Chủ nhật, 19/05/2024

Di sản văn hóa làng Côi Trì

Thứ hai, 09/12/2019

ĐINH VĂN VIỄN 

Làng Côi Trì hiện nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú như đình, chùa, lễ hội, văn bia, văn học,… Di sản văn hóa của làng Côi Trì có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục to lớn, là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy Côi Trì phát triển.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải tiến hành nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làng Côi Trì. Làng được thành lập sau công cuộc khai hoang theo “phép chiếm xạ” thời Lê sơ, gắn liền với sự ra đời của con đê Hồng Đức (1472).

Được khai hoang từ năm 1470 (Hồng Đức nguyên niên), trải qua 36 năm đến năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) mới lập xã gọi là xã Côi Đàm thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam. Năm Gia Thái thứ nhất (1573) đổi Côi Đàm thành Côi Trì thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hoa. Từ đây về sau tên Côi Trì được giữ nguyên. “Đàm” hay “Trì” thì đều có nghĩa là “cái ao”, nó phản ánh một vùng đất trũng, úng nước liên tục nhưng đó là “cái ao” “đẹp” (“đẹp”là nghĩa của từ “Côi”)

Năm 1806, Côi Trì thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, đạo Thanh Bình, trấn Thanh Hoa. Năm 1822, Côi Trì thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, đạo Ninh Bình, trấn Thanh Hoa. Năm 1829, Côi Trì thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Ninh Bình. Từ năm 1831 đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Côi Trì thuộc tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, tỉnh Ninh Bình(1). Từ sau khi được thành lập Côi Trì phát triển mạnh. Đến thế kỷ XVII, XVIII, Côi Trì đã là một làng (xã) thuộc loại lớn, có nền nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển.

Côi Trì là làng nổi bật ở Ninh Bình bởi truyền thống học hành, khoa cử, truyền thống cách mạng, với các nhân vật như Ninh Ngạn, Ninh Tốn, Ninh Địch, Tạ Uyên,…Làng chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Sau đây xin giới thiệu một số di sản văn hóa ở Côi Trì:

Đình Đoài Thái: Côi Trì có hai ngôi đình đó là Đình Đoài Thái và Đình Đông Thọ mà dân địa phương hay gọi là Đình Tây và Đình Đông. Hiện chỉ còn Đình Tây, còn Đình Đông đã bị phá trong thời chiến tranh.

Ban đầu khi mới lập làng cư dân Côi Trì xây dựng miếu Trong (hiện nay khu đất xây miếu này vẫn được gọi là gò miếu Trong) để thờ Thành hoàng. Năm Cảnh Hưng 44 (1783) làng xây dựng ngôi đình Tây. Ngôi đình tọa lạc trên khu đất rộng 2 mẫu, quay hướng nam, bên cạnh ngòi nước lớn nhất chạy giữa làng. Ngoài cùng là tam quan cao, rộng được xây bằng gạch. Qua dãy tam quan là khoảng sân lát gạch, rộng chứa được hàng nghìn người. Hai bên là hai dãy tả vu, hữu vu. Dãy tả vu phía đông có 7 gian, là nơi cúng cô hồn trong các dịp tế lễ. Dãy tả vu phía tây cũng gồm 7 gian nhà, là nơi ở của Thủ từ, nơi làm cỗ trong các ngày lễ. Tiếp đến là nhà Tiền đường 3 gian. Cột chính cao 4m, đường kính 0,50m. Phía trên của Tiền đường treo những bức đại tự: “Dương dương hồ như tại”, “Tán hoá dục”, “Tham thiên địa ”, gian giữa đặt hương án, các đồ tế khí. Hai gian hai bên kê phản là nơi các vị chức sắc, quan lão... trong làng ngồi mỗi khi có việc ở đình. Trong cùng là chính cung nơi thờ Thành hoàng là Câu Mang hoàng đế. Về sau chính cung còn là nơi thờ 89 “quan chiếm xạ”, “bát vị hậu thần”.

Chùa An Thái xây dựng năm 1775 với tên gọi An Thái Tự. Chùa còn có tên là chùa Cháy vì thời chống Pháp, chùa bị đốt. Mãi sau hòa bình chùa mới được dân làng mới khôi phục lại.

Chùa quay hướng tây, toạ lạc trên khu đất rộng 3 mẫu, cao ráo phía bắc làng. Kiến trúc nổi bật nhất là Tam quan. Tam quan gồm 3 tầng cao 5 m, rộng 2 m, được xây bằng gạch mái cong. Đi qua Tam quan, sân gạch là tới Tiền đường 5 gian (dài 11,5m, rộng 5,5m, cao 5,8m), kiến trúc theo kiểu chồng diêm 2 tầng mái, gồm có 6 vì kèo làm bằng gỗ lim, hai đầu hồi xây vít kín còn ở phía trước và sau để trống. Các hàng cột quân ở phía trước và sau bằng đá vuông, hai hàng cột cái bằng gỗ lim, cao 4,05 m. Vì kèo làm theo kiểu chồng giường, chạm khắc thông, mai, trúc, cúc. Đi qua gian Tiền đường là đến sân gạch có chiều rộng 3,5m. Qua sân gạch là Trung đường (dài 11,5m, rộng 5,7m, cao 4,17m). Tiền đường và Trung đường đều xây dựng mái kép hai lớp có tác dụng nâng độ cao của mái chùa lên. Trong Trung đường xà bẩy được chạm khắc hoa lá, gian giữa có cửa võng và treo 3 bức đại tự sơn son thếp vàng, đặt hai tượng Hộ pháp cao to. Hai bên tượng Hộ pháp, bên phải là tượng đức Thánh Hiền, bên trái là tượng Đức Ông. Nối liền với Trung đường là Hậu cung 2 gian xây các bệ từ cao xuống thấp đặt các tượng Phật. Như thế kiến trúc của chùa theo kiểu tiền “Nhất” hậu “Đinh”. Phía sau Chùa là Nhà thờ tổ và Phủ Mẫu thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Chùa An Thái là trung tâm diễn ra các lễ hội của Phật tử Côi Trì. Chùa đặc biệt là các điêu khắc vì kèo trong chùa là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện tài hoa của người thợ mộc Côi Trì.

Hòn Đá Chiếm xạ có kích thước dài 0,50m, rộng 0,60m có dấu của 89 vết dao chém. Tương truyền đây là hòn đá mà 89 vị chiếm xạ của làng Côi Trì (89 người đầu tiên đến khai hoang lập làng) xưa kia đã chém đá thề cùng đoàn kết, xây dựng xóm làng. Hiện hòn đá được đặt trang trọng phía trước chính cung của Đình làng Côi Trì. Hòn đá là minh chứng cho tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, chung lưng đấu cật trong khai phá làng xã của cư dân Côi Trì.

Lễ hội dân gian tiêu biểu nhất ở Côi Trì là hội làng được mở vào 12 tháng Giêng hàng năm. Đây cũng là ngày giỗ các “quan chiếm xạ”. Lễ hội diễn ra tại đình làng. Ngay từ sau Tết âm lịch cả làng đã nô nức chuẩn bị cho lễ hội. Làng chuẩn bị người tế lễ, mời các quan trên, mua sắm đồ tế lễ,...Giám tế (được chọn từng năm) chuẩn bị dọn dẹp, trang trí đình làng, viết bài văn tế. Các giáp chuẩn bị đồ tế lễ của giáp mình.

Lễ hội thường diễn ra trong hai ngày. Trưa ngày 11 tháng giêng đã tổ chức tế cáo với Thành hoàng, các “quan chiếm xạ”. Đồng thời một số trò chơi, thi đua giữa các giáp đã diễn ra như trò đánh cờ, đấu vật,... Sáng ngày 12 tháng giêng là ngày chính của lễ hội. Các khách quan, dân làng, các giáp, các xóm tề tựu đông đủ. Mở đầu lễ hội là việc diễn lại tích các “quan chiếm xạ” lập làng. Có 89 người đóng vai 89 “quan chiếm xạ”. Những người đóng vai này được chọn rất kỹ, phải có đại diện của tất cả các họ trong làng, là những nam giới khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, gia đình hoà thuận. Những người này ăn mặc quần áo đẹp, đầu chít khăn đỏ, được chia thành 6 nhóm (tượng trưng cho 6 nhóm dân cư đến khai hoang lập làng). Khởi hành từ đê Hồng Đức đoàn người tiến vào đình làng trong tiếng trống, thanh la lẫn tiếng hò reo của dân làng. Dẫn đầu khối người này là đội múa rồng, múa lân và một chiếc thuyền rồng do 6 người đàn ông khoẻ mạnh khiêng trên vai vừa đi vừa múa theo điệu chèo thuyền, tượng trưng cho hình ảnh xưa kia cha ông họ đã dùng thuyền vượt biển đến khai phá vùng đất này.

Sau khi vào đến sân đình làng, lần lượt Giám tế, các quan viên, chức sắc trong làng thắp hương tế Thành hoàng, các “quan chiếm xạ”. Tại đình làng các quan viên, chức sắc, lão hạng, ... ngồi theo thứ bậc. Số đông nhân dân đứng ngoài sân đình. Mỗi giáp đều có mâm lễ để dâng cúng Thành hoàng, các “quan chiếm xạ”, các hậu thần. Làng tổ chức thi, chọn mâm lễ vật của giáp nào “to”, đẹp hơn thì được đặt trên, mâm lễ của giáp nào kém hơn thì đặt dưới.

Vị Giám tế đọc bài văn tế nêu rõ công lao giúp dân của Thành hoàng, công lao khai phá, xây dựng xóm làng của các “quan chiếm xạ”. Sau tế cáo là trò diễn “lễ ăn thề”, 89 người tượng trưng cho 89 “quan chiếm xạ” ăn thề với các điệu múa mô phỏng việc “chém đá ăn thề”, đắp đê, đào kênh mương..... Sau trò diễn “lễ ăn thề” các cuộc thi thơ, thi nấu cơm, ... giữa các giáp diễn ra trong không khí vui vẻ.

 Đây là một hình thức lễ hội lịch sử mở vào đầu xuân là dịp dân làng thể hiện ước muốn một năm mới với nhiều thành quả trong sản xuất, học hành, thi cử và giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn công lao của tổ tiên và tăng cường tình đoàn kết giữa các thành viên trong làng.

Văn học: Côi Trì là một làng Nho học phát triển, giáo dục được chú trọng. Từ thế kỷ XV đến đầu thế  kỷ XIX, làng đã để lại một di sản văn học bao gồm cả văn học viết và văn học dân gian đáng ghi nhận.

Văn học viết: Tư liệu còn lưu lại không nhiều nhưng cũng cho thấy một làng có nhiều tác giả, tác phẩm văn học có giá trị. Đó là Hoàng giáp Ninh Địch với tập thơ “Thuỷ trình quốc ngữ ca”, miêu tả phong cảnh từ Nhị Hà đến Cầu Dinh.

Ninh Ngạn (em Ninh Địch, bố của Ninh Tốn) sáng tác nhiều nhưng đến nay chỉ còn lại hai tác phẩm: “Phong vịnh tập” và “Vũ vu thiển thuyết”. Trong đó nổi bật hơn cả là “Vũ vu thiển thuyết”. Ninh Ngạn đã đỗ Hương cống, làm Hiến phó xứ rồi về ở ẩn ở núi Vũ Vu (ở Yên Mô). Qua “20 năm điềm tĩnh tu dưỡng, ở ẩn học đạo”, “về già bỗng siêu ngộ”, “đem tâm đắc viết thành sách, đặt lời, nhan đề là Thiển thuyết để dạy con cháu”. Tác phẩm gồm 45 chương trình bày về những khái niệm của Nho giáo, về Hiếu, Trung, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, về đạo làm người, về Kinh (sự bất biến) và Quyền (sự biến của đạo Nho), về Đạo học của Tống Nho,…

Vũ vu thiển thuyết được đánh giá là tác phẩm văn học, triết học có giá trị. Tác phẩm chứa đựng những quan niệm tiến bộ trong nhận thức về Nho giáo. Không đợi đến bây giờ mà đương thời tác phẩm được đánh giá rất cao. Tiến sĩ Chu Doãn Lệ (hiệu Hy Thích, người Dục Tú, Đông Ngàn) viết: “người đời nay học mà biết nói đến nghĩa lý quả rất hiếm. Thảng hoặc có đi nữa thì cũng thường là người thiển cận, bị hạn chế ở chỗ đứng thấp. Người cao xa thì bị đắm đuối vào chỗ viển vông, người khéo léo thì cố đi vào gọt rũa, mài đẽo, chứ chưa hề ai nói gần mà chỉ được xa, lời không phiền toái rườm rà mà lý rất rõ như ở Vũ vu thiển thuyết”(2).

Tác giả nổi bật nhất của Côi Trì là Tiến sĩ Ninh Tốn. Ông “làm thơ từ thủa đèn sách, nổi tiếng về thơ từ những năm 20 tuổi"(3) [35-13], đã để lại khối lượng tác phẩm văn, thơ, phú, văn bia... đồ sộ. Hiện nay đã sưu tầm được 275 bài thơ, 7 bài văn sách, phú tựa, văn bia... trong các tập: Chuyết Sơn thi tập đại toàn (Viện Hán Nôm, ký hiệu A1407), Chuyết Sơn thi tập (lưu tại Viện Hán Nôm, ký hiệu A 1292), Tiền Lê tiến sĩ Ninh Tốn thi tập (lưu tại Viện Hán  Nôm, ký hiệu A350), Côi Trì bi ký. Ninh Tốn còn là tác giả chính của bản hương ước của làng với tên gọi Côi Trì thông lệ....

Ninh Tốn được đánh giá là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết sử, .... Người đương thời như Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Đĩnh, ... đều có thơ khen tặng hoặc nhờ ông đề tựa cho sách của mình. Hoàng giáp Bùi Huy Bích ca ngợi: “ông là bậc tài tử đời nay”. Tiến sĩ Nguyễn Quýnh thì đánh giá: “Ông là kẻ lão luyện trong văn mặc, sở trường cả thơ, phú, trước thuật” [35-19]. Mặc dù được đào luyện ở cửa Khổng sân Trình nhưng thơ, văn của Ninh Tốn đã “vượt qua cái khuôn khổ ấy”. Ông ca ngợi Quang Trung, phong trào Tây Sơn,... là điều hiếm thấy ở Nho sĩ Bắc Hà bấy giờ. Ông hoà mình với quần chúng, thông cảm với nỗi buồn vui của người lao động, bênh vực, ca ngợi phụ nữ. Đây là những nét đặc sắc, tiêu biểu của thơ văn Ninh Tốn. “Ông là một tác gia xứng đáng được liệt vào hàng danh nhân đất nước”(4).

Văn học dân gian ở Côi Trì phát triển khá mạnh với nhiều thể loại như ca dao, tục ngữ, thành ngữ, vè... trong đó nổi bật nhất là ca dao và thơ về địa phương, phản ánh nhiều mặt của đời sống. Tiêu biểu như:

Khẳng định về địa giới của làng:“Mênh mông đông hải, tây hà/Bắc, Nam tiếp giáp Cổ Đà, Yên Mô”; Hoặc: “Nhớ xưa đông hải, tây hà/Bắc Nam tiếp giáp Cổ Đà, Yên Mô.”; Nhắn nhủ nhau không quên về lễ hội của làng: “Dù ai đi đâu, làm đâu/Hội mười hai Tết rủ nhau mà về”. Tự hào về làng Nho học phát triển, có nhiều thầy đồ, người Côi Trì có câu: “Lão Yên Mô, đồ Côi Trì” hay “Yên Mô tứ xã”. Nói về sự nổi tiếng, khéo tay, tài hoa của thợ mộc của làng, người Côi Trì có câu: “Mộc Côi Trì, nề Bình Hải”. Ngoài ra Côi Trì còn có hàng loạt những bức đại tự, hoành phi, câu đối ở đình, chùa, nhà thờ.... Đây là một di sản khổng lồ về văn tự, văn học cổ mang giá trị văn hoá to lớn.

Nổi bật nhất trong thành tựu văn học dân gian đó là Côi Trì thơ về địa phương. Bài “Hương sử” gồm 274 câu thơ lục bát được nhiều thế hệ người Côi Trì nối tiếp nhau sáng tác. “Hương sử” trình bày nhiều mặt về công cuộc khai hoang lập làng, phong tục tập quán của Côi Trì.... . Có thể coi đây là bộ sử về Côi Trì được viết bằng thể thơ lục bát nhẹ nhàng, dễ nhớ, mang tính giáo dục cao.

Văn bia  khá phong phú, điển hình là:

“Côi Trì Bút thị bi ký” – Cảnh Hưng 22 (1761). Bia hai mặt, đều khổ 59 x 118cm. Chạm mặt trời, mây, hoa dây. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 23 dòng, khoảng 500 chữ. Tên bia khắc kiểu chữ triện. Bia ghi việc năm Ất Hợi, Cảnh Hưng 16 (1755), dân xã Côi Trì và  thôn Thượng xã Yên Mô chôn cột đá phân ranh giới. Sau đó Ninh Ngạn, người Côi Trì dùng nơi giáp ranh lập chợ, đặt tên là chợ Bút, dân hai xã đến trao đổi buôn bán.

 “Côi Trì bi ký”- Cảnh Hưng 30 (1769). Bia 2 mặt, đều khổ 58x104cm. Chạm mặt trời, hoa văn ô trám. Toàn văn chữ Hán khắc chân phương, gồm 40 dòng khoảng 2000 chữ. Nội dung bia ghi việc khai hoang lập làng đời Hồng Đức, danh sách 89 “quan chiếm  xạ”,  một số tục lệ của làng…

 “Hoàng Giáp công từ bi ký” – Cảnh Hưng 41(1780). Bia cao 1m10, rộng 0,70m. Trán bia hình nửa ô van cao 30cm, được xây ốp vào tường bên trái nhà thờ họ Ninh ở Cụi Trỡ.

 “Dã Hiên tiên sinh mộ biểu ” – Cảnh Hưng 42 (1781), bia do Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh soạn. Bia hai mặt, cao 1,6 m  rộng 1m. Chạm rồng chầu mặt nguyệt. Toàn văn chữ Hán, gồm 26 dòng, khoảng 900 chữ. Bia ghi hành trạng của Ninh Ngạn, hiệu Dã Hiên và Hi Tăng cư sĩ (1715-1781). Tổ tiên 8 đời người làng Ninh Xá, huyện Vọng Doanh đến khai hoang lập ấp ở Côi Trì từ đời Hồng Đức. Ông học giỏi, đỗ Hương cống, làm Hiến sát phó sứ. Về ở ẩn làm sách Vũ vu thiển thuyết, Phong vịnh tập. Ông có công mở chợ Bút, vạch rõ cương giới làng xã, đặt lệ dưỡng lão... 

 “Côi Trì Vũ hội bi ký” – Cảnh Thịnh 5 (1797). Bia hai mặt, cao 1m80, rộng 1,08m. Trán bia hình nửa ô van cao 0,30cm, chạm lưỡng long chầu nguyệt. Chân bia bậc tam cấp bài 1m48, rộng 65cm. Mặt phải bia bị đục mất 08 chữ, mặt trái bị vỡ một mảng 40cm x 33cm. Bia ghi danh sách hội viên, hội ước của làng võ Côi Trì, danh sách người và số ruộng cúng cho làng võ.

 “Lịch đại tiên hiền biểu thứ”. Cảnh Hưng 41(1780). Bia hai mặt, cao 1m60, rộng 1,08m. Trán bia hình nửa ô van cao 0,30cm, chạm rồng chầu mặt trời. Chân bia bậc tam cấp bài 1m50, rộng 65cm. Bia ghi danh sách hội viên làng văn, danh sách người và số ruộng cúng cho làng văn Côi Trì.

“Côi Trì Lão hội bi ký” Cảnh Hưng 25 (1765). Bia hai mặt, cao 1m55, rộng 1m. Trán bia hình nửa ô van cao 0,35cm, chạm rồng chầu mặt trời. Bia ghi danh sách hội viên làng lão Côi Trì, Hội ước làng Lão Côi Trì.

 “Thọ Thái xã bi ký”- Bảo Đại năm thứ 3(1928). Bia cao 1m20, rộng 0,85m ghi việc xã Thọ Thái được tách ra từ xã Côi Trì.  

 “Vũ vu thiển thuyết”. Bia từ đường họ Ninh – Côi Trì, tạo năm Cảnh Hưng 42 (1781). Bia hai mặt khổ 120 x 160cm. Chạm rồng chầu mặt trời. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương gồm 31 dòng, khoảng 3000 chữ. Trán bia mặt 1 có thêm chữ Thượng, mặt 2 có thêm chữ Hạ cùng hàng với tên bia. Bia khắc toàn văn cuốn sách “Vũ vu thiển thuyết” của Ninh Ngạn.

Các di sản văn hóa của làng Côi Trì trên đây là tài sản vô giá, là nguồn sử liệu quan trọng cung cấp thông tin về sự thành lập, quá trình phát triển, phong tục, tập quán, lễ hội,... mang nội dung văn hóa, có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục to lớn, thể hiện chiều sâu truyền thống văn hóa, hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy Côi Trì phát triển trong thời đại mới. Tuy nhiên, cũng như nhiều làng xã khác, di sản văn hóa làng Côi Trì đang chịu tác động mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  Điều tra, sưu tầm và nghiên cứu, đề xuất phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng Côi Trì trong bối cảnh hiện nay vừa mang ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn sâu sắc.

Đ.V.V

 

Chú thích: (1) Ninh Bình tỉnh, Yên Mô huyện, Yên Mô tổng, Côi Trì xã địa bạ, ký hiệu Q3939, TTLT Quốc gia I; (2) Vũ vu thiển thuyết, Bản dịch của Bảo tàng Ninh Bình; (3) Nguyễn Vũ Cư (1985): Thơ văn Ninh Tốn. Tc Hán Nôm số 2, trang 109; (4) Hoàng Lê(1979): Về bước đường dẫn Ninh Tốn đến với Tây Sơn. TcNCLS số 1, trang 37.

Bài viết khác