Chủ nhật, 19/05/2024

Phức cảm "Cua" trong nhân cách văn hóa xã hội

Thứ năm, 23/02/2023

NGUYỄN VĂN SƠN

Nghiên cứu tâm lí học tộc người và tâm lí tộc người ở Việt Nam nói chung và trong học giới nói riêng còn rất hạn chế.

Hiện nay những quán tính tâm lí tiêu cực đang làm hạn chế sự phát triển nhân cách đạo đức xã hội Việt Nam, do đó chúng tôi nhận thấy cần phải nghiên cứu và chỉ rõ nguồn gốc và tác hại của quán tính tâm lí tiêu cực để có phương án khắc phục, triệt tiêu một cách hiệu quả. Mục tiêu nghiên cứu nhằm chỉ rõ phức cảm cua là một hiện tượng tâm lí trong nhân cách văn hóa xã hội và qua đó chúng tôi kiến giải, xây dựng nên một số khái niệm mới để tiếp cận nghiên cứu tâm lí học tộc người ở Việt Nam.

Theo quan niệm truyền thống, vào cuối thế kỷ XIX (1879), tâm lí học đã tách ra khỏi triết học và trở thành một ngành khoa học độc lập. Hơn một trăm năm nay, nghiên cứu tâm lí học cơ bản và tâm lí học ứng dụng đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và đạt được nhiều thành tựu. Một trong những thành tựu đó là, các nhà khoa học xã hội nhân văn đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống khái niệm khoa học để nghiên cứu toàn diện tâm lí học. Tuy nhiên ở nước ta quá trình nghiên cứu tâm lí học cơ bản còn thiếu vắng những khái niệm công cụ dùng làm thao tác nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở kế thừa, tiếp thu tinh thần nghiên cứu khoa học của những người “khổng lồ” đi trước, chúng tôi mạnh dạn đề xuất xây dựng khái niệm phức cảm cua để làm công cụ thao tác nghiên cứu tâm lí, văn hóa nhân cách người Việt Nam.

Ở nước ta vấn đề tâm lí tộc người mới được đề cập trong các công trình sau: Tìm hiểu tính cách dân tộc (1963) của Giáo sư Nguyễn Hồng Phong; Tâm lí người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ (2000), của Phạm Bích Hợp (Trung tâm nghiên cứu tâm lí dân tộc); Đi tìm cách tiếp cận bản tính tộc người Việt (2000) của Huyền Giang; Một chùm tính cách Việt (2007) của Đỗ Lai Thúy…

Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi vận dụng phương pháp điều tra, thống kê xã hội và phân tích định tính, phân tích lịch sử xã hội, đặc biệt là phân tích tâm lí người Việt. Trên cơ sở đó chúng tôi nghiên cứu bước đầu phức cảm cua trong tâm lí tộc người của người Việt Nam; nghiên cứu hai phạm trù tâm lý tùy tiện và tâm lý ngang ngạnh - đó là song đề hợp thành phức cảm cua.

Mục tiêu nghiên cứu nhằm chỉ rõ phức cảm cua là một hiện tượng tâm lí khách quan, qua đó chúng tôi kiến giải, xây dựng nên một số khái niệm mới để tiếp cận nghiên cứu tâm lí học tộc người ở Việt Nam. Và bước đầu xác định quán tính tâm lí, hằng số tâm lí tộc người Việt Nam.

Phức cảm cua là một tổ hợp hành vi tâm lý gồm nhiều thành tố cấu trúc giống và khác nhau về loại hình, trạng thái, số lượng nhưng thống nhất với nhau về bản chất, nhằm phản ánh thuộc tính, đặc tính tâm lí lệch chuẩn, tiêu cực của cá nhân.

Tâm lí người Việt Nam hình thành và phát triển, dựa trên nhiều yếu tố (tự nhiên, xã hội), nhưng nền tảng xã hội quan trọng nhất là sự hình thành phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam.

Theo quan niệm truyền thống, sự hình thành dân tộc Việt (cổ) được các nhà nghiên cứu khẳng định:

Cách ngày nay chín nghìn năm - bảy nghìn năm Trước công nguyên (TCN), người Việt cổ từ vùng Assam, phía nam dãy núi Himalaya thuộc Đông Bắc Ấn Độ đã thâm nhập vào tiểu lục địa Đông Nam Á, một nhóm Việt (cổ) đã đến miền Bắc Việt Nam ngày nay, hợp huyết với cư dân bản địa.

Cách ngày nay năm nghìn năm - ba nghìn năm (TCN) một nhóm người Việt (cổ) thuộc Bách Việt từ miền nam sông Dương Tử Trung Quốc đã thâm nhập (nhiều đợt) vào miền Bắc Việt Nam hợp huyết với cư dân bản địa.

Tuy nhiên hiện nay có nhiều giả thuyết mới về nhân chủng học đã khẳng định và tiến xa hơn nữa về sự có mặt của người Việt (cổ) ở Đông Nam Á và Việt Nam về mặt lịch đại (tuy nhiên vấn đề đó chúng tôi không bàn ở đây).

Về sự hình thành quốc gia dân tộc Việt (cổ), trong học giới chia thành hai nhóm quan điểm chính. Nhóm thứ nhất cho rằng quốc gia dân tộc Việt (cổ) được hình thành từ năm 2879 (TCN), hoặc muộn nhất là vào thế kỷ VII (TCN). Nhóm thứ hai cho rằng quốc gia dân tộc Việt Nam chỉ được hình thành và phát triển từ thế kỷ X.

Thực tế lịch sử cho thấy, sau thời đại nhà nước Văn Lang và Âu Việt, thậm chí nếu tính cả nhà nước Nam Việt do Triệu Vũ Đế khởi nghiệp và suy vong vào năm 111 (TCN), trên toàn bộ lãnh thổ rộng lớn của người Việt (cổ) nằm dưới sự thống trị của các tập đoàn phong kiến phương Bắc (Hán tộc). Lịch sử quốc gia dân tộc Việt (cổ) bước vào thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Năm 938 được kết thúc thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc với võ công hiển hách của Ngô Quyền, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của quốc gia dân tộc Việt Nam.

Nhìn vào lịch sử thế giới cổ đại, sự hình thành phát triển của các quốc gia dân tộc cổ đại, thường gắn liền với sự hình thành phát triển của thế giới quan thần thoại, tôn giáo, triết học rực rỡ. Tuy nhiên, với trường hợp Việt Nam cổ đại, hiện nay chúng ta chưa có căn cứ khoa học để xác định được ngôn ngữ chữ viết của người Việt (cổ) như thế nào? Và thế giới quan huyền thoại, tôn giáo, triết học tuyệt nhiên không có… mà chỉ có “những mảnh vỡ huyền thoại” ánh xạ vào văn hóa Việt thời trung đại. Đây là một trong những tiền đề cơ bản hết sức quan trọng quy định tâm lí tính cách của người Việt (cổ).

Do thiếu ý thức triết học, thiếu một nền tảng tư tưởng triết học ngay từ khởi thủy để dẫn dắt quốc gia dân tộc Việt (cổ), do đó trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với lớp văn hóa Ấn Độ đã dẫn đến tình trạng diễn dịch không hệ thống và thiếu chính xác văn hóa Ấn Độ, mà dấu vết còn rất đậm trong các truyện cổ dân gian Việt Nam. Xét ở cấp độ tinh hoa của xã hội Việt (cổ) và ở khía cạnh kiến trúc thượng tầng văn hóa tinh thần Việt (cổ), toàn bộ những câu chuyện thần thoại cổ tích của Việt Nam như Sơn Tinh Thủy Tinh, Tấm Cám, Thánh Gióng, Chín Chúa tranh vua, Thạch Sanh… đều ánh xạ tư tưởng của hai bộ Sử thi Mahabharata và Ramayana của Ấn Độ. Tiếp theo những triết lí dân gian Việt (cổ) đều nằm trong những giáo lí của kinh Vệ Đà, và sau này là những tư tưởng của Phật giáo. Song một mặt do tiếp thu văn hóa bên ngoài để làm giàu văn hóa Việt (cổ), người Việt đã Việt hóa những tư tưởng ngoại sinh. Chính ở lằn ranh giới bản địa hóa/ Việt hóa đó, người Việt (cổ) đã thể hiện tính bảo thủ, tính ngang nhất định, do đó tính lưỡng phân trong hành vi tâm lý người Việt (cổ) thể hiện ở chỗ vừa tùy tiện vừa bảo thủ/ ngang. Tùy tiện ở đây lúc đầu mang tính tích cực, nhằm tiếp thu văn hóa bên ngoài để làm phong phú văn hóa bản địa, nên miễn là có lợi cho văn hóa bản địa là tiếp thu, thậm chí cố ý diễn dịch theo ý chủ quan của cộng đồng Việt nhằm hợp lí hóa với văn hóa dân tộc. Tuy nhiên sau một thời gian lịch sử mấy nghìn năm, hành vi tâm lí tùy tiện biểu hiện trong tất cả các mặt của đời sống xã hội lại trở thành tiêu cực, làm méo mó nhân cách cá nhân con người. Tính bảo thủ/ ngang ở buổi sơ khai của nó cũng mang một ý nghĩa tích cực, nhằm giữ lại những phần tử, giá trị văn hóa bản địa, để chống lại sự thâm nhập đồng hóa của văn hóa ngoại sinh, và điều tiết hài hòa giữa văn hóa nội sinh với văn hóa ngoại sinh phát triển bền vững nương tựa vào nhau. Cũng giống như hành vi tâm lí tùy tiện, hành vi tâm lí bảo thủ/ ngang khi đã thâm nhập vào cá nhân và trở thành quán tính tâm lí của toàn xã hội suốt nghìn năm lịch sử, thì nó trở thành hạn chế trong hành vi tâm lí của cá nhân. Do đó tính lưỡng phân, lưỡng hợp của hai phạm trù tùy tiện, bảo thủ/ ngang đã trở thành hành vi tâm lí phổ quát trong tâm lí tộc người Việt.

Sau khi tiếp xúc với lớp văn hóa Ấn Độ, văn hóa Việt (cổ) tiếp xúc với lớp văn hóa Trung Hoa, đặc điểm lịch sử của quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, bao gồm hai mặt: cưỡng bức và tự nguyện. Dù ở phạm vi cưỡng bức hay tự nguyện, người Việt (cổ) luôn luôn có xu thế chống lại sự Hán hóa. Các triều đại phong kiến phương Bắc phải quản lý một không gian lãnh thổ rộng lớn với nhiều thành phần dân tộc, văn hóa, địa lí phức tạp, cho nên triều đình phong kiến trung ương không thể quản lí chặt chẽ được, mà phải trao quyền tự trị nhất định cho người bản địa. Triều đình phong kiến phương Bắc chỉ cắt cử quân đội và quan lại cai trị đến cấp quận, huyện, còn dưới cấp huyện, những ngôi làng Việt (cổ) vẫn là những “pháo đài” văn hóa tự trị.

Do tính chất cai trị lỏng lẻo của các triều đại phong kiến phương Bắc và tính chất đóng, khép kín của văn hóa làng xã Việt cho nên văn hóa Việt vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn, đây là mặt tích cực. Trong sinh hoạt cộng đồng người Việt, nguyên tắc trọng tình nghĩa, duy tình, duy cảm, được ưu tiên cho nên sự gắn kết được ngầm định bằng một cơ chế quản lí mềm hết sức tinh tế. Hơn nữa mối quan hệ cộng đồng còn được gắn kết bằng tình cảm huyết thống dòng tộc, thân tộc chặt chẽ, lấy tiêu chí noi gương người già, trọng kinh nghiệm hơn lí tính. Cho nên ở đây nó bộc lộ tinh thần duy lí rất yếu, tinh thần pháp trị càng trở nên xa lạ. Đặc điểm của thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc ngót nghìn năm, dân tộc Việt luôn luôn phản kháng lại luật pháp hà khắc của người Hán. Và nó tạo ra phản xạ tâm lí không chấp nhận luật pháp của triều đình phong kiến phương Bắc, nhằm giành độc lập cho dân tộc, đồng thời nó cũng tạo ra một cơ chế tâm lí sẵn sàng phản ứng lại luật pháp. Phản xạ tâm lí này được hun đúc và trở thành quán tính tâm lí của tâm lí tộc người Việt trong suốt nghìn năm. Do đó có những mặt tích cực của kẻ thù trong việc tổ chức xã hội, quy hoạch không gian sinh tồn… cũng bị tẩy chay, điều đó làm cho tính bảo thủ/ ngang ở người Việt tăng rất nhanh. Nó phản ánh đầy đủ tính chất tự ti, tính chất nhược tiểu về ý thức triết học bên trong của người Việt (cổ).

Từ thế kỷ X, khi quốc gia dân tộc Việt giành được độc lập dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đều mở rộng quan hệ ngoại giao với Trung Hoa và học tập mô hình quản lý xã hội của Trung Hoa. Học thuyết quản lý chính trị xã hội và tiết chế đạo đức con người của Nho giáo vào Việt Nam cũng bị diễn dịch một cách tùy tiện, sai lệch tinh thần nguyên thủy của Nho giáo. Các triều đại phong kiến Việt Nam áp dụng mô hình luật pháp để quản lí đất nước cũng gặp phải một trở ngại do hằng số tâm lí bảo thủ/ ngang của người Việt ít chịu phục tùng luật pháp, nhiều lúc còn chống đối. Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hóa học đã chỉ ra tính chất hạn chế của người Việt đó là “căn tính tiểu nông” với đặc trưng là con người làng xã. Con người làng xã với hàng loạt hạn chế về tri thức, nhất là tri thức về triết học nhân sinh. Khi con người làng xã với đặc trưng văn hóa tâm lí là “căn tính tiểu nông”, họ đề cao giá trị làng xã. Và khi văn hóa làng xã trở thành giá trị độc tôn cao nhất nó sẽ làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Hiện tượng “phép vua thua lệ làng” trong xã hội Việt Nam trung đại đã phản ánh tính chất tâm lí bảo thủ/ ngang của người Việt. Tính chất đó thủ tiêu luôn nền công lý của quốc gia dân tộc. Trước hết xét về văn hóa tâm lí làng xã trong việc tự đối lập giữa lệ làng với phép vua - luật pháp, đã là sự tùy tiện, bất chấp giá trị chung, phổ quát của một quốc gia, một cộng đồng người lớn hơn. Khi phép vua và lệ làng cùng phản ánh đúng lợi ích của làng và nước, thì việc lệ làng được ưu tiên hơn trong ngữ cảnh “phép vua thua lệ làng” là có thể chấp nhận. Tuy nhiên, khi lệ làng không phản ánh được lợi ích của làng nhất trí phù hợp với phép vua (luật pháp), mà vẫn tùy tiện bảo thủ coi giá trị “làng” được ưu tiên “hơn” phép vua (luật pháp) thì nó trở nên phản động, và vi phạm nền công lý của quốc gia. Chỉ khi lệ làng và phép vua (luật pháp) được đặt trong tương quan thống nhất về mặt thời gian cho việc nào thực hiện trước, việc nào thực hiện sau, thì quan niệm phép vua (luật pháp) thua lệ làng mới có giá trị mang chứa văn hóa tiến bộ, tâm lí ưu tiên cho khu vực vùng miền. Còn nội dung, tính chất vẫn phải thực thi phép vua theo đúng tinh thần công lý, luật pháp của quốc gia. Một trong những nguyên nhân nền tảng dẫn đến tâm lí tùy tiện và bảo thủ/ ngang trong tâm lí tộc người Việt là tinh thần tự thỏa mãn lệ làng hơn phép vua (luật pháp), đó là tâm lí ngàn đời ăn sâu vào đời sống tinh thần của cá nhân/ cộng đồng người Việt. Đặc điểm tâm lý đó đã trở thành quán tính tâm lí, hằng số tâm lí của người Việt là tùy tiện và bảo thủ/ ngang kiểu “anh hùng nhất khoảnh” hoang dã không cần biết đến luật pháp. Đây cũng chính là tâm lí thâm căn cố đế của tâm lí tộc người Việt. Con người làng xã mang nặng tính tùy tiện và bảo thủ, quay về, cố thủ trong lũy tre xanh diễn dịch phép vua (luật pháp) theo tinh thần lệ làng bảo thủ, lũy thừa giá trị lệ làng, tự ru ngủ mình, làm cho tính tùy tiện và bảo thủ/ ngang ngày càng được củng cố và phát triển trong hành trang văn hóa tâm lí tộc người.

Nằm trong bối cảnh tâm lí làng xã đó, quan hệ hôn nhân gia đình của con người làng xã Việt Nam đề ra triết lý hết sức tùy tiện và đầy bảo thủ, không dựa trên lí tính và tình yêu cá nhân lứa đôi như: “Lấy chồng khó/ dại giữa làng, hơn lấy chồng sang thiên hạ”. Rõ ràng biết cái hạn chế, cái kém ở giữa làng nhưng vẫn chấp nhận, trong khi cái “sang thiên hạ” là cái tiến bộ lại bị khước từ. Điều đó chứng tỏ tâm lí bảo thủ đã trở thành ý thức thường trực sẵn sàng. Trong một ngữ cảnh khác con người làng xã triết lí: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Tức là xu hướng bảo thủ, hướng nội, thu mình không cần biết bên ngoài xã hội rộng lớn có biết bao nhiêu cái hay cái đẹp mà chỉ cần sống, chấp nhận cái quán tính tâm lí cộng đồng làng xã, mà con người làng xã chỉ là con người chức năng tuân thủ văn hóa, giá trị của làng xã.

Trong văn học dân gian trung đại đã phản ánh tâm lý tùy tiện và bảo thủ/ ngang của người Việt thông qua câu chuyện thằng Bờm hết sức sinh động với nhiều tính cách tâm lí tộc người Việt Nam. Khi nhân vật Bờm chỉ có một tài sản duy nhất là cái quạt, công năng sử dụng chỉ để quạt mát, tuy nhiên trong đời sống xã hội, con người cần rất nhiều vật dụng có công năng khác nhau và ưu tiên cho các công dụng của các vật dụng đó ở các hoàn cảnh khác nhau được linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên với nhân vật Bờm, hết sức bảo thủ, không chấp nhận sự thay đổi để cải thiện hoàn cảnh. Chỉ khi đối diện với cái đói mới thay đổi giá trị của vật dụng/tài sản, mà ở đây là thay đổi giá trị sống, vì mục tiêu ngắn hạn cập thời chống đói. Tâm lí tùy tiện và bảo thủ/ ngang của người Việt trong lịch sử quả thật là một lực cản rất lớn cho chiến lược xây dựng con người hạnh phúc và phát triển bền vững. Bàn về tính tùy tiện và bảo thủ/ ngang của người Việt trong lịch sử phát triển tâm lí tộc người quả thực là còn rất nhiều điều thú vị, khi khảo sát toàn diện hệ thống lịch sử văn hóa Việt Nam.

Trên đây là mấy nét phác thảo luận giải về tổ hợp tâm lí - tâm lí tộc người Việt thời cổ, và trung đại thuộc nền văn hóa văn minh nông nghiệp. Đến đây có thể nhận xét hai thuộc tính: tùy tiện và bảo thủ/ ngang của người Việt thời cổ và trung đại là do khuyết thiếu về ý thức nền tảng triết học, tôn giáo, đạo đức và luật pháp. Một số ý kiến còn cho rằng tính tùy tiện và tính bảo thủ/ ngang của người Việt còn do vấn đề nhân chủng và phương thức sản xuất nông nghiệp quy định (song ở đây, chúng tôi chưa có điều kiện để bàn đến).

Những dữ liệu hành vi tâm lí của tâm lí tộc người Việt Nam trải qua trong thực tiễn lịch sử phát triển tâm lí tộc người Việt Nam, là cơ sở khoa học để hợp thành phức cảm cua trong xã hội công nghiệp với đầy đủ tính chất của một tổ hợp tâm lí bao gồm nhiều hành vi tâm lí, nhiều phản xạ tâm lí khác nhau nhưng cùng bản chất.

Trong xã hội nông nghiệp, văn học dân gian phản ánh một hiện tượng tâm lí để nói về tính chất của thói tùy tiện lệch chuẩn, bảo thủ ngang ngạnh như sau: “bà là bà chúa con cua”, hàm ý chúa là chúa yếu mềm, chậm chạm không quyết đoán, không rõ con đường… không có thực lực, đó là tinh thần chế giễu và hạ thấp người đối thoại, cũng như khẳng định tính chất tâm lí ngang như cua của bà chúa. Câu này cũng được dùng phổ biến trong nghệ thuật hát chầu văn hầu đồng của tín ngưỡng thờ Tứ phủ. Trong dân gian người Việt chúng ta cũng thường nói “con cua tám cẳng hai càng chẳng đi mà lại bò ngang cả ngày”, cũng nhằm chỉ sự bất hợp lý, sự lệch chuẩn của sự vật hiện tượng khác. Ở đây được hiểu theo nghĩa bóng còn với nó - tức là cua, thì bò ngang là giá trị tuyệt đối, là bản chất của cua.

Vào thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, xuất hiện câu chuyện tiếu lâm hiện đại như sau:

 “Một cơ quan AX của Việt Nam xuất khẩu cua ra nước ngoài, nhưng giỏ đựng cua không cần đậy hom. Thấy vậy quan chức của nước bạn e ngại? Sao cua của các ngài không đậy hom nó bò mất hết thì sao? Nhân viên cơ quan AX của Việt Nam trả lời: ông yên tâm cua Việt Nam nó không thể bò ra khỏi giỏ được đâu. Vì chúng nó đố kỵ ghen ghét nhau, nên có con nào định bò lên miệng giỏ là có con khác sẽ kéo chân nó về vị trí cũ.”

 Câu truyện cua Việt Nam chỉ thoáng qua nhẹ nhàng, nhưng lớp nghĩa chìm ẩn đằng sau đó phản ánh toàn bộ thuộc, đặc tính tâm lí đố kỵ ghen ăn tức ở, tính xấu, thủ đoạn đểu cáng được hiện ra rõ nét…

Trong nhiều ngữ cảnh sự va chạm nhân cách, tâm lí giữa các nhóm xã hội có trình độ tri thức tiến bộ so với nhóm xã hội có trình độ tri thức hạn chế trong xã hội hiện, thì nhóm xã hội có trình độ tri thức hạn chế thường được/ bị coi là “cua” là “ếch”, với hàm ý hạn chế về trí tuệ, nông cạn như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung” hoặc “cua đồng ra tỉnh”, “cua đồng bò quanh miệng lỗ mà bàn chuyện hố đen”. Tất nhiên đạo đức và luật pháp không cho phép các cá nhân, các chủ thể văn hóa có quyền khinh miệt giữa người với người, nhưng xét về hành vi tâm lí người thì điều đó vẫn xảy ra tất yếu khách quan trong đời sống tâm lí, tinh thần xã hội. Vì nó là hành vi thuộc phạm vi tinh thần nên không bị pháp luật truy cứu. Xét về mặt đạo lí/đạo đức lí tưởng thì sự khinh miệt giữa người với người luôn luôn bị lí tính/lương tâm xã hội truy vấn, phê phán không thể tha thứ. Song vấn đề ở đây chúng tôi chỉ bàn về hành vi tâm lí đó như một hiện tượng dữ liệu khoa học khách quan để khảo sát tâm lí, nhân cách văn hóa người - chủ thể của văn hóa, chủ thể của nhận thức, chủ thể của lịch sử…

Sau khi khảo sát tóm tắt các thông tin, dữ liệu văn hóa tâm lí Việt Nam, lược sử phát triển tâm lí tộc người Việt Nam, trên tinh thần kế thừa, tiếp thu có phê phán, chọn lọc nguồn tri thức bác học trong lịch sử, kết hợp với nguồn tri thức dân gian hiện đại của thế kỷ XX, chúng tôi mạnh dạn đề xuất khái niệm, thuật ngữ phức cảm cua để dùng làm khái niệm thao tác nghiên cứu khoa học/ tâm lí học tộc người Việt Nam.

Như vậy, phức cảm cua bao gồm một loạt thành tố khái niệm con, nằm trong tập hợp khái niệm cấu trúc của phức cảm cua. Trong xã hội nông nghiệp phức cảm cua mới bao hàm hai tổ hợp tâm lý: tùy tiện và bảo thủ/ ngang, nhưng đến xã hội công nghiệp phức cảm cua chứa đựng thêm các tổ hợp tâm lý: ghen ghét đố kỵ, lệch chuẩn, nhỏ bé về tri thức, mặc cảm tự ti, nổi khùng và ngang ngạnh, thiếu lý tính, yếu đuối về thể chất, thiếu tính kỷ luật.

Cơ chế tác động của hành vi tâm lí tùy tiện có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ vô thức tập thể, có nguyên nhân do di truyền văn hóa, nguyên nhân do thiếu tri thức, có nguyên nhân do cá nhân cố ý. Trường hợp cá nhân cố ý, tức là cá nhân đó đã bước sang hành vi tâm lý bảo thủ/ ngang, nhất định không chịu tuân theo quy luật khách quan, mà cứ theo ý chủ quan của cá nhân dù biết là sai đi nữa, bất chấp lẽ phải. Trường hợp do cá nhân vô ý, do nhận thức kém, thì hành vi tâm lí tùy tiện ở cấp độ ít nguy hại cho nhân cách văn hóa cá nhân/ cộng đồng hơn, chỉ là tiện đâu làm đó, không có nguyên tắc nào cả. Mối quan hệ tác động hai chiều của tâm lí tùy tiện và bảo thủ/ ngang luôn luôn thâm nhập vào nhau. Nhiều khi do tâm lí tùy tiện vô nguyên tắc mà sinh ra phiến diện thiếu lí tính, thiếu tính kỉ luật, làm lệch chuẩn sự vật hiện tượng. Có hiện tượng tâm lí do bảo thủ, ngang ngạnh, cố ý làm trái, nó dẫn đến sự tùy tiện nhưng ở cấp độ cao hơn về sự nguy hại. Khi hành vi tâm lí bảo thủ/ ngang ngạnh bị kích ứng bởi (cộng đồng) đám đông, cá nhân sẽ rơi vào phản ứng tâm lí nổi khùng mà sâu thẳm bên trong ý thức là sự mặc cảm tự ti về tri thức. Chính các biểu hiện hành vi tâm lí phái sinh của tâm lí bảo thủ/ ngang, không tôn trọng lẽ phải sự công bằng, công lí, nó làm nảy sinh, tâm lí đố kỵ, ghen ghét, chèn ép người khác, chỉ biết bản thân, thủ tiêu luôn những giá trị tốt đẹp của cá nhân/ cộng đồng. Trong nội dung của phức cảm cua, còn có một hành vi tâm lí nằm sâu trong bản chất của sự bảo thủ, ngang ngạnh, đó là sự lạc hậu về kĩ năng ứng xử, giao tiếp, yếu kém về trình độ nhận thức của cá nhân so với trình độ nhận thức chung của toàn xã hội. Trong một số ngữ cảnh khác ý nghĩa phái sinh của phức cảm cua còn dùng để chỉ cá nhân yếu đuối về thể chất (trí tuệ kém phát triển), nhưng lại hay gồng mình, “cương còng” thể hiện sự hiếu chiến. Tất cả những điểm đó hợp thành nhân cách tâm lí của cá nhân thường có biểu hiện hành vi “dưới văn hóa”. Ở xã hội có trình độ dân trí thấp và còn mang nặng “căn tính tiểu nông” như ở nước ta, phức cảm cua có xu hướng bộc lộ mạnh mẽ, và đang tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách văn hóa lành mạnh trong sáng của cá nhân/cộng đồng. Và tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực trong xã hội, làm hạn chế sự phát triển tiến bộ của xã hội.

Xem xét nghiên cứu bản chất phức cảm cua trong xã hội hiện đại không dừng lại ở việc nhận thức cơ chế tâm lí sản sinh về mặt sinh lí học thần kinh và bối cảnh lịch sử xã hội của nó, mà còn cung cấp dữ liệu khoa học cho chúng ta cách nhận thức sâu sắc toàn diện về tâm lí học tộc người Việt Nam. Và cao hết là hành động thực tiễn của chúng ta để chống lại, để xóa bỏ nguồn gốc, cơ chế, môi trường sản sinh ra phức cảm cua để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, vì hạnh phúc con người phát triển bền vững.

Để làm rõ biểu hiện của phức cảm cua trong xã hội Việt Nam hiện đại chúng tôi tiến hành xem xét trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn.

Theo điều tra độc lập của chúng tôi (điều tra 500 công trình khoa học xã hội nhân văn) các công trình khoa học của các nhà khoa học xã hội nhân văn ở nước ta có đến hơn 72% được cho vào tủ khóa lại (hoặc sau nhiều năm thanh lí bán giấy vụn) sau khi đã nghiệm thu đề tài với Hội đồng khoa học (các cấp). Vì bản chất sâu xa của những cái được nhân danh gọi là khoa học đó thật sự là sự sao chép tùy tiện, cẩu thả, không có giá trị chuyên sâu về học thuật, cũng không có giá trị ứng dụng, nghĩa là chỉ cần có để báo cáo với cơ quan chủ quản cấp trên và lĩnh tiền dự án đề tài là xong. Phần “công trình khoa học” tùy tiện đã là một lẽ, nhưng tệ hại và nguy hiểm nhất là Hội đồng làm việc đọc, duyệt cũng qua quýt, tùy tiện nhận xét cho xong việc. Nhưng khi có người phản biện trung thực khách quan là bị vùi dập. Những di chứng của tâm lí tùy tiện và bảo thủ/ngang ngạnh, không coi trọng luật pháp trong vô thức lại có dịp trỗi dậy khi có điều kiện. Phức cảm cua trong xã hội hiện đại ngày càng mọc lên như nấm sau mưa.

Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật

Chúng tôi tiến hành điều tra xã hội (900 văn nghệ sĩ) về chủ thể sáng tạo văn học nghệ thuật, theo nghiệp vụ chuyên ngành, chúng tôi nhận được kết quả hơn 87% đại biểu có thói quen tùy tiện nói xấu đồng nghiệp. Và 25% hết sức tùy tiện viết, nói về những điều không nằm trong sự kiểm soát của tri thức (lí tính) cá nhân đó, mà viết theo bản năng, viết theo tâm lí đám đông. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về khả năng tự học để bổ sung kiến thức thì có 15% đại biểu coi mình là rốn của vũ trụ, và không cần học tập đồng nghiệp, không đọc tác phẩm/ công trình của đồng nghiệp? chỉ đọc theo cảm tính sở thích của bản thân và tự sướng?

Cuối cùng chúng tôi muốn nói đến chiến lược đào tạo nguồn lực con người ở nước ta hiện nay hết sức tùy tiện giản đơn, và vô cùng bảo thủ trong việc tiếp nhận tinh hoa tri thức của thế giới. Mặc dù các văn bản quản lí nhà nước vẫn nói rất chân thành tâm huyết về đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại “đi trước đón đầu”… Trước hết theo điều tra của chúng tôi, hiện nay nhiều ngành học ở bậc sau đại học, cao học, và cao học nghiên cứu sinh tiến sĩ, không có giáo trình chuyên ngành để học, mà phụ thuộc vào tập bài giảng của các thầy. Do đó nếu gặp được thầy, là giáo sư giỏi thì không sao, nếu gặp giảng viên trung bình mà cứ học theo tập bài giảng chẳng có Hội đồng nào thẩm định nội dung khoa học đó thì thật là tai hại vô cùng. Vấn đề ở đây là sự tùy tiện của cơ sở đào tạo và sự tùy tiện chủ quan về tri thức của chính các vị giáo sư, giảng viên. Và nhiều cơ sở đào tạo đại học khi trình duyệt chương trình đào tạo lên Bộ chủ quản, còn đưa cả những môn không còn phù hợp với thời đại khoa học kỹ thuật công nghệ số nữa. Chúng tôi lấy ví dụ, một trường đại học giữa thủ đô Hà Nội đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên môn “các hiệp hội câu lạc bộ” và “địa chí Hà Nội”, “nghệ thuật đánh bóng bàn”… đại khái còn rất nhiều thứ mà sinh viên phải học mà không mang lại ý nghĩa giá trị thiết thực. Những nguồn tri thức kiểu này, giờ đây các em sinh viên có thể tự truy cập vào mạng để tìm đọc khi có nhu cầu tìm hiểu. Ở đây chúng tôi không có ý phê phán mà chỉ muốn đưa ra một ví dụ làm thao tác nghiên cứu so sánh việc học tập nghiên cứu ở bậc đại học đã thật sự khắc phục được tình trạng tùy tiện áp đặt của cơ sở đào tạo hay chưa? Bao giờ thì tâm lí tùy tiện, bảo thủ/ ngang, thiếu lí tính trong giáo dục đào tạo được khắc phục, hạn chế và loại bỏ?

Phương hướng khắc phục và hạn chế phức cảm cua trong xã hội hiện đại ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi quan niệm. Chúng ta cần phải xây dựng được một triết lý giáo dục để hoàn thiện về nhân cách đạo đức công dân. Nội dung chiến lược giáo dục phải dựa trên một phương pháp tư duy sáng tạo năng động gắn bó mật thiết với đời sống thực tiễn của cá nhân/ cộng đồng. Xây dựng những mô hình lí tưởng về giá trị đạo đức hướng thiện, phục thiện, đánh thức lương tri cá nhân, kêu gọi, thúc giục con người, suy nghĩ hành động vì những giá trị nhân văn cao đẹp. Xây dựng đào tạo được đội ngũ chuyên gia về tâm lí học tộc người ưu tú để huấn luyện kỹ năng sống, và kĩ năng giao tiếp xã hội khác cho cá nhân/ cộng đồng. Huy động toàn bộ nguồn lực xã hội để cải tạo, phát triển một môi trường xã hội, xã hội tri thức có chiều sâu, trên cơ sở tất cả các thành viên của xã hội đều được học tập nghiên cứu không hạn chế, được tự do về học thuật, tránh độc quyền về tư liệu học thuật, tôn trọng tính sáng tạo của cá nhân. Tăng cường thiết lập xã hội hóa nguồn cung cấp tri thức của thế giới vào Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chiến lược giáo dục đạo đức nhân cách con người Việt Nam phải được tiến hành thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính tri, hệ thống xã hội không gián đoạn. Và đặt thành các mục tiêu cụ thể để thực hiện theo từng giai đoạn phát triển chung của đất nước. Trong khi chú trọng xây dựng cải tạo về mặt xã hội của cá nhân, chúng ta cần chú ý cả về mặt tự nhiên của cá nhân, trước hết là môi trường sống tự nhiên, tiếp theo là không ngừng bồi dưỡng nâng cao thể chất cho con người Việt Nam. Vì một cơ thể phát triển lành mạnh bình thường, sẽ dẫn đến sự vận hành lành mạnh của hệ sinh lí thần kinh cao cấp lành mạnh thông sáng. Nguyên tắc bên trong để tác động đến cá nhân/ cộng đồng là đề cao giá trị đạo đức, giá trị con người trong xã hội tri thức. Nguyên tắc bên ngoài để tác động đến cá nhân/ cộng đồng là việc đề cao giá trị nhận thức và làm chủ luật pháp của cá nhân/ cộng đồng.

Qua báo cáo phức cảm cua chúng tôi hi vọng sẽ được các nhà nghiên cứu tâm lý học tộc người tiếp tục triển khai nghiên cứu trên hai phương diện nghiên cứu lí thuyết cơ bản và nghiên cứu lý thuyêt ứng dụng. Nhằm mở rộng vùng/ ngôn ngữ khái niệm, thuật ngữ khoa học tiếng Việt ngày càng xứng đáng hơn trong việc tiếp cận chiếm lĩnh các lĩnh vực tri thức của khoa học tâm lí học nói riêng và của khoa học xã hội nhân văn nói chung. Và chúng tôi hy vọng đây là bước đầu chúng tôi vận dụng hệ thống khái niệm thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt để từng bước kiện toàn hệ thống khái niệm khoa học trong nghiên cứu một ngành, một lĩnh vực tri thức độc lập - tâm lý học tộc người. Chúng tôi cũng đề xuất Hội thảo khoa học tâm lí hãy xem phức cảm cua như một hiện tượng tâm lí khách quan để chúng ta ngày càng có nhiều dịp nghiên cứu trao đổi học thuật cởi mở, nghiêm túc hơn.

 

Tài liệu tham khảo: (1) Barker, Chris. (2011). Nghiên cứu văn hóa lý thuyết và thực hành. Đặng Tuyết Anh dịch. Hà Nội: Văn hóa Thông tin; (2) Belik, A. A. (2000). Văn hóa học. Những lý thuyết nhân học văn hóa. Hoàng Vinh, Đỗ Lai Thúy, Huyền Giang dịch. Hà Nội: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; (3) Bouthoul, Gaston (2011). Các cấu trúc xã hội học. Hà Nội: Văn hóa Thông tin; (4) Castro, Dana (2016). Tâm lý học lâm sàng. Hà Nội: Trí thức; (5) de Chardin, Pierre Teilhard (2014). Hiện tượng con người. Đặng Xuân Thảo dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. Hà Nội: Tri thức; (6) Freud, Sigmund (2008). Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi. Hà Nội: Trí thức; (7) Honigmann, John J. (1954). Culture and Personality. New York: Harper and Brothers; (8) Jung, Carl Gustav (2007). Thăm dò tiềm thức. Vũ Đình Phòng dịch. Hà Nội: Trí thức; (9) Le Bon, Gustave (2015). Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc. Hà Nội: Thế giới; (10) Le Bon, Gustave (2015). Tâm lý học đám đông. Hà Nội: Thế giới; (11) Lêonchiep, N. (1989). Hoạt động ý thức nhân cách. Phạm Minh Hạc, Phạm Hoàng Gia, Phạm Huy Châu. Hà Nội: Văn học; (12) Rađughin, A. (2002). “Từ điển bách khoa văn hóa học”. Vũ Đình Phòng dịch. Hà Nội: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; (13) Rađughin, A. (2004). Văn hóa học và những bài giảng. Hà Nội: Văn hóa Thông tin; (14) Rôđin, V. M. (2000). Văn hóa học. Nguyễn Hồng Minh dịch. Hà Nội: Chính trị Quốc gia; (15) Smith, Barry D. và Harold J. Vetter (2005). Các học thuyết về nhân cách. Nguyễn Kim Đân dịch. Hà Nội: Văn hóa Thông Tin; (16) Đỗ Lai Thúy (2005). Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa. Hà Nội: Văn hóa Thông tin; (17) Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2007). Phân tâm học và tính cách dân tộc. Hà Nội: Trí thức; (18) Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên) (2010). Đại Việt sử ký toàn thư (Bản in nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 - 1697). Hà Nội: Khoa học Xã hội; (19) Zimmer, Heinrich (2006). Triết học Ấn Độ - Một cách tiếp cận mới. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.

N.V.S

(Nguồn: TC VNNB 178-3/2023)

 

Bài viết khác