VŨ KHÁNH PHƯỢNG
Bài thơ “Những ngọn gió đồng” của nhà thơ Bình Nguyên có một không gian ngập tràn hương vị đồng quê. Không gian ấy chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những xúc cảm đẹp đẽ ngày một thêm xanh tươi.
Trong một công trình nghiên cứu về thi pháp học, GS. TS Trần Đình Sử chỉ ra rằng: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Đó là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống”. Theo đó, độc giả có thể nhận thấy, không gian bối cảnh trong bài thơ Những ngọn gió đồng là không gian thân thuộc, gần gũi của làng quê với hình ảnh cánh đồng, dòng sông, những vạt cỏ gầy… Tuy nhiên, qua góc nhìn đầy sáng tạo của nhà thơ Bình Nguyên, không gian bối cảnh ấy đã trở thành không gian nghệ thuật khi bất chợt nhân vật trữ tình có một cuộc rời đi để trở về gặp gỡ:“Rời phố phường tôi gặp ngọn gió quê”.
Ta đã từng biết đến những cuộc rời đi mang đầy nỗi niềm trăn trở, băn khoăn về sự đổi thay trong lòng người cất bước: “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng? (Việt Bắc - Tố Hữu), hay “Từ ngày về thành phố/ Quen ánh điện cửa gương/ Vầng trăng đi qua ngõ/ Như người dưng qua đường” (Ánh trăng - Nguyễn Duy). Khác với những nỗi niềm ấy, ở câu thơ của Bình Nguyên, qua giọng thơ tự sự, dường như con người khao khát được trở về ấy không muốn vòng vo, dài dòng bởi cảm xúc đã kịp dâng trào khi vừa “rời phố phường” đã “gặp ngọn gió quê”. Đó là sự bất ngờ đầy háo hức!
Và đúng là “nhanh như một cơn gió”, dường như nhân vật tôi chưa kịp đặt chân xuống không gian quen thuộc nơi trảng cỏ, nơi đất cát đồng quê thì những ngọn gió tinh nghịch, hồn nhiên như lũ bạn thời thơ ấu đã ùa đến mà “Thổi một thổi đôi thổi như dắt tôi đi giữa những bầy gió chạy”. Câu thơ bỗng dài ra như cơn gió, dài ra như những cánh tay nối nhau hối hả, dài như tiếng nói tiếng cười trong veo vọng về từ thơ ấu. Nhịp thơ dồn dập như nhịp đập rộn ràng của trái tim đầy hưng phấn. Tất cả như cuốn lấy, thôi thúc kẻ còn đang bỡ ngỡ rưng rưng ùa vào với đồng nội thân thương.
Thơ Bình Nguyên có rất nhiều bài đều gợi cảm hứng từ sự di chuyển, sự chuyển biến của không gian hay của nhân vật trữ tình: “Tiễn chồng đi thủa trăng non/ Rồi nàng lên núi bồng con đợi chồng” (Gửi nàng vọng phu); “Không có con đường đi thẳng đến tình yêu/ Nên người yêu nhau hẹn nhau vòng đá núi” (Gửi em từ Khâu Vai); “Ngày gió giật từng cơn như muốn thổi sông đi/ Như muốn dìm mẹ trong nước mắt” (Khúc hát sông Đáy); “Giấc đêm nào ta cũng gặp cha đi ra cánh đồng vào mùa lên mật/ Gặp những bông lúa ngả vào vai mẹ đêm về còn thơm đầy tóc/ Gặp rạ rơm bọc giấc ngủ chị dâu khi trở mùa gió bấc…” (Nhớ làng).
Và dù chuyến đi ấy phía trước là đường thẳng hay đường vòng, chuyến đi ấy là ra đi hay trở về, là hư hay thực thì cũng đều trở thành cái cớ cho những yêu thương, ngóng đợi, mong chờ tràn về trong tâm tưởng. Xuất hiện cùng với không gian mênh mông của làng quê, những ngọn gió khi thì tàn nhẫn trong những trận cuồng phong mùa mưa lũ “Ngày gió giật từng cơn như muốn thổi sông đi/ Như muốn dìm mẹ trong nước mắt”, lúc lại lạnh thấu xương đứa trẻ nghèo “Khi cái rét tràn về thổi rách tuổi thơ tôi”, nhưng ở tác phẩm này, ngọn gió đồng trở thành sứ giả, thành người dẫn đường nhiệt thành trong hành trình tìm về kí ức của nhà thơ. “Gió thổi một thổi đôi thổi như dắt tôi đi giữa những bầy gió chạy/ Tôi đông cứng gió thổi tôi mềm lại/ Để như sông dào dạt phía ruộng đồng”.
Người chủ động trở về thăm quê bỗng trở thành kẻ thụ động trước sự vồ vập của những ngọn gió đồng mỗi lúc một đông hơn, từ “một” đến “đôi” rồi ríu rít cả một “bầy”. Nhân vật tôi gặp lại linh hồn của quê hương, thứ gió lồng lộng, miên man, hoang dại mà người ở phố phường không bao giờ thấy được. Trước gió đồng, nhân vật trữ tình thoắt biến thành trẻ nhỏ, để mặc gió dắt đi như cô bạn nhỏ thủa nào hồn nhiên kéo tay mình băng trên vạt cỏ, như lũ bạn tinh nghịch chơi đuổi bắt khắp cánh đồng. Gió đồng thức tỉnh “tôi” từ con người đang “đông cứng” bởi ngột ngạt những khói bụi, bởi những lo toan tẹp nhẹp đời thường, bởi những xô bồ phố thị bỗng trở nên “mềm lại”, thư thái, thảnh thơi với những thương yêu lắng đọng. Gió đồng cảm hóa “tôi” từ chai cứng trở nên dạt dào như dòng sông, như đồng ruộng. Hình ảnh nhân hóa sinh động, cùng những so sánh liên tưởng thú vị đã làm nổi bật những chuyển biến trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Ngọn gió vô tri đã kéo người đi xa trở về hoà mình cùng không gian của thiên nhiên hòa mình thành dòng sông quê hương dạt dào dâng hiến phù sa cho đồng ruộng.
Trở về với quê hương là trở về với không gian của kí ức. Con người ấy càng như được sống lại bao năm tháng gắn bó cùng quê hương, biết bao kỉ niệm ùa về: “Tôi trở về gặp buổi chiều mẹ vục bóng vào sông/ Gió thổi áo nâu mềm lại ngày muối mặn/ Thổi buốt tháng năm thổi tràn ký ức/ Thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây”.
Cũng như kí ức của những con người đã trải qua mấy mươi năm thị thành, kí ức của nhân vật tôi được ngọn gió đồng lật giở từng trang, mà trang đầu tiên mang đậm nét trầm lặng của nhớ thương đong đầy bóng dáng mẹ. Không phải là gặp lại mẹ trong bóng chiều mà là gặp “buổi chiều mẹ vục bóng vào sông”. Không phải gặp hình ảnh mà gặp lại cả khoảng thời gian đã in hằn trong tâm trí người con xa quê. Hình ảnh người mẹ vục bóng vào sông cũng là khởi nguồn cho nỗi xúc động nghẹn ngào của nhân vật trữ tình khi chạm vào kí ức “ngày muối mặn”, “tháng năm buốt giá”, “những đau buồn”. Ngọn gió đồng trở thành ngọn gió mát lành an ủi, sẻ chia với những nhọc nhằn nơi thôn quê, thổi đi những buốt giá đời người. Ngọn gió ấy còn tràn vượt cả qua thời gian, không gian quá khứ, “thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây”. Ngọn gió ấy có sức mạnh diệu kì, như một phương thuốc thần tiên chữa lành những vết thương đau, lấp đầy khoảng trống trong lòng người và thanh lọc tâm hồn con người…
Không gian nghệ thuật từ mênh mông kí ức bỗng được thu hẹp lại nơi vạt cỏ dưới chân người trở về. Đó phải chăng là cái cúi đầu suy tư, chiêm nghiệm từ những điều giản đơn, nhỏ bé của nhà thơ: “Những vạt cỏ vơi hương gió thổi lại đầy/ Ôi mùi hương của cỏ gầy tinh khiết/ Đời đất cát lên hương từ đất cát/ Nên mới thơm chân thật đến ngọt ngào”.
Dù nhìn về quá khứ hay sống với thực tại, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những ngọn gió đồng với những khả năng huyền bí của nó. Gió từ kí ức “thổi mềm lại”, “thổi buốt”, “thổi tràn”, “thổi mát”, và đến hiện tại gió vẫn miệt mài thổi nâng đỡ những mầm sống dù nhỏ nhoi, “thổi đầy” lại hương thơm của nội cỏ - thứ hương thơm được chắt ra từ đất cát quê nghèo, tinh khiết và thơm chân thật đến ngọt ngào”. Nói là hương cỏ “thơm chân thật” thì ta hiểu đó không chỉ là thứ hương thơm tự nhiên toả ra từ đất cát, mà đó còn là hương thơm từ cội nguồn, từ những điều chân chất, sáng trong của hồn quê, của tình đất. Phải chăng, khoảnh khắc con người nhận ra không gian thân thuộc với hương cỏ dại vẫn đầy ăm ắp, vẫn tinh khiết, chân thật và ngọt ngào sau bao mùa mưa nắng ở thôn quê cũng là lúc con người có cơ hội nhìn lại chính mình trong những đổi thay. Liệu cái chân quê thật thà có còn nguyên vẹn trong ta?
Cũng từ những điều đẹp đẽ mà những ngọn gió đồng mang lại, nhân vật trữ tình đã nghiệm ra rằng, không gian của những ngọn gió đồng là không gian bất biến: “Gió chẳng bao giờ thổi tới trăng sao/ Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối”.
Những ngọn gió quê mùa chẳng ham đuổi theo những giấc mộng phiêu du cùng trăng sao trên bầu trời xa xôi mà cứ mặc nhiên sống hết cuộc đời của chúng với đất cát nhà quê, gắn bó với dòng sông, cánh đồng, vạt cỏ. Hình ảnh gió đồng đã được nhân cách hoá trở thành những thực thể biết sẻ chia, biết yêu thương đùm bọc “biết thổi cho nhau” vơi bớt những nhọc nhằn, buồn khổ. Những ngọn gió đồng không chịu khuất phục trước những thử thách chông gai, “biết tự mình mở lối”. Những ngọn gió đồng thuỷ chung, gắn bó với đồng quê dù vạn vật có đổi thay. Nó trở thành biểu tượng của những giá trị vững bền, mãi mãi nơi làng quê.
Bởi vậy, mỗi lần trở về với đồng nội là một lần lòng người được trở về với thuần hậu, nguyên thuỷ trong một xúc cảm dâng trào: “Ôi những ngọn gió quê muốn ghim tôi vào đồng nội/ Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi”.
Gió đã dắt ta đi dọc miền kí ức từng bị lãng quên, đưa ta trở về trong vòng tay âu yếm của mẹ quê hương. Gió như “muốn ghim” ta lại hay chính tâm hồn ta chợt trào dâng một khát vọng được trở về gắn bó với quê hương, trở về với thật thà chân chất? Câu thơ vừa bộc lộ tình cảm yêu mến thiết tha của nhà thơ với quê hương, vừa gợi trong lòng độc giả nhiều suy tư trăn trở.
Vẫn là những ngọn gió thức tỉnh, ngọn gió neo giữ tâm hồn nhà thơ ở không gian đồng nội ấy: “Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi”. Hẳn rằng, ai đã từng đi ngược gió giữa đồng ruộng mênh mông sẽ hiểu được cảm giác bị gió thổi ngược lại. Chi tiết chân thực này được nhà thơ đặt ở vị trí kết thúc như một điều hiển nhiên rằng có gặp gỡ rồi sẽ có chia ly. Nhưng hành động “bước ngược” của nhân vật trữ tình vướng vào sự đáo để của những ngọn gió đồng “thổi ngược”. Câu thơ tồn tại hai từ “ngược” tưởng như tạo nên sự đối cực, giằng xé, đấu tranh tư tưởng một cách gay gắt. Nhưng không, dù có bao nhiêu lí do để “bước ngược cánh đồng” thì những ngọn gió ấy vẫn đủ sức níu ta lại với chân quê, mộc mạc. Phải chăng đó là niềm tin mãnh liệt của Bình Nguyên vào những giá trị bền vững của quê hương, niềm tin vào con đường tìm về nguồn cội, tìm về những chân chất nhà quê của con người giữa xô bồ phố thị?
Không gian trong thơ Bình Nguyên là không gian của sự thanh bình, dân dã. Nhưng đó cũng là không gian của sự hồi sinh cảm xúc, của những suy tưởng, chiêm nghiệm sâu xa. Không gian ấy trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của nhà thơ như một hằng số, ở đó luôn có một cái tôi hoài niệm. Không gian nghệ thuật trong “Những ngọn gió đồng” cũng vậy, đó là không gian sống động từ phố phường đến thôn quê, từ hiện tại về quá khứ, từ không gian thực đến suy tưởng dưới sự dẫn đường của những ngọn gió đồng. Ngọn gió càng thuỷ chung son sắt, càng dạt dào tình cảm bao nhiêu thì càng khiến tâm hồn con người được “thổi mát”, càng thấy ăn năn day dứt bấy nhiêu.
Và có lẽ, Bình Nguyên cũng muốn nhắn nhủ rằng, con người cũng cần nhiều hơn nữa những chuyến đi về để gặp lại mình với bao điều tưởng như đã chìm vào quên lãng.
V.K.P
(Nguồn: TC VNNB 280-5/2023)