NGUYỄN THỊ BÌNH
Viết về người phụ nữ nói chung, người mẹ nói riêng luôn là mạch nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác của các văn nghệ sĩ. Chỉ nói về thơ đương đại Ninh Bình, cũng không thể thống kê hết có bao nhiêu tác giả, tác phẩm viết về mẹ?
Trong phạm vi bài viết này, tôi không thể bao quát hết hình ảnh người mẹ được khắc họa trong sáng tác của các nhà thơ Ninh Bình, mà chỉ dừng lại ở một số tác phẩm tiêu biểu, với mong muốn khẳng định thêm những đóng góp của các tác giả về một đề tài quen thuộc mà không bao giờ xưa cũ này.
Mẹ là ngôn từ đẹp nhất trong mọi ngôn từ. Ai đó đã nói rằng: “Vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt diệu nhất là trái tim người mẹ”. Theo mạch cảm hứng ấy, các nhà thơ Ninh Bình đều ít nhiều đạt được những thành công nhất định khi viết về đề tài này. Trong sáng tác của họ, mẹ đồng nghĩa với sự vất vả, nghèo khó, lam lũ, nhọc nhằn. Mẹ cũng đồng nghĩa với sự chịu đựng, hi sinh và tình thương yêu vô bờ bến, không chỉ cho con, mà còn cho quê hương, đất nước, cho mỗi cuộc đời. Tuy nhiên, hình ảnh Mẹ trong từng bài thơ vẫn mang những dấu ấn riêng, độc đáo.
Bếp nồng Ảnh của VŨ ĐỨC PHƯƠNG
Với nhà thơ Lâm Xuân Vi, hình ảnh người mẹ đã trở nên quen thuộc trong suốt chặng đường sáng tác của ông. Trong đó, “Mẹ” là một bài thơ tiêu biểu. Bài thơ đã tái hiện hình ảnh một người mẹ nghèo khó nơi đồng chiêm cồn cào lũ, với một nỗi đau chất nặng và một cuộc đời không bình yên: “Nỗi đau chất nặng khoang thuyền/ Mẹ sinh con lũ đồng chiêm cồn cào”. Đúng là “Trong khổ đau mẹ đẹp hơn nhiều”. Nhưng cái vĩ đại của người mẹ đồng chiêm chính là sự chịu đựng, hy sinh tất cả cho con, vì con: “Một đời sống chết vì con/ Giấc mơ cũng chịu héo mòn mẹ ơi/ Yêu đồng chiêm đến tàn hơi/ Trở về đất lại đắp bồi đồng chiêm”. Viết về người mẹ đồng chiêm, tác giả Vũ Hùng cũng có những câu thơ ám ảnh: “Mẹ tôi con gái làng Me/ Lưng ong, áo vá, chân se đất mùa/ Nửa đời chìm nổi với mưa/ Nửa đời xát nắng ruộng chua bạc đồng”. Tác giả Lê Thi Hữu lại rưng rưng xúc động khi viết về nỗi vất vả, gian nan của mẹ trong mùa lũ: “Đồng làng năm ấy nước to/ Mẹ tôi lặn lội thân cò bến sông/ Giỏ nùm buộc lệch mạn hông/ Ì oàm giữa đám rêu rong bọt bèo”.
Đi qua cánh đồng làng sau mùa gặt, tác giả Võ Ngột bồi hồi nhớ về tuổi thơ nghèo khó. Nơi ấy, có người mẹ già một nắng hai sương, dầu dãi nắng mưa khuya sớm trên cánh đồng làm ra bát cơm, hạt gạo nuôi con khôn lớn thành người: “Đi qua cánh đồng mùa gặt/ Tôi mót tuổi thơ/ Chìm trong kí ức/ Đời người một nắng hai sương/ Hạt gạo trắng từ bàn tay mẹ…”. Tác giả Thanh Thản lại khắc ghi nỗi nhớ và công ơn của mẹ theo một chiều liên tưởng độc đáo giữa màu xanh của cây lúa và màu tóc mẹ: “Giờ cây lúa vẫn xanh mà tóc mẹ bạc rồi/ Phải màu tóc đã trút cho sắc lúa? Để ngàn năm cây lúa còn nhớ mẹ/ Nên cong cong dáng mẹ trên đồng”. Mỗi nhà thơ đều có một cách rất riêng thể hiện tình mẹ. Người mẹ trong thơ Đinh Ngọc Lâm cũng là người mẹ chịu đựng, hy sinh thầm lặng, luôn nhận về mình nỗi vất vả, cực cay, dành cho con những gì tốt đẹp nhất trên đời: “Trên vai mẹ gánh niềm vui/ Mang chia, còn lại ngậm ngùi đắng cay”.
Những câu thơ, hay đó chính là nỗi niềm thành kính cất lên từ sâu thẳm đáy lòng? Ngôn từ làm sao nói hết được sự hy sinh to lớn và tình cảm vô bờ của người mẹ dành cho con? Bằng tình cảm yêu kính và lòng biết ơn chân thành, các nhà thơ đã tạc vào ký ức hình ảnh mẹ - người mẹ bao dung, tảo tần, lam lũ, chịu đựng, hy sinh, suốt đời sống chết vì con, vì đồng đất quê hương nghèo khó.
Ai cũng có mẹ, bà mẹ nào cũng thương con nhưng chưa hẳn đứa con nào cũng biết thương mẹ và cảm nhận được tình thương của mẹ. Vì thế, viết về mẹ không chỉ là nơi các tác giả gửi gắm tình mẹ, nơi thể hiện sự yêu thương, lòng biết ơn của tác giả đối với người mẹ một đời vất vả của mình, mà đó còn là lời nhắn gửi, sự sẻ chia với tất cả những ai có mẹ ở trên đời.
Nói đến hình ảnh người mẹ, không thể không nhắc đến bài thơ “À ơi tay mẹ” của nhà thơ Bình Nguyên. Bài thơ mở đầu bằng sự diệu kỳ của “Bàn tay mẹ”: “Bàn tay mẹ chắn mưa sa/ Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng...”. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh Bàn tay mang phép nhiệm màu của mẹ, che chắn cho con mọi khó khăn trở ngại trên mỗi bước đường đời... nhưng trên hết, vẫn là bàn tay dịu dàng của mẹ nâng niu, chăm chút cho con từ khi con nằm nôi. Bài thơ là lời hát ru nhẹ nhàng, đều đặn như nhịp võng đưa. Ta nhận ra trong lời ru ấy, có sự yêu thương trìu mến mẹ dành cho con, có niềm tin mãnh liệt của mẹ mong con khôn lớn thành người. Từ lời ru của mẹ con sẽ lớn khôn, lời ru của mẹ sẽ theo con đi suốt cuộc đời.
Lời ru À ơi và hình ảnh Bàn tay mẹ hoà quyện, xuyên suốt bài thơ, làm nên một giá trị tinh thần bền vững. Đó là tình mẹ. Tình mẹ chính là chỗ dựa cho con vững bước vào đời. Điệp từ “ru cho” và sau nó là một loạt hình ảnh, nhằm cụ thể hoá sức mạnh của lời ru, cũng đủ cho ta hiểu tình yêu của mẹ mênh mông biết nhường nào. Cho con, vì con, mẹ có thể làm được tất cả. Cái vĩ đại của người mẹ chính là ở sự hy sinh quên mình, không chỉ cho con mà cho cuộc đời còn lắm nỗi đau này nữa. Cứ đều đặn, thiết tha và sâu lắng như thế, khúc ru đã dẫn dắt ta đến cội nguồn của sự tin yêu. Không có gì giản dị và vĩ đại hơn tình mẹ. Tình mẹ chính là phép nhiệm màu hoá giải mọi khó khăn, trở ngại, hoá giải mọi đau khổ, bất công trong cuộc đời. Bài thơ À ơi tay mẹ đã làm sáng đẹp hơn hình ảnh người mẹ Việt Nam, bình thường mà vĩ đại, rất mực thương con, hy sinh tất cả cho con và cho chính cuộc đời này.
Nhà thơ Trần Lâm Bình viết về người mẹ chiến sĩ qua bài: “Viết tặng cho mình”. Bài thơ là dòng hồi ức xúc động về người mẹ nghèo, mỏi mòn trông đợi đứa con đi lính trở về. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh mẹ tiễn con ra trận. Giống như ngàn vạn cuộc đưa tiễn trong thời chiến, nhưng khung cảnh tiễn đưa ở đây lại in dấu ấn đậm đặc về một miền quê nghèo khó: Bến đò Hoàng Long dập dềnh kỷ niệm, mà kỷ niệm không thể xoá nhoà là hình ảnh “mắt mẹ ướt đẫm chiều sông”. Ở đây, sự hy sinh của mẹ được tính bằng thời gian đằng đẵng: “Mười tám năm ròng”; được tính bằng sự chịu đựng bền bỉ, diệu kỳ: “Mẹ nín tiếng thở dài/ Tiếng thở dài lần sau lặng hơn lần trước”; được tính bằng những hành động cụ thể: “Chiều chiều mẹ ra bến nước/ ngóng trời/ ngóng đất/ ngóng ngày sắp tắt/ ngóng đêm sắp mọc/ ngóng đợi lặng im”. Nhưng, tất cả đều vô vọng, trong căn nhà cô quạnh, mẹ chỉ còn niềm an ủi là tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Ngọn lửa héo thêm và lòng mẹ cũng héo hắt đi theo năm tháng. Mẹ đã không chờ được đến ngày con chiến thắng trở về: Hai mươi năm là khoảng thời gian đủ cho rất nhiều sự thay đổi. Đất nước hết chiến tranh. Người ra đi đã may mắn trở về. Trong sự đổi thay đó, người con đau đớn phải chấp nhận một sự thật: Mẹ đã không đợi được đến ngày con trở về. Tuy vậy trong tâm trí người thơ, hình bóng và những kỷ niệm êm đềm về mẹ mãi mãi không bao giờ phai nhạt.
Người mẹ trong thơ đương đại Ninh Bình được các tác giả khắc họa với những vẻ đẹp khác nhau. Hình ảnh người mẹ liệt sĩ trong thơ Ninh Đức Hậu qua bài thơ “Mẹ ngồi bấm đốt ngón tay” thật gần gũi, xúc động và có phần xa xót. Con của mẹ đã ra đi không trở về, mẹ thì ngày càng già yếu, đêm ngày thương nhớ con, mong sớm đến ngày gặp con. Hình ảnh “Mẹ ngồi bấm đốt ngón tay” lặp lại trong bài thơ, như khắc vào tâm khảm người đọc sự giản dị, gần gũi, thân thương của mẹ: “Mẹ ngồi bấm đốt ngón tay/ Chẳng bao lâu nữa đến ngày gặp con...”. Những câu thơ chở nặng tình nghĩa ấy, đọc lên nghe thật xót xa, xúc động trước tấm lòng rộng lớn và sự hy sinh cao vời của mẹ.
Viết về mẹ, tác giả Nguyễn Đình Vân khi đã có tuổi (đã lên ông), lại càng thấm thía hơn mỗi khi nghĩ về mẹ. Đó chính là cảm hứng để ông viết bài thơ “Mẹ con”. Nhìn “Mẹ gầy như cọng rơm thu”, tác giả chợt nhận ra: “Con chưa đủ lớn cho dù lên ông”. Ký ức về người mẹ một thời vất vả lại tới tấp ùa về. Trong những ký ức bộn bề ấy, lời ru ngọt ngào và vòng tay ấm nồng của mẹ, cùng những kỷ niệm tháng năm vất vả nghèo khó, sẽ mãi là hành trang theo ông trên những chặng đường đời.
Hình ảnh người mẹ trong bài thơ “Tình mẹ” của Đinh Hữu Niên cũng thật cảm động. Đó là một bà mẹ thân hình còm cõi, già nua “Hoẳm sâu hốc mắt”, với tấm áo nâu sồng nhuộm mật phù sa, mấy lần tiễn con ra trận… Nhưng bên trong cái thân hình tưởng như còm cõi tội nghiệp ấy là một sức chịu đựng bền bỉ, là tình thương con vô bờ và một niềm tin mãnh liệt “Ngóng cây ba tháng cậy bông một ngày”. Để có được niềm tin ấy, mẹ đã chịu đựng bao nỗi vất vả, mưa nắng "lấp kín mặt đồng" và cần mẫn như dòng sông chở nặng phù sa "đem bên lở đắp bên bồi". Và như vậy hình ảnh mẹ càng được tô đậm bằng sự nhẫn nại hy sinh không gì sánh nổi.
Không thể điểm hết những bài thơ viết về mẹ của các nhà thơ đương đại Ninh Bình. Mỗi tác giả thường có rất nhiều bài thơ về mẹ. Mỗi bài thơ lại có cách cảm nhận khác nhau, nhưng dẫu vậy, vẫn có một điểm chung nhất về mẹ, đó là sự giản dị mà vĩ đại, nghèo khó mà phi thường, chịu đựng mà bao dung… Trong thơ của họ, đều có mẫu số chung về mẹ đó là sự vị tha, lòng nhân hậu và đức hy sinh không gì sánh nổi. Và như vậy, hình ảnh mẹ trong thơ đương đại Ninh Bình vừa sáng lên những phẩm chất chung đẹp đẽ của các bà mẹ Việt Nam, vừa in đậm dấu ấn riêng độc đáo, làm phong phú thêm cho nền thơ đương đại Ninh Bình.
N.T.B
(Nguồn: TC VNNB 277-2/2023)