Chủ nhật, 19/05/2024

Không gian văn hóa làng Đàm Xá

Thứ hai, 20/12/2021

Th.S NGUYỄN CAO TẤN

Đàm Xá – quê hương của Thiền sư Nguyễn Minh Không - một trong những không gian văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc thù của đất Ninh Bình. Đây là điểm hội tụ đặc biệt của tự nhiên cũng như những nhân vật lịch sử, mà vận mệnh của họ gắn liền với biến cố, khúc ngoặt của thời cuộc. Vì vậy, bài viết tập trung làm rõ diện mạo, cảnh quan tự nhiên của Ninh Bình nói chung và Điềm Xá nói riêng, những đặc điểm về không gian đó thường gắn liền với các địa danh, di tích và sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam. Từ những dữ kiện về tự nhiên, lịch sử, con người… đó, mà rút ra những đặc trưng/đặc điểm của không gian văn hóa Đàm Xá, quê hương của thiền sư/quốc sư triều Lý.

1. Cách đây 37 năm, tại Hội nghị khoa học về Thế kỷ X được tổ chức vào mùa thu năm 1982, trong bài tham luận của mình, cố giáo sư Trần Quốc Vượng có viết: “Ở đây chúng ta hội tụ vào mùa thu, mùa thu của cách mạng hiện đại nhưng cũng là mùa thu của Hoa Lau và Hội lễ cổ truyền, từ thời bắt đầu dựng nước, không gian Hoa Lư ẩn hiện trong sương khói mùa thu, ẩn hiện trong khói hương lễ hội và cũng trở nên huyễn hoặc hơn trong khói sương huyền thoại Hoàng Long bên cầu Đàm Gia Loan, huyền tích cờ lau dẹp giặc bên đền sơn thần, rái cá và ngựa đá dưới vực sâu Đàm Xá(1). Và hôm nay, các học giả lại tụ hội về đây trong không khí mùa thu, hội thảo về thân thế sự nghiệp Thiền sư Nguyễn Minh Không, một nhân vật sống theo nghĩa sinh học “vắt ngang” qua hai thế kỷ XI và XII (1066-1141), nhưng về mặt văn hóa và tín ngưỡng, thần tích, huyền thoại thì còn mãi tồn tại với thời gian. Trong bài tham luận này, tôi là “con dân” sống bên hữu dòng sông Hoàng Long, Trường Yên, Hoa Lư lại muốn tiếp tục giải mã không gian văn hóa vùng Đàm Gia Loan, Đàm Xá, Điềm Giang xưa, từ lâu vùng đất này đã được biết đến với câu “Đại Hữu sinh vương, Điềm Giang sinh thánh”.(2)

Gác chuông ở đền thờ Đức Thánh Nguyễn, làng Đàm Xá

2. Vùng đất Ninh Bình là phần kéo dài và phân tán về phía đông của dãy núi đá vôi đồ sộ phía tây bắc của Tổ quốc, hay trong không gian rộng hơn nó là phần chân của dãy Himalaya vươn ra biển Thái Bình Dương do vậy Ninh Bình còn hiện diện nhiều dãy núi chạy theo hướng tây bắc - đông nam như các dãy núi đá vôi trải dài trên các huyện Nho Quan; Hoa Lư; Gia Viễn; Yên Mô và thành phố Tam Điệp(3). Thời điểm hình thành những dãy đá vôi kể trên dao động trong khoảng từ 250 triệu đến 300 triệu năm cách ngày nay đã chịu nhiều sự nâng lên hạ xuống, uốn nếp và sự xâm thực, bào mòn của nước đặc biệt hơn bị nước biển xâm thực nhiều lần (trải qua bao cuộc bể dâu) rồi được bồi lắng bởi phù sa biển, phù sa sông đã tạo cho Ninh Bình có một địa hình đa dạng, phong phú trong cái không gian chung của vùng rìa phía tây nam tam giác châu thổ Bắc Bộ(4).

Ở thế kỷ X, vùng đất Hoa Lư là vùng đất có tính chất thung lũng, có những thung lũng kín và thung lũng mở, có những đầm nước, những cồn đất cát ven sông, trước núi do được bồi đắp không đồng đều trong quá trình hình thành châu thổ sông Hồng, sau đợt biển tiến ở giai đoạn 2.500 đến 1.500 năm cách ngày nay. Chính cái không gian này nhà Đinh đã khéo quy hoạch, đắp những tuyến tường thành khép nối những dãy núi, núi lẻ để có một kinh thành mang dáng dấp một thung lũng lớn được bao bọc bởi núi và tường thành nhân tạo, đậm nét yếu tố quân thành bên bờ hữu sông Hoàng Long(5). Kinh thành này cũng mang đậm một yếu tố đô thị ven biển (một tầm giáo là phóng tới biển Đông), khi đó sóng biển còn vỗ về dưới chân núi Non Nước mà cho tới thời Lý còn có cửa biển Đại Ác - Đại An cận kề với núi này, hay thời điểm trước đó còn có một cửa biển “Gián Khẩu” liền kề. Như vậy, Kinh thành Hoa Lư bên hữu của con sông Hoàng Long lúc đó có vị trí như điểm giao thủy giữa nước ngọt của sông và nước mặn của biển. Con người đã sớm biết lợi thế của điểm giao thủy để tụ cư khai thác một nguồn thủy sản phong phú (có cả hải sản nước mặn lẫn thủy sản nước ngọt) vừa là điểm ngược lên thượng nguồn hay xuôi ra biển cả đều rất dễ dàng thuận tiện. Và ở phía bên bờ tả của con sông Hoàng Long là vùng đất Đàm Gia Loan trong Đại Việt sử ký toàn thư chép lại là vùng đất nhà Đinh định đóng đô sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân thống nhất giang sơn. “Vua một phen cất quân là dẹp yên, bèn tự lập làm đế. Chọn được chỗ đất đẹp ở Đàm thôn, vua muốn dựng đô ở đó, nhưng vì thế đất chật hẹp lại không có lợi về việc đặt hiểm, nên vẫn đóng đô ở Hoa Lư”(6). Qua tư liệu kể trên khi về nghiên cứu Kinh thành Hoa Lư các học giả thường muốn tìm về Đàm thôn. Lần lại các địa danh cổ qua tư liệu truyền thuyết dân gian, thư tịch cổ thì mọi thông tin đều dẫn dắt các học giả hướng về khu vực đền thờ Đức thánh Nguyễn phía bên kia sông (bên tả dòng Hoàng Long). Hiện nay tại ngôi đền còn bia đá ghi lại địa danh “Đàm Gia Loan”(7) và trong số 20 đạo sắc phong cho Thiền sư Nguyễn Minh Không (có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn) còn lưu giữ tại đền đều có ghi đến địa danh Đàm XáĐiềm Giang (xã).

Xét về mặt không gian địa lý, vùng đất này nằm kẹp giữa hai dãy núi đá vôi Hoa Lư và Vân Long, xưa là vịnh biển (đều có hướng đổ dồn theo hướng tây bắc - đông nam), có bề rộng trên dưới 10km, trong lòng có dòng sông Hoàng Long được cấp nước từ vùng núi rừng quốc gia Cúc Phương qua sông Lạng và dòng sông Bôi đổ về từ Hòa Bình, từ vùng núi Hoa Lư thông qua dòng Sào Khê. Vùng núi ven sông nơi đây cũng đã xuất lộ nhiều di tích khảo cổ học thời Tiền sử thuộc nền văn hóa khảo cổ Hòa Bình và Đa Bút (làm nên một giá trị nổi bật toàn cầu về tiêu chí văn hóa cho thấy con người thời tiền sử thích ứng với môi trường, di cư theo mùa và cho thấy cách di cư của họ khắp toàn cầu), trên bậc thềm phù sa cổ và những bãi đất ven sông có dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn (bên núi Sưa; đồi Đống xã Sơn Lai; núi Soi, xã Gia Hòa) hay những công trình kiến trúc thời Bắc thuộc như hệ thống mộ xây cuốn vòm phát hiện trên địa bàn xã Quỳnh Lưu; xã Gia Thủy; xã Gia Tường; xã Gia Lâm, huyện Nho Quan; xã Liên Sơn huyện Gia Viễn và hàng loạt những di tích liên quan tới không gian cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đầu Công nguyên; cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương ở thế kỷ thứ VIII. Nhìn qua ảnh vệ tinh, chúng ta còn thấy rõ dòng chảy của dòng Hoàng Long xưa mềm mại nằm về phía bên tả của dòng Hoàng Long hiện tại đang bị kìm kẹp bởi hai bờ đê kiên cố(8). Bờ đê này được đắp kiên cố vào những năm đầu thập kỷ 60 ở thế kỷ trước, trong quá trình đào đất đắp đê đoạn từ núi Nghẽn tới chùa Bà Ngô đã phát hiện ra các cột kinh Phật do Đinh Liễn cho tạc dựng.

Theo dòng Hoàng Long xưa, bắt đầu từ ngã ba sông Kênh Gà nơi hợp lưu của dòng sông Bôi, sông Lạng xuôi về phía biển qua làng Lạc Khoái (gắn với truyền thuyết vua Đinh Tiên Hoàng cùng Thái Hậu Dương Vân Nga vào đêm trăng thanh gió mát rời thành Hoa Lư, ngược dòng Hoàng Long đến đây thấy nước sông trong cùng rủ nhau xuống tắm, thấy cảnh đẹp sinh tình nên gọi nơi đây là Lạc Khoái). Kế đó có núi Dương (có nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết pháp danh Dương Không Lộ xuất phát từ đây)(9); có núi Đính, có thung Thuốc, làng Sinh Dược; đồi Ba Rau, tương truyền Nguyễn Minh Không đã từng trồng hái thuốc và kê vạc đồng sắc thuốc chữa bệnh. Xuôi dòng một chút nhìn phía bên tả có làng Đại Hữu, quê hương vua Đinh, gắn liền các địa danh như gò Bồ Đề (tương truyền là nền nhà cũ của vua Đinh); núi Kỳ Lân (nơi Đinh Công Trứ đã táng hài cốt của cha mình, trở thành lăng phát tích của dòng họ Đinh); động Đại Hữu là nơi bà Đàm Thị sinh ra Đinh Bộ Lĩnh; đường Tiết Yết, cầu Đàm (gắn liền với tích truyện Bộ Lĩnh bị người chú cầm gươm đuổi chém…); Đào Áo là khu đất rộng để Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ lau tập trận thuở ấu thơ… kế đó là làng Vĩnh Ninh quê hương của Định Quốc công Nguyễn Bặc, cùng trong không gian sinh cảnh địa lý này có làng Đàm XáĐiềm Giang hay gọi một cách dân gian là làng Điềm .

Cho đến nay, do chưa có điều kiện để làm một cuộc khai quật khảo cổ học tại làng xem những lát cắt các tầng văn hóa của Đàm Xá, xem những người đến tụ cư ban đầu ở thời điểm nào? Nhưng những thông tin hiện tại kể trên, cũng tạm cho chúng ta khẳng định, làng Đàm Xá hình thành trước thế kỷ X, là một điểm giao thủy bên sông Hoàng Long, cùng trong không gian căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh và sau này là không gian mở của Kinh đô Hoa Lư. Có khá nhiều dấu ấn của việc cư dân/ con người tiến từ rừng núi xuống khai phá vùng đất trước núi, ven sông trong quá trình hình thành tam giác châu thổ Bắc bộ. Phải chăng hình hài ban đầu của làng chỉ là một cồn đất cát ven sông, nằm bên con đường sông chuyên chở văn hóa, tôn giáo (trong không gian này chúng ta đã thấy hiện tượng thờ thần Độc Cước ở chùa Cầu Đài, Gia Lập, Gia Viễn; hiện tượng thờ thạch quang Phật ở chùa Mơ, Nho Quan cho thấy dấu ấn Phật giáo sớm xuất hiện ở vùng đất này) và những sản vật “măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên” giữa vùng rừng núi với vùng đồng bằng mới hình thành, với vùng biển cả để đi xa hơn nữa thông qua cửa khẩu biển. Cũng có lý khi giải thích địa danh Gián Khẩu, gần đó ngày nay vốn trước đó có tên là Hán Khẩu, thời thuộc Hán. Và đương nhiên, ở thế kỷ X, làng Đàm Xá cùng nằm chung trong không gian giao thoa giữa nước mặn với nước ngọt; giữa vùng núi với vùng đồng bằng/ châu thổ; vùng giao thoa văn hóa giữa sông Hồng và sông Mã, không gian giao thoa giữa xã hội Việt và Mường trong một giai đoạn “đánh dấu sự quá độ từ Mường sang Việt”(10). Để đến đời Lý khi nơi đây là phủ Trường Yên là đất thang bộc của Tô Hiến Thành, sang thời Trần là vùng đất phong ấp của mẹ con Trần Quốc Tảng… Nơi có giao thương buôn bán phát triển (còn tồn tại những ngôi đình lớn Trùng Hạ; Trùng Thượng; Vân Thị…) ghi dấu ấn của một vùng có giao thương kinh tế phát triển. Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc triều (Thế kỷ XVI), chính tại vùng Đàm Xá còn là căn cứ thủy quân của Mỹ quận công Bùi Văn Khuê, phu quân của Liệt nữ trời Nam Nguyễn Thị Niên nay còn hiện diện ngôi đền Vực Vông linh thiêng ở Chi Phong Hạ(11), nhà thờ Bùi Văn Khuê ở Chi Phong Thượng.

3. Về làng Đàm Xá hôm nay còn được các cụ chỉ cho Gồ Rau (gò đất phía sau đền, cách đền khoảng 300m) tương truyền là nơi chôn rau của Thánh Nguyễn; còn được xem bia đá dựng ngay bên bến sông - chợ Điềm (mọi người đều tâm niệm chợ này do Thánh Nguyễn mở để giúp dạy dân mua bán cá) trên bia có ghi việc cắt đất lấy hoa lộc để phụng thờ Thánh Tổ. Mọi người ở đây kiêng ngặt việc đặt tên con cháu là Thành (tên này trùng với tên Thánh Nguyễn thuở thiếu thời Nguyễn Chí Thành). Với quy mô bề thế, hệ thống những công trình kiến trúc gỗ mang đặc trưng phong cách thế kỷ XVII, trong đó còn lưu giữ nhiều tư liệu hiện vật quý(12). Và đặc biệt còn lưu truyền nghi lễ rước nước trong lễ hội (rước nước từ bến sông Hoàng Long, tại điểm “Đá Bia” bia đá chợ Điềm) về đền để thờ, thờ nước, thờ cái thứ giúp cho mọi vật sinh sôi nảy nở, cua cá đầy sông, mùa màng tươi tốt và đặc biệt là thứ giúp cho họ di chuyển trên nó, xuôi ngược trên sông một cách thuận buồm xuôi gió(13).

Đàm Xá, một làng quê hình thành trên một nền cảnh có chiều sâu lịch sử văn hóa, mang đậm yếu tố sông nước, đã từng là điểm giao thủy (ở thời điểm trước sau thế kỷ X) trên sông Hoàng Long có tính “động” cao di cư và dịch chuyển theo điểm giao thủy, là vùng mở, vùng giao thương ven biển của Kinh thành Hoa Lư xưa, có tính giao lưu mạnh. Giao lưu với vùng rừng núi phía tây bắc thông qua sông Hoàng Long, ngược sông Bôi, sông Lạng. Giao lưu với những miền quê trù phú xứ Đoài, cạnh phía tây nam tam giác châu thổ Bắc bộ thông qua sông Đáy để tới những danh lam (chùa Hương, chùa Thầy). Từ Đàm Xá ra trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc bộ đến các vùng Keo; Giao trên sông Hồng. Tính văn hóa của làng Đàm Xá có tính giao lưu mạnh, có tính chất văn hóa của nơi đã từng là vùng Keo; Giao chứ không khép kín như những làng trong thung lũng hay trên bậc thềm phù sa cổ trước núi xa sông.

4. Điềm Xá nằm trong tiểu không gian văn hóa lưu vực Đại Hoàng Giang mang hầu hết trong đó những đặc trưng chung của không gian văn hóa Ninh Bình. Hay diễn giải theo cách khác, Điềm Xá mang trong mình những giá trị văn hóa cơ bản của Ninh Bình. Những giá trị đó được thể hiện trên nhiều yếu tố: cảnh quan tự nhiên, tính cách/ cá tính con người, … Trong đó, những tính cách chất phác nhưng can trường của miền núi; khôn ngoan, tinh tế, ôn hòa của dân châu thổ; tính mạnh mẽ, phóng khoáng, liều lĩnh của dân miền biển và đặc biệt có tính năng động dịch chuyển để thích ứng một cách tinh tế với môi trường tự nhiên và xã hội (dịch chuyển theo những điểm keo giao). Cụ thể hơn nữa, tiểu không gian văn hóa lưu vực Đại Hoàng Giang – Điềm Xá mang nặng đặc trưng cá tính khôn ngoan, tinh tế, ôn hòa của dân châu thổ, pha lẫn ít nhiều với cá tính chất phác, can trường của dân miền núi và đặc biệt có tính năng động dịch chuyển để thích ứng một cách tinh tế với môi trường tự nhiên và xã hội (dịch chuyển theo những điểm keo, giao).

Và, trong khuôn khổ của bài viết này tôi có đề xuất trong việc khôi phục, bảo tồn di sản, bản sắc văn hóa dân tộc cần có quy hoạch chung cho vùng văn hóa lưu vực Đại Hoàng Giang, có sinh cảnh nên thơ, trên bề dầy lịch sử dân tộc và nhân loại (lưu vực sông Hoàng Long) đặc biệt cần chú ý khơi thông giữa dòng Hoàng Long xưa và nay; làm cơ sở phát triển quy hoạch du lịch, lấy đây là một trong những trung tâm tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc./

 

Chú thích: (1) Xem trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Thế kỷ X, được tổ chức tại Ninh Bình vào năm 1982; (2) Đây là câu nói của người dân địa phương, khi nói về vùng đất bên tả ngạn của sông Hoàng Long, về hai địa danh Đại Hữu và Điềm Xá. Và, đây cũng là một hiện tượng văn hóa dân gian rất phổ biến ở Việt Nam nói chung và châu thổ sông Hồng nói riêng, nên Ninh Bình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ; (3) Lê Bá Thảo (2001), Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới, Hà Nội; (4) Xem thêm trong Trương Đình Tưởng (2004), Địa chí dân gian Ninh Bình, Nxb Thế giới, Hà Nội; (5) Sông Hoàng Long, vốn bắt nguồn từ hai con sông Kiến Phong và Lãng Phong – theo ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí (1997), Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 3, tr.259-260: “…ở cách huyện Yên Hóa 1 dặm về phía đông nam… chảy qua địa phận làng Bầu bến đò ngang Kiến Phong, lại chảy 2 dặm đến ngã ba Viên Đăng thuộc huyện Gia Viễn, rồi hợp với sông Lãng Phong, lại chuyển sang phía đông bắc 6 dặm làm sông Đại Hữu (xưa là Đại Hoàng) lại chảy 10 dặm tắt qua động Hoa Lư làm sông Hoàng Long…”; (6) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, Hà Nội, tập 1, tr.211; (7) Trong Đại Việt sử ký toàn thư (1993), Sđd, tr.210 - 211, có chép: “Bấy giờ, Vua [Đinh Bộ Lĩnh] còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, Vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ Vua, nên sợ mà lui”; (8) Theo nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng, thì: “…nguyên xưa kia dòng sông Hoàng Long cổ chảy từ ngã ba Kênh Gà đến Phú Mỹ (Gia Trung) thì chảy vòng lên phía tây bắc đến chân núi Kỳ Lân (Gia Phương) lại vòng về phía đông đến Gia Tiến gọi là sông Đại Hoàng. Nhưng vào những năm 60 của thế kỷ XX, Nhà nước cho đào sông và đắp đê nắn thẳng sông Hoàng Long từ cống Phú Mỹ (Gia Trung) đến trạm bơm Gia Tiến, khúc sông Hoàng Long vòng vào Gia Phương thành sông nội đồng, xã Gia Trung nằm vào bên trong đê Hoàng Long là nhờ công trình nắm đê này…” [Trong Trương Đình Tưởng (2004), Địa chí dân gian Ninh Bình, Sđd, tr.169; (9) Xem thêm Trương Đình Tưởng (2004), Địa chí dân gian Ninh Bình, Sđd, tr.186; (10) Chi tiết này đã được các nhà nghiên cứu về dân tộc học, lịch sử học tộc người… đã chứng minh quá trình di cư/ thiên di từ vùng rừng núi, men theo lưu vực các con sông, dần chiếm lĩnh, làm chủ các vùng châu thổ mà đi men tới biển. Riêng đối với vùng miền núi Ninh Bình gắn chặt với không gian tự nhiên của miền núi/ vòng cung Tây Bắc, nơi cư trú trù mật của tộc người Mường, Thái, H’mông… Chính vị thủ lĩnh họ Đinh (Bộ Lĩnh) gốc Mường, rồi dựng nghiệp ở vùng châu thổ mà xưng đế, dần dà được Việt hóa/ trở thành người Việt lúc nào không hay. Quan điểm này được các nhà nghiên cứu như: Trần Quốc Vượng trong “Kỷ yếu Hội thảo khoa học Việt Nam thế kỷ X”; Trương Đình Tưởng trong “Địa chí Văn hóa dân gian Ninh Bình”; Đinh Đức Tiến trong “Tản mạn về quê hương Ninh Bình và dòng họ Đinh” (Kỷ yếu Hội thảo khoa Dòng họ Đinh với diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Ninh Bình năm 2017; (11) Đại Nam nhất thống chí (1997), Sđd, tập 3, tr.274 có chép: “đền thần Quảng Uyên, ở xã Chi Phong huyện Yên Khánh. Thần là tiết phụ Nguyễn Thị Niên”; tr.282 chép: “Nguyễn Thị Niên là con gái thứ ba của Nguyễn Quyện và là vợ của Nghĩa quận công Bùi Văn Khuê. Khuê bị Phan Ngạn giết, thị niên đem thi thể chồng về chôn, khóc bảo quân sĩ của chồng rằng: người nào cố sức báo ơn giết được Phan Ngạn, sẽ có trọng thưởng. Bèn đánh nhau với Phan Ngạn, giết được Ngạn ở Hoàng Giang. Xét… Thị Niên để tang chồng. Khi xong tang, tự gieo mình xuống sông xã Chi Phong (Làng của Bùi Văn Khuê), dân xã lập đền thờ”; (12) Xem thêm Trương Đình Tưởng (2004), Địa chí dân gian Ninh Bình, Sđd, tr.173-175; (13) Nghi lễ rước nước và thờ cúng cầu mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, sinh vật nảy nở sinh sôi… là khát vọng chung của các nền văn hóa trên thế giới, trong đó Việt Nam không là trường hợp ngoại lệ. Đây chính là xạ ảnh hoặc nó là bản thân của loại hình tín ngưỡng phồn thực. Sau này, khi Việt Nam tiếp nhận các hệ tư tưởng khác nhau, đặc biệt là Nho giáo, thì tín ngưỡng phồn thực này đã buộc bị thay đổi hoặc “tan rã”, nhưng nó không biến mất hoàn toàn, mà trở thành những mảnh vỡ, “ẩn chìm” trong các nghi thức, nghi lễ, trò chơi, diễn xướng trong đời sống tâm linh của cộng đồng.

N.C.T

(Nguồn: TC VNNB 257-11/2021)

Bài viết khác