Thứ hai, 20/05/2024

“Cỏ nghìn kiếp” vẫn tự xanh cho đời

Thứ sáu, 17/02/2023

Lời bình của HOÀN NGUYỄN

Kiếp cỏ

Có từ khi có gió mây
Đừng ai hỏi tuổi cỏ cây làm gì
Trăm ngàn vạn cái qua đi
Chỉ còn cỏ mãi như thì xanh xưa

Vùi trong gió dập trong mưa
Chút còn gọi lại dạ thưa với đời
Đem thân nối đất với trời
Cỏ vun từng bước chân người đi qua

Nghìn xưa đâu cũng là nhà
Nghìn sau nữa cỏ chỉ là cỏ thôi
Biết gần từ những xa xôi
Biết xanh tự những nắng nôi bạc màu

Chẳng bao giờ khuất nhau đâu
Cỏ nghìn kiếp trước kiếp sau kiếp này.

                                         (Bình Nguyên)

Khi nói đến sự thấp hèn, yếm thế người ta thường ví với kiếp cỏ “Ta như thân cỏ dại/ Lau lách giữa đường trần” (“Đá cuội bừng vui” - Niệm Nhiên). Khi nói đến những gì bền bỉ, dẻo dai của sức sống, người ta cũng ví với cỏ “Vượt lên dày xéo muôn loài/ Vượt lên tàn lụi miệt mài mà xanh” (“Lại nói về cỏ” - Lâm Xuân Vi). Khi nói đến phận người, người ta cũng ví với cỏ: “Sè sè nấm đất bên đường/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” (“Truyện Kiều” - Nguyễn Du). Cỏ không chỉ là cỏ nữa mà cỏ đã mang phận người, phận đời, ở đó có đủ hỉ nộ ái ố, có tham sân si. Cỏ hoàng cung và cỏ áo cộc. Và có một người, kiếp thi nhân, hẳn cũng rất nhiều trăn trở với đời, thao thức với người, những mừng vui từ những kiếp lãng du cũng đã mượn cỏ để nói, để viết và để bộc bạch. Cỏ lắng nghe, cỏ vỗ về và cỏ sẻ chia. Ấy là thi sĩ Bình Nguyên trong “Kiếp cỏ” của ông.

Nói đến Bình Nguyên là nói đến những tầng sâu của tâm hồn thi sĩ được dồn nén, ấp ủ có đủ nồng nàn ấm áp của một nỗi người trong thế sự. Là một Bình Nguyên sống nơi phồn hoa mà vẫn “hoa chanh nở giữa vườn chanh” chân chất đồng quê, vẫn “Nụ hôn mùi cỏ dại/ Ướp hương lúa hương đồng” (“Giêng non” - Gió Phương Nam).

Mấy ai tự đi tìm về tháng năm đời cỏ, mà tìm để làm gì? Cỏ vẫn mãi cỏ và vẫn thế, cứ tự xanh với chính mình mà không cần ai biết đến. Cái sự an nhiên sống, an nhiên xanh và an nhiên nảy nở của cỏ như vốn có của cuộc đời, như cỏ, tự làm nên đời cỏ, bởi cỏ đã là một phần của cái thế giới bé nhỏ trong vũ trụ bao la. Cỏ làm nên một thế giới hay cái thế giới bé nhỏ làm nên cỏ. Chắc chắn một điều, cỏ đã làm nên sự sống cho thế giới ấy. Vậy, hỏi làm gì, tìm làm gì, như gió như mây, như nắng như mưa của cuộc đời này đã cỏ. Và với cỏ tất cả chỉ là “Trăm ngàn vạn cái qua đi/ Chỉ còn cỏ mãi như thì xanh xưa”, một sự vĩnh hằng của chính sự sống của cỏ cho người. Có phải không, hoa thơm nhờ gió hay gió nhờ có hoa cỏ mà thơm, có như cỏ “hữu xạ tự nhiên hương”, để từ cỏ mà có câu đồng dao một thuở chơi ô ăn quan: “Hết quan toàn dân kéo về” cứ sống như đời cỏ với người qua muôn kiếp phù sinh.

Cũng như muôn loại, con người luôn tồn tại mối quan hệ với thiên nhiên và xã hội. Thiên nhiên đỏng đảnh, con người đa mang. Cái đỏng đảnh lúc mưa khi nắng, chút đa mang dằn vặt trở trăn. Nhưng trong mối quan hệ ấy, con người từ phụ thuộc vào thiên nhiên để hiểu thiên nhiên và từng bước cải tạo thế giới. Cũng từ đó mà có những ảnh hưởng, học theo và sống theo rồi đỏng đảnh với đời. Đấy chính là quá trình gian khó, vất vả của thất bại và thành công. Qua những sóng gió dập vùi, cỏ lại bật rễ, bật mầm mà sinh sôi xanh lại. Con người cũng qua mỗi vấp ngã mà trưởng thành và đứng dậy. Kiếp người, kiếp cỏ phân định bởi ý thức và vô thức. Nhưng ngay chính trong kiếp người, theo S.Phrớt cũng có sự tồn tại của vô thức, nó là khoảng trống trong cuộc sống khi những bế tắc bủa vây. Và như thế, dẫu kiếp người hay kiếp cỏ đã làm nên nét gạch nối, nét gạch đứt đoạn giữa đất trời vô định. Bởi thế mà, dẫu buồn vui khi “vùi trong gió dập trong mưa” vẫn còn đây lời “thưa thớt với đời”, cái phận “nối đất với trời” trong vòng xoáy cuộc sống, để rồi trong mối quan hệ tưởng như vô thường mà có được “vun từng bước chân người đi qua”. Đó không chỉ còn là mối quan hệ con người với thiên nhiên mà nó trở thành mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa phận người kiếp cỏ.

Sẽ có người đặt câu hỏi: Vậy cái đích đến của con người - kiếp cỏ ấy sẽ đi về đâu? Sự tồn tại ấy sẽ như thế nào trong sự tồn tại của tự nhiên? Cỏ ở đâu vẫn là cỏ, dẫu có bứng vào trồng trong các âu vàng, chậu bạc, để trong các vi la hay biệt thự, dẫu có ngự ở bất cứ chỗ nào thì cỏ vẫn cứ là cỏ, mãi chỉ là cỏ. Nơi ấy, nắng nôi hay gió táp, sang trọng hay bần hàn, cỏ không chê, cỏ không hờn, cỏ cứ hồn nhiên mà sống, mà xanh, mà bén rễ bật cành như tự “nghìn xưa” cho đến “nghìn sau”. Cỏ là thế và vẫn luôn mãi thế, cỏ tự biết vươn lên, trỗi dậy tự ngay chính nơi cỏ vấp ngã, cắt, đổ. Một sự tồn tại khách quan dẫu có thế nào, không lệ thuộc vào bất cứ điều gì, nó là quy luật của “tồn tại hay không tồn tại”. Sự mất đi không phải là đã hết, nó sẽ là nụ mầm cho mai sau, cho dài lâu, như chính sức sống mà tự thân đã có. Và đó chính là đích đến, sự khẳng định, mối lương duyên của con người - kiếp cỏ. Vàng son rồi cũng qua đi, khổ ải rồi cũng qua đi, dẫu là kẻ khoác áo hoàng bào hay kẻ áo cộc, vạt trước ngắn vạt sau dài rồi thì tất cả lại trở về với nguyên vẹn bản ngã như vốn dĩ của quy luật muôn loài, muôn đời đã trải. Ấy là lúc kẻ công hầu khanh tướng hay kẻ hành khất của đời, tất cả rồi cũng đất giang tay, cỏ đón về cho trọn vòng sinh tử, “Chẳng bao giờ khuất nhau đâu/ Cỏ nghìn kiếp trước kiếp sau kiếp này”. Có ai trốn được vòng tay cỏ.

“Kiếp cỏ” của thi sĩ Bình Nguyên chỉ có 4 khổ với 14 câu thể lục bát, một thể thơ thế mạnh của ông. Viết về cỏ mà không phải về cỏ, nó cứ đăm đắm một nỗi trăn trở, một triết lý nhân sinh. Trong “Kiếp cỏ”, Bình Nguyên triệt để tận dụng lối đối xứng, đối lập “xưa” - “sau”, “gần” - “xa” trong trạng từ chỉ thời gian và màu sắc “xanh” - “bạc” của tính từ để tạo nên độ sâu của ý nghĩ trong cảm xúc, trong trường liên tưởng của người đọc; đây cũng chính là phương pháp thường có tính nguyên tắc cơ bản được sử dụng trong hội họa để mang đến cho người đọc, người xem cách cảm mở, đa chiều, tạo trong tư duy sự biến thiên theo các biên độ của cảm xúc, tâm lý khi tiếp cận, như sự kế tiếp “kiếp trước”, “kiếp sau”, “kiếp này” mà ông đã dụng tâm dựng nên hình ảnh kiếp cỏ - phận người trên tấm toan mà cây cọ của ông làm chủ.

Tiếp nhận “Kiếp cỏ” mà không buồn, đau hay chán chường, tủi hận, hay an phận, chấp nhận, hay bế tắc, sầu bi. Ở “Kiếp cỏ” của Bình Nguyên ta nhận về nét nhẹ nhàng mà sâu lắng, mộc mạc mà đắm say, buồn mà không tủi, cứ bền bỉ, kiên cường và ngạo nghễ để tự xanh với đời.

Ninh Bình, tháng 3/2020

(TC VNNB 278-3/2023)

 

 

Bài viết khác