Chủ nhật, 19/05/2024

Ngũ Lĩnh sơn, tam Thủy đế, đất linh người tài

Thứ năm, 01/07/2021

MAI ĐỨC HẠNH

Ninh Bình là cửa ngõ phía Nam của đồng bằng Bắc bộ, diện tích không thật lớn, dân số không thật đông nhưng bởi có “Ngũ Lĩnh sơn, Tam thủy đế” - đất linh, sinh người tài giỏi, làm nên vẻ đẹp lạ thường, muôn người muốn chiêm ngưỡng, thế giới tôn vinh kì quan giáng trần.

Ngũ Lĩnh sơn

Ninh Bình có năm ngọn núi không lớn nhưng hiểm và thiêng, gọi là Ngũ Lĩnh sơn:

1. Dũng Đương sơn (cao khoảng 60 mét)

Dũng Đương ở làng cổ Môi Viên, Đa Giá Thượng, tổng Đa Giá, phủ Tràng An xưa, nay là ngã ba Cầu Huyện, cạnh quốc lộ 1A, án ngữ đường Tiến Yết (quốc lộ 38B), con đường chủ vào Kinh đô Hoa Lư, nước Đại Cồ Việt thế kỷ thứ X, nay thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư.

Trong núi có động gọi là Phúc Thiên Địa (thường gọi là động Thiên Tôn); trong động có giếng gọi là Giếng Tiên, thờ Trấn Vũ Thiên Tôn, thần trấn trị phía Đông của Kinh đô Hoa Lư, Cố đô Hoa Lư ngày nay; có chùa thờ Phật nên gọi là chùa động Thiên Tôn; nơi đón tiếp (dịch quán) sứ nước ngoài của nước Đại Cồ Việt, thế kỷ X.

2. Bái Đính sơn (cao 187 mét; diện tích khoảng 150.000m2)

Núi Bái Đính, vốn thuộc thôn Ổ Gà, làng Sinh Dược, tổng Vân Cái “… phía tây nam huyện Gia Viễn, ở địa phận Phúc Lai, Sinh Dược, Mộc Hoàn, Xuân Trì, Lê xá và Khoáng Trang thuộc các huyện Phụng Hóa và Gia Viễn, một dải núi đất liền với sơn phận Chi Phong và Trường Yên bên cạnh. Đỉnh có đền thờ thần Cao Sơn”(1), nay thuộc làng Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, được vua Lê Thánh Tông ban tặng là Minh Đỉnh danh lam; trên núi có chùa cổ thờ Phật và thần Cao Sơn (ở động Sáng), có phủ thờ Mẫu Liễu (ở động Tối), có đền thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không… Núi đứng làm bình phong, trấn giữ phía Tây Kinh đô Hoa Lư, một trong Hoa Lư tứ trấn. Nam Thiên Động Chủ(2) có thơ vịnh rằng: “Đính Sơn độc chiếm nhất danh cao/ Bảo chướng Hoàng đô tích tự trào (triều)/ Nhân kiệt địa linh chung vượng khí/ Huyền sơn mĩ lệ  tráng kim âu.” (Lê Thánh Tông)

Dịch: “Đính sơn danh tiếng thực cao xa/ Che chở kinh thành tự thuở xưa/ Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí/ Núi thiêng cảnh đẹp tráng sơn hà.”

Tuần phủ Ninh Bình, Phan Đình Hòe có thơ vịnh rằng (bài 1): “Kho vô tận ở trong trời đất/ Trải muôn đời Tiên - Phật để dành đây/ Nước non vẫn nước non này/ Du lịch trải mấy nay mà cảnh vắng/ Trường Yên thử địa đa danh thắng/ Bái Đính cao phong hiện Thạch am/ Bốn chữ đề Minh Đỉnh Thanh Lam/ Ấy nét bút Thiên Nam động chủ/ … Cảnh từ đức tổ Điềm Giang trước(3)/ Như vẫn chờ người có thiện duyên”.

Bái Đính tân tự tựa lưng vào Bái Đính cổ tự, với nhiều kỉ lục mới tôn thêm vẻ đẹp thâm nghiêm của trấn tây Hoa Lư tứ trấn.

3. Thiên Dưỡng sơn (cao 244,38 mét; diện tích khoảng 250ha)

Núi Thiên Dưỡng ở thôn Thiên Dưỡng, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. “Núi Thiện Dưỡng: Thế núi cao đẹp dáng tròn, lên cao nhìn xung quanh thấy các núi đều nhỏ. Đá núi màu xanh đậm, mài kĩ thì bóng mịn, người ta thường lấy để làm nghiên mực. Sử nhà Minh chép: “An Nam có 21 ngọn núi nổi tiếng, đầu năm Hồng Vũ (1368) xếp vào hạng danh sơn được bày tên ở đàn tế Giao. Năm thứ 3 (1370) sai quan đến tận nơi làm lễ tế, vẽ lại hình thế đem về. Núi Thiện Dưỡng là một trong số đó.”(4).

Luận về địa lý văn hóa Ninh Bình, Quan các – Thượng thư Vũ Phạm Khải (1807 - 1872), người làng Phượng Trì, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô có lời rằng: “Thiên Dưỡng chi sơn, Đại Hoàng chi giang, thần tú trung yên, nhân kiệt xuất yên, kì sơn tiểu nhi tú, kì giang toan chi thâm.”(5) Nghĩa là: Núi Thiện Dưỡng, sông Đại Hoàng là nơi khí thiêng hun đúc, người kiệt ra đời. Núi chót vót mà xanh tươi, dòng sông sâu mà chảy xiết. Thiện Dưỡng sơn sừng sững bao bọc, làm bình phong chắn phía nam Hành cung Vũ Lâm, đền Nội Lâm (đền Trần), thờ Quý Minh Đại vương, trấn giữ phía Nam Kinh đô Hoa Lư trong Hoa Lư tứ trấn.

4. Núi Ba Chon (cao 428 mét)

Núi còn có tên Ba Non (ba ngọn), Tam Phong (núi có nhiều gió) hoặc là núi Tam Tiêm. Núi này ở địa phận xã Gia Sơn, nay thuộc xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, núi đá cao, “… trên đỉnh hình thành ba ngọn, tục gọi Ba Non, là núi cao bậc nhất vùng này, dưới có hành lang thông ra phía Bắc núi, giáp địa phận núi Vân Lung.(6)

Ba Chon là ngọn núi cao thứ 2 của Ninh Bình sau ngọn Mây Bạc (628 mét) ở Cúc Phương, thuộc xứ động Hoa Lư, quê của Đinh Tiên Hoàng đế, miền đất của “Tứ trụ triều Đinh” (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú), nơi Quốc sư triều Lý - Nguyễn Minh Không ra đời; đỉnh chia thành ba ngọn, dưới chân có mộ phần và đền thờ Tứ vị Hồng Nương, bốn vị nữ tướng của Trưng Vương. “Núi Ba Chon là vọng tiêu phía bắc thành (tức Kinh đô Hoa Lư)”(7), là bình phong phương Bắc của Hoa Lư tứ trấn. Người Ninh Bình tự hào mà so rằng: “Thứ nhất Ba Vì, thứ nhì Ba Chon”.

Bốn ngọn núi và bốn vị thần (Thiên Tôn, Cao Sơn, Quý Minh và Đức Thánh Nguyễn) làm thành Hoa Lư tứ trấn, địa danh nổi tiếng trong lịch sử văn hóa tâm linh của Ninh Bình và cả nước.

5. Non Nước – Dục Thúy sơn (cao hơn 70 mét)

Non Nước là ngọn núi đứng ở ngã ba sông Đáy và sông Vân Sàng, nay thuộc địa phận phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, triều Đinh - Tiền Lê đặt làm Ngự trấn sơn phòng; đời Trần, Thái học sinh Trương Hán Siêu đặt gọi là Dục Thúy sơn, thủ phủ của trấn (trấn Sơn Nam); đời Nguyễn làm thành tỉnh Ninh Bình; xưa nay, các đời, vua, chúa và tao nhân mặc khách là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, chính khách… lên núi khắc (gần 40 bài) thơ vào vách đá; để lại trên một trăm bài thơ vịnh (chữ Hán, Nôm và quốc ngữ) chép trong sử sách các đời; người bình dân có 04 truyền thuyết, 07 bài ca dao và phương ngôn về núi; cùng với Vân Sàng giang làm thành biểu tượng đất và người Ninh Bình, miền đất kề ràng áp bể của nước Việt. “… Trong sự hiểu biết của chúng tôi, chưa có một ngọn núi nào trên khắp đất nước lại được khắc nhiều thơ như ngọn núi này. Có thể nói đây là một bộ tuyển tập thơ ca của thiên nhiên chứa đựng thơ hay trong 7 thế kỉ. Một ngọn núi ở Quảng Ninh như núi Bài Thơ chỉ có chưa đầy 10 bài thơ thôi đã được nhân dân Quảng Ninh bảo quản, tu tạo, xếp hạng như một vật báu. Hòn Non Nước của chúng ta có đến gấp năm lần số lượng thơ của núi Bài Thơ lẽ nào không đáng tự hào là một danh thắng bậc nhất hay sao”.(8) Suốt Bắc – Nam của nước Việt, chưa thấy ngọn núi nào đẹp và nhiều thơ như Dục Thúy.

Non Nước - Dục Thúy sơn hợp với Dũng Đương, Bái Đính, Thiện Dưỡng và Ba Chon mà thành Ngũ Lĩnh Sơn của miền đất linh thiêng Hoa Lư đô - Trường An phủ, Ninh Bình bây giờ.

Tam thủy đế

Miền Hoa Lư có ba con sông không rộng và thật dài nhưng có Rồng ở nên phát đế vương nên gọi là Tam thủy đế:

1. Đại Hoàng giang (Gia Viễn) là sông cổ “Một sông lớn từ ngã ba Kênh Gà qua sông Trường Yên ở Đại Hoàng đến ngã ba Gián Khẩu, dài 3.636 trượng”(9) của xứ đất Hoa Lư nổi sóng, rồng hiện (đổi gọi Hoàng Long) đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông dẹp 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Đinh (968 - 979), lập nước quân chủ, đặt Đại Cồ Việt, dựng đô ở Hoa Lư, cho đến cả ngàn năm sau nào kém Tràng An của Hán - Đường?

Sông Hoàng Long nhìn từ cầu Trường Yên                     Ảnh: wikipedia.org

2. Vân Sàng giang (thành phố Ninh Bình) là con sông nhỏ mà uốn lượn, mềm như giải lụa, bởi trong lúc hợp giao có mây vàng che thuyền ngự của Lê Đại Hành Hoàng đế và Dương Hậu mà thành Vân Sàng giang trong truyền thuyết; vắt qua trấn lị Vân Sàng (đời Trần), thành tỉnh (đời Nguyễn), thành phố, thủ của tỉnh Ninh Bình bây giờ, còn để lưu truyền đến mãi mai sau.

3. Sông Vực, ngõ Vua (Kim Sơn). Sông Vực có từ triều Nguyễn (1802 – 1945), “Nằm trong địa phận tổng Hướng Đạo(10)… nơi giao điểm của bốn con sông nên còn có tên là Ngõ Vua(11). Ở đây cụ Phạm Nhương cùng Nguyễn Công Trứ đi thị sát bãi bồi ở huyện Kim Sơn(12), nay thuộc xã Quang Thiện (việc thiện được lưu giữ và tỏa sáng), huyện Kim Sơn (núi vàng), gắn với truyền thuyết Trâu vàng; có Truy Tư từ thờ Doanh điền Nguyễn Công Trứ, người khai khẩn biển Nam, lập huyện Kim Sơn và các chiêu, nguyên, thứ mộ tổng Hướng Đạo. Quang Thiện của tổng Hướng Đạo xưa cũng chính là quê hương của nguyên GS – TS Trần Đại Quang (1956 – 2018), Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016 – 2018).

Xem Ngũ Lĩnh sơn, Tam thủy đế của xứ đất Hoa Lư,  mới biết lời cổ nhân: “Cao nhất xích vi sơn” (cao một thước cũng là núi); “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” (núi thiêng không bởi cao mà là có thần trên đó) quả là không sai.

Vâng, núi không thật lớn nhưng có Tiên, sông không thật rộng, dài và sâu nhưng có Rồng. Sông núi xứ Hoa Lư - Ninh Bình ta linh thiêng, người tài giỏi xứ Trường Yên sông núi ta đời nào cũng có. Chẳng thế mà, trong 844 năm (1075 - 1919) của nền giáo dục Nho học, miền đất Hoa Lư - Ninh Bình này có 30 vị Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ, phó bảng văn khoa, võ tiến sĩ, 448 vị Hương cống - Cử nhân, 172 vị Sinh đồ - Tú tài văn khoa Nho học(13); Và, chỉ 54 năm (1960 - 2014) lại đã có tới 173 vị GS, PGS, Tiến sĩ khoa học(14); cũng chỉ trong 74 năm (1946 - 12/2020),  “tướng lĩnh Ninh Bình có 101 vị, hình thành ba thế hệ, đi suốt chiều dài lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến ngày nay.”(15) Những con người bình dị, khiêm nhường và anh dũng ấy đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ và lao động sáng tạo để dựng xây đất nước phồn thịnh, hùng cường, khiến chúng ta luôn được tự hào.

Chú thích: (1) Đại Nam nhất thống chí, Nxb KH – XH, Hà Nội, 2007, tr.36; (2) Vua Lê Thánh Tông tự xưng là Thiên Nam động chủ; (3) tức Đức Thánh Nguyễn Minh Không, húy là Nguyễn Chí Thành sinh tại làng Điềm Giang, phủ Tràng An nay là làng Điềm Xá, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn); (4) Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, Nxb Chính trị Quốc gia – 2001, tr.74; (5) Văn bia mộ Bảng nhãn Vũ Duy Thanh: “Đại Nam Quốc tử giám tế tửu, chế khoa Bảng nhãn Vũ Phủ quân bia mộ”; (6) Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, phần Khảo sát địa lý tỉnh và các huyện, Nguyễn Mạnh Duân dịch, bản đánh máy, Thư viện tỉnh Ninh Bình, tr.85; (7) Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, Sđd; (8) GS Nguyễn Huệ Chi, Trưởng Ban Văn học cổ và cận đại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học Việt Nam (tại Hội thảo khoa học Trương Hán Siêu; (9) Đồng Khánh địa dư chí, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Nxb Thế Giới, tr.1031; (10) Tổng thành lập năm 1829 với 9 lý, ấp, trại, nay là ba xã Kim Chính, Đồng Hướng và Quang Thiện; (11) “Kim Sơn sự tích doanh điền ca”, Huyện ủy - UBND huyện Kim Sơn, Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn – 1829, tr.153 chép: “… Chống thuyền giẽ mũi sang Đông/ Phút giây lại đến bốn sông giao hòa/ Dừng thuyền quan mới hỏi dò/ Rằng sông thiên tạo hay là nhân khai/ Trăm chiều ngọn nước chảy xuôi/ Ngã tư hội thủy thú vui lạ thường/ Ông Nhương người mới bẩm rằng/ Vãng lai phường đó gọi là Ngõ Vua; (12) Huyện ủy - UBND huyện Kim Sơn, Đào Tố Uyên - Nguyễn Cảnh Minh, Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn - 1829, tr.103; (13) Mai Đức Hạnh, Mai Thị Thu Hân, Khoa bảng Ninh Bình thời Nho học (1075 - 1919), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019; (14) Liên hiệp các Hội Khoa học và kĩ thuật tỉnh Ninh Bình, Các nhà khoa bảng và khoa học người Ninh Bình (1075 - 2014), Nxb Lao động - Xã hội, H. 2014; (15) Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, “Tướng lĩnh Ninh Bình thời đại Hồ Chí Minh”, Lời nói đầu, Nxb Hội Nhà văn, 2021.

Ngày 30 tháng 4 năm 2021

(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)

 

Bài viết khác