Chủ nhật, 19/05/2024

Mấy nét về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ manh nha đến đương đại

Thứ hai, 01/04/2019

MẠC KHẢI TUÂN

“Thiền” là một trong các pháp tu tập chính của Phật giáo; mặt khác nó còn được danh xưng hóa cho một trong nhiều phái bộ lớn của đạo Phật gọi là “Thiền Tông” kể từ khi Khương Tăng Hội đưa Phật giáo Đại thừa vào nước ta ở thế kỷ III. Ở đây, chúng tôi chỉ tìm hiểu khái quát về quá trình chuẩn bị, hình thành và truyền dẫn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đến ngày nay. Để có căn cứ rõ nét nhất về nguồn mạch của Thiền phái này, chúng tôi xin bắt đầu từ vị vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Cảnh - Trần Thái Tông (16/6/1218 – 01/4/1277) đến Thái tử Trần Khâm - Điều ngự giác Hoàng Trần Nhân Tông (11/11/1258 – 3/11/1308). Sau hơn bẩy thế kỷ, giờ đây Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn tiếp tục sinh ngành nảy ngọn với nhiều thiện duyên mới. Người cần mẫn và tiên phong cho sự khởi sắc này thiết nghĩ không thể không đăng danh Hòa thượng Thích Thanh Từ (24/7/1924).

Phần 1: Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau

Nhân duyên khai mở Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử:

Sự ra đời của triều đại nhà Trần đã là một kỳ tích lịch sử mang đầy kịch tính và diệu vợi… Việc nhà Trần tồn tại 174 (1225 – 1400) không thể bỏ qua sự kiện dưới đây:

Sau 12 năm (1225 – 1237), Lý Chiêu Thánh nhường ngôi cho chồng; khi này Chiêu Thánh 19 tuổi, Thái Tông 20 tuổi; vẫn chưa có con. Sốt nổi lo tính đến người nối ngôi vua. Với uy quyền của ông chú họ và là người điều tiết nhân sự chính yếu cho vương triều Trần lúc ấy là Trần Thủ Độ đã ép Thái Tông bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu là Lý Thuận Thiên (vợ người anh trai Trần Liễu khi đó đang có thai được 3 tháng), lập làm Hoàng hậu. Thật oái oăm đến mức thương luân bại lý. Nhưng, trước quyền lợi của vương tộc Trần đang còn trứng nước? Bất lực với nỗi oan khiên mà riêng mình phải gánh chịu. Vua đã bỏ lên Yên Tử toan việc đi tu.  

Theo Lược sử Phật Giáo Việt Nam của Thích Minh Tuệ (Thành Hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh ấn hành PL 2536 -1993): Trần Thái Tông đến chùa Hoa Yên liền gặp Thiền sư Trúc Lâm. Sau khi nghe Trần Thái Tông thưa trình cảnh ngộ:

- …Trẫm thấy sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế không thường. Vì thế, trẫm… chẳng có cầu gì khác, chỉ muốn cầu thành Phật!

Thiền sư Trúc Lâm đáp:

- Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm vắng lặng, trí tuệ phát sinh. Chính đó là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm, tức khắc thành Phật tại chỗ, chẳng cần phải khổ công tìm cầu bên ngoài.(Bài tựa Thiền tông chỉ nam)

Thế là yếu chỉ của Thiền đã được Đại sa môn nêu ra rất giản dị và đầy thuyết phục. Thiền là “Phản quang tự kỷ, bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Đó là việc “phản tỉnh”, hướng nội xem xét thân tâm mình để lo trọn bổn phận của mình; không hồ đồ làm theo người ngoài. Bằng cách Văn - Tư - Tu mà có được Tam vô lậu học: Giới - Định - Tuệ. Giới là việc học tạng Luật trong kinh tạng; Định thì phải vừa học tạng Kinh vừa tham thiền; Tuệ thì phải vừa học tạng Luận vừa mở mang trí phân biện.

Khi Trần Thủ Độ tức tốc đích thân dẫn đoàn tùy tùng đi đón vua về triều, Trần Thái Tông nói:

- Trẫm còn trẻ, không kham nổi việc sơn hà, xã tắc to lớn… Thái sư hãy chọn người tài ba lỗi lạc để thay thế, hầu khỏi nhục xã tắc.

Nhưng Trần Thủ Độ vẫn một lòng ép vua về kinh đô, bằng không:

- Hoàng thượng ở đâu, lập triều đình ở đó!

May nhờ Đại sư Trúc Lâm đỡ lời:

- Xin bệ hạ hãy về kinh đô gấp, chớ ở lại đây, làm hại núi rừng của lão tăng...

- Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, ngoài chính trị, bệ hạ chớ quên nghiên cứu nội điển và tham thiền!

Buộc lòng vua Trần Thái Tông phải trở lại ngôi vua.

Đây quả là một nhân duyên hy hữu. Nếu không có cuộc hạnh ngộ này; chắc gì đã có Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn đến hiện nay? Tôi đồ rằng: Tên gọi Thiền phái mang tên Trúc Lâm bắt đầu từ tên của vị minh sư tên gọi Trúc Lâm này! Bởi, Trần Nhân Tông là cháu nội Trần Thái Tông. Được thâm nhập Phật pháp ngay từ tuổi ấu thơ... Trần Nhân Tông cũng đã từng cam chịu lấy chị gái con ông bác làm vợ, tình duyên khiên cưỡng ấy khiến ông cũng từng chẳng mấy mặn mà; cũng đã từng vượt thành tìm đường đi tu như ông nội... Vì thế, rất đáng tin vào niềm trắc ẩn cùng lòng hiếu nghĩa tri ân với  Quốc sư Trúc Lâm và ông nội để Trần Nhân Tông định danh cho Thiền phái do mình đứng đầu. Vả lại, cho đến nay, chúng tôi chưa có được tài liệu nào cho biết thời điểm chính xác ra đời tên gọi: “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”(!).

Từ đó, ngài vừa lo việc triều chính vừa nghiên cứu kinh điển Phật giáo thuộc các hệ giáo lý chính. Ngoài Đại sư Trúc Lâm là bậc thầy khai tâm đầu tiên cho tới sau này, vua còn tham học với các thiền sư Tức Lự, Ứng Thuận, Đại Đăng. Vua còn mời cả Thiên Phong thuộc phái thiền Lâm Tế người Trung Quốc đến tham vấn đạo thiền. Suốt hơn 10 năm truy vấn tham thiền vua Trần Thái Tông đã rất uyên thâm thiền học. Tiếp đó đến khi viên tịch ngài về tu trì, tham cứu Thiền học ở Hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình)… Ngài đã viết và cho in ấn để lại nhiều tác phẩm giá trị như: 1, Thiền Tông chỉ nam - Tác phẩm đầu tay của Trần Thái Tông. (Đã mất. Còn bài Tựa in lại trong Khóa hư lục). 2, Lục thời sám hối khoa nghi. Nghi thức sám hối chia 6 thời trong một ngày. 3, Kim Cang Tam Muội kinh chú giải. (Đã mất. Còn bài Tựa in trong Khóa Hư lục. Thái Tông rất tâm đắc mỗi khi đọc bộ kinh này, lòng phát sinh cảm hứng vô tận, từ đó đã đem hết tâm huyết để viết lời chú giải). 4, Bình đẳng lễ sám hối. (Đã mất. So với Lục thời sám hối cuốn này có chiều sâu về triết học hơn). 5, Thái Tông thi tập. (Đã mất). 6, Khóa Hư lục. Gồm nhiều bài, viết trong nhiều thời gian khác nhau. Nói rõ cái khổ của Sinh, Già, Bệnh, Chết của kiếp người; đồng thời đả phá các chấp kiến thế gian. Khuyên người ta siêng sám hối, giữ giới, niệm Phật, tham Thiền, chuyên tu Giới, Định, Tuệ.

Trần Thái Tông còn chú ý đến việc xiển dương Đạo Phật như: Năm 1256 vua sắc đúc 330 quả chuông treo ở các chùa. Năm 1262 cho dựng chùa Phổ Minh (Nam Định)… Tuy vậy, ngài vẫn không có thái độ kỳ thị Khổng và Lão giáo. Chứng cứ là năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) ngài đã cho mở khoa thi Tam giáo.

Khái lược như thế đủ thấy, Trần Thái Tông đã thâm nhập Phật pháp rất căn bản bắt đầu từ lời chỉ giáo của Quốc sư Trúc Lâm cùng việc tham vấn các Thiền sư đương thời, nhất là với Thiền phái Lâm Tế  qua thiền sư Thiên Phong.

Dấu ấn Thiền sư Trúc Lâm  đối với Thiền phái Trúc Lâm:

Theo “Thiền Tông chỉ nam”: Vua Trần Thái Tông gọi ngài là Trúc Lâm Đại sa môn, tôn xưng Quốc sư. Ngài còn có hiệu là Đạo Viên (Thiền Uyển Tập Anh) hay Viên Chứng (Thánh đăng lục, Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền Tông bản hạnh, tài liệu chùa Hoa Yên của Hòa thượng Phúc Điền). Ngài là đệ tử của Thiền sư Hiện Quang. Khi Hiện Quang tịch, Quốc sư lúc ấy mới 20 tuổi, đã làm lễ an táng thầy trên núi Yên Tử.

Năm 1248, Trần Thái Tông mời Thiền sư Trúc Lâm về kinh để soạn duyệt các bộ kinh lục trước khi đem khắc bản gỗ và ấn hành. Cũng nhân dịp này, vua đã trình Quốc sư tác phẩm “Thiền tông chỉ nam” do chính ngài viết. Được Đại sư khen là có giá trị và khuyên nên khắc in cùng các kinh lục.

Qua bi kịch của cuộc chuyển giao vương quyền từ nhà Lý sang nhà Trần, cùng những cắc cớ trong việc tạo dựng triều chính trong tay Trần Thủ Độ đã hiển lộ một cơ duyên đặc biệt cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà người khởi nguồn không ai khác ngoài Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông.

Trong khoảng thời gian 40 năm bao gồm: 20 năm (1237- 1257) Trần Thái Tông bỏ lên Yên Tử, rồi trở lại triều chính, đến khi nhượng ngôi cho con và 19 năm (1258 – 1277) về dựng Hành Cung Vũ Lâm làm Thái thượng Hoàng ở vùng Hoa Lư, Ninh Bình cho đến khi viên tịch tại đây, ngài đã triệt để chăm lo kết hợp hai công quả lớn, đó là: vừa làm trọn vai trò của đấng minh quân, rồi làm cố vấn cho con Trần Thánh Tông trong việc dựng và giữ nước, nuôi dạy cháu (Thái tử Trần Khâm - vua Trần Nhân Tông) nối nghiệp quân vương; vừa “Thâm nhập Phật pháp, trí tuệ như hải” để viết nên các tác phẩm về Phật học còn lại đến ngày nay, tiêu biểu như Khóa Hư lục.

 Điều Ngự Giác Hoàng

Trần Nhân Tông (1258- 1308) và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử:

Trần Nhân Tông là một vị vua suốt đời Văn, Tư, Tu; Giới, Định, Tuệ trong nền Phật giáo Nhất tông thời đó. Người ảnh hưởng trực tiếp nhất với ông chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Các tác phẩm của Tuệ Trung Thượng sĩ thể hiện tư tưởng Thiền học vô cùng sâu sắc, siêu việt từng được Trần Nhân Tông khảo đính, được in ấn nhiều lần ở Thời Trần và những năm sau này. Đến nay, nhiều tác phẩm của ông còn được dịch in vào “Văn thơ Lý Trần, tập II, quyển thượng” -  năm 1989.

Tư tưởng Thiền học đã ăn sâu vào tâm hồn Trần Nhân Tông ngay thuở lọt lòng. Bởi thế, dù được cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi năm 20 tuổi (1278), 13 năm sau, (năm 1293, 33 tuổi) Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con, rồi nối gót ông nội về Am Thái Vi trong Hành Cung Vũ Lâm dự tu (1295) để đến 4 năm sau chính thức lên Yên Tử tu trì, gây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1299 - 1308).

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nảy nở từ Thủy tổ là Trần Thái Tông (Ông ), làm nên thân cành vững chắc là Trần Thánh Tông (Cha) và Tuệ Trung Thượng sĩ… để làm nên đóa hoa Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (Cháu). Có thể nói: Trần Nhân Tông đã thay ông và cha làm nên đỉnh cao giá trị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trong 190 năm, với 3 thế hệ đầu tiên của vương triều Trần, không chỉ làm nên võ công hiển hách đi cùng lịch sử nhân loại (3 lần đại thắng quân Nguyên-Mông), mà còn lập nên một Tông phái Phật giáo có giá trị đặc sắc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Một tông phái Phật giáo gắn kết mật thiết giữa đạo với đời. Vừa lo việc dựng nước, giữ nước vừa chăm lo xây dựng nhân cách con người theo giá trị Phật giáo: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Đồng thời, không kỳ thị bài bác các giá trị nhân bản của Khổng giáo hay Lão giáo…

Mới đây, nhà nghiên cứu LSVH Ninh Bình - Lã Đăng Bật đã ra mắt cuốn “Hành cung Vũ Lâm và di tích – danh thắng” viết về quá trình hình thành Hành cung Vũ Lâm (thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa lư, tỉnh Ninh Bình). Địa danh này gắn liền với sự nghiệp của 3 đời vua đầu nhà Trần. Ông đã nghiệm luận: “Nếu không có Hành cung Vũ Lâm ở Ninh Bình do Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông lập nên năm 1258, không có Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành ở Hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) từ năm 1295, không cảm nhận được giá trị của đạo Phật tại đây, thì ông cũng không lên Yên Tử tu hành, sẽ không có Thiền phái Trúc Lâm. Đó chính là hoàn cảnh ra đời của Thiền phái Trúc Lâm mà cội nguồn là ở Ninh Bình”

Đã 710 năm qua kể từ khi người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tạ thế. Với bao thoán đoạt, hưng phế của thế cuộc: Từ thời nhà Hồ sang nhà Lê, nhà Mạc lại đến cảnh vua Lê - chúa Trịnh, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh…cho tới nhà Nguyễn độc chiếm ngai vàng, rồi thực dân Pháp đặt ách thống trị gần 100 năm trên đất nước ta... Nhưng những tinh túy cốt yếu của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn còn đó. Đã rất nhiều thế hệ cao tăng thạc đức ở các thời kỳ lịch sử khác nhau không ngừng ôm ấp, truy tầm, nuôi dưỡng và tìm cách ươm nhân các hạt giống của Điều Ngự Trần Nhân Tông để lại. Thế mới biết: Những gì thuộc về Chân - Thiện - Mỹ đều bất diệt. Bởi: “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại”!

Phần 2: Viên thuốc bổ giúp người bớt khổ

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có thời đoạn tưởng như “dẫu lìa ngó ý vẫn vương tơ lòng; để đã và đang từng bước khởi sắc trong thời đại công nghệ 4.0. Người công phu nhất phải kể đến Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Hoài bão tu Thiền của Hòa thượng Thích Thanh Từ:

Với một đội ngũ đông đảo các bậc lão trượng trong ngôi nhà Giáo Hội Việt Nam (kể từ năm 1981 đến nay), như chúng tôi được biết và cảm nhận: Hoà thượng Thích Thanh Từ là một người đã âm thầm mài miệt từ buổi đầu xuất gia với một  tâm niệm: “Nếu tôi không thể là một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sinh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp người bớt khổ”. Thiết nghĩ, “Viên thuốc bổ” nơi Hòa thượng Thanh Từ đã được chưng cất từ toa thuốc linh nghiệm của Thiền Phái Trúc Lâm trao truyền lại. Hòa thượng Thích Thanh Từ (Trần Hữu Phước), sinh ngày 24 tháng 7 năm 1924; tại ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Từ năm 9 tuổi, chú bé Trần Hữu Phước, có phải chăng đã được nhận ơn phúc từ nguồn mạch họ Trần để có một cảm hứng đẫm suy tư và đậm đà Thiền vị: “Non đỉnh là nơi thú lắm ai/ Đó cảnh nhàn du của khách tài/ Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc/ Chuông hồi văng vẳng quá bi ai”. Ngày 15 tháng 7 năm 1949 (25 tuổi), Hòa thượng Thanh Từ xuất gia ở chùa Phật Quang. Tại đây, người được Hòa thượng Thích Thiện Hoa nhận làm đệ tử và trao truyền Sơ đẳng Phật học. Năm 1951 (27 tuổi), được thọ Sadi và học lên Trung đẳng Phật học bên chùa Phước Hậu. Năm 1953 (29 tuổi), thọ Cụ túc giới và học Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Việt Nam đặt tại chùa Ấn Quang. Năm 1959 (35 tuổi), ngài đã trở thành một vị trong giảng sư đoàn Hoằng pháp có uy tín lớn và rất được mến mộ. Từ năm 1960 đến 1964, ngài đảm nhiệm các chức trách: Phó Vụ trưởng rồi Vụ Trưởng  Phật học vụ; Giáo sư kiêm quản viện Phật học Huệ Nghiêm; Giáo sư các Phật học viện: Dược sư, Từ Nghiêm, Đại học Vạn Hạnh.  Từ năm 1966, Hòa thượng xin nghỉ các chức vụ. Ngài mang theo bên mình Đại tạng kinh bắt đầu lên núi Tương Kỳ (Vũng Tàu), dựng Pháp Lạc Thất, dốc chí tu hành cho đến sáng đạo. Ngày 15 tháng 4 năm 1968, ngài đóng cửa thất công phu tu niệm, với hạnh nguyện: “Nếu đạo không sáng thề không ra khỏi thất”. Chẳng bao lâu, tháng 7 năm đó ngài đã ngộ lẽ sắc không; chính yếu là từ quá trình truy cứu, nghiền ngẫm và dịch ra Việt ngữ cuốn “Thiền nguyên chư thuyên Tập Đô Tự”. Đây là tác phẩm huyết mạch cho người tu Thiền. Ngày 8 tháng 12 cùng năm, Hòa thượng tuyên bố mở cửa thất. Ngài phát lộ thệ ước: “Đã đến lúc làm Phật sự”. Hoài bão tu Thiền đã thai nghén bao năm trong thầm lặng, đơn độc của Sư (Hòa thượng Thích Thanh Từ), đến đây mới thực có điểm khởi phát và lớn dậy khiến Phật giáo Việt Nam vinh dự có một sao sáng, mở ra trang Thiền sử Việt Nam rực rỡ huy hoàng từ cuối thế kỷ XX” (Trang 634, cột 2 – Từ điển Thiền tông Hán Việt. Hân Mẫn – Thông Thiền biên dịch. Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010). Tháng 11 năm 2017, Với uy đức sẵn có, Hòa thượng đã được Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử lãnh nhiệm ngôi Phó Pháp chủ HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

“Đã đến lúc làm Phật sự”:

Trước 1975, miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, đạo Phật gặp không ít chướng duyên. Song, với tâm nguyện không thối chuyển, Hòa thượng Thanh Từ không những đã chuyên chú Văn, Tư, Tu để Giới, Định, Tuệ; mà còn tùy duyên, tinh tấn“làm Phật sự”. Theo bách khoa toàn thư mở tiếng Việt: Năm 1971: Thành lập Tu Viện Chân Không trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu, mở khóa tu Thiền đầu tiên với 10 thiền sinh; tiếp đó lập Thiền Viện Bát Nhã, Thiền viện Linh Quang cũng tại Vũng tàu. Năm 1974: Thành lập Thiền Viện Thường Chiếu, tại Long Thành, Đồng Nai. Thiết nghĩ: đây là một cách Hòa thượng Thích Thanh Từ biểu lộ niềm tôn vinh vị Thiền sư Thường Chiếu (… - 1203) người đã trao truyền lại Thiền Uyển Tập Anh – Tập tài liệu về các Thiền phái Việt Nam và là người có công lớn trong việc dung hợp 3 phái Thiền đời Lý: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, làm gạch nối cho nền Phật giáo.

                                                                        M.K.T

Bài viết khác