Thứ sáu, 13/09/2024

Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ, người đầu tiên trong lịch sử nắm giữ quyền hình pháp (1)

Thứ ba, 17/03/2020

TRƯƠNG ĐÌNH TƯỞNG

1. Lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ ở Việt Nam là một việc khó khăn, bởi nguồn tư liệu không có nhiều. Vấn đề này có lẽ đây là lần đầu tiên được đề cập ở một hội thảo tầm cấp quốc gia.

Đề tài rất hay, hấp dẫn, nhưng lựa chọn một số hay một nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử là không đơn giản và dễ dàng. Được Ban tổ chức Hội thảo mời tham dự và tham luận, tôi xin góp mấy kiến giải nhỏ mang tính giới thiệu một “ứng viên” người quê hương Ninh Bình vào danh sách “Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ ở Việt nam” để hội thảo có thêm một góc nhìn nhận không chỉ về một nhân vật lịch sử mà còn nhìn rộng hơn về người khởi đầu xây nền đắp móng sự nghiệp hình pháp của cha ông ta thời đầu dựng nước Đại Cồ Việt hùng cường, sánh ngang Tống Khai Bảo ở Trung Hoa thời thịnh trị.

2. Sử cũ Trung Hoa chép rằng, sau khi trấn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện tấu cáo về nước cho vua Hán biết  “Luật Giao Chỉ” khác hơn Luật Hán 10 điều, nhưng thực ra những “điều” khác đó chưa phải là luật, mà chỉ là những “tập quán pháp” bất thành văn trong các công xã thời Việt cổ ở nước ta mà thôi. Các triều đại sau này từ Khúc, Dương, Ngô giành độc lập tự chủ cũng không thấy sử sách chép gì về luật pháp nước ta.

Đến khi Đinh Tiên Hoàng dẹp yên loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, năm 968, “Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, chế triều nghi, đặt niên hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế” (2). Sử gia Lê Văn Hưu bàn rằng: “Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ…” (3) Chế triều nghi” và “Chế độ gần đủ” được nói đến trong các sách sử này là nói về việc vua Đinh xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền với các thiết chế, về cơ bản, mô phỏng theo nhà nước phong kiến Trung Hoa, trong đó có sự chú trọng đáng kể về luật pháp. Thời Đinh - Tiền Lê (968-1009), sử cũ không thấy ghi chép pháp luật thành văn. Tuy nhiên, chắp nối từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, từ những mảnh vụn của lịch sử chắp nối lại, chúng ta thấy, thời kỳ này tuy chưa có pháp luật thành văn nhưng đã có các chế định, chế tài bất thành văn trong hoạt động hình pháp, và đặc biệt, tiến bộ xa hơn các triều đại trước đó trong lịch sử là đã có chức quan đứng đầu trong bộ máy quân chủ tập quyền ở trung ương chuyên trông coi việc hình án. Đó là chức quan sử cũ chép là Đô hộ phủ sĩ sư, mà người đứng đầu và thực thi là Lưu Cơ.

3.Về nhân vật Lưu Cơ: Theo thần tích xã Phúc Lễ, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên: Lưu Cơ quê làng Đại Hoàng, cùng ấp với vua Đinh. Cũng theo thần tích và ghi chép trong sử sách thì Lưu Cơ người cùng làng, cùng tuổi với vua Đinh, quê làng Đại Hữu, tổng Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Lưu Cơ người cùng ấp và cùng tuổi với Đinh Tiên Hoàng, làm quan đến Đô hộ phủ sĩ sư” (4). Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện của danh nho Nguyễn Tử Mẫn viết năm 1862 cũng chép: “Lưu Cơ người huyện Gia Viễn, cùng làng, cùng tuổi với Đinh Bộ Lĩnh, làm quan đến Sĩ sư đô hộ phủ” (5).

Thiếu thời, Lưu Cơ theo học Tri Hối tiên sinh (nay thuộc Gia Tân, Gia Viễn), sau lại theo học một người thầy ở Bồ Bát (nay thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư (Gia Hưng, Gia Viễn), lúc này đã ngoài 20 tuổi, Lưu Cơ vốn là bạn từ thưở “Cờ lau tập trận” với  Đinh Bộ Lĩnh, ông trực tiếp tham gia đánh dẹp một trong “thập nhị sứ quân” ở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh) là Lý Khuê (Lý Lãng Công). Sau khi đất nước thái bình, Lưu Cơ làm quan đầu triều nhà Đinh và Tiền Lê, sau khi mất, được nhân dân vùng Siêu Loại (Bắc Ninh), nhớ ơn ngài dẹp loạn Lý Khuê năm xưa, lập miếu thờ làm thành hoàng.

Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục là ba bộ quốc sử lớn của nước ta còn lại đến ngày nay đều ghi chép thống nhất là: Năm 971, vua Đinh định ra giai phẩm cho các quan văn võ và tăng đạo. “Cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân…” (6). Như vậy, Lưu Cơ giữ chức quan đứng trên cả Lê Hoàn. "Việt sử lược" là bộ sách sử soạn vào thời nhà Trần cũng chép, vua Đinh “lấy Lưu Mỗ làm Thái sư Đô hộ phủ” (7), cai quản toàn bộ Giao Châu, đóng đại bản doanh ở Phủ Đô hộ cũ, tức thành Đại La, sau Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra đổi gọi là Thăng Long. Thái sư là hàm chức rất phổ biến trong bộ máy chính quyền Trung Hoa phong kiến thời Tống. Ở Việt Nam, đến thời Lý, Trần, sử sách đã chép về hàm chức này. Ngay từ thời nhà Đinh, khi bộ máy quan chức triều đình được mô phỏng theo nhà Tống, Đinh Liễn dẫn đầu phái bộ sang giao hảo với Tống triều, cũng được tấn phong là Thái sư. Hàm chức Thái sư (quan văn) được coi tương đương chức Tể tướng, chức vị quan đầu triều, đứng đầu hành pháp, nằm trong “tam thái” (Thái sư, Thái phó, thái bảo). Thời Lý - Trần, hàm chức Thái sư thường là bậc đại quan đầu triều, những đại công thần khai quốc như Lê Văn Thịnh, Trần Thủ Độ...Đối diện với Thái sư là hàm chức Thái úy (quan võ) như Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải. Song hàm chức Thái sư bao giờ cũng trên Thái úy một bậc, vì Thái sư là hàm chức quan đầu triều, ngang hàng Tể tướng. Như vậy, nếu theo Việt sử lược ghi chép thì Lưu Cơ là Thái sư, ngang Định Quốc Công Nguyễn Bặc, giữ chức Thái tể triều Đinh. Bởi thế, chúng tôi cho rằng, ngoài việc Lưu Cơ được vua Đinh giao chức sĩ sư “trông coi hình án”, ông còn kiêm chức cai quản La Thành (Phủ đô hộ cũ nhà Đường) với chức vị Thái sư, quyền ngang Thái tể Nguyễn Bặc tại triều Hoa Lư để thừa mệnh vua quyết đoán việc xa kinh thành Hoa Lư hàng trăm dặm đường, trong bối cảnh đất nước vừa qua binh lửa loạn lạc “thập nhị sứ quân” như “Việt sử lược” ghi chép là phù hợp.

4.Về chức quan Đô Hộ phủ Sĩ sư: Vấn đề ở đây cần làm rõ chức Đô hộ phủ Sĩ sư mà vua Đinh tấn phong cho Lưu Cơ là chức quan gì? bởi có nhà nghiên cứu còn cho rằng, đây chỉ là chức quan cai quản vùng đất có danh xưng từ thời nhà Đường là Đô Hộ phủ (Đại La) cho Lưu Cơ chứ không liên quan gì đến công việc hình pháp cả?

Trước hết về danh xưng “Đô hộ phủ”. Theo Toàn thư, Nhâm Ngọ, năm 622, dưới thời nhà Đường, niên hiệu Vũ Đức năm thứ 5 “Năm này nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam đô hộ phủ” (8). Đến năm 758, “Nhà Đường đổi An Nam Đô hộ phủ làm Trấn Nam đô hộ phủ”. Đến năm 768, “Nhà Đường lại đổi Giao Châu làm An Nam Đô hộ phủ”(9) “Mùa thu tháng7 (863), lại đặt An Nam đô hộ phủ ở thành Giao Châu”(10). Đến năm 866 “Tháng 11 ngày Nhâm Tý, vua Đường xuống chiếu...đặt Tĩnh Hải quân ở Giao Châu, cho Biền (Cao Biền) làm Tiết độ sứ (Từ đây cho đến nhà Tống, An Nam thành Tĩnh Hải quân tiết trấn)(11). Đặc biệt, “Việt sử lược” lại chú rằng “Đô hộ phủ là miền Giao Châu đời Đường, tương đương đồng bằng Bắc bộ. Lúc này ta vẫn giữ sự phân chia các khu vực hành chính như đời Đường” (Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Trường Châu…)(12).

Như vậy, Đô hộ phủ là danh xưng được đặt từ thời nhà Đường cai trị nước ta, từ năm 622 đến năm 866, tổng cộng 244 năm. Đây là vùng đất chỉ lỵ sở của đất Giao Châu (nước ta), “Từ khi Lý Trác xâm nhiễu, rồi người Man cướp phá, đến gần 10 năm, đến đây (năm 866) “Biền giữ phủ xưng vương, đắp La Thành vòng quanh là 1982 trượng lẻ 5 thước...”(13). Đô hộ phủ là vùng đất Cao Biền đắp La Thành. Vậy nên, “Đô hộ phủ” là lỵ sở nước ta thời thuộc Đường, đến Cao Biền đắp thành làm trị sở gọi là Đại La. Đến năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đặt là Thăng Long.

Vậy, Sĩ sư là chức quan gì? Theo lời chú của Toàn thư: “Sĩ sư là chức quan của nhà Chu (theo sách Chu Lễ), Đô hộ Sĩ sư ở đây là chức quan coi việc hình án ở phủ Đô hộ. Phủ đô hộ là danh hiệu từ thời Bắc thuộc nay nhà Đinh vẫn giữ danh hiệu ấy để chỉ chức quan giữ việc hình án ở kinh sư, tức chức quan đứng đầu việc tư pháp trong nước… ”(14). Theo sách cổ của Trung Quốc thì chức quan này được chú là ngục quan. Sách Luận ngữ của Khổng Tử (480-350 TCN), phần Vi Tử có chép việc Liễu Hạ Huệ thời Chu làm Sĩ sư....và phần chú giải đời sau còn ghi Liễu Hạ Huệ làm chức Tư pháp bộ trưởng. Có nghĩa là, sĩ sư là chức quan có từ thời nhà Chu, tương đương chức thượng thư (bộ trưởng) tư pháp sau này. Còn lời chú của “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì chức Đô hộ phủ sĩ sư là chức quan coi việc hình ngục. Theo thần tích xã Phúc Lễ, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên: “…Vua Đinh phong Lưu Cơ làm Đô Hộ phủ sĩ sư, em họ là Lưu Lang làm Phó sĩ sư”. Tức là, dưới Lưu Cơ còn có người giữ chức phó cai quản hình ngục. Tra gia phả và truyện chép về Lưu Cơ thì thấy ông được vua Đinh phong chức Đô hộ phủ sĩ sư, trông coi hình án, nhưng phủ sĩ sư không đóng ở kinh đô Hoa Lư mà được vua Đinh giao đóng ở thành Đại La. Chúng tôi cho rằng, chức quan Lưu Cơ được phong vừa là chức quan trông coi hình án, vừa là chức quan trông coi thành Đại La. Bởi vậy, đến khi vua Đinh mất, Lưu Cơ vẫn giữ chức vụ ấy và vẫn đóng ở thành Đại La suốt triều Đinh-Tiền Lê cho đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi (1010), chính Lưu Cơ là người đã chuẩn bị sẵn kiến trúc “hạ tầng cơ sở” thành Đại La dâng cho vua Lý Thái Tổ. Trong chú giải của Toàn thư, học giả Đào Duy Anh và Ngô Đức Thọ còn cho sĩ sư là chức quan xử án, hoặc hình ngục. Riêng ông Đào Duy Anh còn cho rằng, Đô hộ phủ lúc đó là chỉ kinh đô Hoa Lư! Song, như chúng tôi viện dẫn các tài liệu lịch sử trên thì thấy rằng, Đô hộ phủ là Đại La thành, từ đó chúng tôi đi đến nhận định, Lưu Cơ giữ chức Đô hộ phủ sĩ sư (chức quan đầu triều trông coi hình án, kiêm chức Thái sư, cai quản phủ đô hộ cũ và đóng phủ đường ở Đại La.

Như vậy, từ sử sách và tư liệu thần phả, sắc phong ghi chép về chức vụ của Lưu Cơ có ba cách gọi: Trông coi việc hình án, chức quan đứng đầu việc tư pháp trong nước (Toàn thư), chức quan coi việc hình ngục (Cương mục). Từ đó, chúng ta có thể đi đến nhận định là, chức Đô hộ phủ Sĩ sư do Đinh Tiên Hoàng tấn phong cho Lưu Cơ chính là chức quan cai quản việc hình án của triều đình, nhưng phủ đường được đóng ở thành Đại La chứ không đóng ở Hoa Lư, bởi Lưu Cơ còn kiêm chức quản Giao Châu, tương đương vùng đồng bằng Bắc bộ ngày nay.

Theo ghi chép của thần phả, thần tích thì, có lẽ Lưu Cơ trông coi tòa thành này cho đến khi cáo quan về hưu (sau năm 1010). Như vậy, chẳng những Lưu Cơ là người đã cai quản và tu sửa thành Đại La của An Nam Đô hộ Phủ nhà Đường trở nên một tòa thành của nước Đại Cồ Việt từ thời Đinh, mà ông còn là người chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng đô mới cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Đại La tháng 7 năm Canh Tuất (1010). Theo một số nhà nghiên cứu(15), thì Lưu Cơ là người đầu tiên biến tòa thành Đại La thuộc địa hướng bắc trở thành một tòa thành hướng nam độc lập tự chủ. Vì khi đó, Hoàng Đế Đại Cồ Việt Đinh Tiên Hoàng đóng đô ở Hoa Lư, tức ở về phía nam tòa thành Đại La. Trên đất cố đô Hoa Lư, đền thờ ông hiện nay còn ở thôn Thượng Hưng, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn và ở tỉnh Hưng Yên ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, tương truyền, đây là nơi ông đóng quân dẹp loạn sứ quân Lý Khuê trước năm 968.

5.Chúng ta biết rằng, tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước thời Đinh – Tiền Lê đã có bước tiến bộ vượt bậc so với các nhà nước phong kiến trước đó. Đó là nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, tuy chưa đầy đủ, nhưng đây là nền tảng, là cốt lõi của bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền sau này, cũng từ đây mà to rộng thêm ra, đúng như Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Bậc đế vương chính thống của nước Việt ta khởi đầu từ đấy. Các bậc vua thánh, đế thần kế tiếp nhau chấn tác sau này cũng đều to rộng theo bài học của triều Đinh”(16). Bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền nhà Đinh đã có chức quan coi hình pháp, bao gồm toàn bộ các hoạt động tư pháp do Lưu Cơ đứng đầu. Trước đó, tổ chức nhà nước phong kiến Việt Nam ngay cả đến thời Khúc, Dương, Ngô (905 đến 944) cũng chưa có chức vị này. Bởi thế, Lưu Cơ cần phải được coi là ông Tổ ngành tư pháp, bao gồm cả việc điều tra, kiểm sát, xét xử và thực thi hình án.

Ngoài những cứ liệu sử học, khảo cổ học, văn học dân gian, thần phả, thần tích, văn bia…và cả khảo cứu điền dã ở vùng cố đô Hoa Lư, những địa danh Ao Giải (nơi nuôi giải), động Am Tiên (nơi nhốt hổ) để trị kẻ có tội, Phủ Tùng Xẻo (nơi pháp trường xử tội hình… đến nay vẫn còn là những chứng tích lịch sử quý giá cho những ghi chép của sử sách về hình pháp thời Đinh như sử cũ ghi chép. “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải chép: “Vua Đinh còn nuôi cọp trong cũi và đặt vạc giữa sân để uy hiếp các tội nhân”…”(17). Trong nước lúc bấy giờ  còn có nhiều người quen thói thời loạn, không chịu tuân theo luật lệ. Nhà Đinh phải dùng uy để trừng trị những kẻ phạm tội “Hình phạt như thế thì cũng quá lắm, nhưng nhờ có những hình luật ấy thì dân trong nước mới dần dần được yên”(18). Đô hộ phủ Sĩ sư Lưu Cơ, người đứng đầu tư pháp nước ta thời mở đầu nền quân chủ tập quyền, người đặt nền móng tư pháp nước ta từ thời Đinh-Tiền Lê, góp công suốt chiều dài lịch sử qua hai triều đại Đinh và Tiền Lê, từ 968 đến 1009, xứng đáng là danh nhân lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ ở Việt Nam, thậm chí, có thể tôn vinh Lưu Cơ là Ông Tổ ngành xét xử thời quân chủ của nước ta.

T.Đ.T

 

(1)Ủy viên BCH Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Ninh Bình - bài tham luận tại hội thảo Khoa học toàn quốc tại chùa Bái Đính ngày 16-11-2019 do Tòa án Nhân dân tối cao và Tỉnh ủy-UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức với tiêu đề “Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ Quân chủ ở Việt Nam”.

(2)Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1972, tr.154.

(3)Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1972, tr.154-155

(4)Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, , Huế, 1992, tr. 278.

(5)Nguyễn Tử Mẫn: Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 190.

(6)Toàn thư, sđ d, tr.155.

(7)Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN, 2005, tr.55.

(8)Toàn thư, Sđ d, tr.129.

(9)Toàn thư, Sđ d, tr. 130-131.

(10)Toàn thư, Sđ d. tr.138.

(11)Toàn thư, Sđ d, tr.140

(12) Xem H.Maspe’ro, BEFEO, XVI 1916.

(13) Toàn thư, Sđ d, tr.140.

(14) Toàn thư, Sđ d, tr.330.

(15)TS Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

(16)Đại Việt sử ký tiền biên, Sđ d, tr. 153.

(17)Hoàng Cao Khải: Việt sử yếu, Nxb Nghệ An, 2007, tr.125.

(18) Việt Nam  sử lược, tr. 89.

Bài viết khác