Chủ nhật, 19/05/2024

Mùa xuân nay, vui nhớ mùa xuân xưa

Chủ nhật, 01/01/2023

Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình ra số đầu tiên đến nay đã 30 năm. Ba mươi năm qua Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình (VNNB) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Tạp chí đã đăng tải được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh, phục vụ đông đảo bạn đọc.

Để tiến tới kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình (1993-2023), trong năm 2022, Tạp chí VNNB tổ chức chuỗi các hoạt động để nhận định, tổng kết chặng đường hoạt động 30 năm của tạp chí và tạo lên động lực, khí thế mới cho chặng đường hoạt động tiếp theo như: “Hội nghị gặp mặt Ban biên tập Tạp chí VNNB qua các thời kỳ” nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2022, “Hội nghị phát triển mạng lưới cộng tác viên Tạp chí VNNB trên địa bàn tỉnh” ngày 1/12/2022 và gần đây nhất là “Hội thảo Tạp chí VNNB 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” ngày 18/12/2022. Trong dịp cả nước hân hoan đón chào xuân mới 2023, mừng Đảng ta 93 tuổi, mừng Tết Quý Mão cổ truyền của dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, cũng hân hoan chào đón thêm niềm vui riêng. Đó là, xuân Quý Mão này, Tạp chí Văn nghệ  Ninh Bình vừa tròn 30 tuổi xuân căng tràn sức trẻ.

Nhân dịp này, Ban biên tập, phóng viên Tạp chí VNNB, nhà văn Ninh Đức Hậu mời nhà thơ Thanh Thản và nhà thơ Nguyễn Khắc Thiệu tham gia chương trình bàn tròn văn nghệ để ôn lại những chặng đường xây dựng và phát triển của Tạp chí VNNB, mà hai nhà thơ đều là những thế hệ văn nghệ sĩ đầu tiên tạo lập nên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình ngay sau ngày tái lập tỉnh tháng 4/1992.

Phóng viên: Thưa nhà thơ Thanh Thản, chúng ta vừa tổ chức thành công “Hội thảo Tạp chí VNNB 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, tại Hội thảo, các đại biểu đã được biết nhà thơ là thế hệ lãnh đạo Hội đầu tiên gây dựng nên tờ Tạp chí VNNB, nhà thơ có thể chia sẻ kỷ niệm của mình với bạn đọc tạp chí?

 Nhà thơ Thanh Thản, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí VNNB: Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh Ninh Bình (Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Ninh Bình và Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình), nằm trong hệ thống báo chí quốc gia, được Bộ Thông tin Truyền thông cấp giấy phép hoạt động, phát hành trong toàn quốc.


Nhà thơ Thanh Thản, nguyên Phó Chủ tịch Hội, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí VNNB tham luận tại Hội thảo                    Ảnh của MINH TUYỀN

Tạp chí VNNB ra số đầu tiên vào dịp đón xuân Quý Dậu 1993, là một sự cố gắng lớn của Thường trực Hội. Sau 8 tháng Hội được chia tách từ Hội VHNT Hà Nam Ninh về (4/ 1992). Vì mới chia tách tình hình của tỉnh nói chung và của Hội VHNT nói riêng còn rất khó khăn về nhiều mặt. Hội mới có một bộ khung, 5 người được Tỉnh ủy Hà Nam Ninh chỉ định là Ban chấp hành lâm thời và đều kiêm nhiệm. Tòa soạn tạp chí chưa có ai. Toàn Hội mới có 40 hội viên của 7 bộ môn (trong đó non nửa đã về hưu). Đến tháng 9/1992, mới có một người về văn phòng Hội, đầu 1993 mới thêm họa sỹ Phan Dư, còn ông Đào Vĩnh mỗi tuần mới lên làm việc ở văn phòng Hội 2 buổi sáng.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Hội quyết tâm phải ra được số tạp chí để chào mừng mùa xuân đầu tiên tỉnh được tái lập. Ban biên tập nhanh chóng được thành lập. Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập, Phó Chủ tịch Hội kiêm Phó Tổng biên tập và trực tiếp lo mọi việc của tạp chí. Các biên tập viên chọn từ hội viên có năng lực ở các bộ môn. Bài vở chưa có, kinh nghiệm chưa hay, các biên tập viên vừa làm biên tập vừa phải đi đặt bài với hội viên và cũng phải trực tiếp viết bài theo sự phân công. Tập trung làm tạp chí tuy bận nhưng mà vui. Nhiều biên tập viên cũng phải làm nhiều việc khác như kẻ nhạc, vẽ tranh vui, viết tiểu phẩm, nụ cười, sưu tầm câu đối, ra vế thách đối v.v...

Số đầu tiên mừng xuân Quý Dậu 1993 với 64 trang khổ 19 x 27 cm, in 2 mầu. Công chúng và hội viên, cộng tác viên lần đầu cầm trên tay cuốn "Văn nghệ Ninh Bình" gần gũi, thân thương ai cũng vui và rưng rưng xúc động. Nhiều người viết thư hoặc đến tận Hội chúc mừng.

Tuy vậy, những năm đầu làm tạp chí còn khá chật vật, ra không đều: Năm 1993 chỉ mới ra được 1 số, giấy phép xuất bản do sở VHTT cấp, vì còn phải tập trung cho việc tổ chức Đại hội lần thứ Nhất. Năm 1994 ra được 2 số. Đến ngày 25/10/1994 mới xin Bộ Văn hóa Thông tin cấp giấy phép xuất bản dài hạn. Từ 1995 mới ra đều kỳ mỗi quý một số, dày từ 64 - 80 trang như hầu hết các Hội tỉnh bạn lúc đó.

Năm 1997 xin đổi tên tạp chí là Hoa Lư, khổ 19 x 27 cm, sau đó lại trở về tên cũ là Tạp chí VNNB với khổ 16 x 24 cm, dày 80 trang. Năm 2003, xin cấp phép 2 tháng một số, dầy 68 trang. Những số đặc biệt, số xuân tết dày gấp đôi.

Phóng viên: Nhà thơ đã có 15 năm làm công tác Tạp chí (1992-2007) xin nhà thơ chia sẻ về việc làm Tạp chí thời kỳ đầu xây dựng.

Nhà thơ Thanh Thản: Tháng 6/1994, Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 1994 - 1999 được tiến hành. Ban biên tập được ổn định: Có đủ các biên tập viên ở các bộ môn chính, tuy nhiên vẫn là các hội viên kiêm nhiệm, không hưởng lương. Việc xuất bản tạp chí vẫn còn rất khó khăn: Vì kinh phí hạn hẹp, nhuận bút thấp, nợ nhuận bút phải kéo dài, có tác giả từ xa như Bạc Liêu (và một số nơi khác) điện hoặc viết thư về hỏi chế độ nhuận bút. Chuyện in tạp chí cũng vất vả. Tiền nhà in cũng thường phải khất lần lâu dài. Có lần ông Tổng biên tập do là người quen biết đã phải viết thư ra cho ông giám đốc nhà in Nam Định xin xóa nợ... Kinh phí lúc đó lại nằm ở tài khoản của Sở Văn hóa Thông tin. Có năm phải lên Công ty In của Bộ VHTT ở đường Đê La Thành (Hà Nội). Khi đó còn in chữ chì, phải đưa bản thảo đánh bằng máy chữ lên tận nhà in.  Khi sửa bài bản bông, cả văn phòng, có 4 người phải nhảy xe lên Hà Nội chia bài cho nhau sửa chữa. Trưa ra ăn vội cơm bụi, cơm quán bình dân cho nhanh chóng lại vào tập trung sửa bài suốt buổi trưa để chiều còn kịp nhảy xe về, không phải ở lại hôm sau. Trời mưa to, gió lớn cũng phải đi.

Trang thiết bị phục vụ làm tạp chí cũng không có gì đáng kể. Cả Hội chỉ có một máy đánh chữ nhận chia từ Hội Hà Nam Ninh về. Mỗi táp máy giấy than chỉ được 5 bản. Bản thảo cũng chỉ là những bản viết tay, nhiều bản của cộng tác viên, nhất là những người cao tuổi viết chữ rất khó đọc. Những bài sửa chữa nhiều phải đánh lại từ đầu.

Năm 2001, có Tiến sỹ Phạm Việt Long, Chánh Văn phòng Bộ VHTT, quê Ninh Bình tự nguyện làm hội viên danh dự mới tặng cho Hội một bộ máy vi tính. Từ đó làm tạp chí, đánh máy chế bản mới đỡ vất vả.

Phóng viên: Hồi ấy Tạp chí ra có khi 1 quý, hoặc 2 tháng mới có 1 số, từ năm nào thì Tạp chí ra đều đặn 1 tháng 1 số, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Thanh Thản: Từ 2005 đến nay ra đều kỳ mỗi tháng một số. Những năm gần đây hằng năm còn ra được số thứ 13. Chế độ nhuận bút ngày một tăng cao, hiện là một trong những tạp chí có nhuận bút hàng đầu trong mặt bằng báo chí toàn quốc. Tạp chí đã có nhiều điều kiện để cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đồng thời cũng tăng thêm sự thu hút đối với cộng tác viên xa gần trong và ngoài tỉnh. Chất lượng nội dung và hình thức của tạp chí luôn tiến bộ không ngừng. Có nhiều truyện ngắn, nhiều bài thơ và nhiều bài được giới thiệu trên Tạp chí VNNB lại được các tác giả gửi in trên sách báo Trung ương. Trong đó cũng có những truyện ngắn, bài thơ đã đoạt giải các cuộc thi văn thơ của Trung ương và các địa phương... Nhiều lần tổng kết năm, tạp chí VNNB đã được Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đánh giá cao và được UBND tỉnh Ninh Bình tặng nhiều bằng khen.

Phóng viên: Thưa nhà thơ Thanh Thản, tạo sức cuốn hút và hấp dẫn nơi bạn đọc, Tạp chí đã có những chuyên mục gì, và những chuyên mục ấy có sức lan tỏa ra sao?

Nhà thơ Thanh Thản: Tạp chí cũng đã có nhiều chuyên mục được bạn đọc và công chúng yêu thích, như  "Tràng An văn hiến", "Chân dung văn nghệ sỹ quê hương", "Sổ tay người yêu thơ",  "Văn học nhà trường", "Lục bát Cố đô" v.v... Tạp chí VNNB thể hiện sự tiến bộ rõ nhất là về mặt hình thức: Tạp chí ngày một dày dặn, in ấn sáng sủa, tranh ảnh mầu đậm nét, tươi trong, mỗi ngày một đẹp hơn... 30 năm qua Tạp chí VNNB luôn luôn được đổi mới, từng bước tiến bộ khá mạnh mẽ và vững chắc. Tạp chí đã bám sát, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, thời sự lớn của địa phương và đất nước… Tạp chí đã đăng tải được nhiều tác phẩm tốt của hội viên và cộng tác viên, tạo điều kiện cho nhiều hội viên trưởng thành, nhiều cộng tác viên trở thành hội viên.

Phóng viên: Nhà thơ Nguyễn Khắc Thiệu cũng là một trong những người tham gia hoạt động Hội ngay từ những ngày đầu mới tái thành lập tỉnh. Ngoài thơ nhà thơ còn có đóng góp cho Tạp chí mảng truyện lịch sử và những bài báo liên quan đến VHNT. Trong cuộc trò chuyện này bạn đọc muốn biết suy nghĩ của nhà thơ về Tạp chí VNNB.

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thiệu, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: Dấu ấn đầu tiên hoạt động của Hội là sự ra đời của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, cơ quan chủ quản là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình. Tạp chí VNNB có đủ ba mươi năm cùng tái lập tỉnh. Đến nay, tạp chí đã xuất bản gần ba trăm số, số nào cũng dày dặn và chất lượng... Thông qua Tạp chí, đã không ngừng bồi dưỡng lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Thông tin về các hoạt động VHNT thuật của địa phương; Đăng tải các bài nghiên cứu lý luận, phê bình nhằm định hướng sáng tác và thị hiếu thẩm mỹ; Bồi dưỡng lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và mang đậm bản sắc dân tộc và địa phương.

Nhiều tác giả xuất hiện khá đều đặn, bài viết chất lượng thể hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương… Có tác giả đã được kết nạp vào Hội chuyên ngành của Trung ương, nhiều tác giả đã đạt giải thưởng của Trung ương. Chế độ nhuận bút Tạp chí đã chi trả cho các tác giả được duyệt in khá đầy đủ và sòng phẳng, nhiều tác giả cảm nhận thật xứng đáng với “Lao động trí óc” của bản thân. Tôi còn biết ở nhiều tỉnh tuy khá giàu có nhưng chưa chi trả được như vậy. Đặc biệt, trong in ấn không có tình trạng đua chen, không hề tạo ra sự ganh đua hay in ấn giữa các tác giả với nhau hoặc giữa tác giả với Ban biên tập.  Tạp chí chưa có tác giả nào có vi phạm về quan điểm, đường lối, chính sách. Có thể nói, đó là kết quả tốt đẹp nhất của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình trong hơn ba mươi năm qua.

Phóng viên: Theo nhà thơ thì nguyên nhân chủ yếu nào làm nên kết quả đó?

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thiệu: Công tác văn học nghệ thuật của tỉnh nhà luôn luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, không có khuynh hướng sai trái đối với chủ trương mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Ban Biên tập Tạp chí luôn nắm vững quan điểm, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy. Luôn luôn giữ gìn sự thống nhất, đoàn kết trong Ban biên tập và với các tác giả được in trong Tạp chí.

Phóng viên: Để Tạp chí VNNB ngày càng hay hơn, phong phú hơn, nhà thơ có đề xuất, kiến nghị gì không?

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thiệu: Tôi xin được kiến nghị với Hội VHNT và Ban biên tập mấy vấn đề như sau: - Không ngừng nâng cao chất lượng của Tạp chí từ nội dung đến hình thức để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhất là đội ngũ học sinh, sinh viên. Tạp chí nên mở thêm các chuyên mục hấp dẫn bạn đọc. Ví dụ như chuyên mục “Bạn đọc hỏi, Tạp chí trả lời”.

Nhà thơ Thanh Thản: Để tiếp tục nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức, tôi xin đề nghị tạp chí cần quan tâm hơn đến mấy vấn đề sau: Về truyện: Chúng tôi thấy tuy đã có nhiều truyện tốt về nội dung, hay về nghệ thuật, nhưng nhiều số cũng chưa thực đồng đều. Nay vẫn còn có những truyện chất lượng chưa cao… Tản văn cũng còn có những bài sơ sài. Có bài còn như một ghi chép, một bài báo, một hồi ký hay một kỷ niệm nhỏ... không để lại được điều gì mới cho bạn đọc. Thơ cũng còn có những bài dễ dãi, non yếu về ý tứ, ngôn từ, hình ảnh... Có bài tỏ ra là đổi mới, tìm tòi cách tân, như gạch ngang, ngắt dòng, ngắt nhịp một cách tùy tiện, vô nghĩa gây sự phản cảm cho bạn đọc... Ảnh nghệ thuật cũng còn có ảnh không hơn một bức ảnh thông tấn... Một số chuyên mục chưa được duy trì đều, chưa thường xuyên. Đã gọi là chuyên mục thì cần phải cố định, như: "Chân dung văn nghệ sỹ quê hương", "Lục bát cố đô", "Sổ tay văn học", "Bạn có biết"... Số xuân, số tết cần có thêm những mục như tranh vui, tiểu phẩm, nụ cười, câu đối, thách đối, chuyện dân gian ngày tết xưa của quê hương, đất nước...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Thanh Thản, nhà thơ Nguyên Khắc Thiệu. Một mùa xuân mới vừa đến, xin kính chúc 2 nhà thơ cùng quý bạn đọc thân mến của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang, thịnh vượng!

Ninh Đức Hậu (thực hiện)

(Nguồn: TC VNNB  275+276 tháng 1/2023)

 

Bài viết khác