Chủ nhật, 19/05/2024

Họa sĩ người Công giáo 50 năm vẽ tranh truyền thần về Bác Hồ

Thứ ba, 19/05/2020

Mặc dù không học chuyên môn về hội họa qua trường lớp đào tạo chính quy nhưng 50 năm qua, họa sĩ người Công giáo Trần Hòa Bình, phố Phát Diệm Tây (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn) đã thành công với trên 700 bức vẽ truyền thần về Bác Hồ được nhiều người đón nhận.

Họa sĩ Trần Hòa Bình bên tác phẩm vẽ về Bác.

Họa sĩ Trần Hòa Bình bên tác phẩm vẽ về Bác.

Sinh năm 1955 trong gia đình có truyền thống hội họa, ngay từ nhỏ, họa sĩ Trần Hòa Bình đã dành tình yêu đặc biệt với bảng vẽ, bố cục, màu sắc, ánh sáng, cây bút vẽ. Ông chia sẻ: Hạnh phúc lớn nhất của tôi khi có bố là họa sĩ nổi tiếng- cố họa sĩ Nam Phong, người vẽ bức tranh “Đức mẹ Việt Nam”, được chọn trưng bày tại Tòa thánh Vatican (nước Italy) từ cuối năm 1953. Đồng thời, ông cũng là người vẽ khá nhiều bức tranh về Bác Hồ trong cuộc đời hội họa của mình, nhân lên tình yêu nghệ thuật về Bác với tôi sau này. Đặc biệt, bố tôi cũng chính là người định hướng con đường hội họa và là người thầy dạy tôi những bài học vỡ lòng về tranh, kỹ thuật vẽ tranh.

Được tiếp xúc với những bức tranh vẽ của bố ngay từ nhỏ, nên từ khi là học sinh tiểu học, Trần Hòa Bình đã bộc lộ năng khiếu với hội họa, hàng ngày tự vẽ bức tranh phong cảnh hay cuộc sống. Nhận thấy tình yêu nghệ thuật của con bố ông đã dành nhiều tâm huyết dạy dỗ, uốn nắn, rút kinh nghiệm trực tiếp trên các bức vẽ đó. Đồng thời, bố họa sĩ Hòa Bình cũng nghiêm cấm ông không được vẽ tranh về Bác Hồ khi tay nghề vẽ chưa vững.

“Bác Hồ là người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Dù chưa từng được gặp Bác nhưng hình ảnh về đôi mắt hiền hòa, vầng trán cao, chòm râu và mái tóc bạc phơ, phong cách giản dị, gần gũi, tình yêu bao la của Bác với dân tộc Việt Nam là nguồn cảm hứng thôi thúc, giúp tôi nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn vững để những hình ảnh chân thực nhất về vẽ được Bác Hồ” – họa sĩ Hòa Bình chia sẻ.

Từ quyết tâm được vẽ về Bác, cùng với năng khiếu hội họa của bản thân, năm 1971 (khi mới 16 tuổi), họa sĩ Trần Hòa Bình đã vẽ bức tranh chân dung về Bác Hồ đầu tiên, được công chúng đánh giá cao khi ông khắc họa sắc sảo thần thái của vị lãnh tụ trong bức tranh đó. Tác phẩm đã được ông tặng UBND thị trấn Phát Diệm treo tại trụ sở. Đây cũng chính là động lực để họa sĩ Hòa Bình tiếp tục hành trình vẽ tranh truyền thần về Bác nhiều hơn.

Những tác phẩm tranh truyền thần được họa sĩ Hòa Bình vẽ chủ yếu trên chất liệu sơn dầu, khổ ảnh trung bình (68 x 88cm), với nhiều đề tài như Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ ngồi trên ghế sofa... Trong đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên ghế sofa trong chuyến thăm và làm việc tại xứ sở Bạch Dương được họa sĩ Hòa Bình truyền thần nhiều nhất, với trên 700 bức tranh. Đây cũng là bức chân dung được nhiều người yêu thích. Mặc dù vẽ số lượng khá lớn tranh về Bác, nhưng mỗi bức vẽ ông đều đầu tư tâm sức, trí tuệ, sự tỉ mỉ tới từng đường nét để có thể lột tả sinh động khí chất của vị lãnh tụ vĩ đại, với ánh mắt luôn lo nghĩ cho nhân dân, đất nước, mà vẫn giữ được vẻ giản dị và gần gũi.

Được biết, mỗi bức tranh vẽ về Bác Hồ, họa sĩ Hòa Bình dành khoảng 4 ngày để hoàn thiện. Màu sắc được ông sử dụng theo trường phái cổ điển châu Âu tạo độ sâu trong các bức vẽ, tạo phong cách riêng có, cũng như sức hút mạnh mẽ với người yêu tranh. Nhiều năm qua, tranh truyền thần do họa sĩ Hòa Bình vẽ được trưng bày không chỉ trong tư gia, văn phòng trong nước, mà còn được trưng bày trong tư gia tại nước ngoài.

Theo dòng chảy thời gian, phòng tranh truyền thần về ảnh Bác tại số 22, phố Phát Diệm Tây, thị trấn Phát Diệm đã tồn tại mấy thập kỷ qua, từ đời bố họa sĩ Trần Hòa Bình. Trong không gian khoảng 10 m2 ấy, ngoài tranh về Bác, họa sĩ Hòa Bình còn lưu giữ những bức tranh truyền thần mà ông tâm huyết, lưu lại kỷ niệm cuộc đời làm nghề. Không chỉ góp phần truyền tảo hình ảnh đẹp của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, gia đình họa sĩ Trần Hòa Bình còn giữ gìn được nét đẹp về nghề gia truyền có 3 đời vẽ tranh truyền thần về Bác. Với 4 người con (3 trai, 1 gái), thì cả 3 người con trai của ông đều theo bố làm nghệ thuật, hiện tiếp nối nghề vẽ tranh truyền thần tại Hà Nội.

Đồng chí Triệu Quốc Cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn Phát Diệm cho biết: ở Kim Sơn, họa sĩ Trần Hòa Bình là một họa sĩ tiêu biểu nhất trong vẽ tranh về Bác. Các tác phẩm của họa sĩ Trần Hòa Bình đã tạo cảm xúc mạnh mẽ đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân thị trấn Phát Diệm về lòng tôn kính cũng như học tập được rất nhiều về đạo đức, tư tưởng, tác phong Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họa sĩ Hòa Bình là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện cũng như trong công tác tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Bài viết khác