Thứ sáu, 13/09/2024

Hoa Lư vùng địa linh khai sáng

Thứ ba, 24/09/2019

Nói Hoa Lư là nói đến không gian thiêng của cả cõi đất, con người nơi cuối cùng dải Trường Sơn chạy suốt từ Sơn La - Hòa Bình vươn ra lợi nước biển Đông ở phía Tây và nơi cuối sông Hát Môn (sông Đáy) bắt nguồn từ Sơn Tây đổ nước ra vịnh Bắc bộ ở phía Đông, có địa danh Ninh Bình từ năm 1822. Vùng đất non kỳ thủy tú “tả thanh long (sông Đáy), hữu bạch hổ (núi Tam Điệp)”, tạo nên thế đất “Cổ họng Bắc Nam” (Đại Nam nhất thống chí). Vùng đất được cho là nơi “vạn thế tranh hùng” trong binh pháp cổ “Tranh được núi thì vững, giữ chỗ hiểm thì chắc” (Hoàng Lê nhất thống chí) nên thời nào nơi đây cũng là vùng “địa chiến lược”, “địa quân sự”. 

1 - Khái niệm “Nhân kiệt” 人傑 chỉ người tài giỏi hơn người, có thể dễ hiểu. Nhưng khái niệm “Địa linh” 地靈 là thế nào? Theo Hán tự, “Địa linh” hàm nghĩa chỉ vùng đất thiêng. Đất như thế nào được gọi là “đất thiêng”? Chưa có tiêu chí nào xác lập cho một vùng đất được vinh danh là đất thiêng. Hầu như địa phương nào trong nước cũng nhận vùng đất của mình là “Địa linh, nhân kiệt”. Danh nho Nguyễn Tử Mẫn thế kỷ XIX viết “Ninh Bình núi không cao mà hiểm; Sông không sâu mà chảy xiết”. Danh nhân Vũ Phạm Khải lại nói “Núi là Thiện Dưỡng, sông là Hoàng Long. Khí thiêng chung đúc, người kiệt ra đời”. Đặc biệt, cụ Nguyễn Tử Mẫn, khi khảo cứu về sông núi Ninh Bình, mục núi Thiện Dưỡng, ông viết “Núi Thiện Dưỡng (善養山) trước là Thiên Dưỡng (天養)... Núi cao chót vót mà tròn đẹp... Theo sử nhà Minh, thì trong số 21 núi có tiếng ở An Nam, núi ấy là một. Đầu thời Hồng Đức, có bày đàn tế Giao (tế Trời), năm thứ 3 có sai quan tế, vẽ hình thế núi đem về"(1). Thời Hồng Đức (1470-1497) có tế Nam Giao ở đây! Tế Giao 祭郊 là lễ trọng của triều đình, là quốc tế, ngày đông chí tế trời ở cõi phía Nam ngoài thành gọi là tế Nam Giao hay tế thiên (tế Trời) để cầu quốc thái dân an, thường tế ở đàn tế giao ở kinh kỳ, do nhà vua trực tiếp chủ tế. Thế mà thời kỳ này, kinh đô ở Thăng Long, có đàn tế giao, mà vua lại cho lập đàn tế Trời ở núi Thiên Dưỡng thì đủ thấy núi này là linh sơn hùng khí, địa linh danh tiếng đến chừng nào! Rồi vua Lê Thánh Tông lại sai vẽ hình thế núi Thiên Dưỡng dâng ngài ngự lãm thì truyền thuyết dân gian về việc Cao Biền đời Đường (Trung Quốc) cưỡi diều bay để triệt yểm huyệt linh ở Thiên Dưỡng, thiết nghĩ cũng không phải chỉ là huyền thoại!

Theo GS. Nguyễn Hoàng Phương, số huyệt linh thiêng trong sách của Cao Biền một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ có 632 huyệt chính, 1517 huyệt bàng (phụ), trong đó vùng Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình đã có tới 132 huyệt chính, 325 huyệt bàng([2]). Việc các vua Tàu đặc biệt chú ý tầm quan trọng mang tính sống còn ở các huyệt phong thủy trên đất nước ta nói chung và Ninh Bình nói riêng, đã phái các nhà phong thủy danh tiếng của Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có nhà phong thủy lừng danh Cao Biền, đủ thấy Ninh Bình là vùng đất có nhiều “huyệt” phong thủy đại quý, xứng tầm vùng đất được mệnh danh là địa linh. Địa linh mới có đất đế đô khai sáng ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Địa linh nên nhà Trần mới lui về xây dựng hành cung đánh giặc Nguyên Mông thắng lợi. Rồi thời Hậu Trần xây dựng căn cứ Mô Độ (Yên Mô) để mưu khôi phục nhà Trần. Địa linh nên Lê Lợi mới chọn vùng huyện Khôi (Nho Quan) xây dựng lực lượng khi nghĩa quân Lam Sơn trong tình trạng vô cùng khó khăn “quân không một đội”...

2 - “Địa linh sinh nhân kiệt”. Đinh Tiên Hoàng cờ lau dẹp loạn, thống nhất giang sơn, mở nước, định đô, đặt nền móng đầu tiên cho kỷ nguyên phục hưng và văn minh Đại Việt. Nguyễn Minh Không được nhà Lý phong Quốc sư, nhân dân tôn là bậc Thánh. Câu cổ ngữ:“Đại hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh” chính là nói về vùng đất Đại Hữu sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và đất Điềm Dương/Giang sinh thánh Nguyễn Minh Không (1066-1141), quốc sư nhà Lý, hiệu Minh Không. Trương Hán Siêu (? -1354), nhà văn nổi tiếng thời Trần, “Như núi cao sao sáng của nho lưu” (Nguyễn Tử Mẫn), tham gia hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3 (1285, 1288), phò 4 đời vua Trần, vua gọi bằng thầy, không gọi tên. Ông được đánh giá là bậc danh thần văn võ gồm tài, "Văn chương, chính sự đều giỏi" (Toàn thư). Bạch Đằng giang phú được phẩm bình là áng “thiên cổ hùng văn Đại Việt”. Đi trấn ải phía Bắc Lạng Giang (Lạng Sơn - Bắc Giang) và phía Nam Hóa Châu (Thừa Thiên - Huế) “Ông đến biên thùy yên ổn. Ông đi dân chúng hoan ca”. Khi mất, ông được truy phong đến Thái Bảo rồi Thái phó, cùng với Chu Văn An được thờ ở Văn Miếu (Hà Nội) và Lịch đại đế vương (Huế). Đời Lê có Trịnh Lỗi (? - 1434) theo Lê Thái Tổ đánh dẹp quân Minh, lập nhiều công lớn, được phong Thượng đình hầu, Nhập nội đại hành khiển, Tả bộc xạ, khi mất được tặng Phụ quốc Thượng tướng quân. Đời Nguyễn có Vũ Duy Thanh (1807-1859) đỗ Bác học hoành tài, đệ nhất giáp, đệ nhị danh, Bảng nhãn Cát sĩ cập đệ “mũ áo ân điển, ngang với Trạng nguyên khoa Tiến sĩ” (Đại Nam nhất thống chí). Ninh Bình không có Trạng nguyên nào trong lịch sử khoa cử phong kiến, nhưng chỉ một Bảng nhãn cát sĩ thị Trạng nguyên, người mà các bậc tài danh lỗi lạc đương thời, hậu thế đều phải thốt lên “Chế khoa Đường Tống lai thiên cổ/Cát sĩ Ngu Chu hậu nhất nhân” (3) như cụ cũng đủ để tự hào một đỉnh cao khoa bảng “danh sao mà cao, số sao mà lạ” kỳ quý của nước nhà! Ngoài ra, còn rất nhiều danh tướng, danh sĩ các đời như Thượng thư, tiến sĩ Ninh Tốn (1743- ?) thời Lê - Trịnh, sau khi nhận thấy triều Lê Trịnh đã suy vi, mục nát, ông phò tá Tây Sơn, được vua Quang Trung trọng đãi, phong đến Thượng thư bộ binh, trở thành tướng tài danh dưới triều Tây Sơn, lưu tên sử sách. Quan Các Vũ Phạm Khải (1807-1872), người mà đương thời được ngợi ca là “Ông Đông Dương ở Phượng Trì (tức Vũ Phạm Khải - TĐT) là người bạn đáng sợ của tôi, mắt cao vượt một thời, tâm hùng hơn muôn kẻ”([4]), “Tiên sinh có tư chất sáng suốt, lại ở Quán, Các, Viện lâu năm, đọc sách hàng vạn quyển, hạ tay viết ra là với ngòi bút lâm ly, rộng như biển, dài như sông, đã dựng nên ngọn cờ, tiếng trống ở nơi Tao đàn...”([5]); Thượng thư Phạm Thận Duật (1825-1885), người phò vua Hàm Nghi sau khi kinh thành Huế thất thủ (5-7-1885) chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) để thảo cho vua bức chiếu Cần Vương, khởi động phong trào chống Pháp xâm lược. Trên đường được phái ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ Cần Vương, cụ bị quân Pháp bắt đày ra Côn Đảo, rồi bị chúng đày đi biệt xứ, hy sinh nơi bể cả trên đường tới đảo Hahiti. Thời Cách mạng có Lương Văn Thăng, Tạ Uyên, Lương Văn Tụy... Thời nào Ninh Bình cũng có nhân tài, hào kiệt. Bởi thế, Ninh Bình không những là vùng địa linh mà còn được vinh danh là vùng nhân kiệt.

  1. Ninh Bình là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Di tích Cố đô Hoa Lư và quần thể danh thắng Tràng An là di tích quốc gia đặc biệt, được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa, thiên nhiên thế giới mang tên Tràng An. Đặc biệt, nhiều di tích nổi tiếng gắn với tâm linh văn hóa cộng đồng như Cố đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính, đền Thái Vi, nhà thờ Phát Diệm, tạo nên “trục thiêng Bắc - Nam” của ba tôn giáo lớn là đạo Phật - đạo Giáo và Công giáo. Cố đô Hoa Lư, Bái Đính (cổ) là trung tâm Phật giáo hình thành từ thời Đinh - Tiền Lê - Lý đến đầu thế kỷ XXI phát triển thành khu tâm linh với nhiều kỷ lục lớn nhất nước và khu vực. Thái Vi 泰微 là một trong những trung tâm Đạo giáo lớn cuối thế kỷ XIII khi các vua Trần về xây dựng Hành cung Vũ Lâm để chống giặc Nguyên Mông xâm lược trong cuộc kháng chiến lần thứ hai và thứ ba (1258-1285). Cả triều đình nhà Trần, đứng đầu là thượng hoàng Trần Thái Tông (1225-1258), rồi  đến Trần Thánh Tông (1258-1278), Trần Nhân Tông (1279-1293) vào ẩn sâu trong vùng sơn kỳ thủy tú vô cùng hiểm yếu của Hoa Lư để bảo toàn đầu não vương triều, che mắt giặc, tránh chiến thuật “đánh như sét đánh không kịp bịt tai” của giặc, mưu tính kế sách đánh bại đế quốc Nguyên Mông lừng danh thế giới “bất khả chiến bại” lúc đó. Sau chiến thắng giặc Nguyên Mông (1288), Trần Nhân Tông vào tu ở Thái Vi, để lại nơi hành doanh kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, nơi doanh bồng tiên cảnh Hoa Lư bài thơ bất hủ “Vũ Lâm thu vãn” trước khi lên Yên Tử trở thành Phật Hoàng.

Thánh đường Phát Diệm với những công trình kiến trúc độc đáo, hình thành cuối thế kỷ XIX, là một trung tâm Công giáo lớn trong khu vực và cả nước. Thánh đường không chỉ là trung tâm tâm linh của hàng vạn giáo dân khu vực mà có tầm ảnh hưởng lan tỏa cả nước, “một ngôi chùa dáng dấp cổ kính có đính chữ thập trên đỉnh nóc”. Theo một tài liệu chúng tôi thu thập được từ một số dòng họ khai lập nên vùng đất Kim Sơn thì, năm 1829, sau khi lập nên một huyện theo tiêu chí của triều đình, Nguyễn Công Trứ tấu sớ, vua Minh Mệnh chuẩn phê cho đặt tên huyện mới là Kim Sơn (Núi Vàng). Nhưng tên huyện lỵ là Phát Diễm 發艶 thì vua Minh Mệnh chữa là Phát Diệm 發豔. Có gì khác nhau giữa danh từ Diễm 艶 và Diệm? Diễm 艶 = chỉ sắc người tươi đẹp. Diệm 豔 = đẹp đẽ, lộng lẫy. Như vậy cả hai từ đều là tính từ chỉ sự đẹp đẽ, tươi sáng của con người (người con gái). Nhưng Diệm 豔 còn hàm nghĩa là “hâm mộ, ham thích, hay màu mỡ, rực rỡ” từng được nói đến trong Sở Từ. Nghĩa là vùng đất thanh, người lịch, phong cảnh rực rỡ, tốt tươi, sinh sôi nẩy nở, ai ai cũng ngưỡng mộ, hướng về!

Núi Non Nước - Dục Thúy Sơn, đứng soi mình thơ mộng nơi ngã ba sông Đáy, sông Vân Sàng, một thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa đặc sắc nhất toàn quốc: Là Trấn Hải đài phòng thủ của kinh đô Hoa Lư thời Đinh – Tiền Lê, cảng Phúc Thành thời Lý Trần, là “nơi cửa biển có non tiên” (Nguyễn Trãi). Từ thời Lý - Trần (có thể từ trước đó) đã xây tháp cao 13 tầng trên đỉnh núi. Cùng với núi Hồi Hạc (nay không còn), từ xưa, nơi đây đã có chùa, đền phủ và quán tiên. Đặc biệt, từ khi núi có vị tiên, danh nhân văn hóa lỗi lạc thời Trần là Trương Hán Siêu, về dựng am đọc sách, đề thơ, thì đúng như lời người xưa nói “Sơn bất tại cao/ Hữu tiên tắc danh” (Núi dẫu không cao/ Có tiên nổi danh). Đây là một bảo tàng thiên nhiên thi ca hơn 700 năm của nhiều vua chúa, tao nhân, mặc khách nổi tiếng các thời. Đã có một danh tài thi ca phải thốt lên khi đề thơ trên núi “Núi mài mòn nét bút danh nhân”. Dục Thúy Sơn quả là ngọn núi “phong cảnh diệu kỳ” (Cao Bá Quát), xứng đáng được vinh danh là di sản văn hóa - thiên nhiên của nhân loại.

  1. Vùng đất của những cuộc tụ binh và xuất quân thần tốc

Theo các thần phả, thần tích còn lưu giữ ở các ngôi đền thờ vùng Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, vào thời vua Hùng Vương thứ 18, các tướng sĩ dưới cờ của Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Đại vương đã dựa vào tuyến địa hình núi rừng hiểm trở từ chân núi Ba Vì đến Tam Điệp - Thần Phù để lập đồn bốt đóng quân, xây dựng phòng tuyến án ngữ, cản bước tiến của quân Thục Phán, mưu cầu bảo vệ ngôi báu họ Hùng.

Vào đầu Công nguyên, nghĩa quân Hai Bà Trưng cũng từng dựa vào tuyến địa hình núi rừng hiểm trở Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp để chống cự lại cuộc tiến công đàn áp của quân Hán do Mã Viện chỉ huy. Tứ vị Hồng Nương thờ ở Gia Vân (Gia Viễn) và nhiều đền Mẫu, đền Thánh rải rác trong tỉnh với các thần tích ghi rõ công lao của các vị và nhân dân đã minh chứng cuộc chiến vô cùng cam go, anh dũng của nghĩa quân Hai Bà trên dải đất này. Sau khi căn cứ Cấm Khê thất thủ, nghĩa quân lui vào vùng Tam Điệp - Thần Phù tiếp tục cuộc chiến đấu. Tướng Hán Mã Viện phải đục núi Thần Phù tạo cửa “Tạc Khẩu” để kéo quân đánh vào mạn Ái Châu (Thanh Hóa). Đến đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ (? - 937) và sau đó là Ngô Quyền (898-944) cũng dựa vào bức trường thành Tam Điệp để xây dựng lực lượng, nhằm tạo vùng đệm bảo vệ binh lực ở Thanh Hoá, lựa thời cơ, tiến ra đánh bại quân xâm lược Nam Hán, lập nên chiến công vang dội ở Đại La năm 930, Bạch Đằng năm 938. Năm 968, anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng, người con quê hương Ninh Bình, dẹp yên loạn 12 sứ quân, xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên ở nước ta.

Từ động Hoa Lư là một thung lũng bạt ngàn hoa lau, nằm trong sơn phận núi non hiểm cố, là nơi Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận thuở thiếu thời, trở thành căn cứ địa bất khả xâm phạm. Khi Đinh Bộ Lĩnh được tôn vinh Vạn Thắng Vương (萬勝王), dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế 皇帝, dựng kinh đô Hoa Lư là một bước tiến vượt bậc trong tư duy của vua Đinh. Hoa Lư động (花廬峒) ý nghĩa là động hoa lau. Nhưng kinh đô Hoa Lư (花閭京都) lại ý nghĩa là làng hoa. Một ước mơ, một viễn cảnh sán lạn được đức vua Đinh “vẽ” ra chỉ từ một sự thay đổi từ “LƯ”. Từ Lư (廬) là lau (thung Lau) đến Lư (閭) là làng mà khác hẳn. Ý tưởng xây dựng quốc gia đẹp lộng lẫy như một làng hoa! Năm Mậu Thìn, 968, Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế, được tôn xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh đã thứ tự thăng tiến trước hết giành chức tộc trưởng từ người chú của mình là Đinh Dự, đến chức Trưởng động Hoa Lư “già trẻ nô nức theo về”, như một tù trưởng địa phương ở Đào Áo sách, lên Vạn Thắng Vương rồi tiến xưng Hoàng Đế. Trước Đinh Tiên Hoàng, từ năm 542, có Lý Bí/Bôn xưng là Lý Nam đế (542-548) đến Mai Hắc Đế (722), nhưng các vị  đế đó chỉ có ý nghĩa danh vị chứ chưa thực chất là đế chế với tổ chức bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương theo mô hình nhà nước phong kiến kiểu phương Bắc. Đến đầu thế kỷ X, ba nhà Khúc – Dương - Ngô chưa một ai dám xưng Hoàng đế. Khúc Thừa Dụ (905-907) chỉ xưng Tiết độ sứ, một chức danh của quan đô hộ Trung Quốc ở nước ta lúc bấy giờ. Tiếp nối Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo (907-917) đến Khúc Thừa Mỹ (917-930) nhà Hậu Lương (Trung Quốc) cũng chỉ phong hai ông là An Nam đô hộ, sung Tiết độ sứ. Năm 931, Dương Đình Nghệ  (931-937) quyết chí nổi dậy giành độc lập, cất quân từ Ái Châu (Thanh Hóa) ra quét sạch bọn đô hộ Nam Hán, cũng chỉ xưng Tiết độ sứ. Đến Ngô Quyền (938-944), một Thứ sử Ái Châu dưới triều Dương Đình Nghệ, kéo quân ra Đại La giết chết tên phản tặc Kiều Công Tiễn, đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng lịch sử (938), lên ngôi cũng chỉ xưng vương (939), đóng đô ở Cổ Loa. Song, đến Đinh Bộ Lĩnh xưng vương khi còn trận mạc xông pha (Vạn Thắng Vương), dẹp yên loạn 12 xứ quân, rồi xưng Hoàng đế. Trong huyền thoại Trung Quốc thời cổ có những vị được gọi là đế như Phục Hy, Chuyên Húc, Thiếu Hạo, Thần Nông. Các vị này đều ngự ở trên trời. Như vậy, đế 帝 nguyên nghĩa là để chỉ Trời 天chứ vốn không để chỉ Vua 君. Các triều đại Hạ, Thương, Chu (Trung Quốc) đều dùng chữ Vương 王 để chỉ vua. Đến khi nhà Tần 秦 thôn tính xong sáu nước (Ngụy, Yên, Hàn, Tề, Sở, Triệu) thống nhất toàn cõi Trung Hoa, Tần Doanh Chính (秦籝正) lên ngôi, xưng là Hoàng Đế 皇帝, gọi là Thủy Hoàng đế 始皇帝 (thủy 始 = đầu 頭). Tức là vị Hoàng đế đầu tiên. Các vị vua sau trong lịch sử Trung Quốc đều noi theo Thủy Hoàng đế mà xưng đế với ý nghĩa là chúa tể (主薺) thống trị toàn thế giới. Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh sau khi thống nhất quốc gia, nhận thấy vương là chức vị chưa xứng với tầm vóc, chưa tỏ rõ uy quyền thống trị, lại vẫn còn dấu tích của sự thần phục phương Bắc nên đổi xưng hoàng đế: Đại Thắng Minh Hoàng đế. Chỉ việc xưng đế của Vạn Thắng Vương đã có ý nghĩa hết sức lớn lao. Khi băng hà, quần thần tôn vua là Tiên Hoàng Đế 皇帝先 nghĩa là vua đầu, trước, như Thủy Hoàng Đế của nhà Tần. Ý thức tự cường dân tộc vượt bậc, ngang hàng (bình đẳng 平等) với các hoàng đế phương Bắc chứ không phải là Tiết độ sứ hay vương do các triều đình phương Bắc ban phong. Không chỉ có thế. Để thể hiện rõ uy quyền của bậc "đế", Đại Thắng Minh Hoàng đế còn phong cho con trai trưởng Đinh Khuông Liễn là Nam Việt Vương đã thể hiện ý chí khẳng định đế vị của vị Hoàng đế nước Nam ta. Đại Thắng Minh Hoàng đế còn đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (大瞿越) với hàm nghĩa Nước Việt to lớn. Có một số nhà nghiên cứu tài danh đã bác bỏ tên quốc hiệu này sau khi tại cố đô Hoa Lư, khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều gạch mang dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” 大越國軍城磚 (Gạch xây quân thành nước Đại Việt) và cho rằng, “Quốc hiệu nhà Đinh là Đại Việt (大越) chứ không phải Đại Cồ Việt. Chúng tôi cho rằng, sử chép tên nước Đại Cồ Việt là có căn cứ. Chữ “Cồ” 瞿 với ý nghĩa là chữ Nôm không thuyết phục, mà thuần túy là chữ Hán. có ý nghĩa là “lớn”. Tuy nhiên “đại” đã hàm nghĩa là to lớn rồi; Thêm “Cồ” cũng với ý nghĩa tương tự thì có nhà nghiên cứu cho là thừa, là vô lý! Song, cả hai từ “đại-cồ” mang ý nghĩa tương tự nhưng không hề thừa, mà còn có sức tăng biểu cảm lên nhiều lần, với hàm nghĩa lớn mạnh, hùng cường! Một trong năm hoàng hậu của vua Đinh được đức vua ban phong mỹ tự, có một bà tên là Cồ Quốc Hoàng hậu (瞿國皇后) với ý nghĩa là Hoàng hậu của nước Cồ Việt chứ không phải “Đại quốc hoàng hậu”. Tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Trường Yên, Hoa Lư, thời nhà Nguyễn, vị quan các đại thần Vũ Phạm Khải, tiến dâng đôi câu đối có vế “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo (瞿越國當宋開保 = Nước Cồ Việt ngang niên hiệu Khai Bảo nhà Tống).

Như vậy, theo chúng tôi, quốc hiệu Đại Cồ Việt của nhà Đinh - Tiền Lê là hoàn toàn có thật chứ chưa thể có quốc hiệu Đại Việt trong thời kỳ này, đúng như Đại Việt sử ký toàn thư chép([6]). Bởi thế, bộ sử lớn này cho biết, vào tháng 10 năm 1054, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ nhất, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) vừa lên ngôi, ngài "đặt quốc hiệu là Đại Việt" 大越([7]).

  1. Ngót nửa thế kỷ (968-1010), kinh đô Hoa Lư với vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, quân sự của nước Đại Cồ Việt, bảo vệ vững chắc vương triều Đinh - Tiền Lê, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn đất nước; Là nơi hoạch định kế sách và xuất phát các đạo thần binh phá Tống, bình Chiêm, lập nên võ công oanh liệt của dân tộc ta ở nửa cuối thế kỷ X. Kinh đô Hoa Lư cũng là cái nôi khai sinh ra nhà Lý và tạo tiền đề vật chất, lực lượng, tinh thần và ý chí độc lập, tự cường dân tộc cho Thăng Long tỏa sáng, đưa nước ta bước vào thời kỳ phục hưng dân tộc Đại Việt rực rỡ ở những thế kỷ sau. Có Hoàng Long mới có Thăng Long. Có Hoa Lư mới có Thăng Long! Hoa Lư là tiền đề của Thăng Long.

Trên vùng đất thánh kinh đô Hoa Lư còn được coi là địa linh khai sáng nền văn học viết Việt Nam với kiệt tác Quốc tộ 國祚 của Đỗ Pháp Thuận (915-990) và Nam quốc sơn hà 南國山河. Bài thơ Nam quốc sơn hà vốn từ trước tới nay thường được cho là của Lý Thường Kiệt, nhưng theo Lĩnh Nam chích quái thì bài thơ này xuất hiện từ thời Lê Đại Hành đánh Tống (981). Ông Bùi Duy Tân cho rằng với sự ra đời của Quốc Tộ và Nam quốc sơn hà “... Triều Tiền Lê, thời Lê Hoàn, với tìm tòi mới, có thể mạnh dạn khẳng định: Đây là một triều đại khai sáng văn học dân tộc bằng hai kiệt tác thi ca Hán Nôm”([8]). Nhưng những áng văn chương bao gồm văn học viết, văn học dân gian từ thời Đinh - Tiền Lê, tuy số lượng không nhiều, nhưng đã có những tác phẩm mang tính khai sáng (mở đầu) nền văn học viết Việt Nam mà “Quốc Tộ” và “Nam quốc sơn hà” là hai kiệt tác tiêu biểu. Bên cạnh đó, những thơ ca được cho là “thơ ca bang giao” cũng rất nổi tiếng như bài “Vương lang quy” 王郎歸 của Khuông Việt Ngô Chân Lưu được coi là tác phẩm mở đầu văn kiện bang giao và thể loại từ khúc trong văn học cổ của nước ta, “một thể tài đang thăng hoa để trở thành danh ngữ tổng từ, tiếp nối Đường thi, Hán phú”([9]). Lê Quý Đôn bình luận “Bài tiễn sứ Lý Giác nhà Tống, lời lẽ nõn nà, có thể vốc được”. GS. Trần Thanh Đạm cho rằng Vương lang quy và Quốc tộ là hai kiệt tác văn chương mở đầu lịch sử văn học Việt Nam thời cổ của hai thiền sư thi sĩ thời này([10]). Dù nhà nghiên cứu văn học Bùi Duy Tân cho rằng Quốc tộ và Nam quốc sơn hà là hai kiệt tác văn chương, còn GS. Trần Thanh Đạm lại cho “Quốc tộ” và “Vương lang quy” mới là hai kiệt tác văn chương, hay PGS.TS Trần Bá Chí khẳng định “Nam quốc sơn hà là bản tuyên ngôn độc lập chỉ có thể ra đời sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, nhưng không phải vào thời Ngô Quyền còn loạn lạc, chưa tức vị, trước khi chống Nam Hán, mà ở thời Lê Đại Hành chống Tống khi thể chế, ngôi vị đã vững vàng, an định”([11]). Hoặc như tác giả trong bài “Về thời điểm ra đời của bài Nam quốc sơn hà” cũng cho rằng “Bài thơ Nam quốc sơn hà vốn xuất hiện thời Lê Hoàn, như sách Lĩnh nam chích quái đã ghi chép, nhưng nhà sử học Ngô Sĩ Liên  theo quan điểm Nho giáo chính thống, ghét cái vô luân của Lê Hoàn, ưa lòng trung nghĩa của Lý Thường Kiệt, nên đã đem bài thơ thần phù trợ vua Lê gán cho phù trợ tướng Lý; Nay nên trả bài thơ về cho sĩ dân thời đại Lê Hoàn”([12]). Chúng tôi thiết nghĩ, Lĩnh Nam chích quái, một tác phẩm do Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú viết bằng chữ Hán xuất hiện từ thời nhà Trần, cho rằng “Nam quốc sơn hà” ra đời từ thời Lê Đại Hành đánh quân Tống (981) là đúng và những công trình nghiên cứu trên của các tác giả đã nêu thì địa linh thánh kinh Hoa Lư của chúng ta có ba kiệt tác văn chương là Quốc tộ, Nam quốc sơn hà và Vương lang quy mở đầu nền văn học cổ Việt Nam chẳng rất đáng tự hào lắm sao? Nam quốc sơn hà được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, của dân tộc Đại Việt ra đời từ kinh đô Hoa Lư. Quốc tộ, một bài thơ của bậc đại sư danh tiếng lẫy lừng thời Tiền Lê thể hiện quan niệm tam giáo xuyên quyện sâu sắc sớm nhất trong tiến trình lịch sử tam giáo đồng lưu của văn hóa Việt Nam: “vô vi” trong “vô vi” của đạo Giáo, vô vi pháp của đạo Phật và “vô vi nhi trị” của Nho gia như trong Luận ngữ, Khổng tử. Tư tưởng tiến bộ đó thể hiện qua Quốc tộ của một nhà sư cao danh ở kinh thành Hoa Lư tâu lên vua Lê Đại Hành cách nay hơn ngàn năm thật chí lý, thật đáng tự hào kinh đô đầu thời tự chủ đã có những luồng sáng hào khí mà trước đó chưa một kinh đô nước Việt nào có được!

Thiên đô chiếu 偏都詔 (Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn là một bản tuyên ngôn khai sáng kinh đô Thăng Long ngàn năm văn vật cũng được ra đời và tuyên đọc vang vọng ở kinh thành Hoa Lư, lan tỏa ra cả nước, vọng mãi đến mai sau cũng ra đời trên vùng đất thánh kinh này! Đây là hùng văn vạn đại khai sáng kinh thành Thăng Long ngàn năm văn vật, được khởi thảo, khởi tuyên ở địa linh thiên hiểm Hoa Lư.

Đặc biệt, thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ “vỡ tổ sấm ký” (Nguyễn Đổng Chi) với những bài sấm ký nổi tiếng xuất hiện ở kinh thành Hoa Lư rồi lan ra khắp ngõ xóm cả nước như những bài sấm “Đỗ Thích thí Đinh Đinh”, “Tật Lê trầm bể Bắc”... và nhiều đồng dao, truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn không kém những truyện chép trong Việt Điện u linh và Lĩnh Nam chích quái của Đại Việt. Bởi thế, Ninh Bình cũng được coi là vùng đất khai sáng nền văn học dân gian nước nhà.

Từ ba mươi ngàn năm trước, vùng đất Ninh Bình đã có con người cư trú. Buổi bình minh dựng nước thời đại các Vua Hùng, nơi đây đã âm vang tiếng trống đồng. Trải bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Ninh Bình anh dũng, kiên cường dựng xây và bảo vệ vùng đất "địa linh, nhân kiệt", đồng hành cùng dân tộc, góp phần viết nên những thiên sử vàng của đất nước. Ngày nay, truyền thống quý báu đó, cùng với những di sản văn hóa phong phú, đa dạng, là hành trang vô giá để nhân dân Ninh Bình tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển một vùng non nước hữu tình được ví như hình ảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam thu nhỏ.

                                                     

Xuân Đinh Dậu, 2017

 

[1] Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên: NXB CTQG, HN, 2001, tr.110-111.

[2] Nguyễn Hoàng Phương:Tích hợp đa văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, NXB Giáo dục, HN, 1996, tr.762.

[3] Câu đối ở lăng mộ Vũ Duy Thanh, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh.

[4] Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị

[5] Tiến sĩ Cao Xuân Dục: Tựa Ngu Sơn thi tập.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, HN, 1972, tr.153-154.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 228.

[8] Bùi Duy Tân: Nam quốc sơn hà và Quốc tộ-Hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn, Tạp chí Hán Nôm số 5 (72) năm 2005.

[9] Bùi Duy Tân: Nam quốc sơn hà và Quốc tộ-Hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn, Tạp chí Hán Nôm số 5 (72) năm 2005.

[10] Trần Thanh Đạm: Hai thiền sư thi sĩ mở đầu văn học cổ điển  Việt nam, Hồn Việt,NXB Văn học.

[11] Xem: Tạp chí Hán Nôm số 4-2003, bài Về mấy bài tuyên ngôn độc lập.

[12] Tạp chí Hán Nôm, số 1-2002.

Bài viết khác