Chủ nhật, 19/05/2024

Tìm hiểu vị thế của nhà nước Đại Cồ Việt qua di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Trò diễn Xuân Phả"

Thứ ba, 25/06/2019

 VŨ THANH LỊCH

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Nói về sự kiện ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt vào thế kỷ X, sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc, nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội…

đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục, mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước”.Nhà nước độc lập, tự chủ đầu tiên của dân tộc ta sau ngàn năm Bắc thuộc đã từng bước xây dựng, hoàn thiện bộ máy từ trung ương đến địa phương, thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Cũng từ đây, ý thức về một dân tộc có chủ quyền, độc lập, tự chủ, sánh vai với các quốc gia, dân tộc khác đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng, tình cảm của người dân đất Việt, được bộc lộ rõ nét trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa hiện nay, nhân dân còn lưu giữ một sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, đó là trò diễn Xuân Phả được cho là khởi nguồn từ thời nhà Đinh, duy trì, phát triển và dần hoàn thiện qua các triều đại nhà Hồ, nhà Hậu Lê, phản ánh đậm nét tâm tư, nguyện vọng và ý thức của người dân về vai trò, vị thế của nhà nước Đại Cồ Việt trong khu vựcvà trên thế giới.

Trò diễn Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, đây là trò diễn có giá trị đặc biệt, được người dân làng Xuân Phả, lưu giữ và trao truyền lại qua các thế hệ từ thế kỷ X đến ngày nay.

Các truyền thuyết và thần tích ở xứ Thanh ghi lại rằng, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp giặc ở xứ Bình Kiều, cho sứ giả đi khắp nơi tìm người hiền tài giúp sức. Khi sứ giả đi đến bờ sông Chu thì gặp giông tố phải trú lại trong Nghè Xuân Phả. Đến đêm, linh thần - Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng về cách phá giặc, sứ giả bẩm báo lại với nhà vua. Vua thấy kế hay nên làm theo, quả nhiên thắng trận. Đất nước được bình yên.

Để tỏ lòng biết ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, vua Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi Hoàng đế đã về Nghè làm lễ mừng công và tạ ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, ban tặng cho thần là Đại Hải Long vương Hoàng Lang tướng quân. Tại lễ mừng công này, các nước lân cận đem lễ vật đến tiến cống, chúc mừng nhà vua đất Việt. Lễ vật không chỉ có những sản vật đặc biệt mà còn có những điệu múa hát đặc sắc của quốc gia, dân tộc, đó là các điệu múa Ai Lao, Ngô Quốc, Hòa Lan (Hoa Lang), Chiêm Thành, Lục Hồn Nhung (Tú Huần). Ngay sau đó, nhà vua đã ban 5 điệu múa trên cho nhân dân làng Xuân Phả với tên gọi “Ngũ quốc lân bang đồ tiến công”. 5 điệu múa được nhân dân làng Xuân Phả lưu giữ, trao truyền, trở thành điệu múa hát riêng, rất độc đáo của làng, có tên gọi là “Trò diễn Xuân Phả”. Hằng năm, vào dịp tế thành hoàng làng Xuân Phả ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch, nhân dân làng Xuân Phả tổ chức lễ hội, biểu diễn các điệu múa hát trước sân Nghè, nơi thờ thần Đại Hải Long vương Hoàng Lang tướng quân. Mỗi trò diễn là một câu chuyện, có tính ước lệ cao, thể hiện bằng các hình thức nghệ thuật độc đáo, được chuẩn bị công phu, biểu diễn theo trật tự quy định chặt chẽ.

Điệu Hoa Lang (hay còn gọi là Hòa Lan) tái hiện đoàn người Hoa Lang, một bộ tộc Cao Ly ở Triều Tiên, đến chúc mừng nhà vua. Dẫn đầu đoàn trò vào Nghè là một người vác lọng xanh có đeo biển “Hoa Lang đồ tiến cống”, vào hành lễ trước ban thờ, đọc văn tế: “Trên cửu trùng xiêm áo thảnh thơi/Dưới tám cõi âu ca lừng lẫy/Chúng tôi nay gần về nước Bắc, xa góc trời Nam, há dám lỗi lai vương đường cũ”. Sau đó là các điệu đấu roi, múa quạt, múa siêu đao, múa phất cờ, múa cờ lem… các điệu múa theo nhịp trống, vừa múa vừa hát hết các lời ca theo nhịp điệu riêng. Lời ca tập trung ca ngợi ân đức nhà vua và cầu chúc cho mọi người dân già trẻ gái trai luôn vui vẻ tận hưởng cuộc sống yên bình, hòa thuận, ấm no đủ đầy.

Điệu Chiêm Thành, thể hiện đoàn của vương quốc Champa tới chúc mừng, gồm có ông Chúa, bà Nàng, một người hầu, hai phỗng hầu, và 16 quân, trang phục và cách thức đi đứng, múa hát mang đậm phong cách của người Champa xưa. Chúa đọc văn tế, hai phỗng dâng hương, người hầu cầm lọng có biển hiệu “Chiêm Thành đồ tiến cống”, sau đó đoàn quân bắt đầu nhảy múa thành hai hàng. Khi đứng, khi quỳ khụy, các tư thế chuyển nhanh và cương hoạch như tư thế trong các tượng Chàm cổ xưa.

Điệu Tú Huần (hay còn gọi là điệu Lục Hồn Nhung) miêu tả các thế hệ người dân Lục Hồn Nhung, bộ tộc Lục Hồn ở phía bắc nước ta vào chầu, dâng lễ vật, thực hiện các nghi thức tế, lễ và múa hát chúc mừng. Trò diễn có hình ảnh bà cố, mẹ và 10 người con vừa đi vừa gõ xênh, nhảy theo nhịp vào đến ban thờ, quỳ vái rồi nhảy lùi xuống, thực hiện các điệu múa hát. Lời hát lối thơ lục bát, hát hai câu một theo nhịp sênh, nội dung về câu chuyện tình yêu, sinh hoạt gia đình, thể hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường vui tươi dí dỏm của người dân.

Điệu Ai Lao, thể hiện đoàn vương quốc Vạn tượng xưa do đích thân nhà vua vào chúc mừng, tiến cống Đại Cồ Việt. Đoàn quân về dự lễ hội có mang theo cả voi, hổ, ngựa, lân. Dẫn đầu đoàn trò, voi và hổ vừa đi vừa múa cùng những người thợ săn theo nhịp gõ của tiếng xênh tre. Đoàn vào trước hương án, thực hiện nghi lễ tế, sau đó tiếng trống, mõ, chũm chọe chuyển nhịp nhanh, vui nhộn để đoàn quân bắt đầu múa hát. Điệu múa hát vui tươi, mạnh mẽ, tạo tiếng cười sôi động, sảng khoái cho người xem.

Điệu Ngô Quốc mang sắc phục và hình tượng người Tàu sang dự lễ hội mừng công của nhà vua Đại Cồ Việt. Nhân vật trong trò này có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đầu đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo ăn mặc như người Mãn Thanh? Đoàn trò vừa đi vừa nhảy múa, vào đến trước hương án, ông chúa dẫn đầu đoàn quân quỳ xuống đọc văn tế: Thần văn Ngô Quốc hữu đoạ, tư duy lai vương/Thần Ngô địa tiếp Nam phương/Tầm hoài bắc diệt, thê hàn cảm hậu, ngưỡng chu đức đi lai tân bái yết tranh tiên nhập đường tiều nhi khởi vũ, vô viễn phất giới, đi lệnh thị tòng. Tự Nam, tự Bắc, tự Đông, tự Tây, Ngô Quốc hào vô tư bất bặc, duy phiên, duy viên, huy hà, duy bình. Chúc Hoàng triều vô cương duy hữu, thiên tử vạn niên. Sau khi đọc văn tế, đoàn trò múa siêu đao, múa mái chèo theo nhịp trống cùng lời hát chèo bát rồi chuyển sang chèo cậy. Điệu múa và lời hát mang âm hưởng vui tươi, dí dỏm về quan hệ lứa đôi, chồng vợ với đủ các cung bậc cảm xúc, yêu thương, hờn giận, trách móc, vỗ về…

Điểm chung của các trò diễn là các đoàn dù ở đâu, mang hình ảnh tượng trưng cho dân tộc nào thì khi vào đến trước hương án, tất cả đều cung kính hành lễ bái lạy tiền nhân, chúc tụng ngợi ca ơn đức của nhà vua, cầu chúc cho nhà vua và quốc gia luôn thái bình thịnh trị. Sau phần dâng lễ là các điệu múa hát sôi động, dí dỏm mang đến tiếng cười sảng khoái, tươi vui cho người dân.

Cũng như các lễ hội khác, trò diễn Xuân Phả là sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân làng Xuân Phả. Trò diễn không chỉ thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thanh bình, về lòng tôn kính, tri ân với các bậc tiền nhân mà còn là bức tranh phản ánh lịch sử, chứa đựng cốt lõi là hiện thực cuộc sống và thời đại mà nó ra đời.

Thông thường, các sinh hoạt văn hóa dân gian xưa nay vốn là sinh hoạt mang dấu ấn đặc thù của từng làng xã, cộng đồng, khuôn hẹp trong không gian của làng xã, song giữa Lễ hội làng Xuân Phả, Thanh Hóa, ở lưu vực sông Chu, miền Trung và Lễ hội Hoa Lư, Ninh Bình ở đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam có điểm tương đồng, đó là mở đầu chương trình lễ hội đều có màn múa tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau. Trong Lễ hội Hoa Lư đó là màn “Cờ lau tập trận”, trong Lễ hội Xuân Phả là “Trò kéo hội”, cả hai màn diễn trên ở hai nơi đều do các thiếu niên thực hiện với trang phục cổ xưa và đạo cụ hoa lau.

Bên cạnh đó, qua các lễ hội dân gian ở miền Bắc và Bắc miền Trung Việt Nam mà tác giả đã được tham dự, quan sát, nghiên cứu, trò diễn Xuân Phả là một hình thức diễn xướng dân gian đặc biệt độc đáo, trong đó, dấu ấn và hình ảnh tượng trưng về văn hóa ngoại quốc khá rõ nét, dường như chỉ nhìn trang phục và điệu bộ đã nhận ra dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm với sự biến đổi của lịch sử đất nước, trò diễn không những không bị mai một mà còn được tô đậm, làm giàu có thêm. Đây không đơn thuần là việc giao lưu, tiếp thu, tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc mà còn ẩn chứa nhiều hàm ý sâu xa của các thế hệ người dân đất Việt.

Dễ thấy, ở thời kỳ đầu của công cuộc chấn hưng dân tộc, phục hồi quốc thể của nhà nước Đại Cồ Việt, sức ảnh hưởng và lan tỏa của sự kiện Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp, thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, dựng nền độc lập đã mang ý nghĩa bước ngoặt đối với dân tộc Việt Nam. Bỏ qua yếu tố truyền thuyết làm gia tăng tính thiêng của thành hoàng làng Xuân Phả và di tích Nghè Đệ Nhất như chuyện thành hoàng làng báo mộng cho sứ giả của vua Đinh, chỉ bảo cách đánh giặc… sẽ thấy cuộc chiến bảo vệ cương giới quốc gia của nhà vua Đại Cồ Việt có sự đồng thuận, hợp lực của đủ ba yếu tố thiên - địa - nhân, khẳng định sức mạnh bất khả chiến bại của quốc gia và triều đình. Sự kiện tổ chức lễ ăn mừng và phong tước vị cho thành hoàng làng Xuân Phả không đơn thuần là sự tri ân người có công giúp vua đánh giặc mà hơn thế, còn khẳng định ngôi thiên tử của nhà vua. Xưa nay, trong quan niệm dân gian của người Việt, thần linh bao giờ cũng ở vị trí ngôi cao, chi phối đời sống sinh hoạt đời thường của con người, nhưng với Đinh Tiên Hoàng đế, thần linh là người phò tá, trợ giúp, sau chiến thắng, nhà vua phong tước vị cho thần, như phong tước cho các công hầu khanh tướng của mình. Ý nghĩa này, được các triều đại phong kiến sau này sử dụng như một cách khẳng định chính danh thiên tử của người đứng đầu vương triều, đứng đầu quốc gia.

Việc các nước lân bang mang lễ vật đến chúc mừng, tiến cống nhà vua Đại Cồ Việt trong ngày lễ mừng công tại Nghè Đệ Nhất, làng Xuân Phả hiện tại chưa tìm được tài liệu khoa học lịch sử chính thống để chứng minh song không có nghĩa là sự kiện ấy chưa từng xảy ra trong quá khứ. Bởi mọi sinh hoạt văn hóa, nhất là sinh hoạt mang tính cộng đồng cao như sinh hoạt lễ hội, đều là sự phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đó không đơn thuần biểu hiện mơ ước, khát vọng về cuộc sống sung túc, thái bình và thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc mà còn là sự ghi chép, khắc họa lại lịch sử để trao truyền cho các thế hệ tương lai. Xét về vị trí vùng đất Xuân Phả, bao quanh bởi núi cao sông rộng, lại ở xa kinh đô, việc tiếp cận đồng thời với văn hóa của 5 quốc gia, dân tộc lân bang là điều khó lý giải nếu không có sự chủ động “truyền bá” của người bản địa.

Sự “truyền bá” của người bản địa trên thực tế có thể đến bằng nhiều cách khác nhau, song lý giải bằng việc các nước lân bang mang đến chúc mừng và tiến cống nhà vua đã cho thấy sự thâm thúy, sâu sắc của cha ông ta. Trước hết, để khẳng định, người Việt sẵn sàng giao lưu, tiếp thu các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc khác và sử dụng văn hóa ngoại quốc như một tác phẩm nghệ thuật dân gian để tạo không khí vui tươi, sinh động trong ngày hội làng, làm giàu thêm đời sống tinh thần cho người dân. Đây cũng như một câu trả lời thầm lặng của cha ông ta, đáp trả lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương bắc bằng cách khẳng định người Việt có thể tiếp nhận nhiều nền văn hóa khác nhau để làm giàu cho văn hóa nước Việt chứ không riêng gì văn hóa phương Bắc. Điều quan trọng hơn, qua việc biểu diễn các tích trò, đã khẳng định vị thế của nhà vua và quốc gia Đại Cồ Việt, nhà vua được các nước lân bang tôn trọng, vị nể, mang lễ vật và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến chúc mừng, tôn vinh, thể hiện sự ghi nhận của quốc tế với Đại Cồ Việt. Đây cũng là cơ sở để các triều đại phong kiến tiếp theo thường xuyên cập nhật, bổ sung làm đậm nét thêm ý nghĩa này.

Một yếu tố khác tác giả còn những băn khoăn cần thêm thời gian để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đó là tại sao trong Lễ hội Hoa Lư, không có tích diễn nào cho thấy sự xuất hiện của người ngoại quốc khi Đinh Bộ Lĩnh tổ chức lễ đăng quang ở Hoa Lư, nhưng tại Lễ hội Xuân Phả, lễ hội nhắc nhớ sự kiện nhà vua tổ chức lễ mừng công và tri ân người có công giúp vua đánh giặc đã xuất hiện hình ảnh của các nước lân bang đến chúc mừng. Phải chăng, sự kiện đăng quang Hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh đánh dấu mốc hoàn thành việc giải quyết các vấn đề nội bộ quốc gia, dân tộc, đó là thực hiện thống nhất quốc gia Đại Cồ Việt, quyết tâm xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ, khẳng định tài chiến chinh trận mạc của Đinh Bộ Lĩnh. Việc tri ân người có công, kể cả các bậc linh thần, là việc nghĩa cử, thể hiện ân đức và khả năng thu phục nhân tâm của người đứng đầu quốc gia, dân tộc. Khi người đứng đầu quốc gia chứng tỏ được tất cả những phẩm cách đó, đã thực sự khiến nhân dân trong nước, quốc tế trân trọng và nể phục. Từ cách diễn trò trong điệu Hoa Lang và Tú Huần, với hình ảnh chúa đất, già làng run rẩy, sợ hãi, bối rối khi vào triều cống, đứng trước anh linh của đức vua và các vị linh thần, có thể liên tưởng đến ý nghĩa biểu tượng rằng, sức mạnh, sự uy phong của nhà vua Đại Cồ Việt đã khiến thủ lĩnh các quốc gia, dân tộc xung quanh không chỉ nể mà còn sợ. Đây cũng là một trong những chi tiết làm tăng thêm ý nghĩa của công cuộc thu phục sứ quân, dựng nền độc lập không chỉ đáp ứng nguyện vọng hòa bình, độc lập của Đại Cồ Việt mà có sức ảnh hưởng quốc tế sâu rộng, việc các quốc gia xung quanh ủng hộ và đến chúc mừng chính là sự thừa nhận nền độc lập tự chủ của Đại Cồ Việt.

Có thể nói, bàn về vị thế quốc gia của một dân tộc, có rất nhiều cách nhìn nhận từ nhiều chiều kích và nhiều mối quan hệ khác nhau, trong điều kiện ở thế kỷ X, và thời kỳ đầu của Nhà nước Đại Cồ Việt, không có nhiều tài liệu vật chất để nghiên cứu, thì việc tiếp cận lịch sử từ một lễ hội văn hóa dân gian cũng là việc làm cần thiết để mở rộng thêm góc nhìn về đời sống xã hội nước ta trong buổi đầu dựng nền độc lập. Trò diễn Xuân Phả là ảnh xạ của lịch sử về việc tiến cống, chào mừng của những nước lân bang, thể hiện sự bang giao của người Việt với các nước trong khu vực và quốc tế hay chỉ đơn thuần thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng độc lập tự chủ, hùng cường của nước ta thì cần tiếp tục nghiên cứu và lý giải thêm.

       V.T.L

Bài viết khác