Chủ nhật, 19/05/2024

Tưng bừng Ngày Thơ lần thứ XXI tại Ninh Bình

Thứ năm, 23/02/2023

NINH ĐỨC HẬU

            Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, xuân Quý Mão 2023 Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức trở lại trên khắp cả nước. Chủ đề của Ngày thơ năm nay “Nhịp điệu mới”, thể hiện niềm tin mới cùng sự phục hồi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

             Tại tỉnh ta, nhiều chi hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) kết hợp với các Câu lạc bộ Thơ tổ chức Ngày thơ xuân Quý Mão năm 2023 với không khí trang trọng, vui tươi, phấn khởi.

            Chiều ngày 2/2/2023 (tức ngày 12 tháng Giêng âm lịch), Chi hội VHNT huyện Yên Mô, cùng Câu lạc bộ Thơ Việt Nam huyện Yên Mô, tổ chức Ngày thơ: “Trang thơ hội làng” tại đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy; Ban Tuyên giáo huyện ủy; UBND huyện; Phòng Văn hóa Thể thao huyện; các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm của huyện; đông đảo các tác giả thơ của các xã, thị trấn thuộc Câu lạc bộ (CLB) Thơ Việt Nam huyện; các hội viên Chi hội VHNT huyện; cùng đông đảo bà con xã Yên Từ và các xã lân cận tham dự.

Tiết mục văn nghệ tại Ngày thơ Nguyên tiêu huyện Yên Mô Xuân Quý Mão 2023                     Ảnh của MINH TUYỀN

            Nhà thơ An Quế, Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Yên Mô đã đọc diễn văn khai mạc Ngày hội Thơ: “Ngày thơ năm nay được tổ chức tại chính ngôi đền nhiều năm tuổi, tại làng Nộn Khê giàu truyền thống văn hóa đã hơn 550 năm thành lập, là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Báo bản nổi tiếng của quê hương. Chương trình sẽ là một món quà ý nghĩa thể hiện tình cảm sâu sắc của những người con Nộn Khê, Yên Từ dành cho quê hương…”. Đã có hàng trăm tác phẩm thơ của nhiều tác giả trong huyện gửi về tham dự. Ban Tổ chức đã chọn 14 tác phẩm với đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước con người, đặc biệt có những bài thơ viết về quê hương Yên Mô nói chung và làng Nộn Khê nói riêng được giới thiệu trong “Trang thơ hội làng”. Tham gia Ngày thơ còn có các Câu lạc bộ hát chèo của xã Yên Nhân, nghệ nhân hát xẩm Phương Thảo, nghệ nhân hát văn Thúy Lừng, giọng ngâm thơ của các thày cô giáo trường THPT Yên Mô A, đội văn nghệ của học sinh trường THCS Yên Từ…

Giao lưu với “Trang thơ hội làng”, Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh bày tỏ niềm vui được về dự ngày hội thơ, đánh giá cao công tác, quy mô tổ chức ngày hội, hy vọng phong trào thơ của làng Nộn Khê và huyện Yên Mô ngày một phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng thơ.

            Các bài thơ “Về làng Nuốn đi em” của tác giả Đinh Văn Hậu; “Hội làng” tác giả Phạm Ngọc Cương; “Báo bản con không về” tác giả Bùi Ngọc Phúc; “Em hãy về thăm quê anh” tác giả Nguyễn Xuân Hoàng; “Hẹn về Báo bản” tác giả Minh Thu; “Đợi gặp em về” tác giả Trần Minh Tâm; “Mời anh đến với quê em” tác giả Thanh Liễu; “Trường ca Nộn Khê” tác giả Nguyễn Gia Định; “Vọng tiếng thoi đưa” tác giả Trần Thị Nhiệm; “Chào quý khách về hội thơ xuân Báo bản” tác giả Phạm Văn Vinh… qua giọng đọc của tác giả hoặc diễn ngâm của các diễn viên tạo nên không khí thơ vừa sôi nổi vừa lắng đọng để lại trong lòng người nghe những ấn tượng không thể phai mờ về huyện Yên Mô, về làng Nộn Khê, về những miền quê văn hóa, trù phú, về những con người cần cù, lịch lãm và về miền đất phát tích văn chương.

            Chiều ngày 3/2/2023 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão) tại thành phố Tam Điệp, đã có Giao lưu Ngày thơ Việt Nam thành phố Tam Điệp lần thứ XXI và giới thiệu tập thơ “Đất và người Tam Điệp - tập 3”. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố, lãnh đạo phòng Văn hóa và Thông tin; Về phía Hội VHNT có: NSNA Phạm Tuấn Phương, Phó chủ tịch Hội VHNT, đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó chánh văn phòng Hội VHNT; các hội viên chi hội VHNT thành phố, các CLB thơ trong thành phố, người yêu thơ và một số tác giả có tác phẩm in trong tập “Đất và người Tam Điệp - tập 3”.

            Sau diễn văn khai mạc Ngày thơ Việt Nam thành phố Tam Điệp lần thứ XXI và giới thiệu tập thơ “Đất và người Tam Điệp - tập 3” của đồng chí Vũ Đình Chiến, Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố là phần trình bày các tác phẩm thơ của các tác giả thơ Tam Điệp. Mở đầu chương trình, tác giả Mai Thị Thảo, chi hội VHNT thành phố ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chất giọng tuy mộc mạc nhưng rất tinh tế da diết và ngọt ngào, bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác qua giọng ngâm của Mai Thị Thảo đã làm khán phòng bồi hồi xúc động. Trong cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc viết về thành phố Tam Điệp đã có những tác phẩm xuất sắc giành được giải của thành phố. Trong Ngày thơ, khán giả đã được nghe và cảm nhận nội dung, nghệ thuật, giọng ngâm và bài bình 2 tác phẩm thơ và âm nhạc giành giải cao của cuộc thi. 12 tác phẩm thơ và âm nhạc đã được các nghệ sĩ, tác giả trình bày trong Ngày thơ, phần nào đã nói lên hoạt động sôi nổi của phong trào sáng tác thơ của thành phố trẻ. Những bài thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước con người làm cho khán giả thêm niềm tin và tự hào. Những bài thơ viết về Đất và Người Tam Điệp đã cho người nghe cảm nhận về một miền đất đang ngày một đổi mới.

Các bài thơ “Mừng Đảng mừng xuân” tác giả Nguyễn Diễn; “Đồng Giao nhớ Bác” tác giả Nguyễn Văn Viết; “Thương hiệu đào phai” tác giả Vũ Văn Thanh; “Nhớ về Tam Điệp” tác giả Bùi Thị Bình; “Cảm nhận” tác giả Nguyễn Tiến Dũng, là 5 tác phẩm được rút ra từ tập thơ “Đất và người Tam Điệp, tập 3”, một ấn phẩm dày dặn, trình bày trang nhã, tập hợp những bài thơ của nhiều tác giả sinh hoạt trong các CLB thơ Việt Nam trên địa bàn thành phố. Tập thơ “Đất và người Tam Điệp - tập 3” là ấn phẩm chào mừng thành phố Tam Điệp 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển của những người yêu thơ đang sinh sống, học tập, công tác trên thành phố. Bài thơ “Làng của chúng tôi” tác giả Trần Duy Đới; “Cảm nghĩ về nghề giáo” tác giả Vũ Thị Oanh; “Khúc tình ca Tam Điệp” tác giả Mai Thanh Bình; “Quê mẹ tháng Ba” tác giả Vũ Thanh Hải; “Con đường mùa xuân” tác giả Cầm Thị Đào, được trình bày trong Ngày thơ đã tăng thêm hương sắc cho miền thơ Tam Điệp. Những bài thơ, câu thơ nồng ấm, diết da, ngôn từ trong sáng lấp lánh vẻ đẹp của núi của đồi, của những mái phố lô nhô bên những đồi dứa trải dài ngút ngát làm cho người nghe đôi lúc ngất ngây với vẻ đẹp của quê hương Tam Điệp yêu dấu. Trong Ngày thơ, cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên trường tiểu học Yên Sơn đã thể hiện bài hát “Tam Điệp thành phố nghĩa tình” của cố nhạc sĩ Mai Công Thắng, thơ Trần Thành Ngữ, tác phẩm giành giải A cuộc thi sáng tác về Tam Điệp. Tác giả trẻ đầy triển vọng cô giáo Hà Thị Ngọc Tân, giáo viên THCS Quang Trung đã sáng tác và trình bày ca khúc “Tam Điệp quê tôi”, tác phẩm cũng đã giành giải cuộc thi sáng tác về Tam Điệp. Giọng hát của Ngọc Tân mềm mại, uyển chuyển đã truyền tải được chất trữ tình, lãng mạn đầy trìu mến yêu thương của ca khúc.

Chiều ngày 3/2/2023 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão) tại Trường THPT Gia Viễn A, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã long trọng tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, xuân Quý Mão - 2023, chủ đề “Nhịp điệu mới”. Các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Gia Viễn, lãnh đạo các phòng GD - ĐT, đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh đã về dự. Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào), Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình; Nhà văn Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, đã tham gia Ngày thơ của Sở GD - ĐT.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI của Sở GD - ĐT tổ chức với quy mô trang trọng và hoành tráng. Không gian thơ được trưng bày trang hoàng tranh ảnh, phướn thơ, cờ hoa rực rỡ sắc màu. Các tiết mục ca hát, đố thơ, viết thư pháp, thi báo tường, thi ảnh… được thầy trò trường THPT Gia Viễn A chuẩn bị chu đáo có nội dung phong phú và chất lượng tốt. Ca khúc “Tình người Gia Viễn” và liên khúc “Mùa xuân gọi” - “Ngày tết quê em” với phần biểu diễn hát múa của gần 100 em học sinh đội văn nghệ Trường THPT Gia Viễn A, tiết mục khai mạc Ngày thơ tưng bừng, rộn ràng và tràn đầy không khí mùa xuân và thơ. Mở đầu chương trình thơ của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI,  cô giáo Bùi Thị Thanh Vân, Giáo viên THPT chuyên Lương Văn Tụy đọc thơ và ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại biểu dự  Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh

Ninh Bình tổ chức tại Trường THPT Gia Viễn A          Ảnh của MINH TUYỀN

            Ban tổ chức Ngày thơ của Sở GD - ĐT đã tuyển chọn được 15 bài thơ trong số hàng trăm bài thơ của các thầy cô giáo, các em học sinh trong toàn tỉnh để giới thiệu với công chúng yêu thơ. Nhiều đề tài đã được đề cập, trong đó đề tài Giáo dục được các tác giả quan tâm. Thông qua những cuộc thi sáng tác văn học của Sở, một đội ngũ sáng tác văn học trong nhà trường đã được hình thành. Hầu hết các trường THPT trong tỉnh đều đã thành lập CLB VHNT. Các tác giả ở các trường đều có học vấn cao, tư duy nghệ thuật tốt, điều đó được thể hiện trong tác phẩm. Đa phần các bài thơ đều có nội dung hay, hình tượng nghệ thuật khá, cách trình bày (đọc, ngâm) đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên tăng thêm sức hút, sự hấp dẫn của Ngày thơ. Một số tác phẩm thơ để lại dấu ấn cho khán giả như các bài: “Giấc xuân” tác giả Đặng Thị Phương Thảo; “Về quê” tác giả Nguyễn Quốc Hùng; “Quê mẹ tháng ba” tác giả Trần Thị Yến Nga; “Tháng Mười của mẹ” tác giả Phạm Thị Tuyết Mai Mai; “Mùa xuân về bên ngôi đền cổ” tác giả Mai Thị Hồng Quế; “Bản tình ca mùa đông” tác giả Trần Ngọc Thúy; “Cô không giận trò đâu” tác giả An Quế; “Anh có nhắn gì” tác giả Bùi Thị Nhài; “Em cõng mùa xuân lên núi” tác giả Bùi Thị Nhung… tứ thơ hay, ngôn ngữ hình ảnh trong thơ khá đẹp, hình tượng thơ cũng phần nào được các tác giả chú trọng, nên thơ có chất lượng tốt.

Trong phần giao lưu các tác giả thơ với ngành Giáo dục, các nhà thơ Bình Nguyên, cô giáo Bùi Thị Nhài, cô giáo Mai Hoa, nhà viết kịch Ninh Đức Hậu đã trả lời, tâm sự với các thầy cô giáo về sự đồng hành giữa văn học và nhà trường cũng như công tác tìm kiếm, phát hiện các tài năng viết văn thơ trẻ.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI năm 2023 của Sở GD - ĐT khép lại với màn múa hát “Em là cô giáo vùng cao”, “Ngày Tết Việt Nam” của các em CLB Nghệ thuật trường THPT Gia Viễn A.

Sáng ngày 4/4/2023 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), Chi hội VHNT huyện Nho Quan kết hợp CLB Thơ huyện Nho Quan đã long trọng tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, với tiêu đề “Tiếng thơ vọng mãi”. Các nhà văn, nhà thơ lãnh đạo Hội VHNT tỉnh; Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Ban tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cùng đông đảo người yêu thơ, tác giả thơ, các nghệ sĩ ngâm thơ, câu lạc bộ hát chèo trong huyện đã về dự. Mở đầu chương trình, nhà thơ Bùi Thị Nhài đã diễn ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng giọng ngâm ấm áp, truyền cảm và quyến rũ bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác đã làm khán phòng bồi hồi xúc động. Nhà giáo Vũ Thanh Tùng đã đọc bài viết bình bài thơ “Nguyên tiêu”. Bài bình được viết công phu, có sưu tầm nhiều tư liệu tạo nên sự phong phú của bài bình và làm nổi bật lên sự đặc sắc của bài thơ “Nguyên tiêu”.

Nhà thơ Nguyễn Thị Liên, Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Nho Quan đọc diễn văn khai mạc Ngày thơ. Trong diễn văn khai mạc có đoạn: “Từ xa xưa mảnh đất này đã giàu có âm sắc, gieo vào lòng người cảm xúc, giai điệu của thi ca, con người của mảnh đất Thiên Quan vừa hiền hòa chân thật, chăm chỉ, thiện chí và rất đỗi yêu thơ…” Ngày thơ “Tiếng thơ vọng mãi” của huyện Nho Quan, được các tác giả thơ trong huyện hưởng ứng và mong đợi. Số lượng thơ gửi về đăng ký đọc trong Ngày thơ, theo nhà thơ Vũ Thành là hơn một trăm bài, Ban Tổ chức Ngày thơ đã chọn được 15 bài giới thiệu trước công chúng yêu thơ. Các tác giả CLB Thơ Việt Nam huyện Nho Quan: Tác giả Phạm Phong Phú, tác giả Trần Văn Phước, tác giả Trần Trọng Giá, tác giả Nguyễn Quang Minh, tác giả Bùi Nguyệt Quế, tác giả Thanh Xuân… đã mang đến Ngày thơ những tác phẩm mới được sáng tác với các chủ đề viết về Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, về quê hương đất nước và đặc biệt là viết về Nho Quan giàu truyền thống cách mạng.

 Hai tác giả khách mời là tác giả Trần Lộc, tác giả Đinh Ngọc Lâm cũng tham gia đọc thơ viết về Nho Quan.

Chi hội VHNT Nho Quan thả thơ nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI  Xuân Quý Mão 2023                                       Ảnh của NINH ĐỨC HẬU

Phần trình diễn thơ và nhạc của các tác giả Chi hội VHNT huyện:  Nguyễn Thị Liên với bài thơ “Giấc mơ rừng”; Tác giả Thúy Hoàng, bài thơ “Lời cha”; Tác giả Vũ Thành bài nghiên cứu “Chia sẻ về thơ Nho Quan”; Bùi Thị Nhài với ca khúc “Mùa xuân nho nhỏ” - nhạc: Trần Hoàn, lời thơ: Thanh Hải. Các hội viên chi hội đã thể hiện trách nhiệm cao với phong trào sáng tác thơ nói riêng và sáng tác VHNT nói chung cho quê hương Nho Quan. Đan xen phần đọc thơ, ngâm thơ là những tiết mục hát chèo, hát chầu văn, múa, hát của các nghệ nhân, nghệ sĩ trong CLB Thơ Việt Nam huyện Nho Quan, tăng thêm phần sôi nổi, vui tươi của ngày hội thơ.

Giao lưu với Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, của huyện Nho Quan, Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình, đánh giá cao nỗ lực tổ chức Ngày thơ của Chi hội VHNT huyện Nho Quan và CLB Thơ Việt Nam huyện Nho Quan. Đồng thời đánh giá về chất lượng thơ của huyện Nho Quan: Nhiều năm qua thơ Nho Quan vẫn phát huy truyền thống mảnh đất có nhiều cây bút tài hoa và hy vọng thơ Nho Quan sẽ còn hay hơn, đặc sắc hơn nữa.

Ngày thơ huyện Nho Quan kết thúc bằng màn thả thơ rộn ràng và tràn đầy hưng phấn, thơ Nho Quan bay lên như mong muốn huyện Nho Quan mỗi ngày một phát triển, đổi mới, cuộc sống của nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi, chào mừng 93 năm ngày thành lập Đảng, chào mừng đất nước đổi mới, đón xuân Quý Mão 2023, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI chủ đề “Nhịp điệu mới”, đã được CLB thơ Việt Nam huyện Yên Khánh long trọng tổ chức. Nhiều tác giả, người yêu thơ, các nghệ nhân, diễn viên hát chèo… đến từ nhiều xã trong huyện đã tham dự Ngày thơ. Các tác giả đã trình bày những tác phẩm mới sáng tác gồm nhiều thể loại (thơ Đường, thơ lục bát, thơ tự do) và đề cập nhiều đề tài, ca ngợi Đảng, Bác, đất nước, và quê hương Yên Khánh ngày một đổi mới.

Sáng ngày 3/2/2023 (tức ngày 13 tháng giêng năm Quý Mão) tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, CLB Thơ Việt Nam thành phố Ninh Bình đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, chủ đề “Nhịp điệu mới”. Đông đảo các tác giả thơ trong CLB và công chúng yêu thơ thành phố Ninh Bình đã đến dự. Tại sân đền thờ, bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được diễn ngâm vừa linh thiêng vừa trang trọng đã mở đầu Ngày thơ. Tiếp sau đó là bài bình bài thơ “Nguyên tiêu” của tác giả Bùi Hạ - thành viên CLB. Trong tiết xuân mưa phùn lất phất bay, gió lạnh se se, các tác giả đã say sưa đọc, ngâm những bài thơ mới sáng tác. Kết thúc Ngày thơ là màn thả thơ tràn đầy niềm vui và hy vọng vào một năm mới thắng lợi mới.

 

N.Đ.H

(Nguồn: TC VNNB 278 - 3/2023)

Bài viết khác