PHẠM TRỌNG THANH
Trong “Bản dự thảo hồi ký về việc liên lạc với các đồng chí cách mạng cũ thời kỳ thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”, ông Trần Đình Sóc viết ngày 18 tháng 9 năm 1964 (theo yêu cầu của Ban Sưu tầm tài liệu lịch sử Đảng, tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội), ở Phần thứ IV, tác giả Trần Đình Sóc kể một số chi tiết về việc ông “được gặp và quen biết cụ Nguyễn Sinh Huy tức cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Sài Gòn và Cao Miên (1924-1928)”.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc, còn gọi là Nguyễn Sinh Huy, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà nho yêu nước. Cụ đậu Cử nhân năm Giáp Ngọ (1894), đậu Phó bảng khoa Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901). Sau khi đậu Cử nhân, cụ về quê Kim Liên, Nam Đàn dạy học và kết giao với các sĩ phu yêu nước. Năm 1906, cụ về kinh nhậm chức Thừa biện bộ Lễ. Tại Huế, năm 1907 xảy ra việc người Pháp ép buộc vua Thành Thái yêu nước phải thoái vị vì có ý đồ chống Pháp. Cụ Phó bảng đã có một nhận định xác đáng về thân phận quan trường triều đình Huế lúc bấy giờ: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ”(Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ càng nô lệ hơn)(1). Năm 1909, triều đình đổi cụ đi làm Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Làm Tri huyện, cụ thường chống đối viên công sứ Pháp ở Bình Định, có lần thả cả những người tham gia phong trào chống thuế năm 1908 và xử phạt nghiêm khắc bọn cường hào nhũng nhiễu, ức hiếp người dân nên bị cách chức(2). Bỏ quan, đầu năm 1911, ấp ủ nỗi niềm yêu nước thương dân, cụ lên đường tìm vào các tỉnh phía Nam. Cụ đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người ở những nơi cụ đến: Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp và sang tận Campuchia.(3) Vào thời gian đó, anh thanh niên Trần Đình Sóc từ Nam Định vào Sài Gòn cùng mấy người chung chí hướng, mở tiệm Nam Gia đóng giày, làm mũ ở đường Catinat, bí mật ủng hộ tài chính cho các hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Anh được gặp cụ Phó bảng thân phụ Bác Hồ.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo điện tử Người lao động)
Trong bản Dự thảo hồi ký, Trần Đình Sóc viết: “Khi tôi ở Sài Gòn thường gặp một ông cụ đã có tuổi độ ngoài sáu mươi, nét mặt dày dạn phong sương nhưng biểu lộ một tinh thần cương nghị. Những buổi sáng, cụ thường hay đến một cửa hàng bán thuốc bắc của người Hoa kiều ở gần chợ Bến Thành, xem mạch, kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Cụ chỉ nhận tiền thù lao của người giàu có nhưng rất ít. Ngoài ra, cụ không chịu lấy tiền. Tôi thấy cử động đặc biệt của cụ rất muốn được làm quen với cụ. Song mỗi khi trực tiếp chào hỏi cụ thì thấy cụ có ý dè dặt nên tôi không dám đường đột. Ngẫu nhiên, một hôm tôi được gặp cụ đến chơi nhà ông Lê Đức (học trò cụ Lương Văn Can, làm nghề viết báo ở Sài Gòn). Tôi được ông Lê Đức giới thiệu mới biết cụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Tôi rất sung sướng và nhớ lại câu chuyện “Cụ Bảng đi thi Hội” mà tôi được nghe trong khi ông ngoại tôi thuật lại với bạn bè, khi ấy tôi mới bảy tuổi. Câu chuyện thế này: Khoa ấy, hình như khoa Canh Tý - tôi không nhớ rõ...ông Nguyễn Sinh Huy đi thi Hội. Trong trường, mọi người đã viết xong rồi mà vẫn thấy ông Nguyễn viết lia lịa, ông viết hết giấy của ông, ông lại còn đi xin giấy của những người khác còn thừa mà viết thêm mãi. Mọi người đều lấy làm lạ. Sau mới biết bài ông Nguyễn Sinh Huy viết là một bài nói về những tệ hại thối nát của nền chính trị lúc bấy giờ”.
“Tôi liền tự giới thiệu với cụ, tôi là cháu ngoại ông Nguyễn Hữu Cương ở Thái Bình và là cháu nội ông Trần Hy Tăng tức Trần Bích San ở Nam Định. Vì trước kia cụ Bảng đã ra chơi nhà ông ngoại tôi hai lần. Cụ Bảng quen biết ông ngoại tôi là do em ruột ông ngoại tôi là Nguyễn Hữu Đàn học Quốc Tử Giám ở Huế, là bạn của cụ Bảng”.
“Sau khi cụ biết lai lịch của tôi, tôi được cụ tỏ cảm tình nồng nhiệt. Từ đấy, tôi thường được gần gũi cụ trong những ngày cụ ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng cụ về Sài Gòn hay nghỉ ở các chùa chiền. Thường cụ đi khắp lục tỉnh (Nam Bộ), nay đây mai đó, không ở lâu một nơi nào. Chỉ riêng Rạch Cái Tôm miền Cao Lãnh là cụ hay ở lâu thôi. Năm 1928, chúng tôi ở Phnompenh được tin cụ yếu mệt ở Rạch Cái Tôm, Cao Lãnh, vợ tôi là Phạm Thị Bảo An xuống đấy chăm sóc thuốc thang cho đến khi cụ bình phục. Chúng tôi mời cụ lên Phnompenh an dưỡng cho chúng tôi được gần gũi cụ. Cụ liền lên Phnompenh với chúng tôi. Chúng tôi để cụ nghỉ ở một cái miếu cách nhà chừng hơn một cây số, nơi ngoại thành tĩnh mịch. Ban ngày thì chúng tôi về hiệu Hưng Thạnh buôn bán. Ban tối, hai vợ chồng tôi và đứa con gái tôi tên là Trần Thụy Liên, sáu tuổi, xuống ở với cụ. Trong những ngày cụ ở với chúng tôi như một gia đình, có già có trẻ rất vui.
Cụ yêu cháu Liên lắm. Cụ chỉ ở với chúng tôi độ 6 tháng. Cảnh gia đình vui vẻ như thế, nhưng bên ngoài vẫn có mật thám Pháp rình mò, do đó cụ không chịu ở lại Phnompenh. Cụ lại đi chơi các nơi dưới Nam Bộ”.
“Như trên tôi đã kể, tôi đã có dịp thuật lại cho cụ Nguyễn Sinh Huy biết các tin tức chúng tôi nhận được về sự hoạt động của ông Nguyễn Ái Quốc là con giai cụ bên Pháp, tôi cũng đã nhờ anh Nguyễn Danh Tại đem biếu cụ một tấm ảnh của ông Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Pháp”.
“Đến năm 1929 thì tôi bị trục xuất về Bắc nên gia đình tôi phải xa cụ. Mãi đến khi anh Nguyễn Danh Tại bị trục xuất về, chúng tôi mới được biết tin cụ đã mất. Chúng tôi thương tiếc vô cùng”.
“Cụ đã dạy tôi thêm về nghề Đông y và trước khi cụ mất, cụ có gửi cho tôi số sách Đông y của cụ. Những sách này bấy lâu mật thám Pháp khám nhà đã lấy mất mấy quyển. Nay tôi chỉ còn giữ được 3 quyển trong đó có bút tích của cụ ghi chú”.
“Cụ đã để lại cho gia đình chúng tôi một số kỷ niệm êm đềm tươi sáng mà chắc chắn không bao giờ chúng tôi quên được. Nhớ đến cụ là tôi nhớ đến một bậc lão thành cách mạnh mà đức độ cao cả và nhận thức sâu rộng, ít có nhà cách mạnh lão thành nào sánh kịp...Tôi thật là người đã có may mắn hãn hữu được gần cụ một thời gian”.
Ông Trần Đình Sóc sinh năm 1900 tại làng Vị Xuyên, tổng Đông Mạc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự, phường Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định, mất năm 1979 tại gia đình.
Sinh trưởng trong một gia đình bên nội, bên ngoại có truyền thống yêu nước, Trần Đình Sóc tiếp thu ảnh hưởng tốt đẹp trong môi trường đạo lý, trí tuệ, tư tưởng tiến bộ của các bậc tiền bối. Ông học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp, làm giáo học dạy học ở Hà Nội. Thời kỳ này, chính quyền thực dân ra sức đàn áp phong trào yêu nước sau khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 bị dập tắt. Trần Đình Sóc bỏ việc dạy học ở trường Bảo Hộ về Nam Định khi gia đình ông là địa chỉ liên lạc của những người yêu nước chống Pháp.
Nhà ông, số 7 Bến Ngự, Nam Định từ năm 1905 đến năm 1928 là điểm hẹn đi về của Phong trào Đông du, Đông Kinh Nghĩa thục, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Nam Định. Cụ nội là Phó bảng Trần Doãn Đạt (1821- 1871), một nhà giáo đức độ, làm quan đến chức Án sát triều vua Tự Đức. Ông nội là Tam nguyên Trần Bích San (1840 – 1877), đỗ đầu ba khoa liên trúng thi Hương, thi Hội, thi Đình, làm quan đến chức Tham tri bộ Lễ, Tuần phủ Hà Nội... một nhà thơ yêu nước triều vua Tự Đức, làm Chánh sứ, mất trước ngày lên đường sang Pháp. Em ruột ông nội là Trần Bạch Lân, làm Tri phủ Nho Quan, Ninh Bình, triều vua Đồng Khánh, mộ quân chống Pháp khi Pháp đánh chiếm Nam Định, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và mất khi được ân xá trở lại quê nhà.
Gia đình bên ngoại, ông nội của mẹ là cụ Nguyễn Mậu Kiến, quê ở Động Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, làm quan Án sát, dám nói thẳng trước mặt vua Tự Đức những việc hủ bại trong chế độ thời ấy. Cụ bị cách chức, xung sơn phòng quân thứ. Năm 1873, giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, chiếm thành Hà Nội và 3 tỉnh miền trung châu, cụ Nguyễn Mậu Kiến tự bỏ tiền mộ quân nghĩa dũng chống giặc.
Ông thân sinh của mẹ là Nguyễn Hữu Cương kết giao với các nhà chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Huy, Lương Văn Can...
Năm 1883, giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, ông Nguyễn Hữu Cương cùng với em ruột là Nguyễn Hữu Thu và Đề đốc Tạ Hiện mộ quân chống Pháp tại Bắc Ninh, chiến đấu được một năm thì thất bại. Thời gian sau đó, ông ủng hộ phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa thục. Chính quyền thực dân Pháp đày ông ở tỉnh Cần Thơ, Nam Bộ. Ông bị bệnh và mất ở đó.
Chú ruột của mẹ là Nguyễn Hữu Bản mộ quân chống Pháp. Năm 1883, nghe tin giặc Pháp chiếm thành Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Bản đem quân từ Thái Bình, tập kết về phố Bến Ngự, lên thành Nam Định xin với Tổng đốc Vũ Trọng Bình được kháng chiến giữ thành. Tên ông cùng với các ông Nguyễn Công Vân, Nguyễn Công Tích (em ruột của mẹ), Nguyễn Công Khước, Nguyễn Công Úc (em họ của mẹ) trong số 50 hào kiệt khởi nghĩa chống Pháp bị hy sinh được chép trong sách Việt Nam nghĩa liệt sử. (Sách do ông Đặng Hữu Bằng, người làng Hành Thiện, Ủy viên Bộ chấp hành Việt Nam Quang phục Hội, phụ trách Bắc Kỳ biên soạn, cụ Phan Bội Châu hiệu đính).
Trong bản Dự thảo hồi ký của Trần Đình Sóc, những nhân vật mà ông nhắc đến trong quan hệ gia đình bên mẹ, còn phải kể đến người tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, chí sĩ Lương Ngọc Quyến, một nhân tài nổi trội trong phong trào Đông Du, ủy viên quân sự Bộ chấp hành Việt Nam Quang phục Hội. Ông là con thứ cụ Cử Lương Văn Can (Hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), kết duyên với bà Nguyễn Hồng Đính, dì ruột của Trần Đình Sóc khi bà xuất dương, ở nước ngoài. Năm 1910, 1913, ông Lương Ngọc Quyến hai lần về số nhà 7, Bến Ngự, Nam Định, nhờ bà chị vợ đưa sang tỉnh Thái Bình hoạt động và thăm quê vợ ở huyện Kiến Xương. Trong những ngày cùng Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) cầm đầu cuộc khởi nghĩa, làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên (30/8/1917- 5/9/1917), Lương Ngọc Quyến được tôn làm quân sư. Khi quân Pháp huy động lực lượng mạnh phản công, Lương Ngọc Quyến bị Pháp cầm tù lâu ngày, hai chân bị liệt, kiên quyến từ chối lên cáng thương do nghĩa quân chuẩn bị: ông không muốn làm chậm cuộc thoát hiểm của mọi người. Trước trận tiền, Lương Ngọc Quyến hai lần yêu cầu Đội Cấn hãy bắn vào ngực mình. Đội Cấn miễn cưỡng quỳ xuống vái người quyên sinh rồi nổ súng(3). Tiếng súng tiễn người anh hùng tựu nghĩa còn vang vọng đến mai sau.
Thân mẫu Trần Đình Sóc là cụ Nguyễn Phượng Trừu, còn gọi là cụ Trần Thị Kiểm, ở góa từ năm 29 tuổi, năm cụ ông Trần Song Ứng qua đời. Cụ bà một mình nuôi dạy các con, hết lòng giúp đỡ các nhà chí sĩ trong Phong trào Đông Du: Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền..., giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội: Lê Hồng Sơn, Đinh Chương Dương, Nguyễn Danh Đới, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu (Tổng Bí thư Trường Chinh) đến Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1967, cụ Nguyễn Phượng Trừu được Nhà nước trao tặng “Bằng có công với nước” và “Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công”.
Được người mẹ giàu lòng yêu nước khuyến khích, Trần Đình Sóc tự nguyện làm người giao thông liên lạc cho các chiến sĩ cách mạng vào Nam, ra Bắc, sang Campuchia từ năm 1921 đến năm 1928.
Trần Đình Sóc là người liên lạc tin cậy của cụ Đinh Chương Dương, một nhân sĩ yêu nước hưởng ứng Phong trào Đông Du, thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Từ Hà Nội, cụ Lương Văn Can giao cho Trần Đình Sóc nhiệm vụ đưa đón đồng chí Lê Hồng Sơn hoạt động ở nước ngoài về Hà Nội xuống Nam Định, liên hệ với cụ Đinh Chương Dương vào Thanh Hóa, Nghệ An gây cơ sở cách mạng. Chuyến công tác giữ được bí mật an toàn, qua mặt bọn mật thám và tay sai. Đồng chí Lê Hồng Sơn, người đã từng hỗ trợ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong vụ đánh bom ám sát Toàn quyền Merlin tại khách sạn Victoria ở Sa Điện, Quảng Châu, Trung Quốc năm 1924 (vụ mưu sát không thành). Trong chuyến trở về quốc nội vận động cách mạng năm 1923, Lê Hồng Sơn một mình đối đầu với 11 tên cướp giữa đồng không mông quạnh Nghệ An. Bằng mưu trí và võ thuật, ông đã đánh tan đám cướp hung tợn rồi đàng hoàng lên tàu từ ga Vinh trở ra Nam Định. Việc này khiến Trần Đình Sóc càng thêm quý phục người chiến sĩ cách mạng mưu lược quả cảm. Biết đồng chí Lê Hồng Sơn không đủ tiền mua vé xuống tàu thủy đi hải ngoại, Trần Đình Sóc đã vận động bố vợ là cụ Phạm Quang Sán biếu 300 đồng, vận động vợ ông bán đồ tư trang được 300 đồng nữa là 600 đồng đưa cho anh Cả Ngọc, mang vào Cát Đằng trao cho đồng chí Lê Hồng Sơn.
Một công dân yêu nước không ở trong tổ chức nhưng hết lòng ủng hộ các chiến sĩ cách mạng vào lúc khó khăn nhất. Năm 1924, Trần Đình Sóc nhận nhiệm vụ chuyển 30 cuốn Việt Nam nghĩa liệt sử do cụ Phan Bội Châu từ hải ngoại gửi về nước qua đường bưu chính Campuchia. Trần Đình Sóc bí mật mang theo sách trốn dưới hầm tàu Orénoque từ cảng Sài Gòn, mang trót lọt số sách ra bắc, chuyển cho cụ Lương Văn Can làm tài liệu tuyên truyền tinh thần ái quốc của Việt Nam Quang phục Hội. Thời kỳ quản lý cửa hàng Hưng Thạnh ở Phnompenh, Campuchia, được biết báo Việt Nam hồn do ông Nguyễn Ái Quốc chủ trương từ trước và địa chỉ của báo ở Paris, Trần Đình Sóc đã gửi tiền ủng hộ tờ báo. Ông cùng đồng nghiệp còn ủng hộ tài chính cho các tờ báo Le Travail, Notre Devoix... của tổ chức cách mạng trong nước. Năm 1926, tại Phnompenh, ông cùng các đồng sự tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, được Việt kiều hưởng ứng rầm rộ, gây ảnh hưởng tốt lúc bấy giờ.
Đáng trân trọng nhất là việc Trần Đình Sóc cùng gia đình ông đã dành trọn tình cảm và lòng kính yêu cụ Phó bảng thân phụ Bác Hồ trong thời gian được gần gũi, chăm sóc cụ khi cụ đau yếu đến khi lành bệnh, trở lại công việc thường nhật của cụ.
Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Đình Sóc được chính quyền Cách mạng giao công tác tham gia phụ trách bình dân học vụ tỉnh Nam Định. Trong kháng chiến chống Pháp, ông dạy học ở trường cấp II, Liên khu III. Sau đó, ông làm lương y Xưởng quân giới Liên khu III, tại Thái Bình. Trước khi chuyển về Hà Nội tham gia Hội Đông y Thủ đô, ông tham gia hoạt động văn nghệ tại thành phố Nam Định do Ty Văn hóa tỉnh tổ chức.
Bản hồi ký của ông có chứng thực của nhiều chiến sĩ cách mạng cũ, được lưu trữ tại Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, hai quyển sách Đông y có bút tích chú thích của cụ Phó bảng thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, gửi cho Trần Đình Sóc, ông đã hiến tặng Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, được Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trân trọng lưu trữ.
Thay mặt gia đình, anh Trần Văn Đức trao cho chúng tôi xem Giấy cảm ơn do Viện trưởng Phạm Văn Hải ký ngày 21/4/1971, tại Hà Nội với nội dung: “Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam xin chân thành cảm ơn ông Trần Đình Sóc ở số nhà 74, phố Hàng Bông, Hà Nội đã có nhiệt tình trao tặng hai cuốn sách thuốc của cụ Nguyễn Sinh Huy để góp phần xây dựng Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.”
Tại ngôi nhà số 7, Bến Ngự - Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia xếp hạng năm 1991, bên vườn cũ Cổ Mai Trang, Trần Văn Đức, cháu nội ông Trần Đình Sóc, hiện là Bí thư Đảng ủy phường Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định mời chúng tôi cùng anh thắp tuần hương dâng lên ban thờ gia tộc với niềm thành kính thiêng liêng./.
Chú thích: (1), (2), (3): Tư liệu tham khảo trên các Webside: Bác Hồ với Huế, TaiLieu.vn, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp), Wikipedia.
(Nguồn: VNNB238/5-2020)