Thứ sáu, 13/09/2024

Sự tiên đoán của Bác Hồ đối với Cách mạng Việt Nam

Thứ ba, 26/05/2020

NGUYỄN KHẮC THIỆU

Năm nay chúng ta kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Mỗi người dân Việt Nam lại càng nặng lòng ơn sâu và thương nhớ Bác đã trọn một đời vì nước vì dân.

Đúng như lời Điếu của Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 9/9/1969 có câu: “Non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã làm rạng danh non sông đất nước ta, rạng danh dân tộc Việt Nam ta”.

Ngay từ lúc còn trẻ tuổi, lòng yêu nước của Bác đã sớm bộc lộ khá sâu sắc. Những năm còn ở tuổi thiếu niên, ở cạnh người cha là Cụ Nguyễn Sinh Sắc, được hầu nước các bậc cha chú thường đến nhà chơi như các cụ Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Vương Thúc Quy... các cụ thường đàm đạo về tình hình đất nước bị giặc Pháp xâm lược, rồi con đường cứu nước đặt ra là phải làm gì? Làm như thế nào?

Bấy giờ quan điểm của cụ Phan Bội Châu là dựa vào Nhật để đánh đuổi Pháp. Muốn vậy, phải cử những thanh niên trẻ có chí khí sang du học ở Nhật. Đã có lần cụ Phan gợi ý với cụ Sắc cho Nguyễn Tất Thành sang Nhật, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã khéo léo nói với cụ Phan: “Bây giờ cháu đã lớn rồi, phải hỏi ý kiến của cháu đã”. Khi được hỏi ý kiến thì Nguyễn Tất Thành đã khéo léo từ chối. Sau này trong hồi ký Bác kể lại, đại ý rằng không thể dựa vào Nhật để đánh đuổi Pháp, làm thế không khác gì đuổi hổ cửa trước rồi rước báo cửa sau, đều là bản chất của kẻ cướp nước. Thực tế đã chứng minh, năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, Nhật bắt dân ta nhổ lúa để trồng đay phục vụ cho ách áp bức của chúng khiến dân tộc Việt Nam chìm trong nạn đói với hai triệu người đã chết đói.

Sự tài tình và nhạy cảm về chính trị đã thôi thúc anh thanh niên Nguyễn Tất Thành lên con tàu của Đô đốc Latutarevin làm phụ bếp và sang Pháp tìm hiểu tại chính quốc xem họ đã thực hiện cái khẩu hiệu đề ra là “Tự do, bình đẳng và bác ái” như thế nào, còn ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.

Ở Pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành hoạt động thật sôi nổi, tích cực. Anh đã tham gia thành lập và là đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Pháp. Có lần viên Bộ trưởng thuộc địa Pháp gặp gỡ và nói đại ý: Là một thanh niên có tri thức, anh hãy hăng hái tham gia hoạt động cho chính phủ Pháp, tương lai của anh sẽ rộng mở. Anh cần gì nước Pháp sẽ đáp lại. Chỉ cần viên Bộ trưởng thuộc địa Pháp nói đến đây, Nguyễn Tất Thành (lúc này đã đổi là Nguyễn Ái Quốc) cắt ngang câu nói của ông ta: “Cảm ơn ông, cái mà tôi cần là nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, ông có đáp ứng được không?”. Viên Bộ trưởng hậm hực ra về và đã phân công Ác-niu, một tên mật thám khét tiếng gian ác theo dõi từng bước đi, từng việc làm của Nguyễn Ái Quốc. Trong bản tường trình với Chính phủ Pháp, Ác-niu đã có lời khuyến cáo rằng: “Con người thanh niên mảnh khảnh mà đầy sức sống này rất có thể sau này sẽ là người đặt cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. Sau này Ác-niu được điều sang làm Chánh thanh tra mật thám của Pháp ở Đông Dương.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920  Ảnh: Tư liệu

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc sang Nga. Bấy giờ Lênin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản vừa từ trần. Ở đây Người đã được tiếp cận với luận cương của Lênin. Sau này Người kể lại rằng, ngồi trong phòng một mình mà Người nói to như có đông người xung quanh: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, là con đường giải phóng cho chúng ta”. Từ đó Người càng hăng hái hoạt động. Tại hội nghị Quốc tế nông dân, Người đã đọc bản tham luận, trong đó có đoạn tiên đoán lực lượng cách mạng của Việt Nam gây xúc động với mọi người: “Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Người Đông Dương tiến bộ một cách mầu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến.”

Đến đây càng chứng minh Nguyễn Ái Quốc. Ở Pháp rồi Bác sang nước Anh, nước Mỹ rồi sang châu Phi, Bác làm phụ bếp rồi cào, quét tuyết. Người sáng lập ra tờ báo “Người cùng khổ”, là Tổng biên tập, Người viết báo và kiêm cả bán báo. Vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, Bác sang Trung Quốc tập hợp những thanh niên yêu nước như Trần Phú -  Lê Hồng Phong - Hồ Tùng Mậu... thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng, huấn luyện cho họ và cử họ đi học ở Liên Xô. Những thanh niên này sau này là đảng viên cộng sản đầu tiên. Thời gian đầu trong nước có ba tổ chức Cộng sản ở ba miền: miền Bắc có Đông Dương Cộng sản Đảng; miền Nam có An Nam Cộng sản Đảng; miền Trung có Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Ba tổ chức này mục tiêu và cương lĩnh chính trị giống nhau, đều có mục đích là thu hút quần chúng lao khổ đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng rất dễ phát sinh cạnh tranh, chia rẽ. Trước tình hình đó Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo và được Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm thay mặt Quốc tế tổ chức hội nghị hợp nhất ba Đảng tại Ma Cao - Trung Quốc vào ngày 3/2/1930. Từ đây nước ta có một Đảng duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam. Mốc son lịch sử ấy còn mãi mãi trường tồn với đất nước, với dân tộc quang vinh. Nhà thơ Tố Hữu đã có câu: “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương, sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay./ Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt, da đồng./ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin./ Đảng ta Mác - Lênin vĩ đại / Đã hồi sinh trả lại cho ta/ Trời cao đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người.”

Năm 1939 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phe phát xít gồm các nước Đức, Ý, Nhật lúc đầu nhằm vào Liên Xô, phe đồng minh và một số nước châu Âu, châu Á, tiến công như vũ bão, nhưng càng ngày càng chững lại. Phát hiện thời cơ đã đến, tháng 11/1941 Bác Hồ về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Như vậy sau ba mươi năm, ngày 11/6/1911 từ bến cảng Nhà Rồng - Bác đi tìm đường cứu nước, nay Bác đã về nước tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Khi bước chân qua biên giới, Người đã cúi xuống nắm nắm đất của Tổ quốc đưa lên hôn. Nhà thơ Tố Hữu đã có câu: “Bác đã về đây Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi.”

Tại Pắc Bó, Bác dịch lịch sử Đảng và viết “Việt Nam Quốc sử diễn ca” mở đầu có câu: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường nòi giống nước nhà Việt Nam” và Bác thành lập Mặt trận Việt Minh vào năm 1941. Bác tiên đoán rằng: “Nay ta đã có Việt Minh đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh, bốn nhăm (1945) sự nghiệp hoàn thành”. Năm 1944 Bác chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập “Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương. Trước tình hình đó, tại lán Nà Lừa, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Đây là thời cơ ngàn năm có một, dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn thì cũng phải giành lại được độc lập, tự do cho tổ quốc” và “Nếu để mất thời cơ này thì đến vạn năm sau cũng không đòi lại được”.

Ngày 16/8/1945 tại đình Tân Trào, Bác triệu tập hội nghị Quốc dân đồng bào họp dưới sự chủ trì của Bác. Lệnh tổng khởi nghĩa được phát ra. Từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, trong vòng 16 ngày đêm, nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận đã vùng lên khởi nghĩa, giành lại trọn vẹn Tổ quốc. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ Lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền lại khó khăn gấp bội, đó là cảnh thù trong giặc ngoài: quân Pháp gây hấn chiếm lại đất nước, hai mươi vạn quân Tàu Tưởng quấy nhiễu, trong Nam năm vạn quân Anh vào gọi là giải giáp quân Nhật. Ngân khố Quốc gia chỉ có hai vạn đồng Đông Dương thì bị bọn Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Trường Tam... cuỗm mất  ra nước ngoài. Ngày 9/3/1946, Hồ Chủ Tịch thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Pháp ký hiệp ước sơ bộ với Chính phủ Pháp, chấp nhận quân đội Pháp ở lại để đuổi hết quân Tàu Tưởng, quân Anh, quân Nhật về nước. Thời gian Bác sang Pháp thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao quyền cho Phó Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng điều hành đất nước. Trên đường đưa tiễn Bác ra sân bay, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Bác ghé tai dặn rằng: “Xin Cụ nhớ cho phương châm của chúng ta là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nhớ lời Bác dặn, ở nhà Chính phủ kiên quyết giữ đường lối bất biến, không thay đổi và thi hành chính sách mềm dẻo nhưng kiên quyết với kẻ thù. Trong chuyến đi Pháp ấy khi trở về Bác đã kéo các trí thức lớn về cùng dân tộc như Giáo sư chế tạo vũ khí Trần Đại Nghĩa, Giáo sư thầy thuốc Hồ Đắc Di, Giáo sư văn học Nguyễn Văn Huyên. Riêng Giáo sư Nguyễn Văn Huyên thì Bác bảo: “Chú về chia bớt chữ cho dân”. Sau này giáo sư Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến ngày nghỉ hưu. Tất cả những nhà trí thức lớn ấy theo Chính phủ Cách mạng lên Việt Bắc thực hiện đường lối kháng chiến chống Pháp là “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”. Cuộc kháng chiến chống Pháp chia làm ba giai đoạn là thời kỳ phòng thủ; rồi đến thời kỳ cầm cự, sau đó là thời kỳ tổng phản công để rồi “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

 Khi được giao làm Bí thư, Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên. Trên đường ra chiến dịch đồng chí Võ Nguyên Giáp có đến chào Bác, được Bác căn dặn. Lời dặn thật giản dị nhưng tầm quan trọng không kém gì năm nào Bác dặn ở lán Nà Lừa trước ngày khởi nghĩa. “Tướng quân ra mặt trận được quyền quyết định mọi việc nhưng nhớ rằng chắc thắng thì đánh, không chắc chắn thì chưa đánh. Nếu thua trận này là hết vốn”. Thật là sâu sắc, nếu hết vốn là hết tất cả. Sau này những vị Tướng đã tham gia trận đánh như Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn... đã nói nếu không có lời dặn ấy của Bác, nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không kiên quyết đổi lại cách đánh là đánh chắc, tiến chắc thì chúng tôi đây có người không còn có mặt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mà cuộc chiến tranh chống Pháp có thể còn kéo dài ít nhất mười năm nữa...

 Thế đấy! Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng. Có nhà thơ đã viết: “Ôi người cha đôi mắt dịu hiền sao/ Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng vào tận lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước.”

Sau này đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lời kêu gọi của Bác có đoạn: “Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội - Hải Phòng, một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân ta quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày hòa bình, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”

Nhận định về cuộc chiến tranh của Mỹ, Bác Hồ tiên đoán trước Bộ chính trị và Bộ Tổng Tham mưu rằng “Trước sau rồi Mỹ sẽ thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Vậy nên ngay từ những ngày đầu năm sáu mươi, ta đã chủ động kéo pháo và tên lửa vào miền Trung, tổ chức đánh và bắn rơi pháo đài bay B52 ở Quảng Bình.

Đúng như vậy, năm 1972 sau 12 ngày đêm Mỹ huy động một lượng lớn máy bay ném bom Hà Nội và Mỹ đã chịu thất bại thảm hại (33 máy bay B52 và 86 máy bay tiêm kích bị bắn rơi). Bấy giờ Mỹ mới chịu trở lại bàn đàm phán ở Pari, ký kết rút hết quân Mỹ về nước. Lời tiên đoán trong thơ chúc Tết Xuân năm 1969 của Bác đã trở thành sự thật “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, Bắc Nam được thống nhất sau cuộc tổng tiến công nổi dậy và đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Là người có tầm nhìn xa, trông rộng. Người phát hiện những biến động lớn lịch sử ở trong nước và nước ngoài, sớm đưa ra những giải pháp cho toàn Đảng và toàn dân ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác và mãi mãi sau này.

N.K.T

(Nguồn: VNNB238/5-2020)

Bài viết khác