Chủ nhật, 19/05/2024

Khai hội chùa Bái Đính xuân Nhâm Dần 2022

Chủ nhật, 06/02/2022

Ngày 6/2 (tức mùng 6 Tết Nhâm Dần 2022), tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc Lễ hội chùa Bái Đính xuân Nhâm Dần năm 2022.

Tới dự Lễ khai mạc hội chùa Bái Đính năm nay có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo của tỉnh cùng các tăng ni, phật tử thập phương.

Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, được tổ chức thường niên nhằm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử của tỉnh Ninh Bình.  Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội. Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm đất Cố đô tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nên mùa lễ hội chùa Bái Đính năm nay, Lễ khai hội được tổ chức với quy mô nhỏ. Ban tổ chức rút gọn phần Lễ, chỉ cử hành nghi thức lễ chính trang trọng và không tổ chức phần hội sôi nổi như mọi năm. Trong phần lễ, thực hiện nghi thức rước nước tại hồ Đàm Thị về dâng tại Bái Đính Cổ tự, dâng lục cúng, dâng hương bạch Phật, cầu nguyện tại Điện Tam Thế, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu Thánh Mẫu Thượng Ngàn đều được tổ chức trang trọng theo nghi lễ nhà Phật để cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, một năm mới nhiều sức khỏe, ấm no hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Lễ khai hội chùa Bái Đính xuân 2022 -   Ảnh NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN

Như chúng ta đã biết, chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn tọa lạc ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư và phía bắc của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003.

Một góc quang cảnh Chùa Bái Đính nhìn từ Bảo tháp

Hơn 1000 năm về trước, tại kinh đô Hoa Lư đã có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà tiền Lê, nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có Chùa Bái Đính cổ. Khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý. Khu Bái Đính cổ tự nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, theo quan niệm dân gian đó là một vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt: đất sinh  Vua, sinh Thánh, sinh Thần, có nhà tiền đường, hang sáng thờ Phật, động tối thờ mẫu và tiên, đền thờ Thần Cao Sơn, đền thờ Thánh Nguyễn.  Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia.

Tượng Phật tại tầng 1 của Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á

Khu Chùa Bái Đính mới nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá. Kiến trúc hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống, sở hữu nhiều kỷ lục: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ, Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng Phật Di lặc 100 tấn ngoài trời, Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chuông nặng 36 tấn trong Tháp Chuông, Bảo Tháp cao nhất châu Á: Bảo Tháp chùa Bái Đính (Ninh Bình) có 13 tầng, cao 100m, Khu chùa rộng nhất Việt Nam, Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km, Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m, Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam, Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.

Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng, một địa chỉ du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.

MINH DƯƠNG

 

Bài viết khác