Thứ bảy, 21/09/2024

Những vấn đề đặt ra từ “Câu chuyện nơi bến sông”

Thứ tư, 14/06/2023

NGUYỄN THỊ BÌNH 

Người đọc bắt đầu chú ý đến cái tên Nguyễn Minh Ngọc qua cuốn tiểu thuyết đầu tay “Một đời người” - Nxb Hội Nhà văn, 2012 - Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình lần thứ V. Kể từ đó, tác phẩm của chị xuất hiện thường xuyên trên Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà. Tuy đã vào tuổi “thất tuần” nhưng chị vẫn bền bỉ sáng tác.  

Tập truyện ngắn Câu chuyện nơi bến sông - Nxb Hội Nhà văn, 2022 là tác phẩm thứ 4 của Nguyễn Minh Ngọc, gồm 18 truyện với những mảng đề tài khác nhau, truyện nào cũng ít nhiều mang ý nghĩa nhân văn; khi thì đem lại cho người đọc những suy tư day dứt về nhân tình thế thái; khi thì mang đến cảm giác nhẹ nhõm nơi độc giả vì người tốt được đền đáp, cái ác phải trả giá… Tựu chung lại, truyện của Nguyễn Minh Ngọc luôn hướng con người ta đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Đi theo xu hướng ấy, phần đa truyện của chị dù viết về đề tài nào cũng liên quan đến các vấn đề về nhân cách con người, mà rõ nhất là vấn đề vi phạm chuẩn mực đạo đức (Mộng làm giàu, Người hàng xóm, Hai chị em, Sự đời sòng phẳng, Bà già và em bé sơ sinh, Sống yên sao đành, Người trong mộng…). Truyện “Người hàng xóm” kể về hai gia đình giàu nghèo. Người giàu là gia đình ông bà Thăng, ông Thăng là Chủ tịch xã, quyền sinh quyền sát trong tay, con ông học dốt nhưng lại đi nước ngoài… Người nghèo là gia đình anh Toàn. Anh Toàn học khá, được ông đưa vào danh sách đi bộ đội đợt đầu, rồi bị thương được giải ngũ về quê. Anh có giấy gọi đi đại học, nhưng ông Thăng ỉm đi, nên anh đành ở nhà lấy vợ. Vợ đẻ sòn sòn năm con, gia đình túng quẫn. Đợt ra quân đầu năm 1972, quân số xã thiếu hụt, thế là ông Thăng động viên Toàn và một số anh em khác tái ngũ. Trong buổi lễ ra quân năm ấy, ông phát biểu hùng hồn: “Xin các đồng chí cứ yên tâm lên đường. Trách nhiệm của chúng tôi ở nhà là phải quan tâm đến gia đình các đồng chí”. Vậy mà khi nhà hết gạo, chị Nhâm (vợ Toàn) sai con sang nhà bà Thăng vay, bà đã không cho vay, còn đay đả, xỉa xói… Thương con, chị phải đội mưa lên núi tìm những cụm rún về làm thức ăn cho cả nhà, rồi không may gặp nạn, rơi xuống vực, để lại đàn con thơ dại và người mẹ già yếu. Cái chết thương tâm của chị là lời cảnh tỉnh cho những kẻ sống vô tình, vô lương tâm cần phải lên án trong xã hội. Còn Toàn, trở về từ chiến trường, biết được căn nguyên cái chết thảm thương của vợ, chứng kiến đàn con nheo nhóc, từ một người hết lòng vì đồng đội, Toàn trở thành kẻ bê tha, nhậu nhẹt bét nhè. Thật may, có người hàng xóm mới là cô giáo Thanh thấu hiểu và tận tình giúp đỡ cha con Toàn, anh đã bình tâm trở lại và sống tốt.

Chuyện “Sự đời sòng phẳng” cũng chạm đến vấn đề về đạo đức, thế sự. Ấy là lối sĩ diện hão, sống bằng vô ơn lừa lọc của nhân vật Tài. Ở nhà, Tài coi khinh mẹ đẻ. Ra ngoài xã hội, anh ta tạo cho mình cái vỏ bọc hào nhoáng. Tài vốn là Hiệu trưởng một trường Trung cấp võ nghệ của tỉnh nhà. Cưới được Hoài, một cô gái xinh đẹp tài giỏi, đoan trang, lại xuất thân trong một gia đình gia phong, nề nếp. Lẽ ra, những điều kiện ấy sẽ là cơ sở vững chắc để Tài phấn đấu. Nhưng không, tất cả chỉ là bàn đạp để Tài dễ bề thực hiện những phi vụ lừa đảo, tiền, tình và làm ăn phi pháp. Tài lừa tiền bố vợ khiến gia đình khánh kiệt tới mức ông uất ức sinh bệnh mà chết. Tài lừa được Diệp Anh con ông Thứ trưởng, cưới cô làm vợ, và tiếp tục quay cuồng trong tình, tiền, danh lợi. Kết cục Tài bị chính Diệp Anh và Thuần, người anh kết nghĩa của mình lừa lại. Một phát súng từ trung tá Thuần kết liễu cuộc đời của hắn. Kể ra kết thúc truyện có phần bi đát. Nhưng “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, đó là kết cục tất yếu cho một nhân cách sa đọa.

Bên cạnh những truyện phê phán đạo đức lệch chuẩn, Câu chuyện nơi bến sông vẫn có những truyện đề cao nét đẹp tình người. Những con người dù lâm vào tình cảnh khốn cùng, nhưng họ vẫn yêu thương, san sẻ, đùm bọc lấy nhau không hề toan tính. Đó là Thùy trong “Những mảnh đời ghép lại”. Bị cuộc đời xô đẩy, Thùy phải làm nghề bán thân kiếm sống. Khi đã hết duyên, Thùy quay về với nỗi cô đơn buồn tủi, vô vị. Cô nhặt được đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đem về nuôi nấng, chăm bẵm như con đẻ. Thấy tình cảnh đáng thương của bé Lê, Thùy cũng đem nó về cưu mang. Gặp lại Ban mới ra tù, hai người về sống với nhau. Họ trở về quê Ban gây dựng gia đình mới, về đến sân họ rất bất ngờ khi gặp bà lão rách rưới, thân hình da bọc xương, không nơi nương tựa. Thùy mời bà cụ ở lại ăn cơm và chắc chắn cô sẽ cưu mang bà cụ: “Chợt Thùy cảm thấy như có một cái gì nồng ấm thân thương và dịu ngọt vây bọc quanh cô”. Đó là bà Nhân (Bà già và em bé sơ sinh) cũng vậy. Bà gạt đi thành kiến, mặc cảm với ông chủ nhiệm Kha (người đã rắp tâm hãm hại con trai bà), để yêu thương chăm sóc đứa con gái thứ bảy của ông ta vừa chào đời đã không còn mẹ (mẹ nó chết vì băng huyết). Người cô trong “Cô tôi” tự nguyện hy sinh hạnh phúc riêng, chủ động cưới vợ hai cho chồng, để mong nhà chồng có người duy trì dòng giống… Tấm lòng bao dung độ lượng của người cô thật đáng cảm phục và trân trọng: “Xuất giá tòng phu, hạt lựu trơ gan cùng tuế nguyệt/ Ra về đất mẹ, cớ sao nhiều con lắm cháu thương”.

Truyện của Nguyễn Minh Ngọc khá giàu chất văn, cốt truyện tương đối hấp dẫn, những sự việc, tình huống, con người trong truyện khá gần gũi, quen thuộc tưởng như ta đã gặp đâu đó ngoài đời. Chỉ có điều, chị quá tham tình tiết, nên có cảm giác một số truyện còn lan man, dài dòng, chưa thật sự thanh thoát. Nhưng bù lại, chị thường có ý thức miêu tả ngoại cảnh, ngoại hình, qua đó góp phần khắc họa tính cách nhân vật. Từng là nhà giáo, nên chị rất sẵn “vốn liếng” khi viết về đề tài giáo dục. Các truyện: “Tuổi thơ của Lực”, “Đêm trăng thu”, “Về thăm cô giáo”, “Câu chuyện nơi bến sông” đều được chị gửi gắm tình cảm, tâm huyết của mình vào từng nhân vật, từng câu chữ. Thế nên, ở đề tài này, nhân vật chính thường là chính diện: Một cô giáo Tần (Tuổi thơ của Lực) hết lòng vì học sinh. Cô đã bao bọc, chở che, cưu mang Lực - một học sinh cá biệt. Việc làm này của cô bị chồng phản đối quyết liệt đến mức họ phải ly hôn (sau khi Lực lấy cắp sợi dây chuyền vàng 5 chỉ và trốn biệt). Không quản mưa rét, vất vả, cô lặn lội cả tháng trời mới tìm được Lực, đưa em về dạy dỗ nên người; Một cô giáo Thanh (Người hàng xóm) bước qua mặc cảm, cảm hóa người hàng xóm bằng tình thương, niềm tin. Cô kèm cặp, dạy dỗ mấy đứa con trộm cắp, thất học của Toàn nên người. Một cô giáo Hạnh (Về thăm cô giáo), rất ân cần tận tình chỉ bảo học sinh. Cô không hề có thái độ phân biệt trong giáo dục, yêu thương học sinh như con đẻ. Nhờ vậy, cô đã hóa giải những mâu thuẫn hiềm khích của các nhóm học sinh, cảm hóa được những học sinh cá biệt. Kết quả là các em biết yêu thương nhau, chăm chỉ học hành và đều trở thành những con người đỗ đạt.

Viết về chiến tranh cũng là đề tài Nguyễn Minh Ngọc quan tâm và cũng có những truyện thật cảm động. Tuy hình tượng người lính thường xuất hiện gián tiếp, nhưng họ vẫn toát lên phẩm chất đẹp đẽ của anh bộ đội Cụ Hồ. Đó là vẻ đẹp của chiến sĩ Hải (Chỉ có một tấm lòng). Trên đường hành quân, Hải san sẻ cho đồng đội từng giọt nước trong bi đông, mang đỡ những người yếu hơn chút đồ. Trong chiến đấu, Hải mưu trí, dũng cảm quên mình vì đồng đội. Một lần bị thương nặng, tưởng anh đã hy sinh, trong lúc nguy cấp, đồng đội đành bỏ Hải lại... Hơn một năm sau, qua đài địch, mọi người hoang mang và căm phẫn khi hay tin đã Hải chiêu hồi. Nhưng sự thật là khi rơi vào tay giặc, Hải nghĩ “lùi một bước để tiến”, sau đó, anh được một người anh em họ bảo lãnh và làm nghề sửa xe kiếm sống, chờ liên lạc với đơn vị. Rồi Hải bị bắt lính. Một lần bị tên chỉ huy chỉ định đích danh Hải phải cầm quân ra trận. Anh chống lệnh, lời qua tiếng lại, nhanh tay Hải bắn chết ba tên chỉ huy rồi tự sát để bảo toàn danh dự. Qua cuốn nhật ký Hải để lại, đồng đội và người yêu của anh càng hiểu rõ và yêu thương anh hơn, họ hứa sẽ minh oan cho Hải.

Trong chiến tranh, điều gì cũng có thể xảy đến. Bên cạnh những người con trung hiếu, dũng cảm, gan dạ như Toàn, Hải, Hòa… còn có những kẻ hèn nhát, xấu xa, cơ hội như Mạnh, Tam. Qua truyện “Người trong mộng”, bằng phương pháp huyền ảo, người trong mộng trở về đối chất với kẻ sống, dần dần bộ mặt thật của Tam bị phơi bày. Tam, Trung, Hiếu là ba người con của làng Xuân Trang cùng lên đường nhập ngũ, duy chỉ có Tam may mắn chống nạng trở về làng. Trong bộ dạng “thương binh”, Tam luôn tìm mọi cách ba hoa với dân làng về cảnh chiến trường ác liệt, về sự dũng cảm của mình… Tam còn cậy mình là “thương binh”, đưa ra những yêu sách, đòi xã phải đáp ứng, trong khi hắn đã được bà con xây cho một ngôi nhà tình nghĩa sát mặt đường. Nhưng Tam sống không ngày nào yên vì luôn gặp ác mộng bởi chính những việc làm khuất tất, xấu xa của hắn. Cái chân bị cưa là do hắn đi ăn trộm nên bị đánh dập ống chân. Sau đó, hắn “chạy” để được chứng nhận thương binh. Ngày ngày, Tam sống trong đau đớn bởi cái chân què sưng tấy. Hắn đã ước: “Giá mà được chết như thằng Hiếu và thằng Trung thì hay biết mấy?”. Kết thúc truyện, hắn rơi vào tình trạng hôn mê. Tuy trò lừa lọc của Tam chưa bị phát giác, nhưng lương tâm của hắn luôn tự kết tội hắn. Hắn sống không bằng chết.

Thông qua những số phận cụ thể, Câu chuyện nơi bến sông của Nguyễn Minh Ngọc đặt ra những vấn đề về đạo đức xã hội và trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân và xã hội rất đáng suy ngẫm... Tuy vẫn còn vài hạn chế, nhưng tác phẩm vẫn là một thành công đáng kể của chị.

                                                                                                                                                                                               N.T.B

(Nguồn: TC VNNB 280-5/2023)

 

Bài viết khác