Thứ năm, 12/09/2024

Hình tượng gió trong thơ Bình Nguyên

Thứ tư, 06/07/2022

PHẠM NGA

Con đường, cây, cỏ, núi, sông, trăng, gió… là những hình tượng nghệ thuật mà nhà thơ Bình Nguyên dày công gieo trồng trên mảnh đất thơ trù phú của mình. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đã lựa chọn “gió” làm hình tượng thơ xuyên suốt các bài thơ, các tập thơ đặc biệt tập “Những ngọn gió đồng”.

Phải chăng tính chất vật lý của gió cũng giống đời sống tình cảm của con người khi dịu mát lúc bão giông, khi ấm áp lúc buốt giá, khi mơn man lúc dào dạt nên nhà thơ mới mượn gió vừa như là nơi gửi gắm, vừa để bộc bạch mọi nỗi niềm tâm sự riêng tư thầm kín tận đáy lòng, mà nhiều khi không dễ nói với ai. Mọi vui buồn, khổ đau, những thăng trầm của đời người hay là những khúc ca khải hoàn khi tình yêu đã vượt qua bão giông, ghềnh thác như con thuyền no gió thẳng tiến tới bến bờ xa,…  

Nhắc đến gió quê là nhắc đến quê hương nhắc đến những hình ảnh rất đỗi thân thuộc. “Chiêm bao gặp lại gió đồng /Trời ơi mát đến tận lòng gió quê” (Nhớ quê). Hay: “Rời phố phường tôi gặp ngọn gió quê/ Gió thổi một thổi đôi thổi như dắt tôi đi giữ bầy gió chạy” (Những ngọn gió đồng). 

Gió quê muôn đời vẫn chỉ là gió thôi. Gió vẫn mải miết không cần biết đến không gian của đất trời và lòng người, sự đời, mà sao nhà thơ thốt lên, reo vui như phát hiện một điều mới mẻ kì diệu. Phải chăng xa quê đã lâu, đã quen với không gian chật chội bức bối nơi phố thị nên khi trở về gặp lại gió đồng nhà thơ mới hân hoan háo hức đến thế. Gặp lại gió quê là gặp lại những gì thân thương quen thuộc gặp lại tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo, gặp lại kỉ niệm xưa còn vẹn nguyên in đậm trong kí ức. Những dư vị mặn mòi những “ngày muối mặn”, “những đau buồn” luôn ám ảnh trong tâm trí nhà thơ, nên khi gặp lại gió quê là những kí ức một thời tuổi nhỏ lại sống dậy, giội về. “Tôi trở về gặp buổi chiều mẹ vục bóng vào sông/ Gió thổi áo nâu mềm lại ngày muối mặn/ Thổi buốt tháng năm thổi tràn kí ức/ Thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây” (Những ngọn gió đồng).

Người đọc cảm nhận đủ vị mặn, buốt, chát, cay,… trong mỗi câu thơ, trong mỗi cơn gió thổi. Gió có thể lay, chạm, đến tâm thức người đọc, nhắc nhở mỗi người hãy biết nhìn lại, biết lưu giữ, biết trân trọng những giá trị cuộc sống ngày hôm nay đã phải đánh đổi bằng nhọc nhằn, gian khó, cay đắng và tủi cực từ hôm qua. 

Gió trong thơ Bình Nguyên còn là những khát khao cháy bỏng, là tình yêu thương mà người lính dẫu không thể trở về nhưng vẫn âm thầm bên người vợ vò võ đợi chồng: “Em có hay ta hóa gió/ Đêm đêm gió lọt kẽ mành (Tiếng vọng). “Ta” đã hóa gió, hóa vô thường, để đêm đêm được bên “em”, em có biết hay có nhận ra? Cả bài thơ (Tiếng vọng) chỉ với một từ gió mà dồn nén, chất chứa, gói gém bao nỗi nhớ nhung khắc khoải. Gió chính là anh. Gió vô hình đấy nhưng cũng hữu hình đấy, gió là hiện thân của tình yêu chung thủy. 

Những câu thơ, những hình ảnh trong thơ Bình Nguyên chỉ là gió cứ tưởng sẽ êm ái, nhẹ nhàng thoảng qua mà sao đọc lên lại có cảm giác nặng như đá. Nó cứ níu, cứ ghì, cứ găm, cứ ám ảnh tâm trí người đọc đến vậy. Phải chăng nhà thơ đã dồn hết cảm xúc, nén hết rung động vào từng câu từ trong bài thơ của mình, để mỗi từ, mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh chạm vào đáy sâu tâm thức người đọc. 

Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Nga Belinxki trước đây từng nói “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Điều này có thể thấy khá rõ khi hình ảnh người mẹ, người chị đi trong Bình Nguyên dung dị, chân chất, không gọt rũa, không tô màu, như chính cuộc đời của họ vậy. Gió trong thơ Bình Nguyên khi đặt bên cạnh hình tượng người mẹ, người chị càng làm rõ nỗi đau, nỗi cay đắng, nhọc nhằn, mất mát, cam chịu, hy sinh lặng thầm: “Con chẳng biết làm gì cho mẹ vào lúc này chỉ nhận về nước mắt/ Nước mắt mẹ đã đắng với gió trời lại chát vào lòng đất/ Lẩy bẩy bóng đêm, buôn buốt phía con nằm” (Mộ khói).

Con không thể trở về để mình mẹ với bao nỗi đắng cay tủi hờn, cực nhọc. Mẹ với gió bấc căm căm, với nỗi quạnh hiu cô lẻ. Nước mắt mẹ không biết rơi bao nhiêu lần. Những giọt nước mắt ấy không chỉ rơi vào lòng đất chát mặn mà còn “đắng với gió trời”. Trong trường từ vựng “đắng” được nhà thơ dùng không phải bằng vị giác mà bằng tất cả giác quan, xúc giác, thị giác, thính giác và bằng cảm nhận không chỉ thấm mà còn nghe, còn nhìn, còn thấy được vị đắng trong nước mắt của mẹ, nghe càng tê tái xa xót. 

   Còn với chị: “Gió mưa bạc một kiếp người/ Chị như đá dựng bên trời gió sương” (Chị). Gió sương lạnh lùng vô cảm một bên, chị đứng sững như đá, gai góc trơ lỳ, cô lẻ một bên. Tại gió mưa, tại số phận hay tại chính cuộc đời đã làm “bạc một kiếp người”. Tính từ “bạc” trong hoàn cảnh này được nhà thơ dùng như một động từ đủ để người đọc hình dung một kiếp sống với những long đong, lận đận với những đắng cay những tủi cực, những thử thách thậm chí mất mát bất hạnh. Đủ thấy gió kinh khủng đến nhường nào. Thiết nghĩ không còn từ nào đắt hơn từ “bạc” và cũng không có hình ảnh ẩn dụ nào sâu sắc khái quát hơn hình ảnh “gió mưa”.

Cũng từ những thử thách, đắng cay nghiệt ngã đó gió còn là thước đo để khẳng định phẩm hạnh cốt cách của chị: Cải không ngã gió mà ngồng/ Gió không ngã chị mà vòng trầm luân. (Nhớ chị Cát). Gió không thể làm ngã chị mà chỉ có  vòng trầm luân mới làm đời chị khổ cực, đắng cay, buồn tủi mà thôi. Chị vẫn như cây cải vươn mình trong giông gió mà sống một cuộc đời thanh bạch.

   Gió trong thơ tình Bình Nguyên còn là những cung bậc cảm xúc rất thật, rất sâu khi nói về tình yêu. Khi là những yêu thương cháy bỏng, khi là những hờn ghen, dỗi hờn, cũng có khi là hạnh phúc ngập tràn, khi thì mất mát đến tuyệt vọng. “Tôi thầm nói yêu em chỉ gió mùa thu biết/ Chỉ gió mùa thu biết lần đầu tôi đỏ mặt/ Chỉ gió mùa thu biết nỗi buồn tôi hôm ấy tiễn em về... Nỗi nhớ ngược về em chỉ gió mùa thu biết”

Lãng mạn, đắm say là thế, nhưng không cuộc tình nào cũng có một cái kết đẹp. Nên gió đành mang nỗi ưu tư buồn tủi: “Chỉ gió mùa thu biết trong em có một mùa thu khác/ Chỉ gió mùa thu biết, gió đã thổi rỗng tôi thành xác gió lâu rồi”(Chỉ gió mùa thu biết).

Vừa hạnh phúc tràn đầy hy vọng đấy, rồi lại thất vọng ngay đấy bởi chàng trai phát hiện trong em có một mùa thu khác, nghĩa là em không còn thuộc về ta, để ta lại với nỗi thất vọng đến nỗi “rỗng” không đến thành “xác gió”, thì quả thật nỗi buồn lên đến đỉnh điểm của sự tuyệt vọng. Từ “xác” và từ “rỗng” trong trường hợp này là đồng nghĩa, nó giúp nhà thơ diễn tả một cách tinh tế, chính xác tâm trạng nhân vật trữ tình. Hãy xem cách nhà thơ dùng từ đắc địa đến mức không thể thay bằng bất cứ từ ngữ nào khác thì đủ thấy sự nhảy cảm, chuẩn xác trong cách chọn chữ, dùng từ của nhà thơ.

Cũng từ gió để nhà thơ thể hiện triết lý nhân sinh, cái nhìn nhân văn: “Những chiếc lá trên cành/ Tơi bời trong gió thổi/ Muốn gỡ gió khỏi cây/ Suốt đời không gỡ nỗi” (Chiếc lá). Lá - gió không chỉ nâng đỡ cho nhau, làm mát cho nhau, mà có khi “gió” đã làm cho “lá” tổn thương đau đớn, “Những chiếc lá trên cành/ Tơi bời trong gió thổi” mới thấy cái phũ phàng, tàn nhẫn của gió nhưng không thể “gỡ gió khỏi cây”. Đấy phải chăng đó là quy luật muôn đời của đất trời, vũ trụ, là thực tế đôi khi con người hoàn toàn bất lực, đành phải chấp nhận phải trải qua như tất yếu không thể nào cưỡng lại được.

Tuy nhiên  nhà thơ vẫn có cái nhìn lạc quan, khi mùa đông qua đi, khi trải qua cái buốt lạnh, cái khắc nghiệt thì người ta lại tin tưởng, hy vọng vào mùa mới, vào những điều tốt lành, như những mầm non kia sẽ lại vươn chồi nẩy lộc, tươi tốt mỡ màng. “Cuối đông gió đã xác rồi/ Kìa trên xác gió bao chồi non tơ” (Cuối đông).

Đi hết những cung bậc cảm xúc, người đọc nhận thấy trong thơ Bình Nguyên đằng sau những thăng trầm cuộc sống, sau những mất mát đau thương, sau những đắng cay bất hạnh là sự bao dung của “gió”. “Những vạt cỏ vơi hương gió thổi lại đầy/ Ôi mùi huơng của cỏ gầy tinh khiết”...

“Gió chẳng bao giờ thổi tới chăng sao/ Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối” (Những ngọn gió đồng).

Rút cuộc gió là gì? Là ai? Là miền, cõi nào mà có thể làm mềm, làm dịu làm mát, làm đầy, làm sáng, ấm lên những yêu thương đánh thức lòng trắc ẩn, gợi những rung cảm nơi sâu thẳm tâm hồn con người. Và nhà thơ đã lí giải: Gió chẳng bao giờ thổi đến trăng sao. Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối. Gió vẫn chỉ là gió là những gì gần gụi, thân quen và bình dị nhất. Khi đã biết thổi cho nhau, biết tự mình mở lối thì gió là hình ảnh của những con người bình dị biết hy sinh, biết sẻ chia, đồng cảm, biết sống, biết đang hiến, biết cho đi, biết yêu thương và biết tự mình vươn lên. Gió hay chính người quê đã đạt đến chân thiện đủ để cảm, đủ làm mền, làm tan chảy những tảng băng vô cảm vẫn tồn tại ngay trong mỗi con người. Câu thơ như làm ấm bài thơ lên bởi cái nhìn nhân văn và sâu sắc của nhà thơ. “Ôi những ngọn gió quê muốn ghim tôi vào đồng nội/ Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi”. 

Có rất nhiều nhà thơ viết khá hay về gió, như nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài “Biển - Nỗi nhớ và Em” đã từng viết: “Gió âm thầm không nói/ Mà sao núi phải mòn/ Anh đâu phải là chiều/ Mà nhuộm em đến tím”,  hay như Nguyễn Bính, lãng mạn trữ tình: “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em” hoặc như Xuân Quỳnh “Với cái cát làm bàn chân rát bỏng/ Với cái gió làm chín lừ da mặt/ Mảnh đất cằn khoai sắn ít sinh sôi” (Gió Lào cát trắng), thì trong thơ Bình Nguyên hình tượng gió khiến người đọc trăn trở, suy tư, bởi gió trong thơ Bình Nguyên là bức chân dung đa diện, đa chiều, đa sắc. Để hiểu rõ hơn về gió trong thơ Bình Nguyên buộc người đọc phải đọc phải ngẫm và hình dung về gió trong mối quan hệ gió - với cõi đời, gió - trong triết lý nhân sinh, gió - trong chữ tình người, lẽ đời. 

Gió trong thơ Bình Nguyên là hình tượng nghệ thuật khi tác giả đã định danh “con đường gió, mảnh gió, xác gió, gió quê, gió sương...”. Bằng các thủ pháp nghệ thuật như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ,... khiến cho gió hiện lên trong thơ anh vừa thực, lại vừa hư, vừa tĩnh, lại vừa động, vừa đầy đặn, lại vừa trống rỗng, vừa hữu tình, lại vừa vô cảm... Ở chiều kích nào gió cũng gắn với số phận con người với cuộc sống nhân sinh. Gió trong thơ anh hiện lên với nhiều hình hài, màu sắc khác nhau, đa dạng và phong phú.

Rút cục trong thơ Bình Nguyên gió chính là con người được nhà thơ nhân hóa, ẩn dụ mà thành. Thế nên đời sống nội tâm của gió mới phong phú, phức tạp, đầy trắc ẩn đến vậy. Gió dịu dàng mát lành đấy nhưng cũng chất chứa bão bùng giông tố, gió tràn đầy ấm áp yêu thương đấy nhưng cũng lạnh lùng vô cảm: “Ngọn gió thổi đêm vẫn thường lật mặt”. Gió khi là ánh trăng “Ôi ngọn gió quệt vào đêm quang gánh/ Như đám trăng vàng trổ những bông sương (Cánh đồng trăng). Khi là nước mắt: “Gió mây thổi bạc cuộc đời/Ngàn năm nước mắt bên trời vọng phu” (Gửi nàng vọng phu). Khi lặng im, chính là lúc gió chất chứa trong lòng bão giông: “Nhưng bão đến là con đường từ lặng im của gió/Gió bắt đầu như em ấy lặng im” (Từ một chấm lặng im). Khi cất thành tiếng: “Đêm nào cô cũng ra nghĩa trang/ Nghe gió thầm thào trên cành mơ trắng” (Cô tôi). Gió thầm thào hay tiếng của người xa vọng về an ủi người cô. Khi bao dung độ lượng: “Gió không bao giờ thổi tới trăng sao/Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối” (Những ngọn gió đồng), nhưng nhiều khi lật lọng tráo trở: “Gió mát quá nhiều khi mà tái mặt”. Tại sao gió mát mà tái mặt? Phải chăng đằng sau là sự dối trá, điên đảo nên cái tưởng chừng mát lành ấy, nhiều khi cũng khiến con người ta nghi ngờ. Nhà thơ đã không ngần ngại đưa mảng hiện thực vào thơ để thấy mặt trái của xã hội, của sự thay lòng đổi dạ, để gió mang bộ mặt con người. 

Gió cứ âm thầm, nhẹ nhàng thổi vào mỗi trang thơ Bình Nguyên. Dù ở cung bậc cảm xúc nào thì gió trong thơ Bình Nguyên luôn mang nét thâm trầm kín đáo, sâu lắng khiến người đọc phải suy tư, trăn trở. 

P.N

(Nguồn: TC VNNB 266-6/2022)

 

 

 

Bài viết khác