NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Quý II năm 2020, nhà thơ Vũ Đức Thanh xuất bản tập thơ “Để còn nỗi nhớ” (Nxb Hội Nhà văn) sau các tập “Mùa hoa cúc quỳ” (Nxb Hội Nhà văn, 2006) và “Lặng im nhớ” (Nxb Hội Nhà văn, 2013).
Nhà thơ Vũ Đức Thanh luôn tâm niệm với điều “Câu thơ sổ gió/ ngược nguồn/ tìm hoa” (Câu thơ tết ở chợ hoa), coi đó là định hướng cho thơ mình. Ông quan niệm thơ phải giàu năng lượng: năng lượng của cảm xúc và suy tư, năng lượng của thi tứ và ngôn từ để “sổ gió” thăng hoa. Ông cũng hình dung con đường thơ mà người cầm bút dấn thân có nhiều ngã rẽ, gập ghềnh trắc trở, nhà thơ phải có đủ đam mê và nghị lực “ngược nguồn” tìm lấy lối đi riêng cho thơ mình. Với nhà thơ Vũ Đức Thanh thì “ngược nguồn/tìm hoa” chính là hành trình đi tìm cái đẹp cho thơ.
Bìa tập thơ Để còn nỗi nhớ
Cái đẹp nằm trong cuộc sống vốn phong phú, phức tạp, vừa tươi sáng lại vừa có nhiều góc khuất với những bình diện: vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau, thật - giả, thiện - ác đan xen nhau. Mỗi tác giả có một quan niệm riêng về cái đẹp trong thơ theo gu thẩm mỹ riêng của mình. Nhà thơ Vũ Đức Thanh dẫn thơ đến với cái đẹp ở phía trữ tình bay bổng pha chút mộng mỵ.
Trong không gian thơ ông, mọi lam lũ nhọc nhằn, mọi gồ ghề thô ráp, mọi rủi ro cay đắng của cuộc đời đều lặn xuống nhường chỗ cho những khung cảnh tươi đẹp nên thơ của quê hương đất nước. Ngay cả nỗi buồn trong thơ ông cũng thế: buồn và đẹp. Thơ Vũ Đức Thanh nói chung và “Để còn nỗi nhớ” nói riêng đều tìm đến cái đẹp ở phương diện ấy: “Thơ bay lên/ Mỗi câu thơ như một vì tinh tú/ Mang nội lực của thơ hòa vào vũ trụ.” (Viết trong đêm Nguyên Tiêu)
Tình yêu quê hương đất nước là mảng đề tài phong phú trong “Để còn nỗi nhớ” của Vũ Đức Thanh và ông xử lý đề tài này theo cách riêng của mình. Trong thơ ông, “Biển Việt Nam” được cảm nhận ở sức sống trường tồn “Biển đảo liền trời/ ngàn con sóng đất/ sóng người/ mà nên” với vẻ đẹp văn hóa lịch sử hào hùng của nó: “Lạc Long Quân cưỡi sóng ở bên trời/ Thanh bảo kiếm người vung lên/ Tia chớp sáng ngời/ Nhận rõ mặt từng đám mây lạ”.
Vũ Đức Thanh đi nhiều, đến đâu ông cũng có thơ về vùng đất ấy trung thành với định hướng tìm cái đẹp cho thơ. Người đọc bắt gặp ở “Để còn nỗi nhớ” một Sơn La trong “Tình yêu chín bậc” và hình hài mờ ảo ở trên cao: “Nụ cười chạm đến vì sao/ Sông Ngân vừa gãy khúc nào đổ mưa”. (Sơn La)
Một Tây Nguyên “cồng chiêng” và “thác gió ghềnh mưa”, “vẫn xanh như thủa đất chưa biết tròn”. Một Ialy trữ tình lộng lẫy: “Ialy sáng rực trời sơn cước/ Dòng sông như mây trắng buộc trời xanh/ Ta về gõ tiếng đàn mưa thác biếc/ Triệu vì sao rút ruột đất bay lên”. (Viết ở Ialy)
Người đọc được giao hòa cùng Tam Đảo lãng đãng trong mây khói bốn màu, cùng Dục Thúy Sơn hiện lên mờ ảo trong “khói hương bóng tháp” với mây trắng, cỏ cây, non nước hữu tình. Ngay cả bài thơ viết về lao động sản xuất mang tính thời sự, Vũ Đức Thanh vẫn dẫn dụ cảm hứng thơ nghiêng về phía cái đẹp thơ mộng: “Một bờ vai gió xòe tay/ Bay lên cũng tự đất này tỏa hương/ Như mùa thu của hơi sương/ Sữa Mộc Châu đã thành thương hiệu rồi”. (Hoa hậu bò sữa)
Ở những mảng đề tài khác cũng vậy, nhà thơ Vũ Đức Thanh vẫn chung thủy với quan niệm “Ngược nguồn/ tìm hoa”, dẫn thơ mình về với cái đẹp theo lý tưởng thẩm mỹ của ông.
Đứng trước cảnh ngộ người thương binh với đôi nạng gỗ, nhà thơ bùi ngùi thương cảm lắm, nhưng ông không thiết lập tứ thơ ở chất bi thương mà hướng cảm xúc của bài thơ sang khía cạnh khác: sự điềm tĩnh vượt lên trẻ trung và tin yêu: “Đôi chân bây giờ nhẹ bẫng/ Ý nghĩ/ Bước lên/ Như muôn ngàn tia nắng mới”. (Ý nghĩ bước lên)
Viết về bạn bè văn chương với người đã khuất dẫu nhiều nhớ thương, đồng cảm chia sẻ nhưng nó vẫn phải là nỗi buồn đẹp: buồn mà sang trọng: “Cô đơn, buồn sang trọng chính là anh/ Hồn thi sỹ trong veo ngoài mây trắng”. (Trong veo ngoài mây trắng - Đọc “Lục bát thương” tưởng nhớ về Lê Thi Hữu).
Và với bác Lê Lựu thì: “Lặng buồn/ Nâng chén cô đơn/ Ngang trời một vệt buồn hơn nỗi buồn”. (Cảm thông và chia sẻ cùng bác Lê Lựu)
Viết về nỗi cô đơn, xa vắng của mình, của người, Vũ Đức Thanh vẫn tìm đến những rung động thẩm mỹ: “Một tôi tôi nắm tay tôi/ Ngỡ vòng tay đợi một đời chưa xong”. (Ru ta chớp bể)
Câu lục có ba chữ “tôi” tạo ra những tầng liên kết, chữ “tôi” ở giữa câu thơ là chủ thể của nỗi đơn độc, còn chữ “tôi” trong “một tôi” ở đầu và “tôi” trong “tay tôi” ở cuối dòng thơ là trạng ngữ bồi đắp làm mẩy căng sự cô đơn của chủ thể. Từ đó, bất ngờ ông liên tưởng đến “Ngỡ vòng tay đợi” âm thầm hy vọng vào sự trở về, sự gặp lại mà thao thức suốt cả “Một đời chưa xong” thì còn đắm đuối, da diết nào bằng. Và câu thơ còn đẹp ở cả nhịp điệu tâm trạng của người đơn phương chờ đợi.
Có những mối tình đi ngang qua cuộc đời ngỡ thoảng như mây gió vậy mà trong thơ ông nó cứ “Ủ lại dưới trăng liềm” ở mãi trong nhau. “Ủ lại” ở miền rất thơ là một thái độ cất giữ, ấp iu nuôi dưỡng cho nó nảy mầm: “Nhớ cứ đầy lên non tơ ngày cũ”. (Ủ lại dưới trăng liềm)
Khi chiêm nghiệm về giông bão cuộc đời, thơ Vũ Đức Thanh lắng sâu trong suy tư, triết lý mà vẫn duy mỹ: “Tơ hồng còn rối lối mòn/ Gốc cây còn gió thì còn bão giông”. (Lục bát tạ tình). Hoặc: “Thời gian như ngựa chạy/ Nhân tình lầm lũi đi/ Có cái gì ở lại/ Mà vệ cỏ xanh rì”. (Thời gian như ngựa chạy)
Để sáng tạo cái đẹp cho thơ, còn phải ghi nhận điều này: Thơ Vũ Đức Thanh giàu tưởng tượng và liên tưởng làm cho câu thơ gợi cảm đập mạnh vào giác quan người đọc. Ví như câu thơ về Dục Thúy Sơn: “Sóng vỗ mòn vách núi/ Xanh dài con mắt quê”.
Câu đầu tả thực về sự phôi pha, hao mòn của núi Non Nước qua dòng chảy của thời gian, sông nước. Câu thứ hai nhiều ảo mộng do tưởng tượng liên tưởng mang lại. Nhà thơ đã gom cả núi Dục Thúy và dòng sông Đáy vào câu thơ “Xanh dài con mắt quê” vừa có đường nét, màu sắc; hình ảnh thơ vừa động lại vừa tĩnh nâng cả Dục Thúy Sơn bay lên cùng quê hương.
Đây là câu thơ viết về hòn Chồng ở biển Nha Trang - Khánh Hòa: “Chớp ngoài mắt đá/ Thành lời lứa đôi” (Hòn Chồng).
Câu thơ nhiều hư ảo, cảm nhận được mà không sao phân tích cho cụ thể, rạch ròi. “Chớp ngoài mắt đá” không biết là cái chớp của trời biển hay của “mắt đá”, song dẫu là cái “chớp” của đối tượng nào đi nữa thì nó vẫn là khoảnh khắc chớp sáng của tâm hồn thắp lên “thành lời lứa đôi” bất chấp cả sự cô đơn, khô khát của “Hòn chồng”.
Nàng vọng phu hóa đá chờ chồng thì thơ xưa và nay có nhiều người viết, mỗi người khám phá nét riêng trong bi kịch của nàng. Ở bài thơ “Vọng Phu” của Vũ Đức Thanh, tôi bị cuốn vào câu: “Gió mài ngực đá tận cùng… heo may”. Đá và người là một, mang bi kịch của nhau. Vọng Phu đau buồn với bao nhiêu “tiếng nấc” trước heo may suốt dọc thời chiến cũng như thời bình. Nỗi đau riết róng, chà xát, bào mòn thân thể Vọng Phu như “Gió mài ngực đá”, cạn kiệt cả con tim, thấm sâu vào “tận cùng heo may”. Còn có nỗi đau nào hơn nỗi đau ngóng chồng của “Vọng Phu” không?
Thơ ông đẹp còn nhờ vào giọng điệu trữ tình, mượt mà bay bổng phần nhiều do âm hưởng của thơ lục bát mang lại.
Dù viết về vấn đề gì thì nhà thơ Vũ Đức Thanh vẫn tìm đến điểm nhìn nghệ thuật dẫn thơ mình đi về phía cái đẹp giàu chất trữ tình thơ mộng thậm chí là cả mộng mỵ nữa do thi ảnh và nhịp điệu tâm trạng tạo nên. Đó chính là hồn cốt, tạng chất thơ ông; có một chút tiếc là trong tập thơ này còn đôi bài chưa đến được bến đậu của cái đẹp trong thơ.
Hy vọng rằng nội lực thơ Vũ Đức Thanh vẫn dồi dào để ông “ngược nguồn/ tìm hoa”, sáng tạo nhiều bài thơ hay mang lý tưởng thẩm mỹ mà ông đã lựa chọn.
Tam Điệp, tháng 7/2020
(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)