Chủ nhật, 19/05/2024

Đoạt giải B Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2019

Thứ sáu, 20/09/2019

Từ ngày 21-30/8, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh) đã diễn ra Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ 24, do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Triển lãm thu 384 tác phẩm của 270 tác giả của 9 tỉnh, thành phố trong khu vực tham gia.

Ban tổ chức đã chọn 213 tác phẩm của 195 tác giả để trưng bày triển lãm. Trong đó, 102 tác phẩm của 84 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 111 tác phẩm của 111 tác giả là hội viên Hội VHNT ở các địa phương và những người chưa phải hội viên. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm phản ánh sâu sắc văn hóa, vùng đất, con người khu vực đồng bằng sông Hồng với cách thể hiện, sáng tạo riêng trong phong cách, bút pháp, chất liệu, bố cục… Mỗi tác phẩm là một thông điệp cuộc sống từ chính tâm hồn, tình cảm và trách nhiệm của người họa sĩ, nhà điêu khắc với quê hương, đất nước. Riêng Ninh Bình có 24 tác phẩm của 23 tác giả được trưng bày tại triển lãm. Đặc biệt tác phẩm “Cưới chuột”, điêu khắc sắp đặt gỗ của họa sĩ Kù Kao Khải đã xuất sắc giành giải B của Ban tổ chức. Triển lãm lần này có sự xuất hiện của một số nghệ sĩ trẻ có tác phẩm chất lượng, nổi bật, trong đó Ninh Bình có 6 tác giả được tặng thưởng của Ban tổ chức và 2 tác phẩm được giới thiệu về dự giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. 

 

 

            Họa sĩ Kù Kao Khải nhận giải B từ Ban Tổ chức 

 

Tại Lễ khai mạc Triển lãm, Ban Tổ chức đã trao giải A cho tác phẩm “Đánh cắp giấc mơ” của Phạm Khắc Hân (Bắc Ninh); giải B cho tác phẩm “Cưới chuột”, điêu khắc sắp đặt gỗ của Kù Kao Khải (Ninh Bình), giải C cho tác phẩm “Tan ca” tranh lụa của Phạm Quyền (Nam Định) và 6 giải Khuyến khích gồm: “Lung linh tam bạc”, sơn dầu của Trần Vinh (Hải Phòng); “Con đường huyền thoại”, khắc gỗ của Đặng Hường (Hải Phòng); “Vọng ngàn”, sắp đặt đồ đồng của Phạm Ngọc Lân (Hải Phòng); “Dòng sông Quan họ”, sơn mài của Phan Xuân Hùng (Bắc Ninh); “Những chiến sĩ đặc công”, sơn mài của Lưu Quang Lâm (Bắc Ninh); “Khoảnh khắc 1972”, Acrylic của Nguyễn Tuấn Long (Thái Bình).

                                                                                                                        P.V

 

Bài viết khác