Thứ bảy, 21/09/2024

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về trâu

Thứ ba, 23/02/2021

VŨ VĂN LÂU 

Ngoài những thành ngữ, tục ngữ (TNTN) về con trâu nêu cách chọn giống tốt, cấu tạo, sức vóc, nết ăn, nết làm, tập tính và giá trị “là đầu cơ nghiệp", còn rất nhiều TNTN khác nói đến con trâu nhưng là để bàn chuyện đời, chuyện con người và xã hội.

Thông qua con trâu, tác giả dân gian chiêm nghiệm bản thân, xã hội và đưa ra những nhận xét, đoán định, nhắc nhở người đời hành xử cho thích hợp với mọi hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.

1. Những TNTN về tâm linh, liên quan đến sự kiêng kỵ mang màu sắc duy tâm: “Trâu trắng đến đâu mất mùa đến đấy”; “Đi đến đâu chết trâu đến đấy”; “Đi đến đâu không chết trâu cũng mẻ rìu”; “Làm nhà năm kim lâu, không chết trâu cũng chết bò”; “Ngày một, ngày sáu, ngày tám kim lâu/ Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng”;...

Minh họa: Nguồn Intetnet

2. Những bài học, kinh nghiệm trong cuộc sống.

Nếu thiếu sáng suốt sẽ chịu thua thiệt: “Trâu chậm uống nước đục”; “Giận bằng bò mất bò/ Giận bằng trâu mất trâu”; “Trâu chậm uống nước dơ/ Trâu ngơ ăn cỏ héo”;...

Những thói hư tật xấu không dễ loại bỏ trong cuộc sống hàng ngày như: “Chị em dâu nấu thịt trâu thủng nổi”; “Buộc trâu trưa nát cọc”; “Trâu chết mặc trâu/ Bò chết mặc bò/ Củ tỏi dắt lưng”.

Đó là tính ích kỷ của người nông dân xưa: “Trâu khát nước chẳng lo đè sừng”; “Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”; “Trâu đi tìm cọc, cọc không đi tìm trâu”; “Đánh bạc mất trâu/ Đánh bài mất vợ”; “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó thay!”

 Nếu như tục ngữ thiên về lý trí như nhận thức, kinh nghiệm, giáo huấn... thì ca dao lại thiên về phản ánh đời sống tình cảm, tâm linh và những ước vọng của con người. Những câu ca dao dành cho trâu thân yêu của người nông dân phần nhiều là những câu như vậy. Đó là những câu nói đến con trâu chỉ là cái cớ để tác giả dân gian hướng về nhân tình, thế thái, tỏ bày thái độ, ước vọng của mình trước những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội.

Trong sản xuất nông nghiệp có hàng ngàn năm, với người nông dân, con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là người bạn thân tình, cùng sống chung trên cùng một mảnh đất, có khi trong cùng một mái nhà, cùng chịu những nỗi khổ, chung hưởng niềm vui... Nói cách khác, người nông dân có thái độ, tình cảm rất gắn bó, yêu thương những con trâu quý giá của mình: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cầy vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công”...

Trong thời vụ nghề nông có thể có những chậm chạp, khó khăn, nhưng người nông dân vẫn lạc quan, tự tin bởi đã dạn dày kinh nghiệm: “Trâu khỏe chẳng lo cày trưa/ Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền”.

Bởi vậy trước gian lao vất vả, một nắng hai sương, người cùng trâu không hề quản ngại quyết tâm vượt qua. “Rạng ngày vác cuốc ra đồng/ Tay cầm mồi lửa, tay ròng thừng trâu/ Ruộng đầm nước cả bùn sâu/ Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa... Hay: “Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu....”; “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Những chuyện buồn, những nỗi khổ đau nhiều khi do chính bản thân, nội bộ mình, do phát sinh những thói hư tật xấu và những dại khờ: “Nước nguồn chảy xuống soi dâu/ Thấy anh đánh bạc, lùa trâu đi cày/ Cầm trâu cầm áo, cầm khăn/ Cầm dây lưng lụa, xin đừng cầm em”.

Người nông dân tỏ rõ thái độ bất bình bởi những phi lý, bất công trong xã hội và phản đối, phê phán, lên án, với mức độ khác nhau có thể nhẹ nhàng nhưng lại rất sâu cay.

Trong luỹ tre làng xưa, còn bao chuyện buồn khác nữa, nơi tục lệ hiếu hỷ nặng nề. Cũng rất may người nông dân có đủ nghị lực để vượt qua, biết sống vui, sống khỏe bằng sự thuần phác, chân thành hồn nhiên - kể cả khi nói đến những vất vả, buồn khổ và ước mơ, trong họ vẫn lấp lánh ánh sáng của niềm tin ở ngày mai nên sẵn sàng sống vô tư, lạc quan, thể hiện bằng sự hài hước dí dỏm, và có ước muốn sự đổi đời: “...Con chuột kéo cày lồi lồi/ Con trâu bốc gạo vào ngôi trong cong”; “…Con trâu đồ chốc cành tre/ Bắt con chích choè cày kéo khư khư...”

Và rồi dù có mơ ước xa xôi gì đi nữa, người nông dân vẫn về với thực tế đời sống thường nhật gắn bó với con trâu - bạn lớn của nhà nông, vẫn với giọng điệu dí dỏm, hài hước người nông dân biết ơn trâu nhiều lắm.

Khi trâu không còn, họ nói ra những lời đầy xúc cảm, cười mà ra nước mắt. “Con trâu có một hàm răng/ Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao/ Hồi sống mày đã thương tao/ Bây giờ mày chết cầm dao xẻo mày/ Thịt mày tao nấu linh đình/ Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa/ Sừng mày tao tiện quân cờ/ Cán dao cán mác, lược thưa lược dày...”

Thật là lời tự bạch đầy tình cảm, thái độ tiếc thương vô hạn của người nông dân với bạn lớn “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.

V.V.L

(Nguồn: TC VNNB248-02/2021)

 

 

Bài viết khác