Chủ nhật, 19/05/2024

Mùa xuân tìm hiểu lịch của người Mường ở Ninh Bình

Chủ nhật, 09/02/2020

NGUYỄN QUANG HẢI

Ở Ninh Bình, bên cạnh người Kinh chiếm đại đa số thì có khoảng trên 15 ngàn đồng bào người Mường cư trú, chủ yếu trong 7 xã thuộc huyện Nho Quan. Xã có nhiều người Mường nhất là xã Thạch Bình. Có thể từ thời cổ xưa, những vùng đất có người Mường cư ngụ ở huyện Nho Quan đều thuộc khu vực rừng cổ nguyên sinh Cúc Phương rộng lớn.

Cũng như người Mường ở các nơi khác như ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa gần kề, đồng bào Mường huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình nay vẫn còn bảo lưu được không ít các di sản văn hóa truyền thống mang những sắc thái đặc trưng dân tộc. Nhiều di sản văn hóa và tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người Mường được hòa quyện với thiên nhiên đến kỳ lạ. Đó chính là kết quả của sự chiêm nghiệm tự nhiên với trực giác của người Mường từ thời cổ. Một trong những di sản tinh hoa cổ truyền của văn hóa Mường là lịch Mường.

Lịch Mường tương truyền có từ rất sớm, sớm hơn cả dương lịch và âm lịch, được gọi là “lịch trăng”, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của người Mường từ thời nguyên sơ.

Truyền thuyết kể: Ngày xưa, vua Hùng Vương có một viên ngọc quý. Một hôm nhà vua dạo chơi trên sông, bỗng vô tình để rơi viên ngọc xuống nước. Vua bèn trở về triều, gọi các đạo sĩ cao tay để hỏi cách tìm cho ra viên ngọc. Các đạo sĩ trổ hết pháp thuật tìm ngọc mà mãi vẫn chẳng thấy đâu.

Bấy giờ có một thổ lang Mường lừng lẫy pháp thuật cao siêu từ đâu tới xin được vào triều yết kiến nhà vua. Sau một lúc gieo quẻ bói bằng chân gà, vị thổ lang tâu với vua rằng:

Viên ngọc quý ấy không hề mất. Nó đang đợi ngày giờ tốt mà trở về.

Trong hệ lịch Mường, mỗi ngày đêm được chia ra làm 16 giờ, có tên gọi riêng. Chẳng hạn như giờ Ca cáy (5h-6g30), giờ Hiệng sáng (6h30-8h)… Mỗi tháng được chia làm ba tuần theo các tên gọi: Thượng tuần, Trung tuần, Hạ tuần. Thượng tuần gọi là “tuần cây”, trung tuần gọi là “ tuần lồng”, còn hạ tuần gọi là “tuần cối”. Cứ thế, thời gian ba tuần này nối kế nhau lần lượt, tuần tự trong năm. Trong thượng tuần có mười ngày “cây” tính theo cách gọi thứ tự: Ngày cây một, ngày cây hai…, trung tuần có mười ngày “lồng”, hạ tuần có mười ngày “cối”, cũng gọi theo lối tương tự, như: Ngày lồng một, ngày lồng hai; ngày cối một, ngày cối hai…

Người Mường ở Nho Quan                          Ảnh: Thế Minh

Thời xưa thì chỉ những người Mường có Hán tự như lang đạo, bố mo, bố trượng mới dùng tới âm lịch, còn hầu hết người Mường dùng hệ lịch Mường và rất lấy làm tự hào về nguồn gốc hệ lịch dân tộc mình qua truyện kể. Lịch Mường được lưu truyền từ đời nọ qua đời kia chỉ theo lối truyền miệng, chỉ dẫn trực tiếp và ghi nhớ. Đây phải chăng là một phương thức nhận biết, ghi nhận, ghi nhớ thời gian theo cảm quan về những hiện tượng của thế giới, vũ trụ, thiên nhiên có mối liên hệ mật thiết với đời sống thường ngày của người Mường.

Trong lịch Mường, quãng thời gian trời gần rạng sáng gọi là giờ Ca cáy (gà gáy). Theo tín ngưỡng dân gian của người Mường, con gà được tôn sùng là “bố ca” (bố gà) vì “bố ca” giúp đỡ con người trong công việc cầm canh, báo thức là việc quan trọng. “Bố ca” còn có thể chỉ dẫn cho người ta đi sang thế giới bên kia. Vậy là mỗi giờ trong lịch Mường còn chứa đựng cả yếu tố tín ngưỡng và văn hóa dân tộc. Giờ Lơi ra (giờ mặt trời mọc), giờ Lặn lơi (giờ mặt trời lặn), giờ Hoáng mắt (giờ tối mắt)… ghi nhận hiện tượng vũ trụ là trái đất chuyển vận quay quanh mặt

Người Mường từ xa xưa đã biết quan sát mặt trăng mà làm ra lịch, giống như âm lịch, gọi là lịch trăng. Theo đó, mỗi chu kỳ vận động tuần hoàn của mặt trăng tương ứng với ba tuần tiết (một tháng) trong lịch Mường. Tuần tiết đầu tiên trong mỗi tháng gọi là thượng tuần, có mười ngày cây, thì “cây” có nghĩa là mát mẻ, xanh tốt, là sinh, là mọc, thích hợp với việc gieo trồng. Tuần tiết thứ hai trong tháng gồm mười ngày lồng, nghĩa là những ngày có đêm trăng sáng (lồng lộng), trăng rọi ánh sáng lung linh chan hòa để chào đón các bậc hùng tài ra đời, bởi vì tính khí họ có phần nóng nảy. Tuần tiết thứ ba trong tháng gồm mười ngày cối, hàm nghĩa là mặt trời tối đi, chỉ sự không may mắn, hanh thông.

Các nhà làm lịch cho rằng: Trong lịch Mường, ngoài yếu tố “lịch trăng” còn có yếu tố “lịch hậu vật”, có nghĩa là lịch dựa vào sự sinh trưởng (của cây cối) mà con người quan sát, chiêm nghiệm được…

Có thể nói, ngoài tính khoa học ra, hệ lịch Mường được lưu tồn đến ngày nay còn chứa chất trong đó những vẻ đẹp của thời nguyên sơ. Lịch Mường không chỉ giúp cho con người xưa nay, đặc biệt là người nông dân tham khảo, ứng dụng về thời vụ gieo trồng, mà còn làm cho chúng ta liên tưởng về những vẻ đẹp đặc sắc, lý thú trong kho tàng văn hóa dân tộc Mường độc đáo, phong phú.

                                                                                                                                                                                                   N.Q.H

Bài viết khác