Thứ hai, 20/05/2024

Vẻ đẹp của người phụ nữ Ja Rai qua truyện ngắn "Hoa cúc quỳ đã nở vàng rực rỡ"

Thứ năm, 20/10/2022

BÙI HẰNG 

Hoa cúc qùy, cái tên gợi đến miền đất đỏ - Tây Nguyên. Được nghe nhiều về sự tích loài hoa dại này nhưng không hiểu sao khi đọc truyện ngắn “Hoa cúc quỳ đã nở vàng rực rỡ” của Vũ Minh Nguyệt in trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình số tháng 7 năm 2012 lại có sức ám ảnh đến lạ. Chuyện kể về người con gái tên Thi, hiện thân của vẻ đẹp cả về hình thức lẫn tâm hồn đã phần nào thể hiện được tư tưởng, tình cảm nhất quán của tác giả khi chị viết về những người phụ nữ.

 

Với giọng kể nhẹ nhàng, uyển chuyển, tác giả đã khiến người đọc ấn tượng về Thi trong cảm nhận của Thuận. Thuận gặp Thi và “duyên tình” của họ bắt đầu từ khung cảnh của một buổi chiều cạnh con suối Lồ Ô. Họ gặp nhau trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Hàng tuần liền, chiều nào Thi cũng ngồi khóc bên cạnh con suối. Thuận cứ lặng lẽ ngồi bên cô gái chưa hề quen biết này. Thi được miêu tả là “đẹp nhất bản”: Cô gái có làn da màu mật ong căng mịn, khuôn mặt hiền lành và cô đơn, hai tròng mắt đen, to tròn nhưng hoang dã, hàng mi rậm, ánh mắt rực lên như đóa cúc quỳ sau cơn mưa bên bờ suối, có giọng nói trong veo như nước suối… “Thi mà cười là cái lũ con trai quên bước. Con gái thấy Thi cười cũng bắt chước cười theo. Có đứa trai nhìn thấy Thi, đêm về ngủ nằm mơ được cầm tay, tỉnh dậy vẫn còn thấy sướng cái bụng”. Theo tục nối dây của ông bà, Thi phải về làm vợ của anh rể khi người chị gái của mình xấu số bị con ma rừng bắt đi sớm. Với sức mạnh tiềm ẩn sẵn có trong sâu thẳm con người, Thi đã phản kháng quyết liệt không chịu chấp nhận một cuộc sống “phải ở chung với một người mà cái bụng không ưng”. Một trong những biểu hiện của một con người không chấp nhận thực tai đó Buổi sáng đi làm ngoài rẫy, Thi khóc thầm. Buổi chiều, Thi ra bờ suối ngồi khóc một mình, nước mắt của Thi nhiều như lá rừng Đắc Tô mà cái bụng vẫn chưa hết buồn”. Tinh thần ấy chỉ cần có cơ hội là nhen nhóm lên thành ngọn lửa cháy bùng khát vọng tự do, và cô đã gặp Thuận, Thuận đến và chia sẻ với nỗi lòng của Thi, Thuận đã bắt Thi về làm vợ đồng nghĩa với việc Thi mạnh dạn đã bước qua tục nối dây của ông bà để cùng Thuận xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống mà ở đó Thi được đón nhận tình yêu chân thành của Thuận, chàng trai người Kinh là bộ đội. Thuận dạy cô cái chữ, có chữ Thi được làm việc tại phòng đọc sách của đơn vị bộ đội, chung quanh Thi có chồng con và những người thương yêu nhất. Trời đất không nổi cơn giận dữ, không còn mưa như trút nước làm cho con suối Đắc Lơ đục ngầu, không còn những chớp sét như chiếc búa của chàng Đam Săn vang lên loang loáng, xé ngang bầu trời nữa. Ràng đã thuận lòng người.

Cuộc đời của Thi, nếu cứ diễn ra như thế thì sức ám ảnh đã không lớn. Nhưng nhà văn đã bộc lộ sự khéo léo trong dẫn dắt các tình huống, các sự kiện để hướng ngòi bút của mình vào những chiều cạnh của cuộc sống hiện đại. Thuận dẫn Thi về làm vợ, hơn ai hết Thuận cảm nhận được niềm hạnh phúc mà mình đang nắm giữ“Hai mươi chín tuổi, Thuận có thêm thằng Rin, lúc ấy thằng Ron chưa tròn hai tuổi. Nhiều đêm tỉnh dậy, nhìn ba mẹ con ôm nhau ngủ say, Thuận thấy mình hạnh phúc vô bờ…”. Nhưng hạnh phúc chỉ tồn tại ngắn ngủi, nó làm ta cảm thấy nhói lòng. Một ngôi nhà“nho nhỏ nhưng xinh xắn gọn gàng” kia đã gần như trở thành ngôi nhà hoang vắng “Khạp gạo chỉ còn tý chút, lu nước cũng cạn khô, trong bếp, phi nước vàng khè, đầy bọ gậy.... ”, cô gái Ja Rai ngày nào rực rỡ như đóa cúc quỳ, bây giờ héo úa phai tàn “Mắt Thi không còn ánh lên như ngọn lửa cao nguyên nữa. Cái mùi đắng ngai ngái của loài hoa hoang dã đã làm Thuận khó chịu vô cùng”. Vậy đâu là nguyên do của sự thay đổi về ngoại cảnh và con người như vậy? Phải nói đến Thuận, chính anh là tác nhân của sự thay đổi lớn lao ấy. Nhân vật Thuận được nhà văn miêu tả với hai tính cách thể hiện qua một sự kiện, Thuận của ngày trước và sau khi đi học trên thành phố. Có thể môi trường sống làm thay đổi thái độ sống của con người chăng? Trước khi đi học anh yêu thương vợ con vô bờ, yêu những gì anh đang có và lưu giữ chúng bằng những vần thơ. Bởi thế những vần thơ anh viết “Mang hơi thở của rừng, của đất... nét vẽ nào của Thuận cũng có hơi hướng của người con gái Tây Nguyên đêm đêm vẫn rúc đầu bên ngực Thuận. Lời hát ru con của Thi ngọt ngào như nước suối sau nhà ”. Sau khi đi học, những vần thơ của Thuận cũng bay bổng theo vũ điệu cuộc sống thị thành. Anh trở về nhà, chê Thi, chê cái không gian sống bé nhỏ của mình, chê những gì mà trước đó nó thuộc về  mình “Quanh đâu đây, mùi nước tiểu của con, mùi ẩm ẩm của áo quần và hơi nồng nồng hăng hắc của cây rừng” làm anh khó chịu. Một lẽ dĩ nhiên hợp với lô gic tâm lý lúc đó, anh nhớ đến nao lòng “mùi nước hoa có lan rừng Nam Phi, có cam tươi ngọt mát, có dịu dàng đắm say của Hương- cô bé tuổi hai mươi cùng khóa học đã dâng tặng tình yêu cho anh”. Thế nhưng sau kỳ nghỉ anh trở lại trường, mọi thứ đã đổi thay, cái tình yêu mà anh đặt niềm tin chỉ là ảo tưởng, kéo theo đó là những thất bại thể hiện trên những trang viết, anh bị các báo chê không tiếc lời bởi lối viết xa rời thực tế. Ở một truyện ngắn khác có tên Bầu trời ngoài ô cửa, Vũ Minh Nguyệt đã xây dựng hình ảnh một cô bé họa sỹ bị tật nguyền vẽ nên những bức tranh đẹp lắm, ấn tượng lắm nhưng vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì, đó chính là những bộn bề của cuộc sống, là tình yêu là sự trải nghiệm… Nói như vậy, để thấy rằng ở Vũ Minh Nguyệt, một ngòi bút nữ giàu vốn sống, giàu trải nghiệm, giàu đam mê mặc dù không đao to búa lớn, không triết lý văn chương, nhưng sau “Bầu trời ngoài ô cửa”  và “Hoa cúc quỳ vẫn nở vàng rực rỡ”  chị đã khéo léo bộc lộ quan điểm của mình về văn chương phải gắn liền với hiện thực cuộc sống.

Việc xây dựng hình ảnh nhân vật Thuận với những phút lầm lỡ gắn liền mối tình sinh viên ngắn ngủi, tác giả làm nổi bật lên thân phận của Thi. Câu chuyện tiếp tục dẫn dắt người đọc trong giọng kể tâm tình, thủ thỉ khi nhà văn miêu tả cuộc sống của Thi sau hai năm Thuận đi học về, mọi cái đã thay đổi, Thi không làm công việc trông coi phòng đọc của đơn vị nữa, hàng ngày “Thi chăn đàn bò của đơn vị, những con bò vàng rực triền dốc, chiều chiều đủng đỉnh theo Thi trở về chuồng. Thi xấu đi nhiều quá, người Thi hoi hoi mùi sữa, lại ẩm ẩm mùi mốc của quần áo thiếu nắng”.  Cuộc sống cứ đều đều diễn ra một cách trễ nải. Chỉ với hai từ láy chiều chiềuđủng đỉnhđã nói lên được nhịp sống và nỗi lòng của Thi. Nghe mà xót xa. Dường như Thi không nghĩ và không mong đợi một điều gì khác nữa. Có vẻ như nhà văn không cố ý xây dựng nên một nhân vật có tính cách nổi loạn dữ dội, như vốn thường thấy ở những người phụ nữ có cá tính. Ý tưởng của tác giả là đã hẳn, Thi là hiện thân của tinh thần chịu đựng, lầm lũi, rất đặc trưng cho người phụ nữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhưng vượt lên trên tất cả, là trái tim nhân hậu, bao dung, vị tha mà Thi dành trọn cho chồng - con - gia đình...

 Và Thi, cô gái như đóa hoa cúc quỳ sau mưa rực rỡ sẽ mở rộng lòng mình đón nhận và tha thứ những lỗi lầm của Thuận. Cuộc sống của gia đình người phụ nữ Ja Rai sẽ yên ấm trở lại sau những trở ngại, thử thách và có cả vấp ngã cũng như hoa cúc quỳ đi qua mưa nắng vẫn rạng ngời một màu vàng rực rỡ.

Bài viết khác