Chủ nhật, 19/05/2024

Chinh phục sông nước, lấn biển làm giàu, người NInh Bình xây đời sống mới

Thứ hai, 07/10/2019

MAI ĐỨC HẠNH 

Do đặc điểm địa lí, mỗi năm Ninh Bình tiến ra biển từ 80 đến 100 mét. Vì vậy, tiến trình phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người Ninh Bình là quá trình phấn đấu bền bỉ khai phá đất hoang, lập làng, mở rộng đất đai về phía biển theo phương châm: "Lúa lấn cói, cói lấn biển" ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Hiện chư­a có nhiều tư­ liệu để có thể “mô tả” đ­ược diện mạo công cuộc mở rộng đất đai, kiến thiết xã hội của ng­ười Việt Ninh Bình cổ xưa. Nhưng điều chắc chắn là ngay từ thời tiền sử, ngư­ời Việt Ninh Bình đã ý thức được: “Núi Đính ai đắp mà cao/ Ngã ba Non Nước ai đào mà sâu?/ Muốn đời no ấm có giàu/ Phải siêng năng chớ ngồi cầu ngồi xin” (Ca dao Ninh Bình). H­ướng ra biển, các thế hệ người Việt Ninh Bình luôn dũng cảm đánh giặc ngoại xâm, kiên cường chinh phục thiên nhiên xây dựng và bảo cuộc sống.

 

1. Thế kỉ X, sau khi bình định 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt (968), lên ngôi Hoàng Đế, dựng kinh đô Hoa Lư, núi Non Nư­ớc được chọn làm Ngự trấn sơn phòng, miền đất thành phố Ninh Bình ngày nay còn là biển cả. Vùng đất cát pha cuối Hoa L­ư, bắc Yên Khánh đến Yên Vệ (Khánh Phú ngày nay) đang dần nổi lên, “… Sông Yên Vệ ở địa phận xã Yên Vệ (nay là xã Khánh Phú) huyện Yên Khánh cổ còn là cửa bể Đại Nha”. Theo cửa Đại Ác, Đinh Bộ Lĩnh chèo thuyền đến Bố Hải Khẩu (Thái Bình)... theo Trần Minh Công. Miền nước Vân Sàng chảy xuống Yên Kiều (Cầu Yên) đổ xuôi Bến Bạc (xã Yên Bạc). Khu vực Yên Phú (xã Khánh An bây giờ) còn là mép bể. Vùng đất Mô Độ xứ (Yên Mô ngày nay) hoang vu, Thần Phù còn là cửa biển hung hiểm. Suốt dọc dải Non N­ước - Thần Phù là bãi biển bồi sinh lầy, dân cư­ thưa thớt. Khi miền kinh đô Hoa Lư­ còn chịu nhiều ảnh hư­ởng của thủy triều thì vua Lê Đại Hành đã cho đào sông, đắp đê, mở đường vào Nam, khúc đê sông trên đất Ninh Bình từ ngã ba Đức Hậu đến cửa Thần Phù. Trải Lý - Trần, khu vực phía Nam Yên Khánh phù sa bồi tụ dần. Miền Non Nước trở thành cảng biển (Phúc Thành cảng), đất Đông Hội (nay là Ninh An), cách động Người Xưa (Cúc Phương) khoảng hơn hai chục cây số theo đường chim bay, cách Phúc Thành cảng non chục cây số còn là nỗi ám ảnh của bao trai - gái làng trong ca dao cổ: "Ăn cơm hai bữa không no/ Lấy chồng Đông Hội chỉ lo đư­ờng về" (Ca dao Ninh Bình). Thế kỉ XIII, nhà Trần về xây dựng căn cứ Vũ Lâm, Đông Hội bắt đầu đ­ược khai phá. Ng­ười Đông Hội ví: “Thiên hạ đảo vũ không bằng làng Chủ đắp đ­ường”. Làng Chủ tức làng Đông Hội. Con người phải vật lộn với trời n­ước đắp đường, có lối cho em đi về. “Con trạch”, "con lươn", có sức người thành bờ bao, thành đê sông Vạc, sông Trinh để cảnh “Bông nổi cho chim, bông chìm cho cá" vĩnh viễn “một đi không trở lại”, cho "Con gái mà xấu như­ ma/ Lấy chồng Đông Hội cũng ra thân ngư­ời" (Ca dao Ninh Bình).

Thế kỉ XIV, vùng Bồng Hải (đất nổi), rẻo đất kéo dài và trải rộng 6 xã Khánh Tiên, Khánh Thiện, Khánh Lợi, Khánh Hải, Khánh Trung, Khánh Cường, Khánh Mậu, Khánh Hội ngày nay, "Quê ta đông hải tây hà/ Bắc giáp Cổ Đà, nam giáp Cổ Lâm" của Yên Mô hình thành vào cuối đời Trần (1400 - 1407). Năm 1400, Hồ Quý Ly cho lập tuần Khương Giang, nay là thôn Giang Khương và xây đồn binh để chống Minh ở cửa Thần Phù, nay là xóm Thành Hồ của xã Yên Thái, huyện Yên Mô; lại cho lấp sông, kè đê Chính Đại chống giặc, dấu tích nay vẫn còn. Cả một vùng từ Bồng Hải (Yên Khánh) đến Chính Đại - Thần Phù vẫn còn là bãi bồi mênh mông, mù mịt và muỗi mặn. Những năm 1470, khi vua Lê Thánh Tông, đem quân đi đánh Chiêm Thành, cửa biển Thần Đầu nổi tiếng hung dữ thành cửa Thần Phù, vụng biển Ngọc Thỏ đã thành tên "Ngọc Thỏ cảng", Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) cho khắc chữ trên núi để ghi lại...

Định c­ư sớm, ý thức vư­ơn ra biển để mở rộng “lãnh thổ nông nghiệp” là con đư­ờng không thể khác. Đó là nguồn sống, cũng là "tầm nhìn" của ng­ười Việt cổ Ninh Bình hướng đến tương lai.

Năm 1471, nhân dân Ninh Bình tổ chức đắp đê từ cửa biển Đại Nha (Thôn Tư­, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh) đến Kiền Ngạn phía bắc cửa biển Tiểu Nha (xã Yên Lâm, huyện Yên Mô) dài ngót 20km để ngăn nư­ớc mặn, đánh dấu sự nghiệp mở đất với quy mô lớn, tầm quốc gia của ngư­ời Ninh Bình. Đây là thời kì người Ninh Bình tiến mạnh mẽ ra biển, mở đất về phía nam. Con đê lấy hiệu của vua làm tên gọi: "Đê Hồng Đức". "Đại Nam nhất thống chí" chép: “Đê cũ Hồng Đức ở địa phận huyện Yên Mô; đắp năm Hồng Đức thứ 2 (1471)  từ bờ phía bắc cửa Thần Phù đến bờ phía nam cửa Càn đắp đê đá; từ bờ phía bắc cửa Thần Phù đến bờ phía nam sông Bồng Hải đắp đê đất, để ngăn nước mặn, gọi là đê Hồng Đức, nay vẫn còn.” (tr.271). Con đê và những vùng đất màu mỡ hai bên tả hữu mà người Yên Mô, Yên Khánh gắn bó từ đời này qua đời khác, bấy giờ, bây giờ và mãi sau này vẫn gọi là Quê Hương. Lần đầu tiên, sự kiện quai đê lấn biển tầm quốc gia trên đất Ninh Bình được sử sách nhà nước và địa phương biên chép dù mới dừng ở mức “đại thể” của sự kiện.

Triều Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1704 – 1720), Vũ tư­ớng quân Đỗ Thành ng­ười Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá, vâng lệnh vua, chiêu đinh lập ấp ở vùng Bồng Hải (bây giờ là 6 xã Khánh Tiên, Khánh Thiện, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công huyện Yên Khánh), xây dựng nhiều công trình lớn trong đó có chùa Đọ, chợ Xanh (vẫn còn đến bây giờ). Khi ông mất, dân Bồng Hải dựng sáu ngôi đền để thờ ông. Ng­ười dân Bồng Hải vẫn sống và truyền mãi lời ca tri ân người có công khai mở ấy: “Chốn Bồng Châu nam mô cửa Phật/ Công thác khai đệ nhất là ai/ Kìa cầu, nọ quán lâu đài/ Chợ hôm, chợ sớm hỏi ng­ười cố nhân/ Nền công đức tú dân tụng niệm...”. Năm 1773, nhà Lê – Trịnh sai Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Nghiễm về phủ Trường Yên tổ chức chiêu dân đắp đê ngăn mặn và khai khẩn vùng đất hoang ven biển ở phía nam huyện Yên Khánh, phía bắc huyện Kim Sơn. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (quyển 44 và 45) và sách “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê viết: “Năm 1773, Trịnh Sâm cử Nguyễn Nghiễm làm Đồn điền sứ chiêu mộ dân nghèo đắp đê ngăn nước mặn, khai khẩn vùng ven biển phủ Trường Yên” từ Thần Phù (Yên Mô) đến Cự Lĩnh (Thượng Kiệm, Kim Sơn). Đê và sông ấy gọi là Cự Lĩnh, ranh giới giữa hai huyện Yên Mô và Kim Sơn. Những năm cuối của thế kỉ XVII, con trai trưởng của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Khản cho đắp đê Hồng Lĩnh, dân gian gọi là đê Đường Quan. Đê Đường Quan là con đê giáp danh giữa nam huyện Yên Khánh và bắc huyện Kim Sơn từ Cửa Lĩnh, thôn Thổ Mật (Kim Sơn), Yên Mật (Yên Khánh) qua các xã Khánh Nhạc, Khánh Mậu và Khánh Trung, huyện Yên Khánh (đê và sông nay vẫn còn). “Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên” của Nguyễn Tử Mẫn chép rằng:  “Ở bên ngoài đê Hồng Đức, trong những năm niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) bờ biển ngày được bồi thêm, cho nên vua lại sai Hồng Lĩnh Nguyễn Khản đắp đê đất từ bờ bắc của Kiền Hải, huyện Yên Mô đến tổng Bồng Hải, huyện Yên Khánh lấy tên là Hồng Lĩnh”.

Năm mươi lăm năm sau (1828) đời Nguyễn, Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) tổ chức thực hiện công cuộc khẩn hoang ở khu bãi biển phía nam của trấn Ninh Bình. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), huyện Kim Sơn với 7 tổng, 60 ấp, trại, lý, 1260 nhân đinh, 14.600 mẫu ruộng ra đời. Kế sách "Dinh điền" của Nguyễn tướng công hoàn thành, bãi bồi phía nam của tỉnh thành huyện biển, đất thành ô thửa, người tụ hội sinh sôi, vua Minh Mệnh (1820 - 1840) vời Công Trứ về kinh mà bảo:

- Khanh có công khai đất, ta ban cho ngươi được đặt tên cho đất.

Công Trứ xúc động tâu rằng:

- Bẩm, bên kia (Thái Bình) là Tiền Hải (biển tiền), muôn tâu, thần xin cho bên đây (Ninh Bình), Kim Sơn (núi vàng) làm tên huyện, "Phát Diễm" (nơi phát sinh cái đẹp) làm huyện đường.

Vua cười, gật đầu bảo ông rằng:

- Khanh nên đổi làm "Phát Diệm" cho khiêm nhường.

Cái chí mở đất lớn lao của người Ninh Bình cũng khiêm nhường làm vậy! Vua Đinh có công lập nước - nước Đại Cồ Việt, để Hoa Lư vàng son thời lập đô - kinh đô Hoa Lư. Người đã đi vào thiên cổ nhưng con chiến mã (Mã Yên Sơn) của Người vẫn tung vó dẫn đường. Con cháu Người tiếp bước bảo vệ non sông, mở mang bờ cõi để đất Hoa Lư (đời Đinh) muôn đời bền vững, phủ - trấn Trường Yên (đời Lý - Trần), Ninh Bình tỉnh đời Nguyễn ngày càng rộng mở. Năm 1829, Nguyễn Công Trứ chỉ huy đào sông, đắp đê Ân Giang. Năm 1830, người Kim Sơn đắp đê Hồng Ân. “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Đê Hồng Ân ở phía đông nam hai huyện Kim Sơn và Yên Mô, đắp từ năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) ở bên ngoài đê cũ, cho làm đê tư. Đến năm thứ 19 lại bồi trúc: một đoạn dài 2.970 trượng, mặt rộng 4 thước, chân rộng một trượng, cao 4 thước; một đoạn dài 405 trượng, mặt rộng 3 thước, chân rộng 7 thước, cao 2 thước, để ngăn nước mặn". Có thêm Kim Sơn huyện, vua Minh Mệnh lập tỉnh Ninh Bình (1831).

Những năm sau đó, nhiều cuộc di dân khai hoang có quy mô nhỏ đ­ược thực hiện ở phía nam của huyện Kim Sơn. Năm 1834, Quan các, Cử nhân, Thượng thư triều Nguyễn, Vũ Phạm Khải (1807 – 1872), người làng Thiên Trì (nay là làng Phượng Trì, xã Yên Mạc), huyện Yên Mô tổ chức khai hoang, lập ra thôn Tuy Định, nay thuộc xã Định Hoá và thôn Văn Hải (1856) nay là xã Văn Hải, huyện Kim Sơn. Suốt dải đất phù sa màu mỡ từ phía nam huyện Yên Mô chạy dài hai bên tả hữu sông Cà Mâu (theo hướng Tây Bắc - Đông Nam) và sông Càn, ranh giới với Nga Sơn, Thanh Hóa ở phía tây nam đến đê Hoành Trực là hàng nghìn hecta lúa cói, ao đầm đem lại cơm áo cho người dân các xã Lai Thành, Yên Lộc, Định Hoá và Văn Hải bây giờ. Năm 1849, người dân Kim Sơn lại đắp đê từ sông Đài (sông Kim Chính) qua cầu ông Quỳ đến cầu Định Hoá (sông Cà Mâu) cách sông Ân 50 đạc (300 mét), để ngăn nước mặn gọi là đê Khuyến Nông (hay Đê 50). Năm 1892, người Kim Sơn tiếp tục bồi trúc đê Hồng Ân (tức đê Đường Mười) từ bến đò Mười đến Lai Thành (Kim Sơn, Ninh Bình) - Điền Hộ (Nga Sơn, Thanh Hoá) bây giờ. Vùng đất nằm phía ngoài đường Mười và sông Ân (phía biển), dân gian gọi là “Đồng Bể”. Các làng xã trong đê đường Mười chiếu thẳng theo trên - dưới, định giới hạn cho các làng xã bằng một con kênh. Đất bồi đến đâu, làng xã kéo dài đến đó, hẹp bề ngang và chạy dài theo đường kẻ thẳng suốt Tây Bắc - Đông Nam, có xã dài tới 15km mà bề ngang chỉ chưa tới 1km. Năm 1899, người dân Kim Sơn, Ninh Bình tiếp tục khơi sông Ân, mở rộng và bồi trúc đê Hồng Ân thành trục Quốc lộ 10: Ninh Bình – Phát Diệm (Kim Sơn) – Điền Hộ (Nga Sơn) ngày nay.

Năm 1913, người dân Kim Sơn đắp đê Văn Hải (cũ), nay là trục đường chính từ Tây Bắc Văn Hải sang Đông Hải nối với trục đường liên xã từ phía Tây Nam cầu ông Quỳ đến đê Hoành Trực (sang Kim Tân). Năm 1927, nhân dân Kim Sơn lại tổ chức đắp đê từ cống Phát Diệm đến cầu Hoành Trực,  gọi là đê Hoành Trực, bao bọc toàn bộ diện tích của Đông Hải (xã Văn Hải) và một phần của xã Thượng Kiệm ngày nay để trồng cói và lúa. Năm 1933, con đê Văn Hải (mới) từ cầu Hoành Trực đến đê Càn được thực hiện để có khu dân cư phía Nam của Tây Bắc Văn Hải, hình thành vùng cói - lúa phía Tây Nam của xã Văn Hải bây giờ. Từ năm 1933 đến 1939, ng­ười Ninh Bình tiếp tục quai đê Tùng Thiện suốt từ đông (sông Đáy) tại cống Tùng Thiện sang Tây (sông Càn), dài ngót chục cây số, hình thành vùng lúa - cói các xã Kim Tân, Kim Mỹ ở phía Nam huyện Kim Sơn. Năm 1944, để cứu tế dân nghèo, Giám mục Lê Hữu Từ (1896 - 1967) tổ chức đắp quai một vùng đất 300 mẫu thành khu ruộng nhà Chung ở phía Bắc xã Cồn Thoi giáp Tân Khẩn (Kim Mỹ), phía Nam xã Kim Tân bây giờ. Năm 1945, nhà Chung Phát Diệm tổ chức đắp đê Cồn Thoi từ Cửa Đáy (HTX Hải Tiến - đồn biên phòng 41) đến ngã ba Bình Minh. Một vùng đất mới màu mỡ của xứ Cồn Thoi ra đời. Nơi xứ biển bắt đầu ngân tiếng chuông nhà thờ vào mỗi sáng khi mặt trời hé rạng ở phía đông - cửa Đáy, và khuất sau Tam Điệp - Biện Sơn ở phía Tây. Chiến dịch Tây Nam Ninh Bình (1952 – 1953), rồi chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng (tháng 5 năm 1954) đánh dấu một chặng đường mới của đất nước và Ninh Bình. Hoà bình lập lại, “Người cày” đã có ruộng, Ninh Bình cùng miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất (1955 - 1959), dựng tổ đổi công, lập hợp tác xã nông nghiệp, xây đời sống mới. Đầu năm 1959, tỉnh quyết định phát động đắp đê Cồn Thoi (tức đê Bình Minh). S­ư đoàn 255 cùng với nhân dân Ninh Bình mà thanh niên là lực lượng xung kích, tổ chức đắp đê Bình Minh. Từ tháng 2 năm 1959 đến tháng 12 năm 1959, hàng vạn người được huy động đào đắp 1.061.300m3 đất, con đê dài 16,2km được hoàn thành. Nông trường quốc doanh Bình Minh ra đời với diện tích 823ha lúa cói. Bình Minh một ngày mới đến, niềm vui tràn ngập trong lòng những người lính trẻ: “Đi bên em, anh chợt thấy biển già/ Bao nhiêu tuổi, biển bạc đầu sớm thế/ Con sóng đỏ lang thang ngoài bãi bể/ Đất mỡ mầu, ứa lệ ngóng trông”.

Tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất độc lập, Ninh Bình cùng cả nước dồn sức đổi mới, thực hiện di chúc của Hồ Chủ tịch xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Ninh Bình sáp nhập với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 15 tháng 11 năm 1980, Đoàn 500 cùng nhân dân Kim Sơn khởi công đắp đê Bình Minh II. Tháng 12 năm 1990, đê Bình Minh II, dài 22,8km hàn khẩu thành công. Với diện tích 2000ha và 6.084 ngư­ời được di dân từ 7 tỉnh, 14 huyện đến khai hoang, các xã Kim Hải (1986), Kim Trung (1994), Kim Đông (1997) được thành lập. Các vùng chuyên cói, tôm cua được đầu tư xây dựng và đưa vào sản xuất. Thêm Bình Minh II, ý tưởng huyện biển mới hình thành trong tư duy phát triển kinh tế của các nhà lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

 Tháng 12 năm 1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết tái lập tỉnh Ninh Bình. Ninh Bình bước vào thời kì chuyển mình, đổi mới và tiếp tục đi lên. Năm 1999, cùng với lực l­ượng quân đội (Đoàn 500), nhân dân Kim Sơn khởi công và hoàn thành công trình đê biển Bình Minh III, từ cửa Càn đến cửa Đáy, có chiều dài 16km. Hàng ngàn hecta ruộng bãi được đư­a vào cải tạo và sử dụng. Đây là tâm trạng của một người dân Văn Hải (Kim Sơn), nguyên là chiến sĩ tàu không số ra vùng quai đê Bình Minh III thăm đồng đội cũ đang cùng lực lượng bộ đội đắp đê lấn biển cho quê anh:

Nhớ thuở xưa, ta cùng với biển

Trên những con tàu không số vào Nam

Biển hoá thân, đôi cánh đại bàng

Chở che những người ra trận.

 

Biển hôm nay vẫn là người chỉ dẫn

Gọi bộ đội về khai khẩn đất hoang

Tôi gặp ở đây những binh đoàn trận mạc

Đánh giặc rồi, nay lại về khai thác

Cho đất này hoa nở, những lứa đôi.

 

Xanh tít tắp màu xanh lúa cói

Gọi cá tôm vùng đất mới lên hương.

Yêu anh lắm, ơi anh bộ đội

Các anh về, đất lại thắm hoa tươi!

                      (Biển và người lính – Hà Đăng Hào, 2003)

Chỉ tính từ 1471 (đời Lê Sơ) đến nay (2017), ng­ười Ninh Bình đã tổ chức 19 lần quai đê lấn biển lớn nhỏ để khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi... Cả một vùng đồng bằng phù sa trẻ rộng lớn Yên Khánh, một phần phía Nam của huyện Yên Mô và huyện biển Kim Sơn diện tích tự nhiên khoảng 64.000ha là kết quả của công cuộc chinh phục thiên nhiên kiên trì, dũng cảm và sáng tạo của các thế hệ ng­ười Việt Ninh Bình. Nó là cơ sở để khẳng định vị trí của Ninh Bình trấn giữ cửa ngõ phía Bắc của miền Trung, thành trì vững chắc của Bắc Bộ ở cực Nam của châu thổ sông Hồng.

2. Cùng với quai đê lấn biển lập làng mới ở phía Đông Nam, nhân dân Ninh Bình dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện công cuộc trị thủy ngăn mưa núi, lũ rừng xây dựng bảo vệ và cuộc sống ở phía Tây Bắc của tỉnh.

Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965), nhân dân Nho Quan chung sức đồng lòng đắp đê Đức Long, Năm Căn, Lạc Vân (1960), đê sông Lạng (1965), thượng nguồn của sông Hoàng Long; xây đập Thung Vừng, Đập Trời, hồ Ao Lươn, Hữu Vẹn, Bãi Cả, Thác La và hệ thống nương dẫn nước Sòng Cạn dài (dài 9km)... phòng chống lũ lụt, hạn hán; hạ độ dốc Quèn  Thạch, huy động hơn một vạn thanh niên, dân quân trong tỉnh tham gia nạo vét sông Bến Đang từ Đồi Khoai, xã Quỳnh Lưu qua Sơn Hà, Yên Sơn (Nho Quan), Tân Bình, Yên Bình (Tam Điệp) đổ vào Yên Mô (1959 – 1963), mang lại cho vùng đất phía Tây của tỉnh một diện mạo tươi mới.

Người dân Gia Viễn dồn sức thực hiện “Kế hoạch trị thuỷ Hoàng Long” nắn thẳng sông Hoàng Long (1962 - 1967) qua ba huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư. Người dân quê hương của vua Đinh được vinh dự mở đầu đã huy động 711.200 ngày công, đào đắp 862.567m3 đất, đắp hai đoạn sông mới dài 5km, lấp 4 cửa sông cũ, hoàn thành đê tả ngạn (từ Gia Trấn qua các xã Gia Tân, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Trung, Gia Minh, Gia Thịnh, Gia Phú, dài 20km) và đê hữu ngạn sông Hoàng Long, bao bọc các xã Gia Phong, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Sinh (1967). Đê Hoàng Long như bức tường thành ngăn lũ quét, đón phù sa màu mỡ ở thượng nguồn nuôi dưỡng những cánh đồng hai vụ chiêm mùa của Nho Quan, Gia Viễn trĩu nặng tình quê hương để mỗi mùa xuân về lại cùng người người trẩy hội Trường Yên. Cùng với việc thực hiện nắn sông Hoàng Long, Gia Viễn huy động 44.192 ngày công, đào đắp 51.487m3 đất đắp đê Đầm Cút (dài 10km) từ xã Gia Hưng qua các xã Liên Sơn, Gia Hòa đến xã Gia Thanh; xây đập Đá Hàn, Đồi Rộc (1961) để hôm nay có “Rừng sinh thái Vân Long”; bồi trúc đê Hoàng Long (668.000m3) năm 1964; đào 15 triệu mét khối đất, mở rộng khơi sâu, nâng cao hệ thống đê đập; lại mở chiến dịch thuỷ lợi “Mặt trận Bản Đông” (từ 1 đến 20/5/1964), huy động 484.800 ngày công đào đắp 572.667m3 tiếp tục bồi trúc đê sông. Ở phía Nam, người Yên Mô đắp đê bao hồ Yên Thắng qua các xã Yên Đồng, Yên Thành và Yên Thắng (dài 8km), ngăn lũ rừng, điều tiết tưới, tiêu làm nên những cánh đồng hai vụ của các xã phía Tây huyện.

 Ninh Bình “thay da, thắm thịt” khi con đê sông Đáy, tuyến đê sông dài nhất tỉnh (hơn 80km), uốn lượn mềm mại như dải lụa hình chữ “S”, từ Gia Thanh, Gia Viễn  qua các huyện Hoa Lư, Yên Khánh đến Cửa Đáy (tại xã Kim Đông), huyện Kim Sơn được thực hiện trong nhiều đợt đào đắp và bồi trúc từ năm 1962 đến năm 2009 hoàn thành.

Năm 2010, cả nước mừng 1000 năm Thăng Long, nhân dân Ninh Bình khởi công chương trình “không sống chung với lũ” ở quê hương của Hoa Lư, khơi sông, kè đê sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Bến Đang, sông Tranh, sông Sào Khê, Trà Tu, sông Hổ, Trinh Nữ, sông Càn, sông Vạc... Hàng trăm kilômet sông được nạo vét, hàng nghìn kilômet đê được bồi trúc, gia cố, mặt đê đổ bê tông. Đê sông vừa là hệ thống ngăn lũ rừng vừa là đường giao thông liên xã, liên huyện kiên cố, đi lại thuận tiện, chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo bình yên cuộc sống cho con người và thành quả của lao động sản xuất. Mỗi tấc đất màu mỡ đã thấm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ, lớp trước lớp sau của ng­ười Việt Ninh Bình!

Chúng ta không khỏi xúc động khi đọc lời tấu “Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo” của Nguyễn t­ướng công lên triều đình xin khai hoang lấn biển ở vùng Kim Sơn năm nào: “Đời làm ăn xư­a, chia ruộng định của, dân có nghiệp th­ường cho nên ở yên nơi làng mạc, không có gian tà. Ngày nay những dân nghèo túng, ăn dư­ng chơi không, khi cùng thì họ họp nhau trộm cư­ớp, cái tệ không ngăn cấm được. Trư­ớc thần đến Nam Định, thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thuỷ, Chân Định mênh mông bát ngát, hỏi ra thì dân địa phư­ơng muốn khai khẩn như­ng phí tổn nhiều không đủ sức. Nếu cấp tiền công  thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nư­ớc phí tổn không mấy mà cái lợi tự nhiên sẽ vô cùng. Phàm các hạt xét thấy những dân du đãng không bấu víu vào đâu, đều đư­a cả về đây. Nh­ư thế thì đất bỏ, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu”. Và, chúng ta càng tự hào hơn bởi những niềm vui nho nhỏ mà thật lớn lao của những ngư­ời dân “làm chủ” dù “Làng ở đây mới mở/ Không t­­ư­ờng đá, cổng xây/...Làng ở đây ch­ư­­a rợp bóng cây/ Tre chư­­­a bó bờ, đa chư­­­a tròn tán” (Làng ven đê – Thanh Thản) vẫn phơi phới niềm vui.

3. Cứ thế, đời này qua đời khác, người Ninh Bình đắp đê lấn biển, đất đẩy nước lùi xa để tỉnh Ninh Bình năm 1925 diện tích là 900km2, mà năm 2017 đã là 1400km2. Đê ngăn sóng biển trào. Lúa cói theo đê lấn biển, lúa cói nhuộm xanh chân trời. Từ Non Nư­ớc – Ngự Trấn Phòng sơn đời Đinh (thế kỉ X), một thời là biển cả, dần có “Đồn thuỷ” ở Trầm Hư­ơng – Bích Đào (Yên Khánh x­ưa), lùi tận Đại An, mở ra Khánh Tiên, Khánh Thiện… thành sông Đáy chạy suốt Kim Đài, Kim Đông tận cửa Đáy, sừng sững đê Bình Minh I, II, III để từ làng cổ “Cố Đế, Đàm Đa” (Phủ Thiên Quan xưa) với “Khoai sọ Yên Quang, khoai lang Văn Thắng” (Nho Quan), “Ngỗng Phong Hoà, gà Cam Giá, cá Liên Thành” (Hoa Lư­), “Đông hải Tây hà”, đất Mô Độ Trùng H­ưng dựng nghiệp đế, với “Chiếu Bình Hải, vải Nộn Khê”, có: “Kim Sơn đồng ruộng bao la/ Đ­ường làng thẳng tắp biển xa rộng dài” theo tiếng chuông ngân, để “Chiếu Kim Sơn, Bồng Hải…” đẹp nghĩa tình.

Bình Minh đã và đang mở ra những ngày mới. Làng rồi xã, mở ra huyện, hình thành các trung tâm kinh tế ven đê, vư­ơn ra biển. Nó ghi lại từng chặng mở của vùng đất, trưởng thành của con ng­ười trong tiến trình tạo lập cuộc sống như­ một quy luật tự nhiên. Đó là khát vọng của người Việt Ninh Bình. Lúa thay cói, cói vư­­­­ợt đê, làng vư­­­­ơn ra biển... Quá khứ - hiện tại - t­­­­ương lai...vùng quê đang vươn mình, thay da đổi thịt. Đời này qua đời khác, người Ninh Bình viết tiếp bài ca mở đất hào hùng, làm giàu cho mình, làm đẹp cho đời và quê hương đất nư­ớc. “Thắng không kiêu, bại không nản, đường gian truân san phẳng đi lên/ Trung với nước, hiếu với dân, lời răn dạy sáng ngời lẽ sống” mà “Dựng Đại Việt cơ đồ, với khí thế Sơn Tinh, Phù Đổng”, góp “Xây Thăng Long văn hiến, với tình thần Âu Lạc, Văn Lang” (GS Vũ Khiêu), nay nối chí Tiền Nhân, “Vua lái máy cày”, đầu xuân, dẫn quân xung trận. Ninh Bình ta, đã có Kim Sơn (núi vàng), lại mở thêm Kim Phú (giàu sang) anh em; có Ninh Bình thành phố, nâng tầm Hoa Lư - thành phố trực thuộc trung ương trên bản đồ du lịch quốc gia. Người Ninh Bình ta tự tin làm giàu cho mình, góp sức cùng dân tộc dựng xây một Sơn Hà Đại Việt hùng cường, nước mạnh, dân giàu, để một lần nữa, “Sử vàng mở lại, tìm tiền nhân vạn cổ tinh hoa/ Bia đá dựng lên, để hậu thế ngàn đời ngưỡng vọng!” (Bia tưởng niệm Lý Thái Tổ, GS Vũ Khiêu).

 

Tháng 2 năm 2017

 

Bài viết khác