Thứ sáu, 13/09/2024

Ngân lên như một khắc khoải dịu dàng…

Thứ hai, 27/11/2023

Lời bình của NGUYÊN PHƯƠNG

Bàn tay em

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ

Đường tít tắp, không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời 
mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả
Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở…

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em

                      (Xuân Quỳnh)

Lời bình của NGUYÊN PHƯƠNG

Người yêu thơ Xuân Quỳnh hẳn đã quen với hình ảnh đôi bàn tay, biểu tượng của những đảm đang và yêu thương, những che chở và hi sinh vô bờ bến mà người phụ nữ dành cho những người mình yêu thương. Đôi bàn tay như một gia tài vô giá em trao anh cùng một trái tim yêu nồng nàn: “Bàn tay em gia tài bé nhỏ/Em trao anh cùng với cuộc đời” (Bàn tay em) ... Song không phải lúc nào cái ý nghĩa đã trở thành biểu tượng kia cũng nhất quán trong thơ Xuân Quỳnh. Đôi khi nó hệt một tiếng thở dài rất nhẹ chen vào giữa những cứng cỏi, phơi phới một tâm niệm cho một phúc phận mới, mà Xuân Quỳnh xem như thiên mệnh của mình và dũng cảm lựa chọn.

Trong bài thơ “Bàn tay em” khá dài, điệp trùng những bày tỏ đam mê, chân thật và hồn nhiên, có thể nhiều người sẽ không để ý lắm đến hai câu thơ khiêm nhường, giản dị giữa những ngôn từ đầy ấn tượng bởi sự da diết, bao dung và quyết liệt kiểu Xuân Quỳnh: “Đường tít tắp không gian như bể/ Anh chờ em cho em vịn bàn tay”

Hai câu thơ không đưa tới điểm nhấn về hình thức hay cấu trúc ngôn từ, kể cả tứ thơ cũng thật dung dị, nhưng nếu đọc nó bằng sự thấu nhận đàn bà, sẽ nhận ra một mong muốn sâu xa, rất mực đàn bà, rất đáng yêu, và cũng thật tội nghiệp của một người phụ nữ vốn bị số phận buộc phải luôn cứng cỏi hơn người cả trong cuộc đời và tình yêu. Đó là ước muốn được che chở thay vì chỉ nhọc nhằn chở che, được đỡ đần thay vì chỉ tận tuỵ đỡ đần, và được quyền yếu đuối như những mặc định xưa nay cuộc đời vẫn gán cho “phái yếu”. Đó là cái quyền mà những người đàn bà mạnh mẽ, đảm đang và nhân hậu ở cõi này, đáng tiếc, không mấy khi được nhận lại! Câu thứ nhất gợi lên hình ảnh người phụ nữ bé nhỏ cô độc vô cùng giữa không gian mênh mông mà chạnh nhớ câu Kiều rợn ngợp “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Không gian tiềm ẩn những điệp trùng bất trắc, với thăm thẳm dự cảm chẳng lành (rất khác với không gian bể (biển) thường được nhắc đến trong thơ Xuân Quỳnh: Biển của khát vọng: “Suốt cuộc đời biển gọi ước mơ/Nỗi khát vọng những chân trời chưa đến” (Biển); của nỗi nhớ: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được” (Sóng); của niềm yêu mãnh liệt: “Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió” (Thuyền và biển)... Và câu thứ hai là lời xin da diết, chân thành của một người đàn bà đã bắt đầu thấm mệt. Thấp thoáng trong lời xin “Anh chờ em cho em vịn bàn tay” là hình ảnh người đàn ông vô tâm tới vô tình, người đàn ông nhiều khi không nhớ ra bên lề cuộc đời mình vẫn còn một tình yêu nhẫn nại đã cảm thấy không chỉ cần một hình bóng mà còn là một bàn tay, khi trước mặt vẫn là con đường đời tít tắp, mịt mờ; tình yêu ấy mang tên đàn bà, người đàn bà bao dung và yêu thương, người đàn bà nhọc nhằn và buồn tủi, người ấy mong một bờ vai để được nương tựa, mong một bàn tay để được nắm chặt bàn tay…

Nhưng hình như mong ước của Xuân Quỳnh còn nhỏ nhoi hơn thế: “Anh chờ em cho em vịn bàn tay”. Câu thơ cứ phảng phất nỗi ngậm ngùi, cứ thấy như hiện ra trong tâm trí hình ảnh người đàn bà vẻ như bản lĩnh mà yếu ớt, chới với trong cả niềm đau và khao khát. Chỉ là xin người đồng hành chờ một bước cho có cảm giác thực sự là đồng hành. Xin được “vịn bàn tay” mà thậm chí, lời xin không hẳn để được vịn, được nương tựa, mà quan trọng nhất cho cả niềm khát khao và nỗi yếu đuối trong lòng người đàn bà là để có cảm giác được yêu thương. Còn nữa chăng, câu thơ là mong muốn tha thiết của Xuân Quỳnh về người đồng hành, mong người ấy đủ cứng cỏi để hiểu sự yếu mềm, đủ yêu thương để hiểu niềm khao khát, đủ dịu dàng để cảm được cái vịn tay tin cậy, yêu ơn lúc bình an cũng như khi hụt hẫng. “Vịn” với người đàn bà mạnh mẽ như Xuân Quỳnh đôi khi chỉ như một liều doping của tâm hồn để có thể giữ được năng lượng yêu ban đầu mà bước tiếp: “Tay ta nắm lấy tay người/ Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua” (Hát ru)…

Đó là ước muốn dịu dàng của người đàn bà cô đơn và đã gặp quá nhiều bất trắc! Người ấy muốn được làm một người đàn bà đúng nghĩa dẫu chỉ bằng một bàn tay vịn…

                                                                        N.P

(Nguồn: TC VNNB 285-10/2023)

 

Bài viết khác