hoa Lư. khu tâm linh Chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á; Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động cũng được công nhận di tích thắng cảnh hạng đặc biệt với các điểm du lịch, như: Tam Cốc, đền Thái Vi, chùa Bích Động, động Tiên, hang Bụt, Thung Nắng, Thung Nham, vườn chim... Vườn quốc gia Cúc Phương là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Nhà thờ Phát Diệm là công trình kiến trúc tôn giáo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, vườn chim Thung Nham, Thung Nắng, động Thiên Hà, suối nước nóng Kênh Gà... Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh, Ninh Bình còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa với 1.821 di tích lịch sử đã được xếp hạng, đồng thời có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: nghề cói Kim Sơn, nghề gốm Bồ Bát, nhiều lễ hội văn hóa của các dân tộc cư trú, sinh sống trong vùng... Với những dấu ấn đặc biệt, năm 2014 UNESCO đã công nhận danh hiệu “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới” đối với Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình, đây là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, là một trong số 38 di sản hỗn hợp trên thế giới được được UNESCO công nhận. Ninh Bình là tỉnh có tới 4 danh hiệu được UNESCO công nhận, đó là Quần thể Di sản thế giới Tràng An, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu và khu dự trữ sinh quyển thế giới Bãi ngang - Cồn Nổi. Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã được UNESCO công nhận: 8 Di sản thế giới, 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 9 Di sản văn hóa tư liệu, 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 Công viên Địa chất Toàn cầu, 9 Khu Ramma, trong đó tỉnh Ninh Bình đã có tới 4 danh hiệu.

Có thể nói Ninh Bình là địa phương có nhiều tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa, lịch sử mà đặc biệt là các di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đây là cơ sở, lợi thế để Ninh Bình tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, khác biệt và đẳng cấp thế giới mà không phải địa phương nào cũng có được. Để làm được điều đó, di sản văn hóa cần được xác định là linh hồn của điểm đến du lịch, làm gia tăng giá trị của điểm đến, di sản văn hóa phải là nguồn vốn, là cơ sở để du lịch khai thác, làm giàu. Với những đặc điểm nêu trên cho thấy, thời gian tới Ninh Bình sẽ là một điểm đến du lịch hấp dẫn, là sự lựa chọn của nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá.

Thành tựu trong phát triển du lịch Ninh Bình thời gian qua

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình chú trọng khai thác khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phát huy giá trị của các di sản để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách, bao gồm: (1) Hệ thống sản phẩm du lịch gắn với Quần thể danh thắng Tràng An (Du lịch tham quan, nghiên cứu di sản thế giới Tràng An; du lịch tham quan Làng Thổ dân - phim trường Kong: Skull Island và Hành cung Vũ Lâm; các hang động; Du lịch văn hóa tâm linh Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, đền Suối Tiên...; Du lịch sinh thái; Du lịch cộng đồng; (2) Hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh (Du lịch tham quan, văn hóa tâm linh chùa Bái Đính; đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), đền thờ Đức Thánh Nguyễn; Thung Lá, Thung Lau, Chùa Địch Lộng; Nhà thờ đá Phát Diệm; các di tích văn hóa, lịch sử... (3) Hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái (Du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nguyên sinh Cúc Phương, hệ sinh thái đất ngập nước Vân Long, Kim Sơn; Du lịch sinh thái nông nghiệp ở Gia Vân, Gia Hòa - huyện Gia Viễn... (4) Sản phẩm du lịch làng nghề (Du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề cói Kim Sơn, làng nghề gốm Bồ Bát, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân, làng nghề thêu ren Ninh Hải, làng nghề gỗ Phú Lộc... (5) Sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống (Du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội Chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư (lễ hội Trường Yên), lễ hội đền Thái Vy, lễ hội Tràng An, lễ hội chùa Địch Lộng... (6) Sản phẩm du lịch đô thị (Du lịch tham quan Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế; các công trình văn hóa, thể thao, du lịch... ở thành phố Ninh Bình; Du lịch MICE; Du lịch tham quan, mua sắm ở các trung tâm thương mại (Big C...); du lịch vui chơi giải trí; Du lịch văn hóa ẩm thực đường phố, chợ đêm, phố đi bộ...; Du lịch “City tour” TP. Ninh Bình...).

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình luôn xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm và quan điểm chung là phát triển du lịch cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ, phát huy tài nguyên du lịch, trong đó chú trọng vào các tài nguyên di sản văn hóa và từ đó thu hút khách du lịch quốc tế từ các thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu (Pháp, Đức, Hà Lan...), Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia) và khách nội địa từ các địa phương trong cả nước đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. Sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12-NQ/BCĐ ngày 15/02/2017 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đặc biệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được ban hành và triển khai. Cùng với đó còn có nhiều chính sách được ban hành, thực hiện nhằm phát triển du lịch thì việc cấu trúc lại thị trường khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, tập trung đầu tư, nâng cấp nhiều điểm đến từ hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch... đã được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, tổng thu từ du lịch đã tăng lên hằng năm thông qua số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch và lưu trú với thời gian dài hơn ngày càng nhiều. Theo các báo cáo hằng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia), tăng trưởng 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á và Thái Bình Dương (4,6%). Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5%/năm. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong số đó khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Ninh Bình trong những năm qua ngày càng tăng về số lượng, cả về khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa. Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho thấy, cụ thể năm 2016, tổng số khách du lịch là 6.441.472 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 715.603 lượt khách, khách nội địa là 5.725.868 lượt khách với tổng thu là 2.528.284 tỉ đồng. Năm 2021 toàn tỉnh ước đón 1.325.000 lượt khách, đạt 50,47% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách nội địa là 1.305.500 lượt khách; khách quốc tế là 19.500 lượt khách, doanh thu ước đạt gần 935 tỷ đồng, đạt 59,05% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, lượng khách tham quan du lịch tỉnh Ninh Bình khoảng 3,7 triệu lượt, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: khách nội địa hơn 3,6 triệu lượt khách; khách quốc tế đón gần 60 nghìn lượt khách. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, tỉnh đón khoảng 3,2 triệu lượt khách, gấp 4,9 lần so với quý I/2022; trong đó, khách nội địa hơn 3.085,2 nghìn lượt khách, khách quốc tế hơn 125,9 nghìn lượt doanh thu ước đạt khoảng 3.450 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Những tháng đầu năm 2023, đẩy mạnh việc mở cửa đón khách du lịch, lượng khách đến tăng cao, doanh thu ước đạt hơn 2.487 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian lưu trú của du khách tại Ninh Bình thời gian qua dao động từ 1,6 đến 2 ngày do tác động bởi nhiều yếu tố. Sự phát triển của du lịch thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP cho toàn tỉnh, tạo ra sự đa dạng ngành nghề và công ăn việc làm cho nhiều người dân sinh sống trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên và môi trường cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa.

Một số bất cập, hạn chế trong phát triển du lịch và phát huy các di sản văn hóa trong phát triển du lịch thời gian qua

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì du lịch tỉnh Ninh Bình vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục, tháo gỡ. Trong bản Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có khẳng định: “du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự phát triển du lịch của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác có hiệu quả, nhiều yếu tố mới nảy sinh có tác động lớn đến sự phát triển của du lịch; Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch của tỉnh mặc dù đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là các cơ sở vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung khác... Các tài nguyên du lịch chưa được tổ chức quản lý và khai thác đem lại hiệu quả tương xứng, các sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa hấp dẫn khách du lịch ở lại dài ngày; đầu tư cho du lịch trên địa bàn còn dàn trải, chưa tập trung để có thể thay đổi hình ảnh của du lịch Ninh Bình, tạo nên một thương hiệu mới trong mối quan hệ phát triển với vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và du lịch cả nước”. Bên cạnh những hạn chế mà tỉnh Ninh Bình đã chỉ ra, trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và tham vấn ý kiến của các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, du khách ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy: (1) Sản phẩm du lịch của Ninh Bình được đưa ra rất đa dạng và phong phú, song việc tổ chức khai thác các tuor, tuyến để du khách khám phá, trải nghiệm để hiểu rõ, đầy đủ các di sản văn hóa thì thực sự chưa như mong muốn. Các di sản văn hóa, lịch sử mà du khách tìm đến chủ yếu là Quần thể di tích thắng cảnh Tràng An, Tam Cốc, Bích Động, chùa Bái Đính, đền Vua Đinh, Vua Lê Thung Nham... do đó mà nhiều di sản văn hóa khác, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp của Ninh Bình chưa được khai thác, phát huy; (2) Nguồn nhân lực du lịch còn chưa hợp lý về cơ cấu, chưa đáp ứng được thị trường du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, có am hiểu về sâu rộng về các di sản văn hóa để có thể giới thiệu cho du khách và thu hút họ, giữ chân họ khám phá vẻ đẹp của Ninh Bình lâu hơn. Chẳng hạn như, trong tuyến du lịch, trải nghiệm tại Quần thể danh thắng Tràng An, du khách có khoảng thời gian ngồi trên thuyền 2 - 3 tiếng đồng hồ và họ chỉ ngắm cảnh, nếu như người chèo thuyền phục vụ cho du khách am hiểu về các di sản để có thể thuyết minh thì du khách sẽ bớt nhàm chán. Một bộ phận cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài còn hạn chế; (3) Quà tặng mang dấu ấn của điểm đến du lịch để du khách có thể lựa chọn mang về làm kỉ niệm sau mỗi chuyến đi còn chưa đặc sắc; (4) Mặc dù vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... trong hoạt động du lịch đã được triển khai song chưa đầy đủ và đem lại hiệu quả cao...

Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn và ngành kinh tế mũi nhọn

Để ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và khai thác hết các cơ hội của cảnh quan tự nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử, con người và đặc biệt là phát huy được các giá trị của các di sản văn hóa để du lịch Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn và ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

UBND tỉnh Ninh Bình cùng các cơ quan có liên quan cần có định hướng rõ ràng theo từng giai đoạn cụ thể để ngành Du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của nó, tránh hiện tượng một con người mặc một cái áo quá rộng, hay quá chật. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để du lịch “cất cánh” và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, để Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và nước ngoài cần phải có sự quan tâm, phối từ Trung ương tới địa phương, giữa các ngành, các cấp, giữa tổ chức và cá nhân, phải thống nhất từ tư duy đến hành động. Việc thay đổi tư duy về cách làm du lịch là hết sức quan trọng, trong đó xác định rõ thương hiệu, bản sắc, các loại hình và sản phẩm du lịch, cách thức tổ chức, quản lí, chiến lược kết nối và hỗ trợ, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đảm bảo nguyên tắc “ngũ giác” trong phát triển du lịch bền vững (Phát triển kinh tế, Hạnh phúc của người dân địa phương, Bảo vệ tài nguyên, Bảo tồn và phát triển văn hóa, Sự hài lòng của du khách).

Trong thời gian tới đây, tỉnh Ninh Bình nên tập trung vào phân đoạn thị trường khách du lịch, nhất là đối với khách du lịch có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày. (1) Phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, trong đó tập trung hướng tới thị trường là các đô thị trọng điểm; các tỉnh phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với các phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi, giải trí, khám phá, nghỉ cuối tuần, du lịch tâm linh. Phát triển du lịch nội địa vừa là phục vụ sự phát triển của xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại du lịch của nhân dân trong nước. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch thì trong tương lai, phân đoạn thị trường khách du lịch nội địa cao cấp sẽ hình thành rõ nét hơn và gia tăng nhanh, đồng thời thị trường thứ hai với mức chi tiêu trung bình cũng sẽ có sự gia tăng mạnh13. (2) Đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế: Thu hút, phát triển mạnh thị trường khách quốc tế gần: Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Sigapore, Malaysia, Indonexia, Thái Lan, Úc). Tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp truyền thống đến từ Tây  u (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ. Đối với thị trường khách quốc tế, trong giai đoạn tới chú trọng thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, điều đó cần phải xác định chiến lược phát triển thị trường cụ thể, chuyên nghiệp hóa hoạt động nghiên cứu, phân tích, định hướng phát triển thị trường, đặc biệt tập trung vào khách khám phá, trải nghiệm. Mỗi danh thắng đều mang đến nhiều cơ hội để du khách khám phá những sự độc đáo riêng thông qua các công trình kiến trúc, thắng cảnh, lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo... do đó việc xác định, phân đoạn thị trường, nhu cầu của khách du lịch sẽ giúp tỉnh Ninh Bình cơ cấu lại các điểm đến du lịch một cách hợp lí, tránh sự nhàm chán và lưu giữ khách du lịch lưu trú tại tỉnh Ninh Bình với thời gian dài hơn.

Hiện nay, du khách đến Ninh Bình chủ yếu đến tham quan Ninh Bình để được ngắm nhìn di sản văn hóa do UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An và một số di sản văn hóa khác như: Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, đầm Vân Long, đền Vua Đinh, Vua Lê, Thung Nham... với hình thức khá đơn điệu, chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh, nghe thuyết minh... Điều này cũng là một trong số các yếu tố không giữ chân được du khách lưu trú tại Ninh Bình dài ngày hơn, mà nhiều tour du lịch chỉ coi Ninh Bình như là một điểm ghé thăm, là điểm trung chuyển trong chuyến hành trình. Để du lịch hấp dẫn hơn, có thể trong các sản phẩm du lịch, có thể bổ sung hoạt động nghệ thuật biểu diễn múa rối nước trên dòng sông Ngô Đồng, có thể cho du khách cùng tham gia trải nghiệm múa rối nước; hay như có thể cho du khách tham gia trải nghiệm ở trang trại nuôi dê từ việc cho ăn, cách thức chăn dê; hay như du khách có thể tham gia hoạt động làm nghề truyền thống như: nghề làm nón, nghề thêu...

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu và phân khúc thị trường du lịch, các sản phẩm du lịch, tỉnh Ninh Bình cần tập trung vào chiến lược lựa chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới nên tập trung xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập vùng, quốc gia và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đẩy mạnh liên kết vùng và sự tham gia của các bên liên quan, trong đó các địa phương và doanh nghiệp lữ hành cần có những biện pháp kích cầu, tạo ra sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch... đồng thời nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá, kết nối các điểm đến du lịch một cách đồng bộ, hài hòa. Tăng cường khả năng giới thiệu, quảng bá về các giá trị của di sản văn hóa thông qua các bài thuyết minh, các hình ảnh quảng bá để du khách hiểu rõ và đầy đủ về các giá trị di sản văn hóa.

UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan, các nhà nghiên cứu, nhà quản lí, doanh nghiệp lữ hành... thảo luận để hình thành và tạo ra một thương hiệu mang tính đặc trưng cho du lịch Ninh Bình. Là một trung tâm gắn liền với nhiều dấn ấn của của lịch sử dựng nước và giữ nước của nhiều triều đại, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ với một đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian đậm chất của vùng châu thổ sông Hồng, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình có thể hình thành nên một hoạt động du lịch để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống của người nông dân để “Ninh Bình - điểm đến của sự kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai”.

Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch, chú ý quảng bá hình ảnh, di sản và các sản phẩm du lịch qua các nền tảng số, lưu tâm đến loại hình thuyết minh tự động tại các di tích lịch sử, văn hóa... để du khách chủ động hơn trong hành trình du lịch, tìm hiểu, khám phá của mình.

- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất - kĩ thuật, các cơ sở lưu trú, các loại hình dịch vụ... để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú, chi tiêu... nhiều hơn.

Quan tâm đến việc sử dụng nghề thủ công truyền thống để hình thành các sản phẩm quà tặng phù hợp mang dấu ấn của điểm đến du lịch, trong đó chú trọng việc khai thác các hình ảnh về di sản văn hóa của tỉnh.

Du lịch ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch văn hóa đang chiếm một ưu thế khá quan trọng. Trong nhiều chuyến du lịch của du khách, văn hóa, di sản văn hóa chính là một trong những mục đích chuyến đi, là đối tượng mà du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm, thẩm nhận và tận hưởng. Theo số liệu điều tra của Tổ chức Du lịch thế giới, có đến 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt với nền văn hóa của dân tộc họ, họ bị hấp dẫn bởi các điểm đến bởi cảnh đẹp tự nhiên, nền văn hóa truyền thống và đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, vinh danh như những tài sản đẳng cấp của nhân loại. Là một địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, trong đó có di sản mang đẳng cấp của nhân loại... nên trong thời gian tới Ninh Bình cần sớm khắc phục được các mặt hạn chế, triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước giúp ngành Du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến du lịch hấp dẫn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh; đồng thời chung tay để ngành Du lịch Việt Nam tăng tốc, phát triển, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”./.

------------

TLTK: 1. Nguyễn Thị Song Hà, 2023, Từ tư duy đến hành động, tạp chí Doanh nhân, ấn phẩm của tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, số 280 - 281 tháng 01, 02 năm 2023; 2. Nguyễn Thị Song Hà, Nguyễn Xuân Hòa (2023), Phát triển nguồn nhân lực để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ngãi, Tạp chí điện tử Lí luận Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng ngày 10/7/2023; http://yluanchinhtri.vn/home/ index.php/thuc-tien/item/5113-phat-trien-nguon-nhan-luc-de-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-cua-tinh-quang ngai.html; 3. Nguyễn Phạm Hùng (2022), Văn hóa du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.9; 4. Hội thảo Toàn quốc về Du lịch năm 2023 với chủ đề: Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển diễn ra vào ngày 15 tháng 3 năm 2023 tại Thủ đô Hà Nội; 5. Phan Huy Xu, Võ Văn Thành (2018), Du lịch Việt Nam - Từ lí thuyết đến thực tiễn, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.                                                                                                                                                                                                                 N.T.S.H

                                                                                                                                                                                                  (Nguồn: TC VNNB 285-10/2023)

Bài viết khác